Giá giấy in báo tiếp tục giảm ở châu Á

Tại Hồng Kông, Đài Loan và Thái Lan, giá giấy in báo đã giảm 60 USD/tấn so với quý IV năm 2022, ở mức khoảng 740-790 USD/tấn.

Tại Singapore giá giảm rõ rệt, chỉ ở mức 650-770 USD/tấn.

Đặc biệt tại Ấn Độ, một thị trường lớn của giấy in báo, giá đã giảm sâu. Giá đầu quý II/2023 ở mức 650-790 USD/tấn. Tại các giao dịch, giá giấy in báo không cao hơn mốc 720 USD/tấn. Giá giao ngay tại thị trường Ấn Độ ở mức thấp 630 USD/tấn.

Áp lực giảm giá tại Ấn Độ 

Thị trường Ấn Độ đang phải đối mặt với áp lực về giá cả.

Tại một số thị trường châu Á khác được khảo sát, lượng hàng tồn kho cao do ảnh hưởng từ dịch COVID nên hầu hết các nhà cung cấp không đưa ra mức giá mới.

Trong khi đó ở Ấn Độ, các nhà máy của Canada hoạt động ổn định và sản phẩm bán chạy hơn giấy in báo từ các nhà máy của Nga. Ước tính doanh số bán hàng của Nga ở Ấn Độ trong hai tháng đầu năm thấp hơn khoảng 35% so với Canada.

Tuy nhiên, hoạt động của các doanh nghiệp Nga cực kỳ quan trọng đối với việc định giá giấy in báo ở Ấn Độ hiện nay.

Các nhà máy in báo ở Nga đang tập trung xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc và Ấn Độ. Giá giấy in báo của Nga thấp hơn 10-20 USD/tấn so với mức giá trung bình được bán tại đây.

Việc vận tải hàng hóa từ Nga đến Ấn Độ thường được thực hiện bằng các tàu container tư nhân từ Các cảng của Nga hoặc Iran và giá vẫn còn tương đối đắt đỏ. Nhưng theo chuyên gia ước tính chi phí sẽ giảm tới 30% so với quý IV/2022 do tỷ giá USD và đồng rúp và người Nga cao nên giá bán sẽ cạnh tranh so với Canada.

Nếu logistics trở nên dễ dàng và rẻ hơn thì các nhà sản xuất giấy in báo của Nga có cơ hội tốt để giữ thị phần ở Trung Quốc và Ấn Độ trong năm nay.

Về việc thanh toán, các ngân hàng lo ngại về các biện pháp trừng phạt sẽ cản trở các giao dịch liên quan đến các bên ở Nga, nhưng chuyên gia cho rằng những vấn đề này có thể được giải quyết bằng cách sử dụng mạng lưới thanh toán toàn cầu.

Nhu cầu giấy in báo tại Ấn Độ khá tốt do báo chí miễn phí quay trở lại sau khi các hạn chế xung quanh đại dịch COVID-19 được gỡ bỏ.

Tỷ suất chạy máy của giấy in báo vẫn duy trì ở mức cao, ổn định như ở quý IV/2022.

Tuy nhiên, lượng hàng tồn kho trên khắp châu Á và đặc biệt là ở Ấn Độ vẫn ở mức cao.

Bên cạnh đó, nhu cầu bao bì tại Trung Quốc giảm và thị trường giấy in báo toàn cầu đang suy yếu sẽ ảnh hưởng đến giá bán.

Nhiều nhà cung cấp tại Châu Á và Nga chuyển đổi sản xuất sang các sản phẩm thay thế như bao bì nguyên sinh hoặc bao bì tái chế cho Trung Quốc cũng chịu áp lực về nhu cầu và giá cả.

Nguồn: Risi – Biên dịch và Tổng hợp VPPA

Thành công của các dự án sản xuất giấy và bìa

Các phương pháp quản lý dự án của Valmet đều dựa trên kinh nghiệm lâu năm, các trải nghiệm thực tế tốt nhất và những bài học mới nhất từ thị trường. Các nhóm quản lý dự án của chúng tôi hỗ trợ khách hàng ở mọi giai đoạn của dự án, ngay cả trước khi đơn hàng được hoàn tất. Họ chịu trách nhiệm cung cấp tất cả mọi thứ liên quan đến dự án, từ giám sát và duy trì lịch trình, quản lý chi phí, rủi ro và cơ hội, đồng thời đảm bảo toàn bộ dự án diễn ra tốt đẹp.

Tất cả vì sự thành công của bạn

Với cách tiếp cận được tiêu chuẩn hóa và có hệ thống, chúng tôi không chỉ đơn thuần cung cấp các dự án – chúng tôi còn mang đến thành công cho khách hàng. Chúng tôi phân bổ từng nhóm quản lý dự án chuyên biệt cho từng dự án và họ thiết lập các mục tiêu chung với khách hàng. Điều này đảm bảo rằng cả trách nhiệm và quy trình đều hoàn toàn rõ ràng và khách hàng biết chính xác phải liên hệ với ai” Mikko Sillanpää, Phó Chủ tịch phụ trách các dự án chính, Valmet cho biết.

Mikko Sillanpää cho biết: “Tại Valmet, chúng tôi rất vui khi nói rằng các nhóm quản lý dự án của chúng tôi thường xuyên nhận được phản hồi tuyệt vời vì sự quan tâm đến các yêu cầu của khách hàng“.

Nhóm quản lý dự án tận tụy của Valmet luôn tiên phong trong tất cả các công việc liên quan đến Valmet và họ hợp tác chặt chẽ với nhân viên tại nhà máy của khách hàng cũng như các nhà thầu phụ khác để đảm bảo thông tin liên lạc rõ ràng, minh bạch và cộng tác suôn sẻ, với sự thảo luận cởi mở cho cả đôi bên. Điều này cho phép mọi người lường trước các vấn đề và khó khăn tiềm ẩn để có thể thảo luận và giải quyết tốt kịp thời.

Các dự án sản xuất giấy và bìa

  • Hơn 25 dự án khởi động hàng năm (dây chuyền mới & nâng cấp quy mô lớn)
  • Hơn 900 dự án cải tiến hàng năm
  • 60% dự án khởi động

Dự án Stora Enso

Nhà máy Varkaus của Stora Enso ở Phần Lan đã chuyển đổi máy giấy hiện có của họ thành máy sản xuất bìa để sản xuất các-tông lớp mặt vào năm 2015. Khi đó, Jukka Lyyra – Giám đốc nhà máy giấy và nhà máy bột thu hồi tại Stora Enso, Varkaus đã nói: “Các đội nhóm của chúng tôi luôn hoạt động trong bầu không khí cởi mở. Tuy gặp một vài vấn đề khó khăn trong dự án lớn song chúng tôi đã nhanh chóng tìm ra giải pháp cùng sự chuyên nghiệp và nhiệt tình của nhóm quản lý dự án Valmet.”

