Giá giấy thu hồi nhập khẩu giảm tại Ấn Độ và Đông Nam Á

Tuần trước, các nhà quản lý EU đã điều chỉnh và dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu giấy thu hồi từ Liên minh Châu Âu (EU) đối với Ấn Độ, do có sự nhầm lẫn đối với chất thải nhãn tự dính ở các nước không thuộc OECD trước đó. Do có nguồn cung trở lại của EU, các khách hàng Ấn Độ đã cố gắng hạ giá đối với giấy thu hồi từ Mỹ và Anh.

Giấy thu hồi loại màu nâu của Mỹ đã giảm 20 USD/tấn kể từ đầu tháng 4/2022 tại thị trường Ấn Độ. OCC (12) giảm xuống còn 330-340 USD/tấn và OCC (11.5) đước chào với giá 310-315 USD/tấn.

Trong khi đó, giá OCC của Anh giảm nhiều nhất, giảm 45-55 USD/tấn xuống còn khoảng 295 USD/tấn.

Giá OCC ở Đông Nam Á giảm: Khách hàng ở Đông Nam Á có tâm lý trái chiều về xu hướng của giá giấy thu hồi. Nhu cầu về giấy suy giảm ở Trung Quốc đã làm cho việc xuất khẩu giấy làm bao bì và bột giấy tái chế được sản xuất ở các nước Châu Á khác suy giảm theo, điều này đã làm giảm nhu cầu về giấy thu hồi.

Nhiều nhà máy ở Đài Loan, Việt Nam và Malaysia tạm ngừng sản xuất giấy dành cho xuất khẩu sang Trung Quốc vì vậy đã giảm lượng giấy thu hồi mua vào.

Giá giấy làm bao bì ở Châu Á thấp nên các nhà máy không thể mua giấy thu hồi giá cao. Tại Đài Loan, OCC (12) của Mỹ giảm 15-20 USD/tấn xuống 250-255 USD/tấn.

Tại Đông Nam Á, ngoại trừ Indonesia, loại OCC cao cấp của Mỹ đã đạt mức 300-310 USD/tấn.

Tại Indonesia, khách hàng vẫn đang phải đối mặt với một số mức giá chào bán cao nhất, với OCC (12) của Mỹ lên tới 340-345 USD/tấn cho các đơn hàng lớn.

Cuối cùng, giá loại tiêu chuẩn OCC (11) của Mỹ đã giảm 15 USD/tấn tại Đông Nam Á và Đài Loan, chốt ở mức 245-300 USD/tấn.

Giá OCC 95/5 của Châu Âu giảm 5-10 USD/tấn xuống 270-295 USD/tấn.

OCC của Nhật Bản giảm 15 USD/tấn xuống 260-285 USD/tấn./.

    >>> Australia xác nhận các quyết định chống bán phá giá giấy copy

Theo Fastmarkets RISI

VPPA dịch

Australia xác nhận các quyết định chống bán phá giá giấy copy

Trong khi đó, họ đã xác nhận việc tiếp tục áp dụng ADD chung cho giấy copy từ Brazil, Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan, và thuế đối kháng (CVD) đối với những mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Ba nhà xuất khẩu giấy copy của Indonesia thuộc Asia Pulp & Paper (Tjiwi Kimia, Indah Kiat và Pindo Deli) hiện không phải chịu thuế chống bán phá giá.

Bên cạnh ba công ty của APP được nêu ở trên, các nhà xuất khẩu Indonesia khác phải chịu thuế chống bán phá giá tạm thời là 59,7% – tăng so với mức chung trước đó là 45,1% và mức thuế đặc biệt là 12,6% đối với công ty con Riau Andalan Kertas của APRIL.

Các nhà xuất khẩu Thái Lan, vốn có mức thuế chống bán phá giá trước đây khác nhau từ 13,4% đến 23,2%, nay phải chịu mức chung là 0,9%.

Đối với Trung Quốc, công ty UPM Asia Pacific chịu thuế chống bán phá giá giảm từ 4% xuống 3,2%, trong khi Greenpoint Global Trading phải chịu thuế chống bán phá giá tạm thời là 10%. Tất cả các nhà xuất khẩu khác chịu thuế chống bán phá giá tạm thời là 3%, cũng như thuế chống trợ cấp ổn định là 7%, UPM và Greenpoint được miễn trừ.

