Ảnh hưởng của khủng hoảng khí đốt tự nhiên đến ngành công nghiệp giấy Châu Âu
Khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraina, để phản ứng với chiến dịch này của Nga, Liên minh châu Âu và một số nước khác đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga, trong đó có cả việc giảm và dự kiến ngừng nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga.
Năm 2021, Nga cung cấp tới 49% lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của EU. Việc EU giảm nhập khẩu, hoặc tiến tới là ngừng nhập khẩu hoàn toàn khí đốt tự nhiên từ Nga theo các lệnh trừng phạt, điều này có thể sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho các nhà sản xuất giấy của Châu Âu.
Sự chênh lệch về tỷ trọng khí tự nhiên trong hỗn hợp năng lượng và các nguồn nhập khẩu của các nước Châu Âu
Hiện nay, một số nước tại châu Âu đang có tỷ trọng lượng khí đốt tự nhiên rất cao và lại phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga rất lớn như Áo, Bulgaria, Cộng hòa Séc, Đức và Slovakia. Các nước này đang thiếu các thiết bị đầu cuối để tiếp nhận khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), hoặc không có khả năng kết nối đường ống với các nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn khác, nên họ chưa thể có phương án lựa chọn thay thế cho khí đốt của Nga.
Italia cũng phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt tự nhiên, vì nó chiếm gần 40% tổng năng lượng của cả nước. Tuy nhiên, nước này gần đây đã giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga. Trong vài tháng qua, Italia đã bảo đảm 11,5 tỷ mét khối (bcm) khí đốt tự nhiên, chủ yếu từ Algeria. Azerbaijan sẽ cung cấp thêm 1,5 tỷ khối nữa, thông qua đường ống TAP. Do đó, nước này dự kiến dự trữ khí đốt chiến lược của mình sẽ đầy 90% vào tháng 10/2022.
Ba Lan và các nước Baltic (Lithuania, Estonia và Latvia) bắt đầu giảm sự phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga từ vài năm trước thông qua việc mở rộng các thiết bị đầu cuối LNG và bằng cách mở rộng cơ sở hạ tầng đường ống của họ. Mặc dù các nước này vẫn nhập khẩu một tỷ lệ lớn khí đốt tự nhiên từ Nga tromng năm 2021, nhưng họ có thể chuyển từ khí đốt tự nhiên của Nga sang các nhà cung cấp khác.
Do phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên ở mức thấp, có nguồn nhập khẩu đa dạng và tỷ lệ nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga trước chiến tranh thấp, nên Pháp cũng ít bị nguy hiểm hơn với việc Nga có thể ngừng xuất khẩu khí đốt tự nhiên.
Nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga cho Bán đảo Iberia và Vương quốc Anh hầu như không đáng kể. Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đang tìm nguồn cung cấp phần lớn lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu từ Algeria, một phần là LNG. Hơn nữa, bán đảo Iberia có ít kết nối với mạng lưới đường ống của châu Âu. Chỉ có hai đường ống nhỏ với tổng công suất hàng năm là 7 tỷ khối, kết nối Tây Ban Nha với Pháp. Vương quốc Anh cung cấp một phần đáng kể nguồn cung từ sản xuất của chính họ ở ngoài khơi bờ biển Scotland và nhập khẩu từ Na Uy.
Ngoài ra cũng sẽ không có các vấn đề nghiêm trọng đối với các nước Bắc Âu (Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển), bởi vì sự kết hợp năng lượng ở các nước này chủ yếu bao gồm các nhà máy điện hạt nhân, thủy điện và năng lượng sinh học. Khí đốt tự nhiên chỉ chiếm 6% tổng năng lượng ở Phần Lan và chỉ 2% ở Thụy Điển. Mặc dù một phần đáng kể trong lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của họ trước đây đến từ Nga, nhưng hai nước cộng lại chỉ phải thay thế khoảng 2,6 tỷ khối nguồn cung cấp khí đốt của Nga.
Bảng 1. Tiêu thụ khí đốt tự nhiên tại châu Âu năm 2021
Stt | Tên nước | Tổng mức tiêu thụ, tỷ m3 | Tỷ lệ khí đốt tự nhiên trong tổng năng lượng, % | Tỷ lệ nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Nga, % |
1 | Áo | 9.01 | 22% | 64% |
2 | Bỉ | 16,96 | 23% | 7% |
3 | Bungaria | 3,3 | 13% | 77% |
4 | Czech | 9,07 | 20% | 66% |
5 | Estonia | 0,49 | 8% | 79% |
6 | Phần Lan | 2,04 | 6% | 95% |
7 | Pháp | 43,04 | 16% | 24% |
8 | Đức | 90,53 | 15% | 49% |
9 | Italy | 72,50 | 39% | 46% |
10 | Hà Lan | 35,07 | 37% | 11% |
11 | Ba Lan | 23,25 | 19% | 40% |
12 | Bồ Đào Nha | 5,86 | 23% | 1% |
13 | Slovackia | 5,32 | 28% | 70% |
14 | Tây Ban Nha | 33,90 | 22% | 11% |
15 | Thụy Điển | 1,30 | 2% | 50% |
16 | Anh | 76,95 | 40% | 4% |
Các chính sách đang được ban hành để quản lý tình trạng thiếu khí tự nhiên
Tháng 7/2022, các nước thành viên EU đã cam kết giảm nhu cầu khí đốt xuống 15% vào mùa đông tới để đáp ứng với việc xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Nga giảm. Một số quốc gia, chẳng hạn như Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã yêu cầu có ngoại lệ trong việc giảm nhu cầu, vì kết nối đường ống của họ không đủ để cung cấp cho các nước châu Âu khác một lượng khí tự nhiên đáng kể. Tại Áo, nếu quốc gia này trở nên cần thiết phải cung cấp khí đốt tự nhiên, chính phủ có kế hoạch trước tiên sẽ ngừng sản xuất tại 35 địa điểm sản xuất tiêu thụ nhiều khí đốt nhất, có thể có thêm máy chạy không tải nếu lượng khí này không đủ.