Dự án Pratt Valparaiso

Pratt Industries đã đầu tư vào một máy sản xuất giấy bìa OptiConcept M do Valmet cung cấp. Máy giấy số 16 ở Valparaiso, Indiana đã khởi động cực kỳ nhanh chóng và suôn sẻ.

Những đối tác có năng lực cốt lõi sẽ luôn là đối tác đáng tin tưởng để bạn đồng hành trong hoạt động kinh doanh của mình. Và Valmet đã tạo niềm tin đó đối với chúng tôi. Họ có nhiều điểm chung với Pratt: Họ rất sáng tạo, khéo léo và nhìn chung chúng tôi đã hợp tác khá thành công trong dự án lần này”. Jay Hennessy, Giám đốc nhà máy của Pratt Valparaiso cho biết thêm.

Vì vậy, sau thành công với máy giấy số 16, Pratt Industries quyết định đầu tư vào một máy sản xuất OptiConcept khác.

Một cách làm việc có hệ thống và có cấu trúc

Valmet quản lý các dự án một cách có hệ thống để đảm bảo công việc được hoàn thiện đúng thời gian đã đề ra. Chúng tôi đã chuẩn hóa việc quản lý dự án của mình với “Mô hình thực thi dự án Valmet”. Điều này đảm bảo tất cả các nhóm quản lý dự án và đơn vị kinh doanh của chúng tôi quản lý các dự án một cách nhất quán ở mọi nơi trên thế giới. Đó là một hệ thống tiên tiến, hiệu quả và có thể mở rộng để đảm bảo hướng dẫn và kiểm soát đầy đủ đồng thời tránh được việc quản trị không cần thiết. Chúng tôi có thể dễ dàng điều chỉnh mô hình cho các dự án ở mọi quy mô, từ nâng cấp đối với dự án quy mô nhỏ đến các nhà máy hoàn toàn mới bởi tính linh hoạt có thể mở rộng của hệ thống quản lý.

“Chúng tôi có thể dễ dàng điều chỉnh mô hình thực hiện dự án của mình cho các dự án thuộc mọi quy mô, từ nâng cấp đối với dự án quy mô nhỏ đến các nhà máy mới hoàn toàn “ Mikko Sillanpää, Phó Chủ tịch, Các Dự án Chính, Valmet cho biết

Khi khách hàng chọn Valmet làm nhà cung cấp chính, chúng tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc giao hàng. Điều này làm cho việc thực hiện dự án suôn sẻ hơn và quản lý dự án hiệu quả hơn, đồng thời chúng tôi làm mọi thứ có thể để đảm bảo dự án của họ thành công.

Các nhóm quản lý dự án với kinh nghiệm chuyên sâu

 Valmet hoàn thành 30 đến 40 dự án máy sản xuất giấy và bìa quy mô lớn nhỏ mỗi năm. Chúng tôi có cả kiến thức chuyên môn và các quy trình rõ ràng cần thiết để xử lý các dự án lớn có vốn đầu tư cao. Chuyên môn và khả năng của chúng tôi đặc biệt có giá trị đối với những khách hàng chỉ tập trung thực hiện một hoặc hai dự án lớn mỗi thập kỷ.

Liên tục phát triển dựa trên phản hồi của khách hàng

 Valmet luôn theo dõi hiệu suất của chính mình và sự hài lòng của khách hàng. Chúng tôi lắng nghe phản hồi của khách hàng và tiến hành ít nhất hai cuộc khảo sát phản hồi của khách hàng trong mọi dự án. Chúng tôi cũng tiến hành phỏng vấn khách hàng và thu thập phản hồi từ các nhóm quản lý của chúng tôi.

“Chúng tôi không chỉ cung cấp các dự án – chúng tôi mang đến thành công cho khách hàng”

 Ngoài ra, chúng tôi liên tục phát triển các quy trình, công cụ và đào tạo để đảm bảo các nhóm quản lý của chúng tôi luôn được chuẩn bị tốt để đáp ứng các yêu cầu mới của thị trường và mong đợi của khách hàng. Bất kể quy mô và thời gian của dự án là gì, chúng tôi có kỹ năng và chuyên môn để đảm bảo dự án sẽ thành công trong tương lai.

Mô hình thực thi dự án của Valmet

Mô hình thực thi dự án của Valmet: Mọi giai đoạn của quy trình phân phối đều được mô tả kỹ lưỡng để mọi người liên quan đều hiểu rõ lịch trình là gì và trách nhiệm của từng giai đoạn là gì. Để chuyển sang giai đoạn tiếp theo, dự án được đánh giá tại mỗi giai đoạn và được chuyển giao sang giai đoạn tiếp theo nếu tiêu chí cổng được đáp ứng.

Dịch bởi: Kỹ sư ATZ Solutions (Đại diện Valmet) – Biên tập VPPA

Chính phủ đồng ý trình phương án giảm 2% thuế VAT

Đó là thông tin được Văn phòng Chính phủ nêu ra tại công văn ngày 17/4, gửi Bộ trưởng Tài chính về phương án miễn, giảm thuế, phí, lệ phí năm 2023.

Theo đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đồng ý về nguyên tắc Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho phép xây dựng, ban hành Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính khẩn trương phối hợp với Bộ Tư pháp và bộ, cơ quan liên quan xây dựng hồ sơ dự án Nghị quyết để trình cấp có thẩm quyền đảm bảo đúng quy trình, trình tự, thủ tục. Trong đó, nêu rõ căn cứ, cơ sở, sự cần thiết để đề xuất xây dựng, ban hành dự thảo Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn, báo cáo Chính phủ trước ngày 25/4.

Trước đó, Bộ Tài chính đề xuất, năm 2023, giảm 2% mức thuế suất thuế VAT với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (còn 8%); giảm 20% mức tỷ lệ % để tính VAT đối với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) khi thực hiện xuất hóa đơn đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 10%.

Bộ Tài chính đề xuất giảm mức thu khoảng 35 khoản phí, lệ phí với thời gian áp dụng từ ngày 1/7 đến hết ngày 31/12/2023.

Nguồn: Cafef

Sụt giảm đơn hàng, doanh nghiệp ráo riết tái cấu trúc

Như DĐDN đã thông tin, từ giữa năm 2022, nhiều ngành xuất khẩu chủ lực gặp khó khăn khi lượng đơn hàng sụt giảm trầm trọng. Nhiều doanh nghiệp chia sẻ chỉ có đơn hàng tới hết tháng 4 hoặc lạc quan hơn là tới tháng 6, trong khi mọi năm là hết tháng 12. Đáng lo là đơn hàng có nguy cơ vào tay các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam.