Thay vì mức thuế chống bán phá giá cũ là 2,9% đối với các nhà xuất khẩu Brazil, mức thuế chống bán phá giá tạm thời là 8,1%./.

    >>> Ủy ban châu Âu dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu giấy loại sang Ấn Độ

Trích Bản tin VPPA tháng 3

Kiến nghị khẩn Thủ tướng chỉ đạo dừng thu phí hạ tầng cảng biển tại TP.HCM

Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban 4) thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản khẩn báo cáo một số bất cập, tác động tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp từ việc thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển tại TP.HCM.

Doanh nghiệp bị ảnh hưởng đặc biệt lớn

Trong văn bản gửi Thủ tướng, Ban 4 cho biết Đề án “Thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP.HCM” đã được Hội đồng nhân dân TP.HCM thông qua ngày 9/12/2020.

Sau giai đoạn ngắn trì hoãn thu do ảnh hưởng của đợt dịch bùng phát lần 4 tại Việt Nam, ngày 29/3 vừa qua, UBND TP. HCM có Thông báo số 43/TB-UBND quyết định áp dụng thu phí kể từ 1/4.

“Với khối lượng hàng xuất khẩu, nhập khẩu đi qua các cảng trên địa bàn TP.HCM như hiện nay, số lượng doanh nghiệp chịu ảnh hưởng và hệ lụy từ quyết định này là đặc biệt lớn”, Ban 4 cho biết.

Số liệu thống kê của Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA) cho thấy tổng khối lượng hàng container thông qua khu vực cảng biển TP.HCM năm 2021 là 7.956.133 TEU, chiếm khoảng 43,3% cả nước (18.359.845 TEU); Chưa kể hàng lỏng, hàng rời.

Chính vì vậy, sau quyết định này của UBND TP.HCM, Ban IV cho biết đã tiếp nhận phản ánh từ hàng chục hiệp hội gồm: Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics VN; Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ hàng hóa VN; Hiệp hội Chủ hàng VN; Hội Vận tải thủy Nội địa Việt Nam; Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam… cũng như khối doanh nghiệp FDI tại Đồng Nai, Bình Dương.

Trong kiến nghị lên UBND TP.HCM và các tỉnh giáp ranh, các Hiệp hội và doanh nghiệp cho rằng mức thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển tại TP.HCM là cao và thời điểm thu phí không phù hợp làm tăng thêm gánh nặng, giảm tính cạnh tranh và khả năng phục hồi của doanh nghiệp ngay sau đại dịch.

Bên cạnh đó, việc thu phí không đúng đối tượng đối với hàng hóa vận tải bằng đường thủy nội địa và hàng trung chuyển, quá cảnh, tạm nhập tái xuất đã cản trở sự phát triển vận tải đường thủy nội địa, làm mất nguồn thu từ các hàng hoá này và không đúng với quy định tại điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Ngoài ra, doanh nghiệp cho rằng, mức thu chênh lệch giữa việc mở tờ khai thông quan tại TP.HCM và mở tờ khai tại các tỉnh lân cận là không phù hợp với pháp luật về Hải quan, phân biệt đối xử và gây khó khăn cho các doanh nghiệp tại các tỉnh lân cận khiến các doanh nghiệp này có xu hướng đổ dồn về TP.HCM để mở tờ khai, gây ách tắc, quá tải khi thông quan hàng tại các cảng TP.HCM.

kiến nghị khẩn thủ tướng chỉ đạo dừng thu phí hạ tầng cảng biển tại tp.hcm

Các Hiệp hội phản ánh TP.HCM thu phí gây ảnh hưởng đặc biệt lớn tới doanh nghiệp. Ảnh minh hoạ

Ban 4: TP.HCM ngược dòng chủ trương

Theo đánh giá của Ban IV, các bất cập nêu trên đã và đang tạo ra một số hệ lụy không nhỏ, vừa ảnh hưởng tới hoạt động trực tiếp của doanh nghiệp vừa tác động tiêu cực tới một số mục tiêu của nền kinh tế và các mặt chỉ đạo, điều hành của Chính phủ cũng như khâu thực thi pháp luật trong hệ thống các cơ quan hành pháp.

Cụ thể, việc TP.HCM gia tăng một gánh nặng chi phí mới cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu giữa bối cảnh chi phí logistics đã tăng quá cao trong thời gian qua thể hiện sự “ngược dòng” với chủ trương của Chính phủ về thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sau đại dịch.

