Công ty bán giấy vệ sinh duy nhất trên sàn lập kỷ lục 10 năm

Theo BCTC, năm 2021, HAP có doanh thu tăng 1,5 lần so với 2020, lên 498 tỷ đồng, đây cũng là mức doanh thu cao kỷ lục của công ty từ khi lên sàn. Trong năm doanh thu tài chính đạt gần 14 tỷ đồng, giảm 28 tỷ đồng so với cùng kỳ chủ yếu do không còn khoản thu lãi thanh lý các khoản đầu tư ngắn hạn, dài hạn khác (gần 38 tỷ đồng) như năm 2020.

Tính chung cả năm, HAP có lãi trước thuế hơn 52 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 42 tỷ đồng, tăng 23,2% so với số lãi 34 tỷ đồng đạt được năm 2020, tương ứng lãi bình quân khoảng 3,5 tỷ đồng mỗi tháng. Năm 2021 cũng là năm lãi cao nhất của công ty kể từ năm 2007 đến nay.

cong-ty-ban-giay-ve-sinh-duy-nhat-tren-san-lap-ky-luc-10-nam
Biểu đồ giá của HAP

Liên quan tới giấy nhưng bán vàng mã, CTCP lâm nông sản thực phẩm Yên Bái (CAP) vừa công bố báo cáo tài chính quý 1 (từ 1/10/2021 đến 31/12/2021), niên độ tài chính năm 2021-2022 (từ 1/10/2021 và kết thúc vào 30/9/2022). Doanh thu thuần đạt 165,3 tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ.Công ty Giấy Hải Phòng tiền thân là Xí nghiệp Giấy bìa Đồng Tiến, được thành lập ngày 14/09/1960. Ngày 28/10/1999, Công ty Giấy Hải Phòng chính thức hợp nhất vào CTCP Hải Âu, đổi tên thành CTCP Giấy Hải Phòng HAPACO. Tháng 8/2000, công ty là một trong 4 công ty cổ phần đầu tiên niêm yết cổ phiếu trên Trung tâm GDCK TP. Hồ Chí Minh.

Lợi nhuận bao gồm bán hàng và cung cấp dịch vụ cũng tăng 23% so với cùng kỳ. Kết quả lợi nhuận trước thuế của công ty này ở mức 21,8 tỷ đồng, sau khi thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, lợi nhuận còn lại đạt 16,9 tỷ đồng, tăng 4,3% so với quý 1 niên độ năm 2020-2021.

Kết quả sản xuất kinh doanh cả năm đạt 519,4 tỷ đồng, vượt 15%, lợi nhuận sau thuế là 57,2 tỷ đồng, vượt 54% so với kế hoạch đề ra và thông báo chia cổ tức niên độ 2020-2021 bằng tiền mặt với tỷ lệ 40%.

Trên sàn còn một số doanh nghiệp có ngành nghề độc lạ có doanh thu tốt như Mai táng Hải Phòng (CPH), doanh nghiệp sản xuất bao cao su duy nhất trên sàn là CTCP Merufa (MRF),…

Nhà đầu tư quan sát

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 25/2, VN-Index đứng ở mức 1.498,89 điểm, tương ứng giảm 5,95 điểm (-0,4%) so với phiên cuối tuần trước. HNX-Index tăng 4,55 điểm (1,04%) lên 440,16 điểm. UPCoM-Index giảm 0,06 điểm (-0,05%) xuống 112,66 điểm.

Điểm tích cực là việc thanh khoản có sự cải thiện tốt với trung bình khoảng 30.500 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Tuy thanh khoản đã cải thiện được khoảng 30% so với tuần trước đó nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình 20 tuần. Khối ngoại tuần qua bán ròng ở mức 20,6 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 76 tỷ đồng.

Dưới góc nhìn kỹ thuật, SHS nhận định, VN-Index tuy đánh mất ngưỡng tâm lý 1.500 điểm nhưng vẫn kết tuần trên vùng hỗ trợ 1.485-1.490 điểm cho thấy xu hướng tăng có đôi chút bị ảnh hưởng nhưng vẫn chưa đáng lo ngại.

