Tín hiệu “lạ” này cho thấy quý 1/2023 là “điểm đáy” của tăng trưởng doanh nghiệp?

Sáng ngày 28/3 tại Hà Nội đã diễn ra Toạ đàm ‘VITV – Đối thoại: Trợ lực để doanh nghiệp Việt vượt khó?’. Theo đại diện Kênh truyền hình Kinh tế tài chính VITV-SCTV8, bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục có những biến động phức tạp, lạm phát toàn cầu dù hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, giá năng lượng tăng, xung đột Nga – Ukraine diễn biến ngoài dự đoán.

Cho dù tình hình kinh tế 2 tháng đầu năm của cả nước có những tín hiệu tích cực so với cùng kỳ 2022, song vẫn còn nhiều khó khăn. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 49,44 tỷ USD, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 38,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn rất nhiều so với 19,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới).

Tín hiệu "lạ" này cho thấy quý 1/2023 là “điểm đáy” tăng trưởng của doanh nghiệp? - Ảnh 1.

Đại diện VITV chia sẻ trong tọa đàm

Như vậy, số doanh nghiệp rút lui và tạm thời rút lui khỏi thị trường trong 2 tháng đầu năm 2023 là 51,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân mỗi tháng có 25,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Tất cả những yếu tố này đều báo hiệu khó khăn của hoạt động sản xuất kinh doanh. Thông thường, sau Tết, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ phục hồi và tăng tốc, nhưng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động thấp hơn nhiều con số rút lui khỏi thị trường là vấn đề đáng lưu tâm.

Diễn ra trong bối cảnh thế giới tiếp tục có những biến động phức tạp, lạm phát toàn cầu dù hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, giá năng lượng tăng, chiến sự Nga – Ukraine diễn biến ngoài dự đoán… nhưng kinh tế Việt Nam 2 tháng đầu năm vẫn có những tín hiệu tích cực so với cùng kỳ 2022.

Tuy nhiên, bức tranh kinh tế 2 tháng đầu năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn, đáng chú ý số doanh nghiệp rút lui và tạm thời rút lui gần 52.000 doanh nghiệp, con số này tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tại buổi tọa đàm, TS. Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam nhận định, số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường đang “chạm đáy”.

Ông Lộc chia sẻ: “Lần đầu tiên số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường thấp hơn số lượng doanh nghiệp phá sản và giải thể nên hy vọng quý 1/2023 là “điểm đáy” của sự phục hồi doanh nghiệp. Hiện tín hiệu của sự hồi phục đã xuất hiện dù rất yếu, nên quý III/2023 sẽ cho tín hiệu tích cực hơn”.

Chia sẻ về vấn đề này, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, trong bối cảnh khó khăn nhất, doanh nghiệp mong chờ vào những cải cách hỗ trợ kinh doanh.

TS. Nguyễn Đình Cung dự báo, khó khăn của nền kinh tế có thể tiếp tục kéo dài đến năm sau. Trong bối cảnh khó khăn nhất, cần thực hiện cải cách môi trường kinh doanh để tạo ra bước ngoặt của sự thay đổi. Cải cách môi trường kinh doanh được coi như một chìa khoá để vượt qua giai đoạn này.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh đến yêu cầu tập trung cải cách thể chế một cách toàn diện, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Cơ quan chức năng cần rà soát liên tục, phát hiện vướng mắc của doanh nghiệp thay vì chờ doanh nghiệp phản ánh, đề xuất rồi mới họp, bàn cách tháo gỡ.

Trong buổi tọa đàm, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng nêu vấn đề về việc cần khơi thông nguồn lực cho các doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn khó khăn như hiện nay.

Ông Hiếu chia sẻ, cần áp dụng những chính sách mới để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn lực về vốn, đất đai,…tạo động lực cho doanh nghiệp hồi phục và phát triển.

Nguồn: Nhịp sống thị trường

Lãi suất ngân hàng 28/3: Thêm Techcombank giảm lãi suất, SCB huy động 6 tháng cao nhất thị trường

Techcombank mới đây đã thông báo điều chỉnh biểu lãi suất huy động tiền gửi từ ngày 27/3 với mức giảm đồng loạt 0,2 điểm % ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.

Theo đó, lãi suất cao nhất mà ngân hàng áp dụng là 8%/năm. Điều kiện để hưởng mức lãi suất này là khách hàng phải thuộc dạng VIP 1 gửi tiền theo hình thức online với số tiền gửi tối thiểu 3 tỷ đồng.

Với khách hàng thường, mức lãi suất cao nhất ở mức 7,7%, áp dụng cho số tiền gửi từ 3 tỷ trở lên. Với số tiền gửi dưới 3 tỷ, khách hàng thường được hưởng mức lãi suất cao nhất là khoảng 7,5 – 7,6%.

Cũng trong ngày 27/3, KienlongBank đã cập nhật biểu lãi suất huy động mới, áp dụng từ ngày 27/3 với mức điều chỉnh giảm 0,1 – 0,2 điểm % ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Hiện mức lãi suất tiền gửi cao nhất mà KienlongBank áp dụng là 8,8% dành cho kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng.

LienVietPostBank cũng điều chỉnh biểu lãi suất từ ngày 27/3 và giảm ở khá nhiều kỳ hạn. Trong đó, lãi suất kỳ hạn từ 13 tháng trở đi được điều chỉnh giảm 0,2 điểm % xuống 9%/năm. Ngân hàng giữ nguyên lãi suất 6 tháng là 8,5%/năm và 12 tháng là 8,6%/năm.

Lãi suất ngân hàng 28/3: Thêm Techcombank giảm lãi suất, SCB huy động 6 tháng cao nhất thị trường - Ảnh 1.

Theo khảo sát biểu lãi suất tiền gửi niêm yết của các ngân hàng trong ngày 28/3, chỉ còn một vài ngân hàng áp dụng mức lãi suất trên 9%.

Tại kỳ hạn 6 tháng, SCB là ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất, ở mức 9%/năm. Đứng kế sau lần lượt là 3 ngân hàng áp dụng mức 8,8% là Bao Viet Bank, Bắc Á Bank và HDBank.

Tại kỳ hạn 12 tháng, ABBank áp dụng mức lãi suất cao nhất là 9,1%/năm. Tiếp theo là SCB với mức lãi suất 9%/năm.

Tại kỳ hạn 13 tháng, một số ngân hàng vẫn đang áp dụng mức lãi suất trên 9%/năm. Theo đó, OCB niêm yết mức lãi suất 9,3 %/năm cho kỳ hạn này. Đây cũng là mức lãi suất cao nhất mà ngân hàng này đang áp dụng.

Đứng sau OCB, Bắc A Bank và HDBank áp dụng mức lãi suất 9,2%/năm cho kỳ hạn này. Trong khi ABBank và Bao Viet Bank có lãi suất 9,1%/năm.

Ngoài ra, còn 3 ngân hàng khác huy động với lãi suất 9%/năm ,cho kỳ hạn 13 tháng là SCB, VietBank và LienVietPostBank.

Tại kỳ hạn 24 – 36 tháng, OCB cũng có lãi suất cao nhất thị trường với 9,3%/năm. Trong khi Bắc A Bank và ABBank niêm yết 9,2%/năm.

Ba ngân hàng khác áp dụng mức lãi suất 9%/năm cho kỳ hạn này là SCB, Viet Bank và LienVietPostBank.

Lưu ý, để được hưởng các mức lãi suất cao nhất này, khách hàng cần đáp ứng các điều kiện mà ngân hàng đưa ra như gửi bằng hình thức trực tuyến hoặc/và có số tiền gửi lớn hơn mức tối thiểu theo quy định. Ngoài ra, mức lãi suất huy động có thể thay đổi tùy vào tình hình cân đối vốn của từng chi nhánh ngân hàng.

Nhóm các ngân hàng TM Nhà nước là Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank vẫn có lãi suất thấp nhất thị trường khi huy động 6 tháng chỉ 5,8%/năm và cao nhất là 7,2%/năm.

Eximbank là trường hợp ngân hàng tư nhân hiếm hoi cũng niêm yết lãi suất ở mức rất thấp. Hiện lãi suất 6 tháng ở ngân hàng này chỉ 6,3%/năm và gửi dưới 12 tháng thì không kỳ hạn nào được 7%/năm. Mức lãi suất cao nhất nhà băng này đang áp dụng là cho các kỳ hạn 13 tháng đến 36 tháng khi lãi suất được trả 7,5%/năm.