Doanh nghiệp giảm kế hoạch năm

Đối mặt với bức tranh ảm đạm nầy, nhiều giải pháp đã được doanh nghiệp nỗ lực áp dụng để tìm kiếm đơn hàng mới, giữ lực lượng lao động, đảm bảo thu nhập cơ bản cho công nhân… Song đây cũng là lúc doanh nghiệp cần các chính sách trợ lực bên cạnh việc tự thân xoay xở.

Theo ông Thân Đức Việt, năm 2023, doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng tương đối lớn của việc nhu cầu tiêu dùng giảm sút, sau dịch chưa kịp hồi phục, cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine đẩy giá năng lượng và lạm phát lên toàn cầu khiến chững lại và sụt giảm các đơn hàng xuất khẩu.

Thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) ghi nhận, trong 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu dệt may ước đạt hơn 8,7 tỷ USD, giảm 18,63% so với cùng kỳ năm 2022.

Báo cáo xu hướng sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng quý I và dự báo quý II/2023 được Tổng cục Thống kê thực hiện cho thấy, có 59,9% doanh nghiệp nhận định số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý I/2023 tăng và giữ nguyên so với quý IV/2022 (16,9% tăng, 43% giữ nguyên), tỷ lệ nhận định có đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm là 40,1%. Như vậy, doanh nghiệp khá bi quan về lượng đơn hàng mới.

Ngoài ra, mặt hàng dệt may sẽ bị cạnh tranh bởi các đối thủ vừa được ký gia hạn hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập như: Bangladesh, Sri Lanka, Campuchia, El Salvador, Haiti, Ai Cập…

CEO May 10 chỉ ra nguyên nhân khiến đơn hàng quý I/2023 sụt giảm là do nhu cầu tiêu dùng giảm sút, cuộc xung đột giữa Nga – Ukraina đã đẩy giá năng lượng và lạm phát trên toàn cầu lên cao. Với tình hình thị trường xuất khẩu kém tích cực, năm nay, Tổng công ty cổ phần May 10 đặt kế hoạch doanh thu 4.200 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 110 tỷ đồng, lần lượt giảm 10% và 26,7% so với kết quả ghi nhận trong năm 2022.

Câu chuyện tương tự tại một “ông lớn” khác của ngành dệt may là Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG. Trước thềm đại hội cổ đông thường niên (dự kiến diễn ra vào ngày 23/4), lãnh đạo TNG cho biết, đầu tháng 4, Công ty đã điều chỉnh các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận của năm 2023 theo hướng thấp hơn nhiều so với kế hoạch trước đó. Cụ thể, với doanh thu 6.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 299 tỷ đồng. So với mức thực hiện năm ngoái, chỉ tiêu doanh thu đi ngang, trong khi lợi nhuận chỉ tăng không đáng kể.

Tại Công ty cổ phần Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công, tình hình khó khăn của thị trường xuất khẩu đã phản ánh trên kết quả kinh doanh 2 tháng đầu năm. Cụ thể, doanh thu 2 tháng đạt 21 triệu USD, tương đương 74% cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 1,178 triệu USD, tương đương 70% cùng kỳ. Tính đến cuối tháng 3, Công ty mới nhận khoảng 80% kế hoạch đơn hàng trong quý II và đang tiếp nhận đơn hàng cho quý III.

Tái cấu trúc hoạt động

Trước thực tế này, để tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới, Lãnh đạo May 10 nhận định, các doanh nghiệp cần tái cấu trúc và định vị lại thương hiệu, sản phẩm.

Doanh nghiệp cho biết tái cấu trúc theo hướng áp dụng chuyển đổi số, sử dụng năng lượng tái tạo, nguyên liệu xanh để đáp ứng tiêu chuẩn và phát triển.

“Những doanh nghiệp đã có vị thế trên thị trường xuất khẩu cần nhận định lại vị thế của mình. Bởi, những vị thế đó có thể đúng trong quá khứ, đúng hoặc không đúng trong tương lai, nhưng với biến động rất mạnh của thị trường, chúng tôi đang tập trung vào định vị lại sản phẩm, thị trường, quản trị, công nghệ, mô hình sản xuất và tìm kiếm thêm các cơ hội hợp tác, đầu tư mới”, ông Thân Đức Việt cho hay.

Theo đó, đây là lần May 10 phải rốt ráo tái cấu trúc toàn diện hiếm có. “May 10 sẽ định vị lại doanh nghiệp với việc áp dụng chuyển đổi số, sử dụng năng lượng tái tạo, nguyên liệu xanh để đáp ứng tiêu chuẩn và phát triển, bao gồm việc định vị về sản phẩm, thị trường và về quản trị, công nghệ, mô hình sản xuất”.

Theo ông, nếu doanh nghiệp không đạt tiêu chuẩn cao về chất lượng sản phẩm sẽ không có đơn hàng xuất khẩu.

“Chúng tôi xác định sẽ là một nhà sản xuất xanh, dùng năng lượng và nhiên liệu, sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc xanh, như sản phẩm từ hữu cơ hay sợi tái chế, đặc biệt sử dụng nhà máy xanh; tập trung tỉ trọng tăng trưởng về sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường và tăng theo năm – dù tỉ lệ còn nhỏ nhưng đây sẽ là xu thế trong tương lai”, Thân Đức Việt cho biết.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng tăng cường sử dụng điện mặt trời áp mái, hợp tác với tập đoàn năng lượng lớn để giảm chi phí đầu tư. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này cần nguồn vốn khá lớn. Do đó, doanh nghiệp cần có lộ trình thực hiện chuyển đổi xanh.

“Để tiếp sức cho doanh nghiệp, thời gian qua, Chính phủ đã thực hiện quyết liệt các giải pháp như giảm lãi suất cho vay, đơn giản hoá các thủ tục hành chính… Đây là những “liều thuốc” kịp thời để doanh nghiệp có cơ hội tập trung đầu tư cho sản phẩm, tạo việc làm cho người lao động”, ông Việt nói.

Trong khi đó, để cải thiện tình hình, TNG cho biết có hướng điều chỉnh thị trường. Cụ thể, trước sức cầu ở thị trường truyền thống như Mỹ và EU sụt giảm, Công ty đẩy mạnh đơn hàng vào các thị trường khác. Hiện doanh số xuất khẩu của TNG sang Canada đạt mức tăng trưởng tốt, phần nào bù đắp được cho sự sụt giảm đơn hàng vào Mỹ. Ngoài ra, tại thị trường Nga, khách hàng của TNG đang phát triển tốt cũng là một yếu tố thuận lợi.

Nhấn mạnh tới các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Lê Quốc Phương cũng cho rằng, khi xuất khẩu gặp khó khăn thì vai trò của thị trường trong nước rất quan trọng. Phải áp dụng tất cả giải pháp để khuyến khích thị trường trong nước phát triển hơn.

