Ngân hàng chùn tay cho vay vì nỗi lo nợ xấu

Ngày 13-12-2023
VPPA-Nợ xấu gia tăng trong khi hành lang pháp lý cho thu hồi nợ tới đây thiếu hụt khiến các ngân hàng lo lắng với việc mở rộng cho vay.

Nhiều ngân hàng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu thời hạn trả nợ, không chuyển nhóm nợ.

Nợ xấu tăng nhanh, thu hồi nợ khó khăn

Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho hay, vấn đề đau đầu nhất với các ngân hàng hiện nay là nợ xấu tăng và xử lý tài sản đảm bảo khó khăn. Đối với các khoản vay tín chấp, việc đòi nợ rất khó. Tại VPBank, dư nợ cho vay tín chấp lên tới hơn 100.000 tỷ đồng, trong khi ngân hàng rất khó thu hồi nợ vì “nắm đằng lưỡi”, lại không có sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong thu hồi nợ. Từ đầu năm đến nay, số lượng cán bộ thu hồi nợ tại VPBank đã giảm tới 3.000 người, trong khi tỷ lệ nợ xấu tăng lên. Đáng lo nhất là tình trạng bùng nợ chưa được xử lý, cả với bùng nợ cá nhân và doanh nghiệp.

Là một trong các ngân hàng tích cực tăng trưởng tín dụng nhất từ đầu năm đến nay, song ông Vinh thừa nhận, tăng tín dụng cao như vậy là sự dũng cảm của ngân hàng, bởi hiện nay, cho vay rất rủi ro.

Không chỉ VPBank, hầu hết ngân hàng đều đang phải đối mặt với tình trạng nợ xấu tăng nhanh. Báo cáo tài chính cho thấy, trong quý III/2023, các ngân hàng ghi nhận lợi nhuận giảm so với cùng kỳ và tổng nợ xấu cuối quý III/2023 tăng 61% so với cuối quý trước đó, lên 196.755 tỷ đồng. Nợ xấu tăng, trong khi xử lý nợ xấu gặp khó khăn vì thị trường bất động sản đóng băng, tình trạng bùng nợ lan rộng.

Trong khi nợ xấu tăng lên, thì một trong những nỗi lo của doanh nghiệp là hành lang pháp lý đối với xử lý nợ xấu sắp tới sẽ có nhiều khoảng trống. Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV lo ngại, Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu (Nghị quyết 42) sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12 năm nay, trong khi Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sang năm mới được trình Quốc hội thông qua. Điều này có nghĩa sẽ có khoảng trống pháp lý với ngân hàng về xử lý nợ xấu.

“Đề nghị Quốc hội kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu để hỗ trợ doanh nghiệp trong xử lý nợ xấu”, ông Phan Đức Tú đề nghị.

Nếu những khó khăn về xử lý nợ xấu không được giải quyết, lãnh đạo nhiều ngân hàng lo lắng, các ngân hàng sẽ phải co hẹp cho vay để tập trung vào quản trị rủi ro. Thực tế, từ đầu năm đến nay, nhiều ngân hàng đã co hẹp cho vay. Bên cạnh các ngân hàng tăng trưởng tín dụng tốt, thì vẫn có những ngân hàng tăng trưởng tín dụng thấp, thậm chí tăng trưởng tín dụng âm.

Gia hạn Thông tư 02 để gỡ khó

Mặc dù nợ xấu tăng nhanh, song theo các chuyên gia kinh tế, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với tỷ lệ nợ xấu thực vì chưa tính cả nợ đang được giãn, hoãn, chưa chuyển nhóm nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN (Thông tư 02).

Theo các chuyên gia, với tình hình thị trường hiện nay, đến giữa năm sau, tình hình sức khỏe của nhiều doanh nghiệp sẽ vẫn chưa được cải thiện. Nếu không gia hạn Thông tư 02, nhiều doanh nghiệp sẽ bị chuyển nhóm nợ, đồng nghĩa với nợ xấu tại các ngân hàng vọt tăng, lợi nhuận suy giảm vì bị trích lập dự phòng rủi ro ăn mòn.

Trong bối cảnh đó, nhiều ngân hàng thương mại đề xuất Ngân hàng Nhà nước tiếp tục gia hạn Thông tư 02 để gỡ khó cho doanh nghiệp, đồng thời cũng là giúp ngân hàng có thêm thời gian đối phó với nợ xấu.

“Theo tôi, Ngân hàng Nhà nước nên tiếp tục gia hạn Thông tư 02 để hỗ trợ các ngân hàng và doanh nghiệp. Đồng thời, có sự hỗ trợ cho công tác xử lý nợ xấu cho các ngân hàng”, ông Nguyễn Đức Vinh kiến nghị.

Trong chỉ đạo cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung/kéo dài thời gian thực hiện đối với Thông tư 02, đồng thời rà soát lại một số thông tư như Thông tư số 03/2023, Thông tư số 06/2023 và Thông tư số 10/2023, nhằm phù hợp với tình hình thực tế, ổn định thị trường tiền tệ, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Về vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét đánh giá nghiên cứu đề xuất gia hạn Thông tư 02. Thực tế, thông tư này có tác dụng rất thiết thực trong hỗ trợ ngân hàng, doanh nghiệp, song lại không được quốc tế đánh giá cao vì làm “che mờ” bức tranh nợ xấu thật của hệ thống.

Rất mong Chính phủ tiếp tục tháo gỡ vướng mắc cho thị trường bất động sản, thị trường vốn, tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và hỗ trợ sinh kế cho người dân, từ đó khai thông tín dụng. Về phía các ngân hàng thương mại, chúng tôi rất mong Quốc hội kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 42, đồng thời Ngân hàng Nhà nước gia hạn thời gian thực hiện Thông tư 02…Về phía doanh nghiệp, để tạo niềm tin với ngân hàng, bản thân các doanh nghiệp cũng phải nỗ lực mở rộng thị trường, tìm phương án kinh doanh khả thi, tăng cường minh bạch, nghiêm túc thực hiện cam kết tín dụng…Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV
Nguồn: Báo đầu tư
Bình luận của bạn

Tin liên quan

Tin đã đăng