Do đó trong tuần giao dịch tiếp theo 28/2-4/3, VN-Index có thể sẽ giằng co và đi ngang quanh ngưỡng tâm lý 1.500 điểm để chờ cơ hội bứt phá trở lại.

Theo VCBS, lực cung chốt lời ngắn hạn vẫn là khá lớn quanh vùng 1.520 điểm, khiến cho chỉ số vẫn đang có xu hướng dao động tích lũy đi ngang quanh mốc 1.500 điểm kể từ đầu tháng đến hiện tại.

Bên cạnh đó, những diễn biến liên quan đến căng thẳng Nga – Ukraine cũng làm dấy lên quan ngại về triển vọng thị trường trong ngắn hạn. Lực cầu bắt đáy trong tuần vừa qua tuy vẫn có nhưng là không đủ để khiến VN-Index đi ngược lại xu hướng chung trên thế giới.

    >>> Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu một số chính sách về thuế, phí để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất

Theo Vietnamnet

Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu một số chính sách về thuế, phí để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất

Chiều 3/3, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2022. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ chủ trì họp báo. Cùng dự có lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.

Kinh tế – xã hội phục hồi và tăng trưởng nhanh trở lại

Thông tin tại họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2022, các thành viên các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định , tháng 2 và 2 tháng đầu năm tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa phương trong xu hướng phục hồi và tăng trưởng nhanh trở lại.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo. Chỉ số CPI tháng 2 tăng 1,42%, 2 tháng tăng 1,68%. Thu ngân sách Nhà nước 2 tháng đầu năm đạt 22,9% dự toán, tăng 10,8% so với cùng kỳ.

Thị trường tiền tệ, tỷ giá ổn định, lãi suất duy trì mặt bằng thấp. Xuất nhập khẩu tháng 2 tăng 17,6%; tính chung 2 tháng, tăng 13% so với cùng kỳ.

Ba đột phá chiến lược được chú trọng. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 2 tăng 8,5% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là động lực chính.

Hỗ trợ gần hàng chục nghìn tỷ đồng cho các đối tượng chính sách, người lao động

Thương mại, dịch vụ khởi sắc. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2 tăng 3,1%. Khách quốc tế tăng 49,6% so với tháng trước, tăng 169% so với cùng kỳ.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm, chú trọng. Trong dịp Tết Nguyên đán, các cấp các ngành đã hỗ trợ hơn 57,81 triệu lượt đối tượng chính sách, người lao động với tổng kinh phí là 9.287 tỷ đồng; xuất cấp 21,48 nghìn tấn gạo dự trữ hỗ trợ người dân trong dịp Tết và giáp hạt.

Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đến ngày 24/2 đã hỗ trợ cho 35,64 triệu lượt đối tượng theo Nghị quyết 86/NQ-CP với tổng kinh phí khoảng 39,2 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết 116/NQ-CP của Chính phủ với tổng kinh phí gần 38 6 nghìn tỷ đồng.

Không ít khó khăn, thách thức cần đặc biệt quan tâm tháo gỡ

Về triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế kinh tế-xã hội, hầu hết các bộ, cơ quan và địa phương đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch trong đó xác định thứ tự ưu tiên và thời hạn hoàn thành, trong đó xác định thứ tự ưu tiên từng nhiệm vụ; có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ cho rằng, nước ta phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức cần đặc biệt quan tâm, xử lý, tháo gỡ, trong đó nổi lên là: Một, bộ phận người lao động phải nghỉ việc để điều trị, cách ly gây tình trạng thiếu lao động tạm thời; ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn còn tiềm ẩn những rủi ro;

Thị trường xuất nhập khẩu chịu nhiều tác động khủng hoảng tại Ukraine; lạm phát chịu sức ép từ thiếu nguồn cung, giá xăng tăng cao; hoạt động sản xuất của doanh nghiệp còn gặp khó khăn; tình trạng ách tắc tại các cửa khẩu biên giới từng bước được giải quyết; thương mại, dịch vụ vẫn chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh…

Nghiên cứu một số chính sách về thuế, phí để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất

Sau khi phân tích bối cảnh tình trong nước, khu vực và quốc tế, Thủ tướng Chính phủ đánh giá tình hình tháng 3 và những tháng tới tiếp tục có những khó khăn, thách thức đan xen nhiều thuận lợi và thời cơ, nhiều diễn biến không dự báo được.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương theo dõi, dự báo sát tình hình, quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là nhiệm vụ phải hoàn thành trong quý I/2022.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cần tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, điều hành chủ động linh hoạt, đồng bộ, phối hợp chặt chẽ, chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác.