Nguồn: Nhịp sống thị trường

FDI vào Việt Nam tiếp tục xu hướng giảm, 3 tháng chỉ đạt 5,45 tỷ USD

Vốn đăng ký giảm, vốn giải ngân cũng giảm

Số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, tính đến ngày 20/3/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 5,45 tỷ USD, bằng 61,2% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân của sự sụt giảm này, theo Cục Đầu tư nước ngoài, là do trong 3 tháng năm 2022 có sự gia tăng đột biến với việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án LEGO, với tổng vốn đăng ký 1,32 tỷ USD. Riêng dự án này đã chiếm tới 41% tổng vốn đăng ký mới trong 3 tháng năm 2022.

Trong khi đó, giá trị góp vốn, mua cổ phần, theo Cục Đầu tư nước ngoài, cũng giảm và vốn điều chỉnh chưa được cải thiện nhiều so với 2 tháng. Tuy nhiên, số dự án đầu tư mới và số lượt dự án điều chỉnh vốn vẫn tăng so với cùng kỳ.

Cụ thể, trong quý đầu năm, có 522 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 3 tỷ USD, tăng 62,1% về số lượng dự án và giảm 5,9% về số vốn so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, có 228 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn tăng thêm đạt hơn 1,2 tỷ USD, tăng 2,6% về số lượt dự án và giảm 70,3% về số vốn so với cùng kỳ.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư điều chỉnh 3 tháng năm 2023 giảm so với cùng kỳ do trong 3 tháng năm 2022 có nhiều dự án điều chỉnh vốn lớn trên 50 triệu USD. Riêng các trường hợp này đã chiếm tới 81% tổng vốn điều chỉnh của 3 tháng năm 2022.

Trong khi đó, 3 tháng năm 2023 có ít các lượt dự án điều chỉnh vốn trên 50 triệu USD và chỉ chiếm 37,8% tổng vốn điều chỉnh.

Cùng với đó, trong 3 tháng đầu năm, có 440 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị vốn góp đạt gần 797,9 triệu USD, tăng 10% về số lượt và tăng 3,7% về số vốn so với cùng kỳ.

Không chỉ vốn đăng ký giảm, mà số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài cũng giảm so với cùng kỳ, đạt 4,3 tỷ USD, giảm 2,2%. Mức giảm này cũng đã cải thiện so với 2 tháng đầu năm.

Vẫn trông vào đối tác đầu tư truyền thống

Nhận xét về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong quý đầu năm, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, cơ cấu vốn đầu tư nước ngoài theo cách thức đầu tư vốn có sự thay đổi so với cùng kỳ năm 2022.

Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm 2023, tỷ trọng vốn đầu tư mới trong tổng vốn đăng ký tăng lên (chiếm hơn 55,5% so với 36% cùng kỳ năm 2022), trong khi tỷ trọng vốn đầu tư điều chỉnh giảm đi (chiếm 22,2% so với 45,6% trong cùng kỳ). Tỷ trọng góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tăng nhẹ từ 18,3% trong 3 tháng năm 2022 lên 22,3% trong 3 tháng năm 2023.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư mới tuy không còn duy trì được mức tăng mạnh như trong 2 tháng đầu năm, song số dự án đầu tư mới tiếp tục tăng so với cùng kỳ và tăng mạnh so với 2 tháng đầu năm.

Cùng với đó, các dự án đầu tư mới vẫn tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài (cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc túc đầu tư…), như Bắc Giang, Đồng Nai, Bắc Ninh, TP.HCM, Hải Phòng…

Xét theo ngành, trong quý đầu năm 2023, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 4 tỷ USD, chiếm 73% tổng vốn đầu tư đăng ký và giảm 25% so với cùng kỳ. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 766 triệu USD, chiếm gần 14,1% tổng vốn đầu tư đăng ký và giảm 71,6% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, các ngành bán buôn, bán lẻ; vận tải kho bãi thu hút vốn đầu tư tăng hơn so với cùng kỳ, xếp thứ 3 và 4 với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là gần 276 triệu USD (tăng gấp 2 lần cùng kỳ) và gần 151 triệu USD (tăng 37%). Còn lại là các ngành khác.

Còn xét theo đối tác đầu tư, theo Cục Đầu tư nước ngoài, đã có 67 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 3 tháng đầu 2023.

Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 1,69 tỷ USD, chiếm gần 31% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 26,3% so với cùng kỳ 2022; Trung Quốc đứng thứ hai với gần 552 triệu USD, chiếm 10,1% tổng vốn đầu tư, giảm 38,3% so với cùng kỳ.

Đài Loan đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 477 triệu USD, chiếm gần 8,8% tổng vốn đầu tư, tăng 47,5% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Hàn Quốc, Hồng Kông, Hà Lan,..

Tuy nhiên, xét về số dự án, Hàn Quốc dẫn đầu cả về số dự án mới (chiếm 15,5%), số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 26,9%) và góp vốn, mua cổ phần (chiếm 28,4%).

Như vậy, các nhà đầu tư đến từ châu Á, các đối tác đầu tư truyền thống, như Singapore, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản…, vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Đặc biệt, đầu tư của các nhà đầu tư Trung Quốc tăng, vượt qua Đài Loan, Hàn Quốc và xếp thứ 2 trong 67 đối tác có đầu tư tại Việt Nam trong 3 tháng, với dự án đầu tư mới lớn (140 triệu USD) trong lĩnh vực sản xuất pin, ắc quy, tấm pin năng lượng mặt trời tại Bắc Giang.

Nguồn: Báo đầu tư

NGHIÊN CỨU SỬ DỤNG XƠ SỢI TỪ BÃ SẮN CHO SẢN XUẤT GIẤY  BÌA CỨNG

Hồ Thị Thúy Liên, Nguyễn Đăng Toàn, Cao Thị Bình – Trường Cao đẳng Công Thương Phú Thọ 

 

         1. Mở đầu:

Các sản phẩm của ngành giấy là những sản phẩm thiết yếu trong cuộc sống của mỗi người dân. Sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông kỹ thuật số đã dẫn đến giảm nhu cầu sử dụng giấy in báo, nhưng lại mang đến sự tăng trưởng mạnh mẽ ở phân khúc giấy bao bì, hộp giấy. Cùng với sự phát triển của công nghiệp và đời sống văn hóa xã hội, trong tương lai gần, nhu cầu về các sản phẩm giấy vẫn tiếp tục gia tăng, do vậy công nghiệp giấy thế giới và trong nước sẽ gặp những khó khăn nhất định về nguồn nguyên liệu [1].

Ngành sản xuất giấy hiện nay ở nước ta chủ yếu sử dụng nguyên liệu chính là bột hóa học và cơ học từ gỗ, tuy nhiên ở một số quốc gia có nền nông nghiệp phát triển (như Trung Quốc, Ấn Độ…), một lượng lớn bột giấy được sản xuất từ các phế phụ phẩm nông nghiệp. Vì vậy, tăng cường sử dụng nguyên liệu phi gỗ, đặc biệt là phế thải nông nghiệp là hướng phát triển nguồn nguyên liệu xơ sợi, phục vụ phát triển bền vững, nhất là đối với các nước đang phát triển [2].

Công nghệ tái chế giấy loại đã và đang phát triển khá mạnh. Hiện nay, nguồn cung giấy phế liệu trong nước (giấy thu hồi – giấy tái chế) không đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất nội địa, hầu hết các doanh nghiệp phải nhập khẩu số lượng lớn phục vụ cho sản xuất. Theo ước tính sơ bộ, tỷ lệ thu gom giấy tại Việt Nam chỉ đạt dưới ngưỡng trung bình thế giới, khoảng dưới 40% trước khi đưa vào phân loại và xử lý. Trong khi đó, công tác quản lý giấy thu hồi nhập khẩu lại gặp phải không ít thách thức gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất giấy bao bì.

Nước ta đã có gần 100 nhà máy sản xuất tinh bột sắn với công nghệ hiện đại, công suất từ 200 -500 tấn củ/ ngày. Có thể nói tiềm năng sản xuất sắn ở nước ta rất lớn. Một trong những chất thải ra từ quá trình sản xuất tinh bột sắn là bã sắn. Lượng bã sắn thải ra từ quá trình chế biến tinh bột chiếm khoảng 45%, khối lượng sắn củ. Bã sắn có chứa một lượng lớn chất xơ và một lượng dư tinh bột. Dư lượng chất xơ phong phú trong trong bã sắn thu được từ sản xuất công nghiệp tinh bột sắn có thể sử dụng để có được một hỗn hợp bột tương tự như các tông, thông qua một kỹ thuật được sử dụng trong sản xuất quy mô nhỏ của giấy tái chế. Việc sử dụng bã sắn kết hợp với bột giấy tái chế được xem như bổ sung xơ sợi dài để nâng cao độ bền cho vật liệu [3].