“Trong bối cảnh Chính phủ đang quyết tâm, nỗ lực và yêu cầu đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp để tạo đà cho phục hồi doanh nghiệp và nền kinh tế, quyết định của một địa phương như vậy có thể làm giảm rất nhiều niềm tin của các nhà đầu tư; Đồng thời tạo ra hệ lụy là tăng chi phí logistics, đội giá thành sản xuất kinh doanh, khiến doanh nghiệp càng thêm khó khăn hơn trong việc cạnh tranh, phục hồi và làm giảm sức hút của môi trường đầu tư trong nước”, văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ do ông Trương Gia Bình ký nêu.

Việc quy định mức thu phí chênh lệch giữa việc mở tờ khai tại TP.HCM và ngoài TP.HCM cũng không phù hợp Luật Phí, Lệ phí và Luật Hải quan hiện hành, tạo sự phân biệt đối xử và gây khó khăn cho các doanh nghiệp tại các tỉnh lân cận.

Chênh lệch mức thu này cũng gây xáo trộn trong công tác quản lý của chính quyền và hệ thống cơ quan hải quan các tỉnh giáp TP.HCM với hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn trước xu hướng “dịch chuyển” sau biện pháp kĩ thuật của TP.HCM về phân biệt mức phí.

Ngoài ra, Ban 4 còn cho rằng việc có quy định không chính xác về một số đối tượng thu phí như phản ánh của một số hiệp hội cũng không phù hợp với pháp luật về Phí, lệ phí hiện hành và ảnh hưởng đến niềm tin của doanh nghiệp vào chính sách, pháp luật của nhà nước.

Với 1 số lĩnh vực đang cần đặc biệt thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển như lĩnh vực thủy nội địa để giảm tải gánh nặng cho các hạ tầng khác, sẽ không đạt mục tiêu và chủ trương chung của quốc gia.

Đề nghị TP.HCM dừng thu phí

Trước thực tế trên, Ban IV và các Hiệp hội đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo UBND TP.HCM nghiên cứu bài toán lợi ích của địa phương phải được cân nhắc sau bài toán chung của quốc gia.

“Doanh nghiệp, hiệp hội đề nghị dừng việc thu phí hạ tầng cảng biển tại TP.HCM để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi, phát triển”, Ban 4 chuyển kiến nghị.

Khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát hoàn toàn, doanh nghiệp cũng đã cơ bản phục hồi, Ban 4 cho rằng lúc này nếu có xem xét triển khai thu phí thì mức phí được ban hành phải tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Phí, Lệ phí và Luật Hải quan.

Theo đó, mức thu phải trên cơ sở minh bạch nguồn đầu tư trước đó, thu để bù đắp một phần đầu tư thay vì thu để đầu tư xây dựng các hạ tầng khác của TP, thu công bằng giữa các chủ thể sử dụng hạ tầng thay vì phân biệt như hiện nay theo địa điểm mở tờ khai thông quan.

Ban 4 cũng kiến nghị không thu phí đối với những đối tượng không đúng theo quy định của Luật và các cam kết của Việt Nam với quốc tế, gồm: Hàng hóa vận tải bằng phương tiện thủy sử dụng đường thủy nội địa; Hàng trung chuyển, quá cảnh, tạm nhập – tái xuất.

    >>> Các lệnh trừng phạt đối với hàng xuất khẩu của Nga đã ảnh hưởng đến thương mại lâm sản toàn cầu

Theo Báo Giao thông

Các lệnh trừng phạt đối với hàng xuất khẩu của Nga đã ảnh hưởng đến thương mại lâm sản toàn cầu

Các lệnh trừng phạt và hạn chế thương mại trong các giao dịch tài chính của châu Âu, Bắc Mỹ và các thị trường lớn ở châu Á đã khiến việc giao thương với Nga và Belarus bị tạm dừng. Theo Wood Resources International LLC (WRI), xuất khẩu từ Ukraine cũng bị gián đoạn.

Trong năm 2021, tổng lượng gỗ xuất khẩu từ ba nước trên đạt 34 triệu m3. Trong đó, hơn 25% khối lượng đó lại được xuất khẩu sang các quốc gia đang áp lệnh trừng phạt đối với Nga và Belarus.