Nghiên cứu một số chính sách về thuế, phí để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, nâng cao năng lực sản xuất xăng dầu trong nước, đảm bảo ổn định thị trường.

Đẩy mạnh công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, nhất là liên quan tới công tác phòng chống dịch, giá cả nguyên vật liệu, xăng dầu…

Chính phủ kiên quyết điều chỉnh vốn của các bộ, ngành địa phương chưa phân bổ

Cùng với đó là đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, nhất là đầu tư cho hạ tầng; kiên quyết điều chỉnh vốn của các bộ, ngành địa phương chưa phân bổ xong kế hoạch vốn trong tháng 3.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thúc đẩy sản xuất công nghiệp, kịp thời có phương án hỗ trợ, kết nối cung cầu lao động.

Đồng thời, theo dõi, nắm chắc tình hình công nhân, lao động và người sử dụng lao động cân đánh giá đúng bản chất, xử lý theo quy định pháp luật, giải quyết thỏa đáng, bảo đảm quyền lợi chính đáng của các bên.

Thành lập Tổ công tác đặc biệt giải quyết các vấn đề phát sinh do khủng hoảng tại Ukraine

Triển khai hiệu quả việc mở cửa du lịch, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật thể thao trên tinh thần bảo đảm an toàn dịch bệnh; hoàn thiện nội dung, quy định đón khách du lịch quốc tế; rà soát các công việc chuẩn bị cho đáo việc tổ chức Sea Games 31.

Thực hiện  hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, nhất là với người có công, người nghèo, đối tượng yêu thế; hỗ trợ kịp thời đối với người dân, người lao động doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thành lập Tổ công tác đặc biệt do Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh làm Tổ trưởng để giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề phát sinh do khủng hoảng tại Ukraine, cũng như có một số biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn về tính mạng, tài sản, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công nhân và pháp nhân Việt Nam ở Ukraine và các nơi có liên quan.

Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, định hướng dư luận, trong đó tập trung tuyên truyền về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội; công tác phòng, chống dịch COVID-19, cũng như tình hình quốc tế, chủ động đấu tranh, phản bác các thông tin xấu độc, tiêu cực củng cố niềm tin của nhân dân.

Người phát ngôn của Chính phủ cho biết, cũng tại phiên họp này thảo luận cho ý kiến vào nội dung Báo cáo tiền khả thi Dự án đường vành đai 4 Vùng thủ đô Hà Nội; Dự án đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh để trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.

Đây là những dự án quan trọng góp phần hoàn thiện, kết nối hệ thống hạ tầng vùng Thủ đô, TP. Hồ Chí Minh, tạo không gian động lực phát triển mới cho Thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận./.

    >>> Thêm 3,5 triệu euro đầu tư cho tái chế vỏ hộp giấy đựng đồ uống đã qua sử dụng

Theo Báo Chính phủ

Thêm 3,5 triệu euro đầu tư cho tái chế vỏ hộp giấy đựng đồ uống đã qua sử dụng

Cụ thể, Tetra Pak sẽ đầu tư 1,2 triệu euro cho việc lắp đặt một dây chuyền tách giấy hiện đại theo công nghệ của châu Âu tại nhà máy tái chế giấy của Đồng Tiến, dự kiến sẽ hoàn tất vào quý IV năm nay.

Khoản đầu tư này có ý nghĩa quan trọng bởi đây là lần đầu tiên một công ty cung ứng bao bì nước ngoài đầu tư trực tiếp vào việc xây dựng năng lực cho ngành tái chế còn đang rất non trẻ tại Việt Nam.

