Adidas cam kết chỉ sử dụng nguyên liệu tái chế vào năm 2024

Ngày 11-07-2018
VPPA-Theo kế hoạch 6 năm tới, hãng sản xuất đồ dùng thể thao lớn thứ hai thế giới của Đức sẽ chỉ sử dụng vải sợi polyester tái chế trong quá trình sản xuất tất cả sản phẩm giày và quần áo của mình, thể hiện quyết tâm thúc đẩy phát triển bền vững trong chuỗi cung ứng.

Thực tế là ngay từ năm 2016, Adidas đã đưa vào sản xuất dòng sản phẩm giày chạy bộ làm từ nguyên liệu tái chế là vỏ chai nhựa. Với việc đặt ra mục tiêu 2024, công ty này đặt mục tiêu doanh số 5 triệu sản phẩm từ nguyên liệu tái chế trong năm nay và 11 triệu sản phẩm vào năm sau.

Hòa vào xu hướng chung

Năm 2017, Adidas đã bán được 1 triệu đôi Ultraboost Uncaged Parley được làm từ nguyên liệu tái chế. Hiện sản phẩm này vẫn đang được bán trực tuyến trên trang web của Adidas ở Đức với mức giá 179,95 euro/đôi.

Ông Eric Liedtke – Giám đốc thương hiệu toàn cầu của Adidas, cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi là loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng sợi polyester tự nhiên vào năm 2024”.

Cũng theo ông Liedtke, 50% nguyên liệu sử dụng cho khâu sản xuất 920 triệu sản phẩm hiện tại của Adidas là sợi polyester. Với khối lượng khổng lồ đó, quá trình thay đổi không thể diễn ra trong một sớm một chiều được.

Về mặt chi phí, sợi polyester tái chế có giá cao hơn 10 – 20% so với nguyên liệu thô khác. Ngay cả khi Adidas đáp ứng được mục tiêu năm tới là 11 triệu đôi giày từ nguyên liệu tái chế, con số đó vẫn chỉ chiếm 3% sản lượng giày hàng năm.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định khoảng cách về giá giữa sợi nhựa thô và nhựa tái chế sẽ được thu hẹp trong những năm tới, khi ngày càng có nhiều công ty chuyển sang sử dụng các loại nguyên liệu tái tạo và các nhà cung cấp cũng đang cải thiện năng lực tái chế nguyên liệu ở quy mô lớn hơn.

“Giá sẽ giảm khi chúng ta nâng cao khả năng thu gom, vệ sinh và xử lý nhựa đã qua sử dụng”, bà Brenda Haitema – Giám đốc vận hành chuỗi cung ứng tại Thread International, cho biết.

Thread International là nhà sản xuất vải sợi từ nhựa tái chế, là đối tác của nhiều thương hiệu lớn như Marmot, Timberland và cả Reebok – công ty con của Adidas.

Adidas đưa ra cam kết trong bối cảnh ngày càng nhiều tập đoàn, doanh nghiệp toàn cầu chuyển sang sử dụng nguyên liệu tái chế, vừa để nâng cao hình ảnh thân thiện trong mắt khách hàng, vừa phù hợp với trào lưu giảm thiểu sử dụng nhựa lan tỏa khắp châu Âu.

Adidas-JPG-8183-1531755736.jpg

Chiếc giày tái chế từ rác thải đại dương của Adidas

“Dục tốc bất đạt”

Các hãng may mặc lớn như Patagonia hay H&M đã và đang sử dụng sợi polyester tái chế trong một số sản phẩm, trong khi thương hiệu thời trang Stella McCartney cũng cam kết ngừng sử dụng sợi nylon truyền thống vào năm 2020.

Adidas đã thử nghiệm sản xuất trang phục thể thao từ sợi nhựa tái chế từ vài năm trước. Năm 2012, đồng phục của các tình nguyện viên tại Olympic London đều được làm từ những chai nhựa tái chế.

Ông Liedtke cho rằng sự khác biệt về giá là nguyên nhân chính khiến cho Adidas dự kiến sẽ mất tận 6 năm để chuyển đổi hoàn toàn sang sử dụng nguyên liệu tái chế.

“Chúng tôi phải chắc chắn rằng mình tiến hành từng bước phù hợp để duy trì cấu trúc lợi nhuận hiện tại. Chúng tôi có thể chịu chi phí cao một chút trong từng năm, chứ không thể dồn cả vào một năm”, ông Liedtke nói.

Một báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2016 chỉ ra rằng có ít nhất 8 tấn rác nhựa được thải ra biển mỗi năm. Và, nếu tình trạng này còn tiếp diễn, đến năm 2050, lượng rác thải nhựa trên biển có thể còn nhiều hơn số lượng cá.

Các tổ chức vì môi trường rất hoan nghênh kế hoạch của Adidas. Bà Erin Simon – Giám đốc của Quỹ Thiên nhiên hoang dã Thế giới (WWF), cho biết: “Tôi rất vui khi chứng kiến các công ty hàng đầu như Adidas đang nỗ lực thay đổi. Chúng ta cần tiếp tục làm những việc như thế này”.

Trong khi đó, bà Orsola de Castro – đồng sáng lập kiêm Giám đốc sáng tạo Fashionrevolution.org – tổ chức phi chính phủ kêu gọi phát triển bền vững trong ngành thời trang, cho rằng “Mọi nỗ lự cnhằm thay thế sợi polyester tự nhiên bằng tái chế đều rất được hoan nghênh”.

Bà Castro cũng nhấn mạnh rằng quần áo làm từ sợi nhựa tái chế vẫn có những điểm trừ, điển hình là trong khâu bảo quản, khi vụn vải dễ rơi rụng và đây là một nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm rác thải nhựa ngoài đại dương.

Nguồn: http://thoibaokinhdoanh.vn

Bình luận của bạn

Tin liên quan

Tin đã đăng