Ngoài ra, hai tổ chức lớn FSC và PEFC đã dán nhãn tất cả gỗ từ hai nước là “gỗ chiến tranh”, không được sử dụng để sản xuất sản phẩm đạt chứng chỉ, điều này sẽ ảnh hưởng đến bất kỳ quốc gia nào mua gỗ từ Nga và Belarus để sản xuất các sản phẩm như gỗ xẻ, gỗ dán, bột giấy và giấy để bán trên toàn thế giới.

Tổng khối lượng gỗ mềm xẻ ván hiện gặp khó khăn để có thể tiếp cận thị trường châu Âu và châu Á (ngoài Trung Quốc) vì lệnh trừng phạt ước tính khoảng 10 triệu m3, chiếm khoảng hơn 30% tổng lượng xuất khẩu được vận chuyển từ Belarus, Nga và Ukraine vào năm 2021.

Các quốc gia Châu Âu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trong năm 2021 các nước này nhập khẩu 8,5 triệu m3 gỗ mềm từ ba quốc gia này, chiếm gần 10% tổng lượng tiêu thụ trên lục địa vào năm 2021.

Mặc dù Chính phủ Trung Quốc không thiết lập bất kỳ rào cản nào đối với thương mại giữa họ và Nga, nhưng vẫn có thể hình dung được rằng các chuyến hàng giữa hai nước cũng sẽ bị gián đoạn.

Một số yếu tố có thể làm giảm thương mại ngay cả với các quốc gia không áp lệnh trừng phạt với Nga và Belarus bao gồm:

Các nhà đầu tư nước ngoài vào ngành lâm nghiệp Nga có thể rút vốn và tài trợ tài chính, khiến việc sản xuất và xuất khẩu sang bất kỳ thị trường nào trở nên khó khăn hơn.

Nhập khẩu thiết bị và phụ tùng thay thế cho các công ty khai thác gỗ và các nhà sản xuất lâm sản sẽ rất khó khăn gây nên tình trạng đình trệ đầu tư.

Việc loại bỏ các ngân hàng Nga khỏi hệ thống giao dịch thanh toán quốc tế SWIFT sẽ làm phức tạp việc thanh toán cho các sản phẩm xuất khẩu của Nga và nhập khẩu hầu hết các thiết bị cho ngành lâm nghiệp, từ máy khai thác và giao nhận gỗ cho đến máy móc cho các xưởng cưa, nhà máy ván ép và nhà máy bột giấy.

Các nhà sản xuất bột giấy, giấy, gỗ dán và gỗ của Nga không còn có thể cung cấp các sản phẩm được chứng nhận PEFC hoặc FSC nữa.

Wood Resources International LLC (WRI) là một công ty tư vấn lâm nghiệp được quốc tế công nhận được thành lập vào năm 1987, xuất bản báo cáo thị trường gỗ hàng quý toàn cầu và có được đăng ký tại hơn 30 quốc gia. Đây là báo cáo thị trường dài 70 trang và bao gồm giá cả và thương mại hoặc gỗ xẻ, gỗ bột giấy, dăm gỗ, gỗ và viên nén, và bình luận thị trường về sự phát triển trong ngành công nghiệp gỗ, sinh khối và rừng toàn cầu được thực hiện từ năm 1988.

    >>> Ủy ban châu Âu dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu giấy loại sang Ấn Độ

Theo Pulpapernews

Trích Bản tin VPPA tháng 3 – VPPA dịch

Ủy ban châu Âu dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu giấy loại sang Ấn Độ

Tháng 10/2021, EU đã công bố văn bản điều chỉnh các quy định xuất khẩu sang các nước ngoài khối OECD. Trong đó, có quy định cấm xuất khẩu PfR sang Ấn Độ.

Các nhà máy sản xuất giấy tái chế tại Ấn Độ kiến nghị với Chính phủ về việc dường như họ đã có sự lầm lẫn khi khiếu nại với EU khi ban hành lệnh cấm, quy định cấm nên áp dụng đối vớ loại giấy in nhãn tự dính có mã số B3027, chứ không phải PfR có mã B3020.

Mặc dù văn bản điều chỉnh đã ban hành từ tháng 10 năm ngoái, nhưng phải mất thời gian khá lâu để ban hành văn bản áp dụng cho nhập khẩu trở lại PfR./.

    >>> Bản tin VPPA tháng 3/2022

Theo Fastmarkets RISI

(VPPA dịch)

Tận dụng phế phụ phẩm ngành giấy

Với sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã triển khai thực hiện đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất protein đơn bào từ nguồn phụ phẩm ngành giấy và ứng dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi”.