Dây chuyền tách giấy từ vỏ hộp sữa với công nghệ hiện đại này dự kiến sẽ tăng gần gấp đôi công suất tái chế tại Đồng Tiến lên 17.000 tấn/năm. Nó cũng cho phép tạo ra bột giấy tái chế có chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn để sản xuất các sản phẩm giấy có giá trị thương mại như giấy ăn, giấy vệ sinh, giấy viết. Từ đó giúp tăng giá trị thu mua vỏ hộp giấy và thu nhập cho người thu gom.

Thêm khoản đầu tư 3,5 triệu Euro cho tái chế vỏ hộp giấy đựng đồ uống đã qua sử dụng - Ảnh 2.
Tetra Pak đang hợp tác với các nhà bán lẻ lớn như Mega Market để mở rộng các điểm thu gom vỏ hộp giấy trong cộng đồng tại các thành phố lớn. Ảnh: VGP/Minh Thi

“Việc hỗ trợ xây dựng năng lực tái chế vỏ hộp giấy tại địa phương nằm trong chiến lược hình thành nền kinh tế tuần hoàn, ít phát thải carbon của Tetra Pak trên toàn cầu”, ông Eliseo Barcas, Tổng Giám đốc Tetra Pak Việt Nam cho biết. “Nó cũng thể hiện cam kết mạnh mẽ của chúng tôi trong việc đồng hành cùng các nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống thực hiện trách nhiệm thu gom bao bì sau khi sử dụng”.

Với chất lượng bột giấy tái chế được nâng cao, Công ty Đồng Tiến sẽ đầu tư 2,3 triệu euro vào hệ thống nhà xưởng và dây chuyền sản xuất giấy kraft – hiện đang rất được ưa chuộng trên thế giới.

Hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn ít phát thải carbon, đích đến của Tetra Pak là tăng tỉ lệ sử dụng nguyên liệu tái sinh lên tới 100%. Đặc biệt, để hoạt động thu gom và tái chế vỏ hộp giấy đạt quy mô lớn và rộng khắp, Tetra Pak đang hợp tác với các nhà bán lẻ lớn như Mega Market để mở rộng các điểm thu gom vỏ hộp giấy trong cộng đồng tại các thành phố lớn. Bên cạnh 63 điểm thu gom công cộng mà Tetra Pak cùng với các đối tác thu gom đã và đang triển khai tại Việt Nam, công ty cũng hợp tác để đưa vỏ hộp giấy vào danh mục thu gom của ứng dụng VECA trên điện thoại thông minh.

Theo ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường F&B cùng với nhận thức ngày càng cao của người tiêu dùng về việc phân loại và tái chế rác thải đang thúc đẩy nhu cầu tái chế vỏ hộp giấy đựng đồ uống đã qua sử dụng. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất của công tác tái chế tại Việt Nam là việc thiếu hạ tầng thu gom, cũng như chất lượng nguyên liệu đầu ra còn thấp do công nghệ cũ, dẫn đến sản phẩm tái chế thương mại chưa có giá trị cao.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh quy chế về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) đối với rác thải từ sản phẩm của mình, trong đó có bao bì đã được áp dụng từ 1/1/2022, việc phát triển một hệ sinh thái tái chế vỏ hộp giấy hoàn thiện mang ý nghĩa rất lớn trong việc hỗ trợ các nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống đáp ứng được yêu cầu đặt ra của cơ quan quản lý Nhà nước.

“Chính phủ mới đây đã đưa ra những quy định mới về môi trường, trong đó các nhà sản xuất sẽ có trách nhiệm thu hồi và tái chế các bao bì mà họ bán ra thị trường để bảo vệ môi trường và hướng tới xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn. Chính vì vậy, việc một đối tác có tâm huyết và kinh nghiệm như Tetra Pak hỗ trợ xây dựng hạ tầng tái chế và cùng chia sẻ trách nhiệm xây dựng một môi trường bền vững cùng với các nhà sản xuất sẽ giúp các nhà sản xuất xây dựng hình ảnh sản phẩm thân thiện với môi trường trong mắt đối tác và người tiêu dùng, từ đó tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường”, ông Trần Quang Trung đánh giá.