Các vật liệu từ bã sắn có đặc tính tương tự giấy tái chế. Tuy nhiên bã sắn có lợi thế hơn vì nó là nguồn nguyên liệu tái tạo, thân thiện môi trường. Các nghiên cứu cho thấy rằng bã sắn là nguồn xơ sợi tiềm năng cho sản xuất giấy và bột giấy, đặc biệt ở các nước có nguồn gỗ hạn chế [4 ][5].

  1. Nguyên vật liệu và phương pháp nghiên cứu:

Nguyên liệu bã sắn được lấy sau công đoạn ép tách tinh bột được bảo quản trong túi nilon buộc kín sử dụng cho phân tích. Thành phần hóa học của nguyên liệu đã được xác định theo các phương pháp tiêu chuẩn của Hiệp hội kỹ thuật Công nghiệp bột giấy và giấy của Mỹ TAPPI và TCVN, như sau: xenluloza 32,7%; lignin 10,5%, pentozan 29,1 % và tinh bột 6,1%.

Xử lý sơ bộ bã sắn bằng enzym amylaza, mức dùng: 0,1% ở nhiệt độ: 500C,  pH: 7, thời gian: 10 phút. Sau khi xử lý bằng enzym bã sắn được rửa sạch có thể bảo quản trong túi nilon buộc kín hoặc sấy khô. Với điều kiện này bã sắn có thể để dự trữ được 6 tháng với bã ướt hoặc 18 tháng với bã khô.

Giấy lề OCC được thu gom từ các cửa hàng tạp hóa được xé nhỏ và đánh tơi trong thiết bị đánh tơi và nghiền bằng máy nghiền Hà Lan theo TCVN 9574-1:2013. Độ nghiền được xác định theo TCVN 8202-1: 2009. Bột OCC được phối trộn với bã sắn theo các tỷ lệ khác nhau theo yêu cầu của từng phép thử. Sau khi nghiền tới độ nghiền 40-45 oSR, các mẫu giấy được xeo trên máy xeo thí nghiệm theo TCVN 8845-1:2011, sau đó các mẫu giấy ướt được ép bằng tấm ép phẳng với áp lực 5 Kpa trong 5 phút. Kết thúc các mẫu giấy được sấy khô và xác định tính chất cơ lí. Độ chịu bục và độ bền xé được xác định tương ứng theo  TCVN 3228:2000 và TCVN 3229:2000, độ dày được xác định theo TCVN 3652: 2007

III. Kết quả và thảo luận:

Giấy lề OCC sau khi thu gom về được loại bỏ tạp chất, đánh tơi, nghiền tới độ nghiền 40-45 oSR. Bã sắn được nghiền riêng biệt tới cùng độ nghiền và phối trộn với bột OCC để chuẩn bị cho quá trình xeo giấy. Sau khi phối trộn, các mẫu giấy được xeo, ép và sấy khô ở cùng một điều kiện để xác định các tính chất bền của giấy.

 Ảnh hưởng của mức dùng bã sắn tới độ chịu bục:

Hình 1: Ảnh hưởng của mức dùng bã sắn tới độ chịu bục

Để khảo sát ảnh hưởng của bã sắn tới độ chịu bục của giấy, nhóm nghiên cứu đã tiến hành các thực nghiệm với các mức dùng bã sắn tăng dần từ 10 tới 40 %. Mẫu không sử dụng bã sắn được xeo ở điều kiện tương tự. Kết quả cho thấy với tỷ lệ dùng bã sắn  ≤ 20%, độ chịu bục của giấy hầu như không bị ảnh hưởng. Nhưng với tỷ lệ phối trộn bã sắn cao hơn 20%, độ chịu bục bắt đầu giảm và giảm mạnh khi mức dùng bã sắn cao hơn 30%. Kết quả ảnh hưởng của mức dùng bã sắn tới độ chịu bục được thể hiện ở Hình 1.

Ảnh hưởng của mức dùng bã sắn tới độ bền kéo:

Các kết quả xác định độ bền kéo của các mẫu giấy được thể hiện ở Hình  2 cho thấy: Với mức dùng bã sắn tăng từ 20 % đến 30% thì độ bền kéo giảm nhẹ, sau đó nếu tăng mức dùng bã sắn thì mức giảm độ bền tăng khá nhanh. Do độ bền kéo được quyết định bởi độ bền và chiều dài xơ sợi. Xơ sợi từ bã sắn có độ dài thấp hơn và độ mềm mại kém hơn nên khi bổ sung với lượng nhỏ thì không ảnh hưởng nhiều đến độ bền kéo, nhưng khi bổ sung với lượng tương đối lớn thì độ bền kéo sẽ bị ảnh hưởng

Hình 2: Ảnh hưởng của mức dùng bã sắn tới độ bền kéo

Ảnh hưởng của mức dùng bã sắn tới độ bền xé:

Kết quả thực nghiệm cho thấy rằng khi tăng mức dùng bã sắn thì độ bền xé giảm, điều đó có thể xét đến sự có mặt của một lượng xơ sợi ngắn của bã sắn sẽ làm cho độ bền xé giảm. Với mức dùng bã sắn thấp thì độ bền xé giảm nhẹ, mức độ giảm sẽ tăng khi tăng mức dùng bã sắn, và khi tăng mức dùng lên trên  35 % thì độ bền xé giảm qua mức cho phép.

 Hình 3: Ảnh hưởng của mức dùng bã sắn tới độ bền xé

Ảnh hưởng của mức dùng bã sắn tới độ dày, khối lượng riêng:

Để khảo sát ảnh hưởng của bã sắn tới độ dày của giấy, nhóm nghiên cứu đã tiến hành các thực nghiệm với các mấu khác nhau. Mẫu đối chứng là mẫu không sử dụng bã sắn và các mẫu dùng bã sắn với các mức dùng khác nhau, các mẫu được thực hiện ở cùng một điều kiện độ nghiền, xeo cùng một định lượng và các chế độ công nghệ ép, sấy như nhau. Kết quả xác định độ dày và khối lượng riêng được thể hiện ở đồ Hình 4:

Hình 4: Ảnh hưởng của mức dùng bã sắn tới độ độ dày của giấy

Các mẫu sau khi kiểm tra độ dày, sẽ được kiểm tra định lượng để xác định khối lượng riêng của giấy. Kết quả xác định khối lượng riêng được thể hiện ở Hình 5.

Hình 5: Ảnh hưởng của mức dùng bã sắn tới khối lượng riêng của giấy

  Kết quả thực nghiệm cho thấy khi tăng mức dùng bã sắn thì độ dày của giấy tăng, khối lượng riêng của giấy giảm. Điều này do xơ sợi của bã sắn có tính xốp, nhẹ nên đã tạo cho giấy có độ dày, độ xốp nhất định,  nên  khối lượng riêng của giấy  giảm đi.

IV. Kết luận:

Từ các kết quả nghiên cứu ở trên cho thấy rằng xơ sợi từ bã sắn có tính chất sợi phù hợp để làm giấy bìa cứng, ngoài ra xơ sợi bã sắn có tính xốp, nhẹ nên phù hợp sử dụng cho làm giấy bìa có độ xốp cao.

Với mức dùng bã sắn thấp hơn 15% thì việc sử dụng bã sắn hầu như không ảnh hưởng tới độ bền của giấy, với mức dùng từ 15-30% một số tính chất độ bền bị giảm nhẹ và độ bền của giấy giảm mạnh khi mức dùng bã sắn tăng trên 35%.

 Tài liệu tham khảo:

[1]. World Pulp & Recovered Paper Forecast – 15 Year, RISI (2011).

[2]. Gami B., Limbachiya R, R. Parmar, H. Bhimani, B. Patelet; An Evaluation of Different Non-woody and Woody Biomass of Gujarat, India for Preparation of Pellets – A Solid Biofuel, Energy Sources, Part A: Recovery, Utilization, and Environmental Effects, Vol. 33, Issue 22 (2011).

[3] K.N Matsui. Cassava bagasse-Kraft paper composites: analysis of influence of impregnation with starch acetate on tensile strength and water absorption properties. Carbohydrate Polymers. Volume 55, Issue 3, Pages 237–243, February, 2004

[4 ] Ashuvila Mohd Aripin. Cassava bagasse for Alternative Fibre in Pulp and Paper Industry: Chemical Properties and Morphology Characterization. International Journal of Integrated Engineering Vol 5, No 1 (2013).

 [5] Zawawi Daud. Chemical composition and Morphological of cocoa Pod Husks and cassava pells for pulp and paper production. Australian Journal of basic and Applied Sciences, 7(9): 406-411, 2013.

