Thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn ít phát thải khí carbon – từ kinh nghiệm của Thụy Điển

Ngày 13-11-2019
VPPA-Ngày 12/11, Tại Hà Nội, Đại sứ quán Thụy Điển, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn ít phát thải khí carbon tại Việt Nam – từ kinh nghiệm của Thụy Điển”. Đại diện […]

Ông Hoàng Trung Sơn, Tổng giám đốc Công ty Giấy Đồng Tiến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Ngày 12/11, Tại Hà Nội, Đại sứ quán Thụy Điển, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn ít phát thải khí carbon tại Việt Nam – từ kinh nghiệm của Thụy Điển”. Đại diện ngành giấy đã có bài báo cáo, kiện nghị nhằm nâng cao tỉ lệ thu hồi giấy để bảo vệ môi trường, tăng nguồn nguyên liệu.

Tham dự hội thảo có bà Ann Måwe, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cùng đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức phi chính phủ, các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đang hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến nền kinh tế tuần hoàn.

Bà Ann Måwe Đại sứ Thuỵ Điển Phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Ann Måwe Đại sứ Thuỵ Điển nhấn mạnh: “Trong nền kinh tế tuần hoàn, chúng ta coi mọi thứ đều là nguồn tài nguyên – rác cũng là tài nguyên. Nền kinh tế tuần hoàn đem lại giá trị cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng”.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu và cho biết, thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn chính là việc chuyển đổi phù hợp mà Việt Nam đang hướng tới vì mục tiêu phát triển bền vững. Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng cường tái chế, tái sử dụng để tạo điều kiện cho phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân phát biểu tại Hội thảo

Về các mô hình, kinh nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn, Thứ trưởng cho biết, Việt Nam cũng đã có một số mô hình tiếp cận của kinh tế tuần hoàn như mô hình thu gom tái chế giấy,… Gần đây, đã xuất hiện một số mô hình mới hướng đến gần hơn với kinh tế tuần hoàn.

Ngành giấy chờ Luật để tăng tỉ lệ thu hồi

Tại báo cáo của ông Hoàng Trung Sơn, Tổng giám đốc Công ty Giấy Đồng Tiến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam đã nêu rõ thực trạng ngành giấy trong nền kinh tế tuần hoàn.

Cụ thể, quá trình sản xuất giấy có thể được thu gom và tái chế 100%, kể cả rác thải của ngành giấy cũng có thể thu gom và làm nguyên liệu đốt cho các lò hơi. Vì vậy ngành giấy là một ngành kinh tế thế có sự phù hợp tự nhiên với mô hình kinh tế tuần hoàn. Và trong đó, việc thu gom tái chế được chú trọng rất cao vì lợi ích của việc sử dụng nguyên liệu tái chế.

Tại Việt Nam, con số thống kê từ 2016 đến 2019 cho thấy, tỷ lệ tăng trưởng sử dụng giấy hàng năm lên tới 30,3%/năm, chủ yếu đáp ứng cho nhu cầu bao bì xuất khẩu cũng như là xuất khẩu sản phẩm. Tỷ lệ thu gom trong nước cũng đã tăng gần 19%/năm nhưng chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu. 42,8% vẫn phải nhập khẩu. Điều đó cho thấy, việc nhập khẩu giấy thu gom vẫn là một vấn đề rất quan trọng tại Việt Nam hiện nay trong giải quyết vấn đề thiếu hụt nguyên liệu của ngành giấy.

Dù nhu cầu đang cao, nhưng thực trạng ngành giấy thu gom ở trong nước, tỷ lệ thu hồi chưa đến 40%, thấp hơn mức trung bình của thế giới là 56%, riêng Nhật Bản đã đạt đến mức 82%/ năm.

“Người dân chưa có thói quen phân loại rác tại nguồn. Chúng ta chưa có chính sách hỗ trợ đồng bộ để khuyến khích việc thu hồi và tái chế giấy. Mặt khác cũng chưa có tiêu chuẩn quốc gia ra về phân loại giấy thu hồi. Việc thu gom chưa được tổ chức chặt chẽ, có hệ thống nên hiệu quả rất thấp và chi phí còn cao và chất lượng chưa được đồng nhất”, ông Hoàng Trung Sơn phân tích.

Đặc biệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy cũng nhấn mạnh, Hiệp hội đang tiến hành xây dựng chương trình Quốc gia về thu gom giấy loại, và đặt ra mục tiêu nâng tỷ lệ thu gom giấy các loại trên 50% vào năm 2025. Chúng tôi mong rằng Chính phủ sớm xây dựng và ban hành Luật Tái chế và Tiết kiệm tài nguyên như các nước tiên tiến và Nhật đã làm.

“Nhật Bản khi chưa có luật tỉ lệ thu gom giấy chỉ khoảng 50% nhưng sau khi ban hành Luật Tái chế và Tiết kiệm tài nguyên khoảng 2-3 năm tỷ lệ tỉ lệ tăng lên đến 82%”, ông Hoàng Trung Sơn lấy dẫn chứng.

Các kiến nghị phát triển kinh tế tuần hoàn ngành giấy

Theo đó, để phát triển nền kinh tế tuần hoàn đối với ngành giấy cần thông qua truyền thông và giáo dục để nâng cao giá trị nhận thức, khuyến khích việc thu gom và xử lý sơ bộ trước khi thu gom để đảm bảo nguyên liệu đầu vào cho nhà máy.

Đề xuất tiếp tục phát triển và hoàn thiện hệ thống thu gom, trước mắt là tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh lân cận để đảm bảo hiệu quả bước đầu.

Chúng ta cần phải nâng cao chất lượng tái chế, tạo ra các sản phẩm hữu ích và có giá trị sử dụng ngày càng cao.

Đối với Chính phủ, cần có chính sách không thu thuế với các hoạt động thu gom, phân loại, đóng kiện, phân phối và sử dụng giấy đã qua sử dụng (gồm cả VHĐUG) làm nguyên liệu sản xuất giấy.

Các cơ quan nhà nước nên cấp nhãn xanh và có các chính sách ưu đãi cho các sản phẩm được sản xuất từ 100% nguyên liệu tái chế.

Và cuối cùng, Chính phủ sớm xây dựng và ban hành Luật Tái chế và Tiết kiệm tài nguyên như các nước tiên tiến và Nhật đã làm.

Hội thảo cũng kết thúc với phiên thảo luận nhấn mạnh việc hình thành quan hệ đối tác giữa khu vực công và tư, là điều kiện then chốt để mô hình kinh tế tuần hoàn ít phát thải carbon có thể phát triển sâu rộng tại Việt Nam.

Vỏ hộp giấy đã qua sử dụng có giá trị cao có thể tận dụng và tạo ra các vật dụng có giá trị. Đây cũng là nguồn nguyên liệu cho giá trị cho ngành tái chế giấy do chất lượng sơ sợi cao. Công ty Giấy Đồng Tiến là đơn vị thu gom, tái chế vỏ hộp giấy đã qua sử dụng – đối tác hơn 10 năm của Tetra Pak.

VPPA

Bình luận của bạn

Tin liên quan

Tin đã đăng