Để giữ nhịp độ sản xuất, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Học viên Tài chính – cho rằng, các doanh nghiệp nên chuyển hướng sản xuất sang những mặt hàng giá trị thấp hơn. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại vào các thị trường trọng điểm xuất khẩu hoặc đang có lợi thế xuất khẩu như Châu Âu, Ấn Độ… Tăng cường công tác dự báo, thông tin về thị trường xuất khẩu, cũng như kịp thời hướng dẫn doanh nghiệp xuất khẩu thực thi những quy định mới phát sinh, tăng khả năng ứng phó hiệu quả.

Về phía mình, doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực quản trị, chủ động hợp tác, liên kết trong sản xuất kinh doanh kết hợp với triển khai chuyển đổi số, chủ động đầu tư vào công nghệ mới, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo. Đó là những giải pháp căn cơ tạo tiền đề cho sản xuất xanh để từ đó tiết kiệm chi phí đầu vào, tồn tại và phát triển bền vững trên thị trường.

Nguồn: diendandoanhnghiep.vn

Doanh nghiệp than quy định phòng cháy chữa cháy như trên trời rơi xuống

Tại buổi làm việc giữa đoàn công tác của Thủ tướng với TPHCM, ngày 16/4, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an, đánh giá, TPHCM là địa phương dẫn đầu cả nước về kéo giảm số vụ cháy nổ trong 3 tháng đầu năm. Tuy nhiên, người dân, doanh nghiệp và dư luận thời gian qua đã nói nhiều về những bất cập trong các quy định phòng cháy chữa cháy.

Lãnh đạo Bộ Công an khẳng định, các quy định, quy chuẩn về an toàn phòng cháy chữa cháy là điều cần thiết. Để xây dựng các quy định, quy chuẩn này, cơ quan có thẩm quyền đã đối chiếu, so sánh với các nước phát triển và có sự điều chỉnh phù hợp với bối cảnh, trình độ, tình hình phát triển của Việt Nam.

“Các quy chuẩn, tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy liên ngành do nhiều bộ ngành khác liên quan xây dựng. Bộ Công an chỉ triển khai các quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành. Chúng tôi cũng thường xuyên rà soát và kiến nghị điều chỉnh, thay đổi các tiêu chuẩn, quy chuẩn đã quá cũ, lạc hậu, gây khó cho doanh nghiệp”, lãnh đạo Bộ Công an phân tích.

Thứ trưởng Bộ Công an dẫn chứng về tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) 2622:1995 về phòng cháy, chống cháy cho nhà và công trình, TCVN 4513:1988 về cấp nước của Bộ Xây dựng đều đã ban hành từ lâu. Bộ Công an dù nhiều lần kiến nghị nhưng chưa có thay đổi.

“Những quy định này áp vào như trên trời rơi xuống, doanh nghiệp than là phải. Các cơ quan cần tạo hành lang pháp lý phòng cháy chữa cháy phù hợp hơn và không tạo thành trở lực trong phát triển kinh tế”, Trung tướng Lê Quốc Hùng bày tỏ.

Doanh nghiệp than quy định phòng cháy chữa cháy như trên trời rơi xuống - 2
Buổi làm việc của Thủ tướng với Thành ủy TPHCM sáng 16/4 (Ảnh: VGP).

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công an nêu rõ quan điểm, các quy định, quy chuẩn về phòng cháy chữa cháy vẫn là điều cần thiết phải áp dụng. Việc điều chỉnh, thay đổi cần dựa trên nguyên tắc không hạ thấp các tiêu chuẩn cần thiết nhằm đảm bảo an toàn, tính mạng người dân.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cùng các bộ, ngành cần xử lý ngay các bất cập về phòng cháy chữa cháy trong tuần tới.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các đơn vị tập trung rà soát có trọng tâm, trọng điểm, kiểm soát chặt chẽ đúng điều kiện, tiêu chuẩn của Việt Nam và tham khảo kinh nghiệm quốc tế.

Nguồn: Báo dân trí

Quy định pháp luật còn ‘đánh đố’ doanh nghiệp

Quy định mâu thuẫn

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) nhận xét, việc chồng chéo, khó dự báo là vấn đề lớn với chính sách hiện nay. Ông Hiệp dẫn ví dụ, Luật Quy hoạch đô thị quy định dự án phải được chấp thuận chủ trương đầu tư rồi mới tiến hành làm quy hoạch và xin phê duyệt. Trong khi đó, Luật Đầu tư 2020 quy định, dự án muốn được chấp thuận chủ trương đầu tư phải có quy hoạch chi tiết được phê duyệt. Như vậy chỉ một vấn đề liên quan đến hai luật này đã không thống nhất, không khác gì “đánh đố” doanh nghiệp, ông Hiệp đánh giá.

Hoặc trong lĩnh vực đầu tư bất động sản, có khoảng 12 luật tác động trực tiếp vào các hoạt động, trong đó có nhiều điểm không đồng nhất khiến doanh nghiệp và các cơ quan quản lý gặp khó khăn.

Hay trong Luật Kinh doanh bất động sản, Điều 57 quy định bên bán chỉ được thu tiền đến 95% giá trị hợp đồng khi bên mua chưa được cấp giấy chứng nhận sử dụng, nhưng ở Luật đất đai lại quy định phải nộp 100% tiền thì cơ quan quản lý mới được cấp giấy chứng nhận.

Các luật đều thòng một câu “nếu có mâu thuẫn, khác các luật khác thì áp dụng theo luật này”. Với doanh nghiệp và người dân thì không biết nên theo luật nào. Như vậy, đang có những rủi ro về mặt pháp lý, sự chồng chéo, vướng mắc trong cơ chế về soạn thảo văn bản pháp luật.

“Chúng tôi cho rằng trong lần rà soát, chỉnh sửa lại một loạt các luật quan trọng như hiện nay cần đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa các luật để tháo gỡ cho các doanh nghiệp. Giải quyết được vấn đề này là sẽ tháo gỡ cho các doanh nghiệp khỏi các ách tắc, chờ đợi mất thời gian”, Chủ tịch VACC nói.

Lắng nghe ý kiến DN trong xây dựng pháp luật

Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, sau khi tổng quát số lượng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành năm 2022, VCCI nhận định dù là có những chính sách tốt nhưng cả doanh nghiệp và cơ quan nhà nước đều không biết áp dụng thế nào. Chẳng hạn, giảm VAT từ 10% xuống 8% thì do phụ lục hướng dẫn dựa vào mã HS cũng như phân loại ngành kinh tế nên “bản thân doanh nghiệp và các chi cục Thuế” đều thấy còn lẫn lộn, chồng chéo, khó áp dụng.