PGS.TS. Lê Quang Diễn – Chủ nhiệm đề tài – cho biết, lượng phế liệu gỗ dưới dạng dăm mảnh vụn (phế phụ phẩm ngành công nghiệp giấy) có thể đạt hàng ngàn tấn, được tập trung ở các doanh nghiệp sản xuất bột giấy và chế biến dăm mảnh, hiện được tận dụng để sản xuất ván công nghiệp, phân bón hữu cơ hay viên nén nhiên liệu, làm chất đốt cho các lò đốt đa năng. Là dạng vật liệu lignocellulose ít bị phân hủy sinh học và dễ dàng thu gom, tồn trữ, dăm mảnh vụn hoàn toàn phù hợp cho sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng.

“Việc tận dụng loại phế liệu này để chuyển hóa thành đường, sử dụng cho sản xuất protein vi sinh làm thức ăn chăn nuôi là phù hợp. Đây là lý do phế liệu gỗ keo tai tượng được chọn để nghiên cứu trong đề tài này” – PGS.TS. Lê Quang Diễn cho biết.

Mục tiêu nghiên cứu của đề tài là tuyển chọn được chủng giống nấm men phát triển trên đường chuyển hóa từ phế liệu gỗ keo tai tượng; xây dựng được quy trình công nghệ và mô hình thiết bị sản xuất protein đơn bào từ phế liệu gỗ keo tai tượng, quy mô 1000 lít dịch lên men/mẻ; ứng dụng thử protein bào làm phụ gia thức ăn chăn nuôi lợn và gà…

Đến nay, đề tài đã thực hiện đầy đủ các nội dung nghiên cứu, đạt mục tiêu đặt ra, sản phẩm đầy đủ theo đăng ký. Cụ thể, đã tạo được 1 chủng giống Candida utilis 060920 biến thể từ chủng giống gốc thương mại, sinh trưởng tốt trên môi trường là dung dịch đường xylose, glucose chế tạo từ phế liệu gỗ keo tai tượng. Chủng nấm men có thể được nghiên cứu phát triển đối với những môi trường dung dịch đường khác, tạo protein đơn bào.

Đồng thời, đã xây dựng được quy trình công nghệ và mô hình thiết bị sản xuất protein đơn bào nhiều công đoạn từ phế liệu gỗ keo tai tượng quy mô lên men nấm men trong môi trường dịch đường xylose và glucose 1000 lít/mẻ. Đặc biệt, đã sản xuất được 506,2 kg nấm men từ chủng Candida utilis 060920, có hàm lượng protein thô đạt 49,2-57,8%, phù hợp làm thức ăn chăn nuôi, đáp ứng yêu cầu về vệ sinh an toàn theo quy định hiện hành.

“Nhóm nghiên cứu đã ứng dụng protein đơn bào phối trộn với cám ngô và phụ gia cho sản xuất 5.076,2 kg thức ăn chăn nuôi gà và lợn thịt cho thấy, protein đơn bào có thể thay thế nguồn protein truyền thống, như bột cá, bã đậu. Vật nuôi hấp thụ tốt thức ăn bổ sung protein đơn bào, tăng trọng cao hơn thức ăn truyền thống” – PGS.TS. Lê Quang Diễn cho hay.

Cũng theo PGS.TS. Lê Quang Diễn, thông qua việc triển khai đề tài đã tận dụng phế liệu của ngành công nghiệp giấy, tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng thiết yếu, làm chủ công nghệ sản xuất protein làm thức ăn chăn nuôi, vốn khan hiếm, phụ thuộc vào nhập khẩu và tạo nên chuyển biến mạnh mẽ đối với lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, phát triển nông nghiệp, phục vụ nhu cầu trong nước.

Quy trình công nghệ sản xuất protein đơn bào từ phế liệu gỗ khả thi, có tính sáng tạo, tiếp cận những tiến bộ khoa học, kỹ thuật và có tiềm năng chuyển đổi quy mô, ứng dụng thực tiễn. Sản phẩm protein đơn bào có chất lượng tương đương các sản phẩm sản xuất ở quy mô công nghiệp, phù hợp làm thức ăn chăn nuôi.

   >>> Bản tin thị trường tháng 3 năm 2022

Theo Công Thương