Tại Đức, Cơ quan quản lý của Đức về thị trường điện, khí đốt, viễn thông, bưu điện và đường sắt (Bundesnetzagentur) – đã ước tính khả năng thiếu khí đốt tự nhiên trong một số trường hợp. Ví dụ, nếu Nga tiếp tục chỉ xuất khẩu 20% công suất của Nord Stream 1, Đức chỉ có thể tránh được việc chia khẩu phần khí đốt nếu nước này giảm lượng tiêu thụ khí đốt tự nhiên xuống 20% và giảm lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của Nga sang các nước láng giềng. Nhưng ngay cả khi Nga tăng xuất khẩu lên 40% công suất của đường ống trước đó, mà không giảm đáng kể mức tiêu thụ, Đức vẫn sẽ phải đối mặt với thâm hụt 14,4 tỷ khối khí tự nhiên vào tháng 12/2022.
Cơ quan Bundesnetzagentur có thẩm quyền quyết định những ngành nào sẽ giảm hoặc ngừng sản xuất trước. Không giống như kế hoạch khẩn cấp của Áo, cơ quan này cũng xem xét tầm quan trọng của một công ty trong chuỗi cung ứng bên cạnh việc tiêu thụ khí đốt tự nhiên. Do đó, một số địa điểm sản xuất có mức tiêu thụ khí đốt tự nhiên cao ở Đức có thể được phép tiếp tục vì chúng rất cần thiết cho các lĩnh vực công nghiệp khác.
Ngay cả khi Nga quyết định không tiếp tục giảm xuất khẩu khí đốt tự nhiên của mình thông qua đường ống Nord Stream 1 và duy trì tỷ lệ sử dụng 20%, tình trạng thiếu khí đốt – ít nhất là đối với Áo, Cộng hòa Séc, Đức và Slovakia – cũng sẽ khó tránh khỏi nếu các nước khác như Pháp hoặc Ý không giảm một phần thị phần của họ trong nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga.
Hơn nữa, việc tìm kiếm các giải pháp thay thế cho khí đốt tự nhiên của Nga trong ngắn hạn sẽ rất phức tạp. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IAE) ước tính xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Nga sang EU sẽ giảm hơn 45% trong năm 2022 xuống dưới 80 bcm một chút. Xét đến việc các kho chứa LNG ở châu Âu có tổng công suất tổng cộng là 159 tỷ khối hàng năm và đang phải vật lộn với những hạn chế về công suất, IAE báo cáo rằng phải mất ít nhất đến năm 2026 các nước thành viên EU mới có thể từ chối nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga.
Và nếu Nga quyết định ngừng cung cấp khí đốt tự nhiên hoàn toàn vào năm 2022, Đức và Áo sẽ không phải là những nước duy nhất gặp khó khăn trong việc cung cấp đủ khí đốt tự nhiên cho nhu cầu trong nước của họ. Mọi quốc gia châu Âu (ngoại trừ các quốc gia Bắc Âu và bán đảo Iberia) sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ảnh hưởng của tình trạng thiếu hụt khí đốt tự nhiên đối với các nhà sản xuất giấy từ nguyên liệu tái chế
Khi phân tích nguồn cung cấp năng lượng và tác động tiềm tàng của việc thiếu hụt đối với ngành công nghiệp giấy và bìa ở Châu Âu, điều quan trọng là phải xem xét tỷ trọng của tổng số giấy và bìa được sản xuất từ nguyên liệu tái chế và vị trí địa lý của các nhà sản xuất.
Nhìn chung, các nhà sản xuất giấy và bìa từ bột giấy nguyên sinh có thể sử dụng năng lượng tổng hợp, cho phép họ tiêu thụ ít hơn lượng năng lượng mua ngoài, cũng như tận dụng các nguồn năng lượng khác ngoài khí đốt tự nhiên. Nhiều nhà sản xuất giấy và bìa từ bột giấy nguyên sinh đã tích hợp một phần hoặc toàn bộ vào sản xuất bột giấy và thu lợi nhuận từ các lò hơi chạy bằng nhiên liệu sinh học từ các phế liệu loại bỏ của họ và/hoặc dịch đen, tùy thuộc vào loại bột giấy mà họ sản xuất.
Mặt khác, các nhà sản xuất giấy và bìa từ nguyên liệu tái chế, không tích hợp không tích hợp với bột nguyên sinh và phụ thuộc nhiều hơn vào khí tự nhiên làm nguồn năng lượng chính, thì sẽ dễ bị tổn thương hơn do thiếu hụt nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên.
Vị trí địa lý cũng rất quan trọng trong việc ước tính tình trạng thiếu khí tự nhiên và năng lượng có thể xảy ra. Tùy thuộc vào quốc gia, khí tự nhiên có thể chiếm tới 40% tổng năng lượng và trong quá khứ, quốc gia này có thể đã nhập khẩu gần như 100% nguồn cung từ Nga.
Nhiều nhà sản xuất giấy và bìa từ nguyên liệu tái chế của châu Âu lại nằm ở các khu vực địa lý phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga. Do đó, các nhà sản xuất các loại giấy từ nguyên liệu tái chế sẽ gặp nhiều rủi ro hơn so với các nhà sản xuất giấy từ nguyên liệu nguyên sinh./.
VPPA tổng hợp
Đăng nhập để bình luận.