“Hay chính sách hỗ trợ lãi suất 2% thì gặp rắc rối ở việc hướng dẫn “điều kiện để được hưởng gói hỗ trợ lãi suất này là phải có khả năng phục hồi”. Cả doanh nghiệp lẫn các ngân hàng đều gặp rắc rối vì không biết như thế nào là một doanh nghiệp có khả năng phục hồi”, ông Đức nói.

Theo ông Đức, quá trình xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật đang bị lạm dụng, đưa ra các yêu cầu quá cao, gây tốn kém chi phí cho doanh nghiệp, nhất là trong việc giải quyết những vấn đề nóng.

“Hay với trái phiếu doanh nghiệp, Nghị định 65/2022 đã đưa ra những quy định dù tốt, nhưng không có lộ trình áp dụng dẫn đến nghị định này như một cú “phanh gấp”, ông Đức nhận định.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, rủi ro pháp lý ở Việt Nam có nhiều khía cạnh, đó là thay đổi chính sách liên tục, doanh nghiệp khó đoán định.

Bà Thảo nhận định, rủi ro từ chất lượng văn bản được ban hành mới lớn hơn. Điều này được nhận diện rồi nhưng đến nay không khắc phục được. Các quy định vẫn chồng chéo, ban hành mới vẫn mâu thuẫn nhau. Chẳng hạn ngành nghề kinh doanh công khai có hơn 227 ngành, nhưng thực tế nhiều hơn rất nhiều, cải cách vẫn mang tính hình thức nên rủi ro thực thi vẫn rất lớn.

Bà Thảo nhấn mạnh những giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo môi trường chính sách an toàn cho doanh nghiệp cần được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các bộ, ngành, địa phương và nỗ lực thực thi cần mạnh mẽ hơn.

Đặc biệt, cần tăng cường tham vấn, lấy ý kiến doanh nghiệp khi soạn thảo các văn bản pháp luật, các quy hoạch và cam kết quốc tế có liên quan. Từ đó, góp phần tạo thuận lợi hơn cho môi trường đầu tư kinh doanh và “khơi thông” các “điểm nghẽn” chính sách cho doanh nghiệp trong thời gian tới.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho biết, mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp là sự ổn định môi trường pháp lý để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân. Đối với các dự án đầu tư lớn, thực hiện trong thời gian dài, các nhà đầu tư luôn đòi hỏi tính ổn định và khả năng dự đoán của môi trường pháp lý để quyết định liệu có đầu tư hay không. Rủi ro pháp lý cao đồng nghĩa với hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp kém thuận lợi.

“Tuân thủ pháp luật là bắt buộc nhưng cũng liên quan đến cách điều hành, vận hành, ban hành chính sách. Những doanh nghiệp lớn đầu ngành như những con tàu lớn, không thể phanh gấp nên rất cần môi trường kinh doanh ổn định”, Chủ tịch VCCI nêu rõ.

Nguồn: Cafef

Lạm phát Mỹ hạ nhiệt, giới chuyên gia dự đoán Fed chỉ còn thực hiện thêm một lần tăng lãi suất

Thước đo lạm phát chính của Mỹ tiếp tục tăng trong tháng 3 nhưng đã cho thấy dấu hiệu dần hạ nhiệt. Đây là dấu hiệu giúp Fed có thể cân nhắc việc tạm dừng sau khi thực hiện một lần tăng lãi suất được dự đoán vào tháng tới.

Theo số liệu từ Cục Thống kê Lao động Mỹ, CPI lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, tăng 0,4% trong tháng trước sau khi tăng 0,5% vào tháng 2. Trong khi đó, CPI cơ bản tăng 0,1%, khi giá xăng và khí đốt tự nhiên giảm.

So với 1 năm trước, CPI lõi đã tăng 5,6%. Đây là lần đầu tiên sau hơn 2 năm, CPI lõi tăng mạnh hơn so với CPI cơ bản, cao hơn 5% so với năm ngoái.

Lạm phát Mỹ hạ nhiệt, giới chuyên gia dự đoán Fed chỉ còn thực hiện thêm một lần tăng lãi suất - Ảnh 1.

Số liệu mới công bố cho thấy mức giảm mạnh so với tháng trước khi con số hiện tại được so sánh với tháng 3/2022, khi giá năng lượng tăng vọt do mâu thuẫn Nga – Ukraine nổ ra.

Các nhà kinh tế được Bloomberg khảo sát ước tính CPI lõi tăng 0,4% trong tháng trước và CPI cơ bản tăng 0,2%.

Số liệu mới tiếp tục thể hiện rõ diễn biến khó lường của lạm phát, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ, dù một số dự đoán vẫn cho rằng giá cả sẽ hạ nhiệt trong thời gian tới. Trong khi các nhà hoạch định chính sách đang theo dõi sát sao về tác động của những bất ổn ngành ngân hàng với nền kinh tế, thì việc giá cả tăng cùng thị trường lao động tiếp tục nóng lên có thể khiến Fed tăng lãi suất thêm ít nhất 1 lần nữa, sau đó mới là một khoảng dừng trong thời gian dài.

Derek Tang, nhà kinh tế tại LH Meyer/Monetary Policy Analytics, cho hay: “Fed có thể vẫn tăng lãi suất trong tháng 5. Tuy nhiên, thị trường vẫn cần một chút thông tin để dự đoán liệu Fed có tiếp tục thắt chặt chính sách trong tháng 6 hay không.”

Báo cáo lạm phát cho thấy, chi phí nhà ở đang tăng với tốc độ chậm nhất kể từ tháng 11, dù “cho đến nay” vẫn là yếu tố đóng góp lớn nhất cho mức tăng hàng tháng. Giá hàng tạp hóa lần đầu tiên giảm từ tháng 9/2020, được thúc đẩy một phần bởi giá trứng sụt mạnh nhất kể từ năm 1987 tính theo tháng.

Trong khi đó, chi phí ăn uống bên ngoài tiếp tục leo thang nhanh chóng. Giá ô tô đã qua sử dụng giảm trong tháng 3, còn giá vé máy bay, đồ nội thất và bảo hiểm xe cơ giới đều tăng cao hơn.

Chi phí nhà ở, thành phần có tỷ trọng lớn nhất và chiếm khoảng 1/3 CPI cơ bản, tăng 0,6%. Song, chi phí nhà ở tăng với tốc độ chậm nhất trong khoảng 1 năm, còn giá khách sạn tăng mạnh nhất kể từ tháng 10.

Loại trừ chi phí nhà ở và năng lượng, giá dịch vụ tăng 0,5%, theo tính toán của Bloomberg. Số liệu này tăng 5,8% so với 1 năm trước và giảm tốc so với tháng trước.