    >>> Chiến tranh Nga-Ukraine và ảnh hưởng đối với ngành công nghiệp giấy và bột giấy của châu Âu

Theo Báo Chính phủ

Chiến tranh Nga-Ukraine và ảnh hưởng đối với ngành công nghiệp giấy và bột giấy của châu Âu

Kể từ khi cuộc tấn công quân sự của Nga vào Ukraine bắt đầu, mọi thứ đã thay đổi nhanh chóng và đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, xã hội nói chung và đối với ngành công nghiệp giấy và bột giấy ở Ukraine, Nga, châu Âu và thế giới nói riêng. Xung đột vũ trang sẽ gây nên hậu quả to lớn về kinh tế vĩ mô và địa chính trị, khiến cho các nước tại khu vực sẽ gặp căng thẳng về kinh tế và tình hình xã hội.

Chiến tranh kéo dài, sẽ gây tác động lớn đến kinh tế, tăng trưởng kinh tế suy giảm. Các biện pháp trừng phạt ngày càng tăng đối với Nga sẽ tác động mạnh đến nhiều nền kinh tế trên toàn cầu, đặc biệt là châu Âu. Ước tính ban đầu cho thấy tổng sản phẩm quốc nội của Nga giảm tới 5%, và có thể sụt giảm hơn nữa khi có nhiều lệnh trừng phạt hơn được áp dụng.

Ở Ukraine, theo Hiệp hội các nhà sản xuất giấy và bìa của Ukraine (Ukrpapir), ngành công nghiệp giấy và bìa (P&B) của Ukraine đã đi vào bế tắc. Hầu như tất cả các nhà sản xuất đã phải dừng hoạt động do chiến tranh.

Hơn nữa, các công ty vận tải biển lớn đang tránh xa các cảng của Ukraine và nhiều công ty trong số họ cũng đang tránh cả cảng Nga. Bao gồm One Network, MSC, Hapag-Lloyd và Maersk, cùng chiếm khoảng một nửa năng lực vận chuyển container toàn cầu, tiếp tục bóp nghẹt chuỗi cung ứng trong khu vực.

Chiến tranh đang ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực sản xuất tại Ukraine. Danh sách các công ty ngừng hoạt động ở Ukraine đang tăng lên mỗi ngày, bao gồm các công ty như Japan Tobacco Inc, Coca Cola, Nestle, Carlsberg, Ferrexpo Plc, AB InBev và ArcelorMittal, cùng nhiều công ty khác.

Đối với sản xuất và thương mại giấy và bìa, ảnh hưởng của Ukraine đối với thị trường toàn cầu sẽ khá nhỏ, ngay cả đối với châu Âu. Ukraine có công suất khoảng 1,2 triệu tấn – bao gồm khoảng 750.000 tấn giấy bao bì hòm hộp (containerboard)  – chiếm chưa đến 2% công suất giấy và bìa ở châu Âu. Hầu hết sản lượng của Ukraine phục vụ thị trường nội địa, xuất khẩu chỉ chiếm một lượng nhỏ.

Về khía cạnh thương mại, Nga là nước xuất khẩu lượng lớn giấy in báo, kraftliner và giấy từ bột hóa không tráng phủ. Tuy nhiên, kể từ năm 2014, thương mại sản phẩm giấy giữa Nga và Ukraine đã giảm đi rất nhiều.

chien-tranh-nga-ukraine-va-anh-huong-doi-voi-nganh-cong-nghiep-giay-va-bot-giay-cua-chau-au

Hàng năm, Nga nhập khẩu từ khoảng 800.000-900.000 tấn giấy và bìa (phần lớn từ EU), trong đó chủ yếu là bìa gấp hộp 30% và giấy in cao cấp 25%, so với nhu cầu sử dụng. Trong khi đó, hàng năm Nga xuất khẩu một lượng tương tự sang EU (chủ yếu là giấy kraftliner, giấy in báo và giấy từ bột hóa không tráng phủ).

Giả định rằng các hạn chế thương mại sẽ dẫn đến việc loại bỏ giấy và bìa từ Nga, thì EU có thể bị thiếu hụt giấy trong ngắn hạn ở một số phân khúc – đặc biệt là kraftliner (khoảng 180.000-200.000 tấn kraftliner mỗi năm). Tuy nhiên, lượng thiếu hụt này có khả năng sẽ được bù đắp bởi các dự án khác tại châu Âu (Stora Enso Oulu), Bắc Mỹ hoặc Brazil.