Làn sóng vỡ nợ toàn cầu dâng cao, Việt Nam cần nâng cao hiệu quả chính sách tài khóa để giữ chân dòng vốn đầu tư

Theo Báo cáo về Làn sóng vỡ nợ doanh nghiệp năm 2023 của Moody’s công bố mới đây, tỷ lệ vỡ nợ trên toàn cầu đối với các công ty đầu tư mạo hiểm đã tăng lên 4,3% vào cuối năm 2022, cao gấp đôi so với mức 1,8% vào đầu năm.

SỐ VỤ VỠ NỢ TRÊN TOÀN CẦU ĐÃ TĂNG GẦN 3 LẦN TRONG NĂM 2022

Cụ thể, tỷ lệ vỡ nợ cuối năm 2022 đã vượt qua mức trung bình cao nhất trong lịch sử là 4,1%: “Tổng số tiền vỡ nợ trên toàn cầu đã tăng lên 146 tỷ USD vào năm 2022, từ 55 tỷ USD vào năm 2021 nhưng đã giảm so với 236 tỷ USD vào năm 2020. Xung đột Nga-Ukraine và sự suy thoái trong lĩnh vực bất động sản tại Trung Quốc là hai nguyên nhân chính làm gia tăng vỡ nợ”. Tổng số tiền vỡ nợ trên toàn cầu năm 2022 bao gồm 112 tỷ USD trái phiếu và 34 tỷ USD từ các khoản vay.

Trong tổng số 156 vụ vỡ nợ trên toàn cầu được ghi nhận vào năm 2022, các vụ trên 1 tỷ USD chiếm 25%. Vụ vỡ nợ lớn nhất là của doanh nghiệp dược phẩm Endo International có trụ sở tại Mỹ và các công ty con của trong hệ thống với số tiền 7,9 tỷ USD. Quyết định nộp đơn phá sản được đưa ra sau khi lợi nhuận của Endo suy giảm giảm do mất tính độc quyền của thuốc Vasostrict – sản phẩm bán chạy nhất, đóng góp khoảng 30% lợi nhuận trong năm 2021.

Vụ vỡ nợ lớn thứ hai vào năm 2022 là Diamond Sports Group, công ty tiếp thị thể thao có trụ sở tại Mỹ của Sinclair Broadcast Group với số tiền khoảng 6,3 tỷ USD.

Trên khắp thế giới, châu Âu là khu vực có nhiều vụ doanh nghiệp vỡ nợ nhất trong năm 2022 với 89 công ty – chiếm hơn 50% tổng số vụ vỡ nợ (chỉ riêng ở Nga là 65 vụ). Tiếp sau là Bắc Mỹ với 38 vụ vỡ nợ, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương chiếm 24 vụ, 5 vụ vỡ nợ còn lại là từ khu vực Mỹ Latinh và châu Phi.

Nếu không tính các vụ vỡ nợ từ doanh nghiệp Nga, trong năm 2022, xây dựng là ngành có nhiều vụ vỡ nợ lớn nhất với 24 vụ; tiếp theo là ngân hàng (10), chăm sóc sức khỏe (6), dược phẩm (6) và bán lẻ (5).

Xét về giá trị USD, Bắc Mỹ có số tiền vỡ nợ cao nhất với khoảng 50 tỷ USD, kế đến là Châu Á-Thái Bình Dương và châu Âu với lần lượt khoảng 49 tỷ USD và 46 tỷ USD.

Ngành ngân hàng có nhiều vụ vỡ nợ nhất trong năm 2022 nếu xét theo lĩnh vực với 45 vụ vỡ nợ (bao gồm 35 vụ ở Nga và 8 vụ ở Ukraine). Nguyên nhân từ việc hạn chế rút tiền gửi ngoại tệ theo quy định kiểm soát vốn của các ngân hàng trung ương. Hai vụ còn lại là Getin Noble Bank (Ba Lan) và Banco Economico (Angola).

Nếu không tính các vụ vỡ nợ từ doanh nghiệp Nga, trong năm 2022, xây dựng là ngành có nhiều vụ vỡ nợ lớn nhất với 24 vụ; tiếp theo là ngân hàng (10), chăm sóc sức khỏe (6), dược phẩm (6) và bán lẻ (5).

LĨNH VỰC HÀNG TIÊU DÙNG LÂU BỀN SẼ BỊ ẢNH HƯỞNG NGHIÊM TRỌNG

Tỷ lệ vỡ nợ trên toàn cầu được dự báo sẽ giảm trong quý đầu tiên của năm 2023 do “làn sóng vỡ nợ năm 2022 ở Nga” không còn trong dữ liệu, trước khi tăng lên 4,4% vào cuối năm 2023.

Sự gia tăng các vụ vỡ nợ trong năm nay đã được dự kiến “khi một số nền kinh tế lớn bước vào suy thoái nhẹ kết hợp với ảnh hưởng của các điều kiện tài chính thắt chặt hơn”.

Dự kiến tỷ lệ vỡ nợ sẽ đạt đỉnh lên mức 4,6% vào đầu năm 2024, trước khi giảm xuống 4,2% vào cuối năm. Dự báo này dựa trên giả định kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi chậm chạp cũng như các chính sách tiền tệ vẫn còn hạn chế.

Tuy nhiên, Moody’s cũng đưa ra một số kịch bản thay thế.

Trong điều kiện lạc quan nhất, nếu các nền kinh tế lớn trên thế giới không đồng suy thoái và thị trường tài chính ổn định nhanh hơn dự kiến, tỷ lệ vỡ nợ sẽ giảm xuống 4% vào năm 2023.

Trong kịch bản “bi quan ở mức vừa phải”, tỷ lệ vỡ nợ sẽ tăng lên 9,9% trong năm 2023. Trong kịch bản “bi quan ở mức nghiêm trọng”, tỷ lệ này sẽ tăng lên 15% – cao hơn mức đỉnh trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 (13,5%). Trong đó, lĩnh vực hàng tiêu dùng lâu bền được đánh giá có tỷ lệ vỡ nợ cao nhất.

Các tổ chức có nhiều khoản vay ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn so với các tổ chức phát hành trái phiếu lãi suất cao vì hầu hết các khoản vay đều có lãi suất thả nổi.

Trong kịch bản “bi quan ở mức nghiêm trọng”, tỷ lệ này sẽ tăng lên 15% – cao hơn mức đỉnh trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 (13,5%).

Ngoài ra, các ngân hàng đã thắt chặt các tiêu chuẩn cho vay trước nguy cơ suy thoái kinh tế, khiến các doanh nghiệp khó khăn hơn trong việc tái cấp vốn. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ vỡ nợ, đặc biệt là đối với các tổ chức yếu kém về tài chính.

Lạm phát tăng cao đã khiến lợi nhuận của các tổ chức phát hành bị suy giảm do không thể chuyển giá tăng sang cho khách hàng. Mức thu nhập thấp cũng sẽ làm tăng rủi ro vỡ nợ cho các công ty có thanh khoản kém.

Moody’s cũng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu của nhóm G-20 sẽ tiếp tục giảm tốc trong năm 2023. Một số nền kinh tế lớn sẽ chúng kiến suy thoái trong nửa cuối năm 2023.

Vào năm 2024, Moody’s kỳ vọng tăng trưởng kinh tế của G-20 sẽ ở mức khiêm tốn, lạm phát sẽ giảm dần và Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất trong quý đầu tiên của năm 2024. Nếu như những giả định này trở thành sự thật, chúng sẽ thúc đẩy nhu cầu của người tiêu dùng và doanh nghiệp, từ đó giảm bớt rủi ro vỡ nợ.

VIỆT NAM NÊN LÀM GÌ ĐỂ TIẾP TỤC THU HÚT DÒNG VỐN FDI?

Áp lực lạm phát kéo dài và chính sách tiền tệ thắt chặt, nhất là ở Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác đã gây ra biến động trên các thị trường tài chính toàn cầu và cản trở tăng trưởng kinh tế. Thậm chí, “bóng ma” của một cuộc khủng hoảng kinh tế đang lởn vởn do suy giảm vốn xảy ra.

Viễn cảnh chính sách tiền tệ tiếp tục bị thắt chặt, nhất là ở Mỹ và các nền kinh tế phát triển, có thể làm cho suy giảm kinh tế toàn cầu trở nên trầm trọng hơn, khiến dòng vốn đầu tư tiếp tục rút khỏi các quốc gia thị trường mới nổi, bao gồm cả Việt Nam.

Làn sóng vỡ nợ của doanh nghiệp trên toàn cầu có thể tác động tiêu cực tới việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam trong thời gian tới. Nhìn lại năm 2022, các nhà đầu tư nước ngoài đăng ký tổng cộng 27,7 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp trong năm 2022, giảm 11% so với năm 2021, mức thấp nhất trong 5 năm qua. Mức giảm này là do giảm đăng ký đầu tư trong các lĩnh vực chế tạo chế biến (giảm 7,3%) và cung cấp năng lượng (giảm 60,4%).