Chủ tịch Fed Jerome Powell và các quan chức NHTW khác đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xem xét các dữ liệu này khi đánh giá xu hướng lạm phát của Mỹ, dù họ tính toán dự trên một chỉ số khác. Fed đánh giá tăng trưởng tiền lương là một trong những động lực chính của lạm phát và rất quan tâm đến sự thay đổi của chỉ báo này.

Nguồn: Cafef

Doanh nghiệp sợ nhất phải chờ đợi

Nộp tiền vào thì nhanh, nhưng lấy ra rất khó

Tuần qua, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được đưa ra nhiều, liên tục, nhưng giải pháp hỗ trợ thuế mà doanh nghiệp đang rất trông đợi, được dự thảo từ đầu năm, thì đến giờ vẫn đang… lấy ý kiến.

“Nếu chính sách miễn, giảm thuế mà ra chậm, thì mục tiêu hỗ trợ giảm nhiều. Doanh nghiệp vẫn nói là nộp vào thì nhanh, lấy lại tiền thì khó”, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam thẳng thắn nêu quan điểm.

Từng là Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, nên hơn ai hết, bà Cúc hiểu tâm tư này của các doanh nghiệp.

Thực tế đang diễn ra với nhiều doanh nghiệp trong diện được giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 do ảnh hưởng bởi Covid-19, theo Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg ngày 31/1/2023, nếu doanh nghiệp có phát sinh tiền thừa, thì được trừ vào kỳ nộp tiếp theo, hoặc được hoàn trả.

“Vấn đề là, lúc doanh nghệp khó khăn nhất, không có tiền, nhưng vẫn phải xoay đủ cách để nộp thuế; có doanh nghiệp không lo được, đã bị tính tiền chậm nộp. Tới đây được giảm, nếu muốn được hoàn để có tiền mặt, thì thủ tục rất lâu”, bà Cúc phân tích.

Trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020, phần nhiệm vụ được giao của Bộ Tài chính vẫn là khẩn trương trình cấp có thẩm quyền chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất.

Theo dự thảo mà Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ, đối với thuế giá trị gia tăng (GTGT), gia hạn 6 tháng đối với số thuế GTGT từ tháng 3 đến tháng 5/2023 và quý I/2023, gia hạn 5 tháng đối với số thuế GTGT của tháng 6/2023 và quý II/2023, gia hạn 4 tháng đối với số thuế GTGT của tháng 7/2023 và gia hạn 3 tháng đối với số thuế GTGT của tháng 8/2023.

So với dự thảo trước đó, phương án này có thay đổi, bởi đã quá thời hạn nộp thuế GTGT tháng 2/2023.

Nếu các quyết sách ban hành chậm hơn, thì doanh nghiệp sẽ khó cảm nhận được sự đồng hành của Chính phủ, dù những khó khăn của doanh nghiệp đều được nhận diện rõ. Hơn thế, bà Cúc nhấn mạnh, doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn trong việc tính toán các kế hoạch kinh doanh, khi không chắc khoản tiền thuế được gia hạn thế nào…

Phân định rõ trách nhiệm

Một trong những nguyên nhân của sự bế tắc trong hoàn thuế GTGT mà doanh nghiệp ngành gỗ kiến nghị suốt vài năm qua là không rõ ràng trong phân định trách nhiệm. Trong khi dòng tiền đang khan hiếm, thì hàng ngàn tỷ đồng của doanh nghiệp lại bị treo, gây khó cho hầu hết doanh nghiệp.

“Nếu trách nhiệm không rõ ràng, thì không ai dám làm, vì ai cũng sợ”, bà Cúc bày tỏ với nhiều trăn trở.

Nhiều doanh nghiệp có đầy đủ hóa đơn, chứng từ, nhưng mãi không xong thủ tục vì có những khúc mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Trong quy trình sản xuất hàng xuất khẩu của doanh nghiệp gỗ, có việc người thu gom gỗ nguyên liệu bán cho doanh nghiệp từ nguồn trôi nổi, không phải mua gỗ rừng trồng, nhưng khi cơ quan kiểm tra, trách nhiệm lại đổ vào cả doanh nghiệp sản xuất và cả cơ quan thuế.

“Chúng tôi mong muốn, các chính sách ngày càng minh bạch, cắt khúc ra, rõ ràng, ai làm thì chịu trách nhiệm, tránh tình trạng người này gây ra để trục lợi, nhưng người gặp khó khăn lại là các doanh nghiệp làm ăn chính đáng. Cơ quan thuế cũng không dám làm, vì không biết được quá trình trước đó thế nào”, bà Cúc phân tích.

Thực tế là, nếu những người liên quan mà không dám làm, thì sẽ dẫn đến ùn tắc. Với doanh nghiệp, tình trạng thiếu quy định rõ ràng về trách nhiệm còn mang đến rủi ro và sự hoang mang.

Bà Vũ Thị Minh Tú, Giám đốc đối ngoại Lazada Việt Nam chia sẻ, doanh nghiệp cảm thấy “khá chóng mặt” bởi hàng loạt quy định mới được ban hành cũng như đang trong quá trình soạn thảo, sửa đổi, sắp ban hành… điều chỉnh các hoạt động, hình thái kinh doanh trên môi trường số.

“Các văn bản mới và sắp ra đời có xu hướng ngày càng buộc nhiều trách nhiệm cho các nền tảng, theo kiểu ‘nắm người có tóc’, nhưng nếu việc phân định trách nhiệm giữa các bên không hợp lý, thì sẽ gây khó khăn trong quá trình thực thi”, bà Tú nêu quan điểm.

Theo bà Tú, các văn bản đang dự thảo có xu hướng buộc nền tảng phải chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa bán trên sàn thay cho bên cung cấp hàng hóa, dịch vụ đó, như các nội dung tại Dự thảo Luật Giao dịch điện tử, Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Dự thảo Nghị định về hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử hướng dẫn Luật Giao dịch điện tử… Trong khi đó, nền tảng chỉ tạo ra một “cái chợ” để người bán, người mua gặp nhau, chứ không phải là bên bán hàng, như với hình thức siêu thị.

“Chúng tôi cũng có công cụ để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo sự phát triển của mình, có thể phạt điểm, nặng nhất là đóng tài khoản vĩnh viễn với bên vi phạm, nhưng không thể chịu trách nhiệm thay cho người bán hàng đó, không thể làm thay cơ quan quản lý nhà nước”, bà Tú nói.

Lo ngại đang xuất hiện là, nếu buộc các nền tảng phải chịu những trách nhiệm vượt khả năng của họ, thì không những không giải quyết được vấn đề, mà có thể gây ra tình trạng lợi dụng chính sách từ những đối tượng xấu kinh doanh trên sàn, từ đó tạo ra khủng hoảng cho các nền tảng thương mại điện tử.

