Xóa chồng chéo các luật đầu tư kinh doanh, tăng trưởng GDP có thể đạt 9 – 10%
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
Khẳng định tháo gỡ những điểm chồng chéo sẽ “mở đường” cho đầu tư, huy động được nguồn lực toàn dân, Chủ tịch VCCI cho rằng tăng trưởng kinh tế sẽ có thể đạt mức 9-10%.
Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2019, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đưa ra kiến nghị ba vấn đề về môi trường kinh doanh.
Khẳng định cần những giải pháp xây dựng cộng đồng doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, góp phần phát triển triển kinh tế bền vững trong bối cảnh hội nhập, Chủ tịch VCCI cho rằng, phát triển bền vững, kinh doanh liêm chính và có trách nhiệm là lẽ sống của doanh nghiệp trong thời hiện đại.
Việt Nam cũng đã xây dựng chương trình quốc gia và thành lập hội đồng quốc gia về phát triển bền vững, vấn đề này cũng đã được lồng ghép vào các chiến lược phát triển kinh tế xã hội.
“Do đó, đề nghị Chính phủ kiến nghị Quốc hội ban hành luật kinh tế tuần hoàn và có chính sách ưu đãi, khuyến khích các sáng kiến và giải pháp đổi mới sáng tạo thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Việc định hướng khung khổ pháp luật và chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn rất quan trọng”, Chủ tịch VCCI khẳng định.
Đặc biệt, TS. Vũ Tiến Lộc đã kiến nghị ba vấn đề để cải thiện môi trường kinh doanh.
Thứ nhất, VCCI đã chỉ ra 20 điểm chồng chéo lớn của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, đấu thầu.
“Các bộ ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cũng thừa nhận những điểm chồng chéo này. Nhưng chúng ta giải quyết rất chậm chễ”, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Do đó, Chủ tịch VCCI đề nghị Chính phủ chủ trì cùng UBTV Quốc hội cùng các bộ ngành liên quan cùng ngồi bàn xem xét cụ thể từng điểm chồng chéo.
TS. Vũ Tiến Lộc đề nghị, dùng 1 luật sửa nhiều luật, dùng 1 nghị định sửa nhiều nghị định, tháo gỡ ngay những điểm chồng chéo này để mở đường cho đầu tư phát triển.
“Nếu tháo gỡ được những điều này thì chúng ta có thể huy động được nguồn lực từ toàn dân, đẩy nhanh tiến độ đầu tư. Bởi, hiện thủ tục cấp phép đầu tư kéo dài 2-3 năm, nếu có thể hoàn thành trong 6 tháng hay sớm hơn 1 năm thì toàn bộ quá trình đầu tư sẽ nhanh hơn rất nhiều”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Đặc biệt, TS. Vũ Tiến Lộc nhận định, nếu tháo gỡ được những điểm chồng chéo “mở đường” cho đầu tư, tăng trưởng nền kinh tế sẽ có thể đạt tới 9-10% “Do đó, đây là điều cần ưu tiên xử lý sớm so với các công việc khác”, Chủ tịch VCCI nói.
Thứ hai, Chủ tịch VCCI đề nghị chính thức hoá hộ kinh doanh. “Đưa hộ kinh doanh thành đối tượng điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp với tư cách là loại hình doanh nghiệp một chủ theo thông lệ quốc tế. Đây cũng là mục tiêu thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ”, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Theo đó, mỗi hộ kinh doanh đều được đăng ký bởi một cá nhân đại diện cho hộ, tức là về bản chất, hộ kinh doanh chính là doanh nghiệp một chủ theo khái niệm chung của thế giới.
Về bản chất kinh tế, pháp lý và thực tiễn, các hộ kinh doanh, trước hết là các hộ kinh doanh có đăng ký, chính là một loại hình doanh nghiệp nhưng lại chưa được coi là doanh nghiệp và nhiều hộ kinh doanh hiện tại đang có quy mô, và số lao động được sử dụng thậm chí còn lớn hơn các công ty. Đó là một trong những khiếm khuyết lớn nhất trong hệ thống pháp luật về doanh nghiệp hiện hành.
Thứ ba, TS. Vũ Tiến Lộc kiến nghị sớm hoàn thành khung pháp lý về hợp tác công tư (PPP). “Hoàn thành khung pháp lý về PPP đảm bảo minh bạch, an toàn, đảm bảo huy động được nguồn lực xã hội không chỉ với các dự án hạ tầng, mà còn các đề án sản xuất kinh doanh”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Cũng theo Chủ tịch VCCI, hiện các doanh nghiệp tư nhân lớn đang đầu tư vào các ngành kinh tế mũi nhọn như sản xuất ô tô, công nghệ thông tin… Đây là những lĩnh vực không chỉ là kinh tế mà là an ninh quốc phòng, do đó, cần khung khổ pháp lý hoàn thiện thúc đẩy hình thức đối tác công tư phát triển.
Theo Realtimes
Đăng nhập để bình luận.