Số đăng ký mới vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) v ào Việt Nam giảm xuống mức thấp nhất 5 năm qua trong khi số giải ngân vốn FDI tăng mạnh trong năm 2022

Những thay đổi trong cam kết FDI tại Việt Nam giai đoạn 2020-2022 đồng pha với diễn biến kinh tế toàn cầu: năm 2020 được đánh dấu bằng mức cam kết FDI thấp, tăng vào năm 2021 khi nhiều nền kinh tế bắt đầu phục hồi sau cuộc khủng hoảng Covid-19, nhưng các cam kết giảm trở lại vào năm 2022 khi căng thẳng Nga – Ukraine nổ ra và số vụ vỡ nợ trên toàn cầu tăng gấp 3 lần.

Với triển vọng toàn cầu như trên, các chuyên gia cho rằng sử dụng chính sách tài khóa hiệu quả là cách để Việt Nam tự phòng vệ với những rủi ro về suy giảm tăng trưởng. Việt Nam vẫn còn dư địa tài khóa để hành động, nhưng yếu kém trong triển khai đã và đang làm giảm hiệu quả của chính sách tài khóa.

Trong Khuyến nghị chính sách tài khóa cho Việt Nam tại báo cáo “Điểm lại 2023” của World Bank (WB) khuyến nghị rằng trước mắt, trọng tâm cần nhằm vào triển khai dự toán đầu tư, bao gồm các dự án được xác định trong chương trình chính sách phục hồi và phát triển kinh tế, bao gồm đầu tư vào hạ tầng cơ sở vật chất và hạ tầng số. Những dự án này sẽ giúp đẩy mạnh nhu cầu trong nước trong ngắn hạn, đồng thời góp phần cho tăng trưởng tiềm năng trong dài hạn của Việt Nam.

Trong trung hạn, xử lý những trở ngại thể chế dẫn đến chưa đảm bảo tiến độ chương trình đầu tư công là cách để nâng cao hiệu quả của chính sách tài khóa. Bên cạnh đó, tiếp tục mở rộng mạng lưới an sinh xã hội theo cách có mục tiêu sẽ giúp chống đỡ hệ quả của lạm phát tăng cao đối với các hộ nghèo và dễ bị tổn thương, đồng thời tạo ra lớp đệm chống đỡ tác động đối với tiêu dùng tư nhân.

Theo các chuyên gia, sử dụng chính sách tài khóa hiệu quả là cách để Việt Nam tự phòng vệ với những rủi ro về suy giảm tăng trưởng toàn cầu.

Tuy nhiên, nếu lạm phát cơ bản và toàn phần tiếp tục gia tăng, công tác phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ sẽ trở nên hết sức cần thiết. Trong hoàn cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước có thể cần tiếp tục thắt chặt tiền tệ để giảm áp lực lạm phát thông qua tiếp tục tăng lãi suất. Nhưng, tiếp tục tăng lãi suất có thể làm trầm trọng hơn các điểm yếu hiện có trong lĩnh vực tài chính. Do đó, việc duy trì tính thanh khoản cần thiết hỗ trợ các thị trường vốn chính là tối quan trọng để tránh lạm phát bùng lên.

Rủi ro tài chính nổi lên cho thấy nhu cầu cần tăng cường khung chính sách, giám sát, và quản trị doanh nghiệp đối với khu vực tài chính.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần thực hiện các cải cách cơ cấu sâu sắc nhằm nâng cao tính bền vững cho tăng trưởng trong trung và dài hạn.

Cải cách về quản lý nhà nước sẽ cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy cạnh tranh và chuyển sang sản xuất kinh doanh trong khu vực chính thức, qua đó nâng cao tăng trưởng năng suất và giúp khu vực tư nhân tiếp tục phát triển để đáp ứng nhu cầu của tầng lớp trung lưu ngày càng lớn mạnh. Những cải cách này nhằm đảm bảo nguồn lực được phân bổ cho những doanh nghiệp có năng suất cao nhất, đồng thời cải cách khuôn khổ pháp lý cho phát sản cho phép đóng cửa những doanh nghiệp kém hiệu quả. Chúng cũng có thể bao gồm những biện pháp giúp cải thiện năng suất của doanh nghiệp thông qua tăng cường tiếp cận tài chính (ngân hàng số, phát triển thị trường vốn).

Mặc dù những nỗ lực phát triển các lĩnh vực công nghiệp và chế tạo chế biến có vai trò trung tâm trong tầm nhìn phát triển của Việt Nam, nhưng cải cách môi trường quản lý nhà nước và kinh doanh ảnh hưởng đến các lĩnh vực dịch vụ khác nhau cũng là cách để nâng cao năng suất trong từng lĩnh vực, dẫn đến tác động lan tỏa tích cực trong toàn ngành dịch vụ và giữa các ngành sang cả nông nghiệp và chế tạo chế biến, qua đó nâng cao năng suất tổng thể của quốc gia (trọng tâm của chương hai tron báo cáo này).

Những nỗ lực này có thể bao gồm cải cách khuôn khổ pháp lý về đầu tư nước ngoài trong một số ngành dịch vụ xương sống như kho vận (logistics), ngân hàng và viễn thông. Việt Nam là thành viên của 15 Hiệp định thương mại tự do (FTAs) đang được vận hành và có thể nghiên cứu thực hiện những cải cách về dịch vụ theo cam kết của quốc gia.

Nguồn: Báo mới

GDP đứng sau Indonesia, Thái Lan, Malaysia, nhưng năng suất lao động của Việt Nam quá thấp

Năm 2022, với quy mô nền kinh tế khoảng 410 tỷ USD, Việt Nam bước vào “câu lạc bộ” 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam chỉ đứng sau Indonesia, Thái Lan và Malaysia về quy mô kinh tế. Nếu tính theo sức mua tương đương, trong “ngôi nhà chung” ASEAN, Việt Nam đứng sau Thái Lan và Indonesia về GDP.

Với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 6,21%/năm trong suốt thập kỷ vừa qua, thu nhập bình quân của người dân Việt Nam cũng tăng trưởng khá ấn tượng, được nhiều tổ chức quốc tế ghi nhận và đánh giá rất cao.

Song nhìn dưới góc độ hẹp, Việt Nam vẫn chưa thể thỏa mãn với kết quả đạt được nếu xét về năng suất lao động. Báo cáo Năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 cho thấy, dù năng suất lao động của Việt Nam tăng bình quân 5,29%/năm suốt thập kỷ vừa qua, nhưng vẫn còn khoảng cách rất lớn so với nhiều nước trong khu vực.

Cụ thể, năng suất lao động của Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Hàn Quốc, Nhật Bản hiện cao hơn Việt Nam theo mức tương ứng lần lượt là 8,8; 3; 1,7; 1,3; 1,2; 4,3 và 4,2 lần.

Đáng nói là, khoảng cách quá lớn này không những khó lấp đầy, mà có xu hướng càng ngày càng doãng rộng nếu tính theo sức mua tương đương. Nếu năm 2011, năng suất của lao động Singapore cao hơn Việt Nam 130.400 USD, thì đến đầu năm 2021 tăng lên 144.100 USD; của Hàn Quốc từ 58.800 USD lên 61.800 USD; Trung Quốc từ 6.100 USD lên 12.100 USD…

Năm 2022, năng suất lao động của Việt Nam đạt 8.083 USD, chỉ tăng 4,8% so với năm 2021, thấp hơn đáng kể so với tốc độ tăng 5,33% giai đoạn 2011-2020 và không đạt mức tăng 5,5% như mục tiêu Quốc hội đặt ra. Chia theo giờ, thì hiện tại, lao động Việt Nam chỉ có thể tạo ra giá trị khoảng 67.600 đồng, cao hơn không nhiều so với cách đây 10 năm.

Có nhiều yếu tố tác động đến mức tăng năng suất lao động như tài nguyên, vị trí địa lý, môi trường kinh doanh, công nghệ, vốn đầu tư, chất lượng nhân lực, thể chế, cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế…

Thực tế cho thấy, thiếu vốn thì có thể đi vay hoặc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, cơ cấu lao động Việt Nam đang chuyển biến tích cực theo hướng giảm dần lao động nông nghiệp sang công nghiệp, xây dựng, dịch vụ; môi trường đầu tư, kinh doanh và thể chế kinh tế liên tục được cải thiện theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện. Như vậy, nguyên nhân chính khiến năng suất lao động của Việt Nam chưa cao là do chất lượng nhân lực còn thấp – một trong 3 điểm nghẽn hạn chế sự phát triển.