“Vấn đề này đã được phân tích nhiều lần, mong các nhà làm luật lắng nghe, đánh giá, rà soát để các quy định có tính ứng dụng cao”, bà Tú khuyến nghị.

Một số giải pháp trong Dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2023
-Gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất đối với các đối tượng quy định tại Điều 3, Nghị định số 34/2022/NĐ-CP; gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022, nhưng loại trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
-Đối với thuế TNDN, gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế TNDN tạm nộp của quý I, quý II, kỳ tính thuế TNDN năm 2023. Thời gian gia hạn là 3 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế TNDN theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
-Về tiền thuê đất, gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất đối với 50% số tiền thuê đất phát sinh phải nộp năm 2023 của doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh cá nhân. Thời gian gia hạn là 6 tháng kể từ ngày 31/5/2023 đến ngày 30/11/2023.
Nguồn: Báo đầu tư

Orient Paper & Industries dành 58 triệu USD để nâng cấp tổ hợp nhà máy giấy và bột gỗ tại Ấn Độ

Công ty có kế hoạch làm việc với các nhà cung cấp quốc tế để cải tiến dây chuyền vào cuối tháng này.

Một nguồn tin của công ty cho biết việc đại tu, nâng cấp nhằm mục đích tăng công suất của máy PM1 Beloit giấy in viết đã được đưa vào sử dụng vào năm 1965, từ 170 tấn mỗi ngày lên 280 tấn mỗi ngày.

Công ty đã khởi động lại PM 2, một máy giấy đặc biệt công suất 10 tấn/ngày, đã không hoạt động từ tháng 1/2023, sau cải tiến sẽ tăng công suất lên 50%.

Việc cải tạo PM 5, một máy làm giấy tissue do Valmet cung cấp vào năm 1994, sẽ tăng công suất từ 80 tấn/ngày lên 100 tấn/ngày.

Việc cải tạo ba máy dự kiến ​​sẽ hoàn thành vào tháng 3/2025.

Hai máy xeo còn lại sản xuất giấy tissue, có công suất là 40 tấn/ngày.

Đồng thời, công ty cũng đã lên kế hoạch cải tạo dây chuyền bột giấy cũ của nhà máy vào tháng 6, được lắp đặt vào năm 1965, để nâng công suất từ 260 tấn/ngày lên 400 tấn/ngày.

Nguồn: Risi – Biên dịch và Tổng hợp VPPA

Hoàn thiện nhà máy sản xuất không sử dụng nhiên liệu hóa thạch hàng đầu thế giới

Metsä Fibre thuộc tập đoàn Metsä, đang đóng góp một sự đầu tư đáng kể vào ngành lâm nghiệp của Phần Lan bằng việc xây dựng nhà máy sinh học mới ở Kemi, Bắc Phần Lan. Nhà máy sản xuất sinh học mới này sẽ có công suất sản xuất hàng năm lên tới 1,5 triệu tấn bột gỗ mềm và bột gỗ cứng đồng thời tạo ra nhiều sản phẩm sinh học khác.

Các thành phần chưng bốc lớn đã được vận chuyển tới công trường vào tháng 7/2022

Dự án của Tập đoàn Metsä có tầm quan trọng chiến lược tại địa phương

Theo Giám đốc điều hành của Metsä Fibre, Ismo Nousiainen: “Dự án này mang tầm quan trọng chiến lược đối với Tập đoàn Metsä. Chúng tôi đang hoàn thành các chiến lược của chúng tôi về phát triển bền vững và tăng trưởng lợi nhuận. Các sản phẩm sinh học làm từ gỗ tái tạo có thể thay thế vật liệu hóa thạch. Đây cũng là sự đầu tư đáng kể vào khu vực Kemi, đảm bảo việc làm cho cả nhân viên nhà máy của chúng tôi cũng như trên toàn chuỗi giá trị”.

 

Giám đốc điều hành của Metsä Fibre, Ismo Nousiaine

Những đặc điểm nổi bật về công nghệ tự động hóa mới nhất của nhà máy

Sami Riekkola, Chủ tịch Mảng Kinh doanh Bột giấy và Năng lượng của Valmet cho biết về công nghệ mới nhất ở nhà máy. “Valmet cung cấp toàn bộ quy trình sản xuất từ xử lý gỗ đến đóng kiện, các giải pháp kiểm soát dòng chảy và hệ thống tự động hóa cho toàn bộ nhà máy. Các giải pháp này thể hiện hiệu suất bền vững hàng đầu với sự giảm thiểu lượng khí thải và sử dụng hiệu quả các dòng phụ. Ví dụ, axit sulfuric được sản xuất bằng cách sử dụng khí có mùi của nhà máy sẽ được sử dụng trong các quy trình và dùng sinh khối cặn khí hóa làm nhiên liệu cho lò nung vôi. Để loại bỏ bụi hiệu quả đồng thời giảm lượng khí thải, nhà máy sẽ có ESP khô (thiết bị lọc bụi tĩnh điện) cho lò hơi thu hồi và cả ESP khô và ướt cho lò nung vôi.”

 Các giải pháp được cung cấp thể hiện hiệu suất bền vững hàng đầu với lượng khí thải được giảm thiểu và tối ưu hiệu quả các luồng phụ

Jari-Pekka Johansson, Giám đốc Dự án của Metsä Fibre cho biết: “Hiệu quả môi trường và năng lượng cao là mục tiêu chính cho nhà máy của chúng tôi. Nhà máy được xây dựng bằng các kỹ thuật tốt nhất hiện có (BAT), đáp ứng và thậm chí vượt xa các yêu cầu BREF của EU. Nhà máy hoàn toàn không sử dụng nhiên liệu hóa thạch và sẽ sản xuất 2 terawatt giờ (TWh) điện tái tạo mỗi năm. Điển hình cho kỹ thuật hiện đại, vượt xa các yêu cầu của ngành là việc sản xuất axit sunfuric từ khí không ngưng tụ của chính nhà máy”.

 Việc sản xuất axit sunfuric từ khí không ngưng tụ của chính nhà máy vượt xa các tiêu chuẩn ngành.

Tomi Seppä, Phó Chủ tịch, Sản xuất nói về nhà máy sản phẩm sinh học Metsä Fiber Kemi

Theo Phó Chủ tịch Tomi Seppä “Tự động hóa đóng một vai trò quan trọng trong hiệu quả tổng thể của nhà máy. Với sự trợ giúp của hệ thống tự động hóa của Valmet, chúng tôi có thể vận hành nhà máy mới một cách cân bằng, kiểm soát quy trình và đảm bảo nó vận hành hoàn hảo với chất lượng cao, tiết kiệm chi phí và hiệu quả môi trường

Cao điểm, hơn 3000 nhân công làm công tác xây lắp tại công trường. Cách vận hành có hệ thống cùng quản lý lịch trình đồng bộ và giao tiếp tốt với tất cả các bên sẽ tạo nên thành công cho dự án này.