Hiện tại, các nước đều coi chất lượng nguồn nhân lực là công cụ quan trọng nhất để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Trong khi đó, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam hiện mới đạt 3,6/10 điểm bởi tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu của nhiều ngành, lĩnh vực.

Cũng bởi không được đào tạo hoặc đào tạo không đạt chuẩn, nên có tới 33,4% tổng số lao động đang làm việc giản đơn; trên 18% cung cấp dịch vụ cắt tóc, gội đầu, trông xe, bảo vệ, bán hàng rong…; khoảng 13,7% làm thợ thủ công. Và chỉ có 13% lực lượng lao động hiện nay có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ cao đẳng trở lên đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Như vậy, hiện có khoảng 87% tổng số lao động đang làm những công việc với năng suất lao động rất thấp. Điều này tất yếu ảnh hưởng tới năng suất của cả nền kinh tế.

Nhiều nền kinh tế trên thế giới như Hàn Quốc, Singapore, Israel, Đài Loan… có diện tích không lớn, dân số không đông, tài nguyên thiên nhiên không nhiều và cũng không nằm ở vị trí địa lý đặc biệt, nhưng đã rất thành công trong phát triển kinh tế, xã hội. Điểm chung dẫn đến sự thành công của các nền kinh tế này là có chất lượng nguồn nhân lực cao thông qua đầu tư mạnh cho giáo dục, đào tạo và có hệ thống và chính sách đào tạo khoa học.

Nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng nhất tạo nên sự thành công của mọi tổ chức, doanh nghiệp cũng như nền kinh tế. Do vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là phải sớm cải thiện tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Khi đó mới hy vọng từng bước lấp đầy khoảng cách về năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước trong khu vực, bởi đây cũng là nguồn lực quan trọng nhất, quyết định năng suất, chất lượng, hiệu quả sử dụng nguồn lực khác trong hệ thống các nguồn lực của doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

Nguồn: Báo đầu tư

Tín dụng doanh nghiệp Mỹ “đóng băng” trong khủng hoảng ngân hàng

Doanh nghiệp Mỹ gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh các thị trường vốn đã “đóng băng” kể từ vụ sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank 2 tuần trước đây, theo phân tích được Wall Street Journal công bố mới đây.

Theo phân tích của PitchBook LCD, không doanh nghiệp nào có xếp hạng tín nhiệm thuộc diện đầu tư bán trái phiếu mới trong vòng 6 ngày làm việc từ ngày 10/3 đến ngày 17/3/2023. Thị trường trái phiếu đầu cơ không có bất kỳ thay đổi nào trong tháng 3/2023. Trên sàn chứng khoán Mỹ, đã hơn 2 tuần trôi qua không có doanh nghiệp nào công bố chào bán cổ phiếu ra công chúng.

Tháng 3 thông thường là tháng sôi động của hoạt động huy động tài chính doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp cố gắng đảm bảo nguồn lực tài chính trước khoảng thời gian tạm ngưng giữa thời điểm cuối quý 1 và trước mùa công bố kết quả kinh doanh, trong lúc này họ phải hạn chế phát hành trái phiếu. Gần đây, việc nhà đầu tư mất niềm tin cũng như diễn biến trên thị trường trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ không khỏi khiến nhiều doanh nghiệp cảm thấy sợ hãi.

Nhóm các doanh nghiệp có xếp hạng tín nhiệm ở ngưỡng cao nhất đã bán ra 59,9 tỷ USD trái phiếu mới trong tháng này so với ngưỡng trung bình của tháng 3 suốt 5 năm qua là 179 tỷ USD. Nhóm các doanh nghiệp có độ rủi ro cao hơn chấp nhận vay tiền với lãi suất cao hơn đang cảm thấy khó khăn trong việc phát hành nợ mới. Doanh nghiệp chỉ huy động được 5 tỷ USD trái phiếu đầu cơ trong tháng này, mức trung bình của 5 năm gần nhất là 24 tỷ USD.

Dù rằng thị trường chào bán trái phiếu diện đầu tư đã có những sự hồi phục trong vài ngày gần đây, nhiều doanh nghiệp kinh doanh hàng tiêu dùng, bảo hiểm và một số loại hình khác nộp hồ sơ đăng ký phát hành trái phiếu, tuy nhiên khi mà nhóm doanh nghiệp lớn hoàn toàn không có động thái gì, có thể dự báo sẽ có thêm những khó khăn trong thời gian tới.

Hàng loạt doanh nghiệp, từ các doanh nghiệp nhỏ cho đến các doanh nghiệp đa quốc gia, sẽ gặp khó trong việc tiếp cận tín dụng trong trường hợp có những cú sốc bất thường trong hệ thống ngân hàng toàn cầu, các chuyên gia phân tích nhận định.

“Nhìn chung, điều kiện tài chính sẽ thắt chặt hơn nữa, có thể thông qua kênh ngân hàng trung ương khi cơ quan này phải cố gắng kiềm chế lạm phát nhưng cũng có thể theo cách như cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua gây xáo trộn hệ thống”, trưởng bộ phận chiến lược toàn cầu tại quỹ Principal Asset Management – bà Seema Shah phân tích.

Vụ sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) vào ngày 10/3/2023 gây xáo trộn các thị trường vốn, làm giảm sự quan tâm của các quỹ tài sản cũng như quỹ hưu trí thường mua trái phiếu của doanh nghiệp. Căng thẳng dâng cao trên thị trường trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ làm xáo trộn các kế hoạch vay tiền. Thanh khoản trên thị trường vốn giảm nhanh chóng, lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ có diễn biến trong ngày mạnh nhất suốt nhiều năm.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hiện đang theo dõi chặt chẽ các điều kiện tín dụng và thông báo thêm đợt điều chỉnh lãi suất ¼ điểm phần trăm để kiềm chế lạm phát. Chủ tịch Fed Jerome Powell vào ngày thứ Tư khẳng định rằng nếu các đợt căng thẳng gần đây trong ngành ngân hàng khiến cho tín dụng trở nên khó khăn hơn, kinh tế chững lại, Fed sẽ không cần phải siết chặt chính sách tiền tệ quá mức.

Trong cuộc họp báo tuyên bố chính sách, ông Powell nhấn mạnh: “Hoàn toàn có thể căng thẳng trong ngành ngân hàng sẽ khiến cho điều kiện tín dụng bị thắt chặt và về nguyên tắc chính sách tiền tệ sẽ không phải điều chỉnh quá nhiều”.

Nguồn: Nhịp sống kinh doanh

Gói tín dụng lớn chưa từng có

Với mục đích hỗ trợ khách hàng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để thúc đẩy sản xuất – kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), cả 4 ngân hàng (NH) thương mại nhà nước cùng triển khai gói tín dụng quy mô lớn chưa từng có với lãi suất ưu đãi.

470.000 tỉ đồng và 500 triệu USD

Cụ thể, NH TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) vừa tung gói tín dụng lên tới 100.000 tỉ đồng với lãi suất từ 7,1%/năm nhằm hỗ trợ nhu cầu sản xuất – kinh doanh của khách hàng cá nhân. Gói tín dụng triển khai từ nay đến hết ngày 30-6, thời gian vay tối đa 12 tháng.

NH Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) tung ra gói tín dụng ưu đãi cho DN với quy mô lên đến 100.000 tỉ đồng và 500 triệu USD. Đối tượng áp dụng là các DN có hoạt động kinh doanh hiệu quả, có nhu cầu vay ngắn hạn để bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất – kinh doanh hoặc vay vốn hỗ trợ hoạt động xuất khẩu. Chương trình kéo dài từ nay đến hết ngày 30-6. “Chương trình triển khai cho các khoản vay ngắn hạn (dưới 12 tháng), mức lãi suất thấp hơn tới 1,5 điểm % với khoản vay giải ngân bằng VNĐ và 1 điểm % với khoản vay bằng USD so với mức lãi suất hiện hành, tùy theo từng kỳ hạn cho vay, hồ sơ cụ thể của DN” – đại diện Agribank nói.

Một “ông lớn” khác là NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tung gói vay quy mô lên tới 170.000 tỉ đồng cho khách hàng cá nhân, đáp ứng nhu cầu vay vốn tiêu dùng và phục vụ sản xuất – kinh doanh. Cụ thể, từ nay đến hết ngày 31-12, BIDV triển khai gói tín dụng trung – dài hạn với quy mô 100.000 tỉ đồng, lãi suất từ 9,5%/năm cho khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ tiêu dùng, mua ôtô hoặc sản xuất – kinh doanh.

Bên cạnh đó, BIDV triển khai các gói vay 70.000 tỉ đồng, lãi suất từ 7%/năm, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ mục đích sản xuất – kinh doanh của khách hàng trong năm 2023 với các kỳ hạn dưới 12 tháng. Trong đó, 20.000 tỉ đồng áp dụng cho khách hàng cá nhân có nhu cầu vay vốn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; còn gói 50.000 tỉ đồng dành cho khách hàng cá nhân có nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất – kinh doanh trong mọi lĩnh vực, từ nay đến hết ngày 31-5, lãi suất từ 7,5%/năm đối với khoản vay có kỳ hạn dưới 6 tháng và từ 8,5%/năm đối với khoản vay từ 6 tháng đến 12 tháng…

Cuối cùng là NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), triển khai gói tín dụng 100.000 tỉ đồng cho vay bổ sung vốn lưu động với lãi suất 7,5%-8,6%/năm đối với các khoản vay dưới 3 tháng đến dưới 12 tháng.

Cần giảm thêm chi phí

Bà Nguyễn Thị Điền, Tổng Giám đốc Công ty TNHH May thêu An Phước, cho biết An Phước phụ thuộc khá nhiều vào vốn vay để mua nguyên phụ liệu, vận hành sản xuất – kinh doanh. Việc được tiếp cận vốn vay với lãi suất ưu đãi trong giai đoạn này là vô cùng quý giá với DN. “Lâu nay, bộ phận kế toán công ty luôn nỗ lực cân đối, tìm kiếm nguồn vay với lãi suất phù hợp. Công ty cũng có nguồn tài chính tốt, tăng trưởng ổn định và có tài sản bảo đảm nên được các NH hỗ trợ. Hy vọng với gói tín dụng quy mô “chưa từng có” mà 4 NH thương mại nhà nước cùng triển khai, công ty sẽ sớm được vay vốn ngắn hạn với lãi suất ưu đãi để nhập thêm nguyên phụ liệu chất lượng cao về phục vụ sản xuất” – bà Điền lạc quan.

Ông Cù Văn Thành, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới, cho hay lãi suất giảm giúp đỡ gánh nặng cho DN vì lãi suất cao khiến giá thành sản phẩm thiếu sức cạnh tranh, khó khăn của DN chồng chất nhiều hơn. “Lãi suất hiện nay đang ở mức rất cao so với các nước trong khu vực. Việt Nam đã hội nhập toàn cầu, cạnh tranh không chỉ ở thị trường xuất khẩu mà ngay ở sân nhà, sản phẩm các nước đưa qua Việt Nam bán. Nếu lãi suất giảm về mức hợp lý sẽ giúp DN cải thiện khả năng cạnh tranh với hàng hóa các nước trong khu vực” – ông Thành phân tích.

Giám đốc một DN sản xuất nông sản ở Bến Tre kỳ vọng việc 4 NH lớn đồng loạt giảm lãi suất vay sẽ kéo theo những NH khác cũng xem xét điều chỉnh lãi suất trong thời gian tới. “Quan trọng nhất là NH giảm lãi suất nhưng có giảm chi phí cho DN vay vốn không. Bởi thời gian qua, NH cũng công bố giảm lãi suất nhưng thực chất DN vẫn phải trả chi phí cao để được duyệt vay vốn” – Giám đốc này nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 23-3, TS Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế TP HCM, nhận định việc các NH thương mại nhà nước đồng loạt tung các gói tín dụng quy mô lớn, lãi suất giảm là tín hiệu tích cực cho thị trường và DN. Dù vậy, nếu phân tích kỹ sẽ thấy tổng quy mô tín dụng của nền kinh tế có thể không tăng trưởng được nhiều. Bởi đang có sự phân hóa khá rõ giữa các NH thương mại nhỏ và lớn. Trong khi NH thương mại lớn thanh khoản dồi dào, sẵn sàng triển khai những gói tín dụng ưu đãi quy mô lớn để tăng thị phần thì NH thương mại nhỏ vẫn gặp khó khăn về thanh khoản. “Sẽ có tránh trường hợp DN tất toán khoản vay ở NH thương mại nhỏ để chuyển sang vay NH thương mại lớn với lãi suất thấp hơn. Thực tế là từ đầu năm đến nay, chủ yếu các NH thương mại lớn công bố giảm lãi suất cho vay chứ làn sóng giảm chưa lan nhiều xuống NH nhỏ. Do đó, cần sự hỗ trợ về thanh khoản của NH Nhà nước cho các NH nhỏ, tránh sự vênh quá lớn giữa các NH thương mại sẽ khó khăn trong điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới” – TS Nguyễn Hữu Huân nói.

Liên quan đến room tín dụng tăng trưởng thấp trong vài tháng gần đây, TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng vấn đề nằm chủ yếu ở phía DN, khi sức cầu trên thị trường yếu, kinh tế các nước suy thoái khiến hoạt động sản xuất – kinh doanh, xuất khẩu của DN gặp khó. Lãi suất cho vay cũng chưa giảm nhiều khiến DN chưa mặn mà vay mới để tái đầu tư, mở rộng sản xuất – kinh doanh như trước. Chưa kể, bao nhiêu tài sản thế chấp đều nằm ở NH để bảo đảm cho các khoản vay trước đó. Nay, vay vốn mới không có thêm tài sản thế chấp cũng không dễ nên sẽ khó tránh trường hợp DN đảo nợ (tất toán khoản vay ở NH lãi suất cao để chuyển sang NH lãi suất thấp hơn).

Nguồn: CafeF

Lãi suất qua đêm liên ngân hàng giảm xuống vùng 1%, chạm mức thấp nhất 8 tháng

Số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, lãi suất cho vay VND bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm trong phiên ngày 22/3 đã giảm thêm 0,5 điểm % xuống còn 1,55%/năm – mức thấp nhất kể giữa tháng 7/2022. So với cuối tuần trước, lãi suất cho vay qua đêm liên ngân hàng đã giảm hơn một nửa và giảm 4,85 điểm % so với mức cao điểm ghi nhận hồi đầu tháng 3.

Tương tự, lãi suất các kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần và 1 tháng giảm mạnh xuống còn lần lượt 1,98%/năm, 2,26%/năm và 4,44%/năm.

Lãi suất liên ngân hàng liên tục giảm sâu sau khi NHNN quyết định giảm 1 điểm % một số loại lãi suất điều hành từ ngày 15/3. Bên cạnh đó, để hỗ trợ thanh khoản hệ thống, NHNN cũng đã dừng phát hành tín phiếu mới hút tiền từ đầu tuần trước.

Ngoài sự hỗ trợ chính sách của NHNN, thanh khoản hệ thống cũng dồi dào hơn do nhu cầu tín dụng còn thấp. Theo số liệu của NHNN, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đến ngày 24/2 mới chỉ đạt 0,77%, chưa bằng 1/3 mức tăng cùng kỳ năm 2022.

Thanh khoản dồi dào cùng với lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp khiến các nhà băng không còn mặn mà với kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO) của NHNN.

Theo đó, trong phiên giao dịch 22/3, Nhà điều hành tiếp tục chào thầu mua kỳ hạn giấy tờ có giá 28 ngày nhưng không có thành viên nào tham gia đấu thầu. Đây là phiên thứ ba liên tiếp hệ thống ngân hàng không vay một đồng nào từ NHNN trên kênh OMO.

Đáng chú ý, trong khi lãi suất VND liên ngân hàng liên tục đi xuống thì lãi suất USD liên ngân hàng lại đang duy trì khá ổn định. Điều này khiến chênh lệch giữa lãi suất VND và USD đảo chiều sang trạng thái âm với khoảng chênh ngày càng được nới rộng.

Dù vậy, khác với giai đoạn trước, chênh lệnh lãi suất VND và USD ở trạng thái âm không gây áp lực lên tỷ giá. Thậm chí, trong những ngày gần đây, tỷ giá USD/VND còn có xu hướng giảm.

Khảo sát tại Vietcombank cho thấy, giá USD niêm yết tại ngân hàng này vào cuối ngày 23/3 đã giảm khoảng 70 đồng so với mức ghi nhận trước khi NHNN giảm lãi suất điều hành và lãi suất liên ngân hàng lao dốc.

Giới phân tích cho rằng, đồng USD suy yếu trên thị trường quốc tế sau sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank đã góp phần giảm áp lực lên tỷ giá VND. Bên cạnh đó, sự cải thiện của cán cân thương mại và cán cân thanh toán của Việt Nam cũng góp phần hỗ trợ tỷ giá đồng VND.