Chìa khóa thành công cho một dự án lớn

Kế hoạch ban đầu của dự án đã được triển khai từ nhiều năm trước – sau khi nhà máy sản phẩm sinh học Äänekoski đi vào hoạt động. Các công việc chuẩn bị tại chỗ, phác thảo kỹ thuật và giấy phép môi trường được thực hiện vào năm 2020. Và cho đến khi quyết định đầu tư chính thức được đưa ra vào tháng 2/2021 thì công trình xây dựng ở Kemi cũng được khởi công.

Jari-Pekka Johansson, Giám đốc Dự án của Metsä Fibre cho biết: “Môi trường và năng lượng hiệu quả cao là mục tiêu chính cho nhà máy của chúng tôi. Thành công lớn của chúng tôi là sản xuất ra axit sunfuric từ khí không ngưng tụ của chính nhà máy nhờ vào kỹ thuật hiện đại, vượt xa các yêu cầu của ngành”.

Ông Johansson cho biết thêm: “Phạm vi của dự án này rất rộng. Ngoài nhà máy sản xuất sản phẩm sinh học, chúng tôi đã xây dựng một tuyến đường sắt mới đến khu vực nhà máy, một nhà kho mới cho cảng nước sâu và một đường dây truyền tải điện cao thế 110 kV mới vào lưới điện quốc gia”

Việc thực hiện một dự án tầm cỡ trong khoảng thời gian đặc biệt này đã vừa là cơ hội vừa là thách thức.

Ông Johansson chia sẻ: “Để thành công trong một dự án như vậy, chúng tôi cần một cách vận hành có hệ thống, quản lý lịch trình đồng bộ và giao tiếp tốt với tất cả các bên. Với hơn 3000 nhân công làm việc tại chỗ đến từ gần 10 quốc gia khác nhau, chúng tôi cần có những thông lệ rõ ràng. Đại dịch Covid-19 toàn cầu và cuộc xâm lược Ukraine của Nga đã ảnh hưởng đến mọi thứ, bao gồm cả dự án nhà máy sản xuất sản phẩm sinh học Kemi, nhưng chúng tôi đã thực hiện các biện pháp khắc phục và giảm thiểu tất cả các tác động của chúng. Điều này có được là nhờ những đối tác chuyên nghiệp như Valmet đã đồng hành với chúng tôi trong dự án này”

Antti Ahola, quản lý địa điểm của Valmet (trái) cùng Juulia Liimatainen, Giám đốc dự án của Valmet

Quản lý công trường của Valmet, Antti Ahola – người có nhiều kinh nghiệm làm việc trong các dự án lớn trên toàn thế giới ghi nhận công lao của Metsä Fiber: “Làm việc trên công trường luôn căng thẳng nhất là trong giai đoạn hiện tại. Bất chấp hoàn cảnh đầy thách thức, Metsä Fiber đã sắp xếp rất tốt cơ sở vật chất bao gồm văn phòng, căng tin và cung cấp vắc xin Covid tại chỗ để dự án đảm bảo đúng tiến độ nhất có thể. Cùng nhau, chúng tôi cũng đã thực hiện một số thỏa thuận đặc biệt để đưa tất cả các trang thiết bị đến địa điểm đúng hạn”

Một số cột mốc quan trọng thành công của dự án

Dự án đang được tiến hành với tốc độ tối đa và đã đạt được nhiều cột mốc quan trọng trong những tháng gần đây.

Ahola cho biết thêm: “Nói chung, chúng tôi có khoảng 30 chuyến vận chuyển đặc biệt các trang thiết bị lớn từ cảng nước sâu Ajos đến cảng thành phố Kemi. Để vận chuyển các thiết bị chưng bốc, một số cột đèn và đèn giao thông phải tạm thời bị dỡ bỏ và hiện chúng đã được khôi phục”

Các trang thiết bị đặc biệt đã được chuyển từ cảng Ajos đến công trường trong tháng 10-11/2021 và 5-6/2022. Các bộ phận lớn nhất là thiết bị chúng bốc rộng 15 mét, nặng 510 tấn. Thành phần dài nhất là tháp lò phản ứng dài khoảng 65 mét.

Giám đốc Dự án của Valmet Juulia Liimatainen cho biết: “Hiện tại, ngoài việc lắp đặt thiết bị và đường ống, các hoạt động chuẩn bị khác đang được tiến hành. Quá trình đào tạo người vận hành đã bắt đầu và chúng tôi đang tiến hành các cuộc kiểm tra áp suất và đường ống bằng nước. Và tất nhiên, chúng tôi rất vui khi đã hoàn thành xuất sắc các công việc theo kế hoạch để xây dựng lại Tuyến bột số 1 khi nhà máy đã ngừng hoạt động vào tháng 9/2022.

Các thử nghiệm nghiệm thu của hệ thống tự động hóa tại nhà máy đã được tiến hành ở Kemi vào mùa thu năm 2022. Sau khi hệ thống của Valmet được thử nghiệm bởi các kỹ sư của hãng, nhân viên của Metsä Fiber cũng đã được chạy thử nghiệm hệ thống đó.

Seppä chia sẻ: “Thử nghiệm đã diễn ra rất suôn sẻ và hầu hết các nhóm kỹ sư của chúng tôi đều có thể tham gia thử nghiệm. Bài kiểm tra này là một phần rất quan trọng của quá trình học hỏi. Người vận hành quy trình của Metsä Fiber có thể tự làm quen với quy trình sản xuất của nhà máy mới thông qua quá trình thử nghiệm”

Giai đoạn hoàn thiện cuối cùng

Theo kế hoạch, nhà máy chế phẩm sinh học mới sẽ được khởi động vào quý 3 năm 2023.

Liimatainen chia sẻ thêm về các hoạt động sắp tới: “Tiếp theo, các đội nghiệm thu sẽ được huy động đến công trình và bắt đầu chuẩn bị cho các hoạt động nghiệm thu nguội đầu tiên. Tất cả chúng tôi cam kết sẽ thực hiện mục tiêu chung là đảm bảo quá trình khởi động suôn sẻ và tăng tốc nhanh chóng”

Johansson kết luận rằng: “Những tháng tới sẽ rất bận rộn và chúng tôi sẽ tiếp tục có nhiều nhà thầu cũng như nhân viên của chúng tôi tới làm việc tại công trường. Việc đảm bảo an toàn cho mọi người hoạt động trên công trường sẽ luôn được ưu tiên hàng đầu”.

Theo Công ty ATZ Solutions & VPPA – Chi hội 2