Nguồn: CafeF

Bình Dương: Gỡ khó cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay

TTĐT – ​Sáng 22-3, gần 100 doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và ngân hàng đã tham gia Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương năm 2023 do UBND tỉnh phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh tổ chức. Ông Nguyễn Văn Dành – Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

​​Hội nghị nhằm tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp kết nối với các ngân hàng để tiếp cận nguồn vốn đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. ​

Khó tiếp cận vốn vay

Thời gian qua, NHNN đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ khơi thông, hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, tín dụng đối với doanh nghiệp (DN) đã đạt được những kết quả tích cực, quy mô vốn tín dụng ngày càng lớn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc khiến DN khó tiếp cận vốn vay nhất là trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của một số DN đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của diễn biến thị trường thế giới.

Bà Trương Thị Thúy Liên – Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày tỉnh Bình Dương nêu các khó khăn khi tiếp cận vốn

Bà Trương Thị Thúy Liên – Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày tỉnh Bình Dương cho biết, các DN khó tiếp cận vốn ngân hàng vì phải có tài sản thế chấp, trong khi đó DN vừa và nhỏ hoạt động phải đi thuê nhà xưởng thì không thể có tài sản thế chấp, chỉ có hình thức tín chấp mới có thể giải quyết được nguồn vốn cho họ. Thế nhưng, để vay được tín chấp là một vấn đề nan giải. Bà Liên giải thích: “Giải quyết tín chấp phải có phương án kinh doanh tốt và hợp đồng kinh tế có hiệu quả cao thì ngân hàng mới có thể cho vay được. Hiện nay với tình hình kinh tế hiện tại những phương án kinh doanh tốt rất khó thực hiện để đưa DN đến gần với ngân hàng”.

Từ ngày 15/3/2023, NHNN đã ban hành quyết định về điều chỉnh mức lãi suất điều hành giảm từ 0,5-1%. Điều này sẽ góp phần giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới. Tuy nhiên, các DN cho rằng, gói vay ở các ngân hàng thương mại cổ phần hiện nay duy trì quá cao. Ông Nguyễn Khánh Toàn – Giám đốc Công ty điện Hoàng Ngân Phát cho rằng, NHNN đã có những nỗ lực nhất định hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn. Tuy nhiên, các động thái kéo giảm lãi suất vẫn chưa mang lại tác động tích cực. “Mặt bằng lãi suất hiện nay quá cao khiến DN khó giảm giá thành sản xuất, khó nâng cao năng lực cạnh tranh và mất đi nhiều cơ hội đầu tư” – ông Toàn nói.

Ông Trần Văn Trọng – Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Việt Hương nêu kiến nghị

Bên cạnh đó, việc tiếp cận khách hàng của ngân hàng vẫn còn đơn lẻ, chưa bám sát địa bàn, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, DN, cơ sở sản xuất kinh doanh để tăng cường thông tin đối thoại trực tiếp giữa ngân hàng với khách hàng nhằm chia sẻ những khó khăn vướng mắc, tiếp cận tín dụng và hỗ trợ lãi suất cho khách hàng. Ông Trần Văn Trọng – Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Việt Hương kiến nghị, ngân hàng cần tăng cường kết nối, chủ động làm việc với từng DN để chủ động dòng tiền và cơ cấu vốn kịp thời. DN có nguồn vốn sẽ có sức cạnh tranh tốt, hoạt động hiệu quả, tạo công ăn việc làm cho xã hội, tạo giá trị, tạo nhiều thu nhập, đóng thuế Nhà nước. Hệ thống ngân hàng cũng có lợi khi giảm nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng.

Tăng cường kết nối ngân hàng – doanh nghiệp

Trước các khó khăn, vướng mắc và đề xuất của DN, đại diện các ngân hàng đã giải đáp cụ thể về thực hiện các chính sách hỗ trợ khách hàng. Các ngân hàng cho biết đang tìm cách tiếp cận DN, tìm hiểu khó khăn để đẩy mạnh cho vay, bởi từ đầu năm đến nay tín dụng tăng trưởng khá chậm.

Đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam Vietcombank phát biểu tại hội nghị

Ông Võ Đình Phong – Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Bình Dương cho biết, sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng, ngân hàng tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn khách hàng về chương trình hỗ trợ lãi suất của Chính phủ; chủ động phối hợp tổ chức các hội nghị kết nối ngân hàng – DN; đẩy nhanh tiến độ thực hiện hỗ trợ lãi suất.

Đặc biệt, tăng cường bám sát, tiếp cận sâu khách hàng; hướng dẫn cụ thể các chính sách tháo gỡ khó khăn, các quy định pháp luật, quy định nội bộ; giải quyết kịp thời các phản ánh, khó khăn, vướng mắc của khách hàng. Những quy định của pháp luật, quy định nội bộ ngân hàng không phù hợp sẽ đề xuất kiến nghị giải quyết kịp thời.

Các ngân hàng sẽ tiếp tục công tác tuyên truyền tiếp thị, triển khai, đẩy mạnh các chính sách cho vay, gói sản phẩm cho vay, dịch vụ mới nhằm khôi phục sản xuất kinh doanh thương mại, dịch vụ. Đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ để tạo thuận lợi hơn cho DN trong tiếp cận tín dụng nhưng vẫn phải phù hợp quy định pháp luật và đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống.

NHNN chi nhánh tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý các trường hợp các chi nhánh tổ chức tín dụng, ngân hàng nước ngoài tránh né, không thực hiện chính sách chung về tháo gỡ khó khăn. Mở đường dây nóng để lắng nghe, tổng hợp ý kiến chung của người dân, DN để xử lý kịp thời.

Ông Nguyễn Văn Dành – Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Dành ghi nhận những khó khăn trong sản xuất kinh doanh của DN do đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu, đầu ra. Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng cũng khó khăn vì nợ xấu. Trong tình hình diễn biến phức tạp, biến động khó lường như hiện nay, ngân hàng và DN phải đồng hành chia sẻ khó khăn với nhau. Cần phải tiếp tục có những hội nghị để ngân hàng – DN gặp gỡ, trao đổi nắm bắt thông tin, tìm những giải pháp khắc phục. Đối với các nội dung liên quan đến thể chế, chính sách tỉnh sẽ kiến nghị Trung ương, vấn đề cấp tỉnh sẽ xử lý một cách nhanh chóng.

Ông đề nghị NHNN chi nhánh Bình Dương chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện nghiêm các chỉ thị liên quan đến lĩnh vực ngân hàng để các chính sách hỗ trợ lãi suất để trở thành động lực, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế. Các ngân hàng thương mại chủ động gặp gỡ DN để ghi nhận các khó khăn, vướng mắc, cùng nhau tháo gỡ. Cùng với đó, DN cũng phải nỗ lực “tự cứu mình”, tự cơ cấu lại tài chính, kinh doanh, thậm chí là chuyển đổi ngành nghề phù hợp.

Trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện có 79 tổ chức tín dụng (TCTD), ngân hàng. Năm 2022, tổng nguồn vốn huy động đạt hơn 276.000 tỷ đồng, tăng 3,53% so với năm 2021. Tổng dư nợ đạt 286.000 tỷ đồng, tăng 12,38% so với năm 2021. Nợ xấu kiểm soát 0,73% trên tổng dư nợ.

Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, tổng nguồn vốn huy động của hệ thống TCTD đạt 270.000 tỷ đồng, giảm 2,2% so với đầu năm, tăng 0,37% so với cùng kỳ năm trước. Tổng dư nợ đạt 288.000 tỷ đồng, tăng 1,05% so với đầu năm, tăng 10,34% so với năm trước.

Nguồn vốn huy động giảm, tăng trưởng tín dụng tăng thấp cho thấy thị trường tiền tệ, tín dụng ở Bình Dương diễn biến phù hợp với diễn biến của cả nước khi tình hình xung đột giữa Nga – Ucraina vẫn còn, lạm phát ở các nước vẫn còn và ở Việt Nam cơ bản kiểm soát được nhưng vẫn không được chủ quan, mặc dù thị trường tiền tệ tạm thời ổn định, thanh khoản dồi dào. Đặc biệt, từ ngày 15/3/2023, NHNN Việt Nam đã giảm lãi suất điều hành để giảm lãi suất cho vay góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN và nền kinh tế.

Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay trên địa bàn hiện nay đã giảm. Lãi suất tiền gửi bằng VNĐ ở mức 0,1 – 0,5%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,9 – 5,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,8 – 7,2%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 7,2%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ thuộc một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 5,5%; lãi suất cho vay ngắn hạn VNĐ phổ biến ở mức 7,5-8,5%/năm; lãi suất cho vay trung, dài hạn VNĐ phổ biến ở mức 8,1-10,5%/năm. Lãi suất cho vay USD ngắn hạn phổ biến ở mức 3,7-5,7%/năm; trung và dài hạn mức 5,5-5,92%/năm. Lãi suất huy động USD ở mức 0%/năm đối với tiền gửi của tổ chức và dân cư.​

Nguồn: binhduong.gov.vn