Các hạn chế thương mại cũng sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của châu Âu sang Nga, mặc dù Nga chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ trong tổng xuất khẩu của EU, nhưng bìa gấp hộp (boxboard) là loại sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất vì Nga chiếm tới 20% xuất khẩu của EU.

Về mặt bột giấy, cùng với các yếu tố giá năng lượng tăng cao, mức tăng trưởng GDP giảm sút và đồng đô-la Mỹ mạnh lên (gây tiêu cực cho bột giấy do giao dịch bằng đô-la Mỹ).

Thị trường xuất khẩu bột giấy chính của Nga là Trung Quốc (gần 60% trong năm 2021) và dự báo không có tác động nào đến khu vực này. Nga chiếm khoảng 4% xuất khẩu bột giấy toàn cầu. Tuy nhiên, Nga chiếm tới 22% thị phần thương mại toàn cầu đối với gỗ ván xẻ từ gỗ mềm và gỗ tròn sản xuất bột giấy, có thể sẽ trở thành một vấn đề lớn đến nguồn cung gỗ.

Hiện nay, tác động lớn nhất đối với nền kinh tế châu Âu và ngành công nghiệp giấy và bột giấy của EU liên quan chính đến giá năng lượng và tỷ lệ lạm phát. Về mặt năng lượng, châu Âu hiện nhập khẩu khoảng 35-40% lượng khí đốt tự nhiên từ Nga, do đó, cuộc chiến ở Ukraine có thể sẽ gây rủi ro cho nguồn cung khí đốt cho EU.

Nhất là đối với các nước phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga hiện nay, chẳng hạn như Bắc Âu, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Ý và Đức. Kể từ khi cuộc xung đột xảy ra, giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu đã tăng nhanh chóng, đạt gần 160/megawatt-giờ, một trong những mức cao kỷ lục trong năm qua (https://tradingeconomics.com/commodity/eu-natural-gas).

Xét về khía cạnh lạm phát, bên cạnh chi phí vận tải tăng do giá khí đốt tự nhiên và giá dầu cao, có thể sẽ có một làn sóng lạm phát đối với các mặt hàng như thép, nhôm và ngũ cốc. Ukraine là nhà cung cấp ngũ cốc lớn thứ hai thế giới… Hơn nữa, xung đột kéo dài, các biện pháp trừng phạt gia tăng đối với Nga sẽ tiếp tục thúc đẩy giá hàng hóa cao hơn. Nga là nhà cung cấp chính dầu thô, khí đốt tự nhiên, lúa mì, ngô, lúa mạch, hướng dương, phân bón và kim loại như nhôm…/.

    >>> Nhu cầu và giá cả OCC nhập khẩu tại Đông Nam Á tiếp tục tăng cao

Theo Fastmarkets RISI

Nhu cầu và giá cả OCC nhập khẩu tại Đông Nam Á tiếp tục tăng cao

Giá giấy thu hồi (RCP) tiếp tục tăng mạnh ở Đông Nam Á (SEA) do nguồn cung hạn chế và do sự cạnh tranh leo thang từ thị trường Ấn Độ. Trong khi đó, logistics được coi là vấn đề cốt lõi, đánh vào cả hai đầu cung và cầu của thị trường. Các nhà cung cấp hiện đang gặp khó khăn để  giải quyết đặt chỗ cho tàu và chậm giao hàng cho người mua.

Điều đó đã dẫn đến việc tăng giá ở châu Á, với OCC(12) của Mỹ được bán với giá 265 USD/tấn ở Đài Loan, thậm chí đã có lúc đạt đỉnh 365-375 USD/tấn ở Ấn Độ đối với loại cao cấp. Ấn Độ hiện là nhà nhập khẩu RCP của Mỹ lớn nhất thế giới, trong quý 4/2021, nhập khẩu RCP từ Mỹ sang Ấn Độ đạt gần một triệu tấn, tăng 22,6% so với quý 3 và 11,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Tại thị trường nội địa Ấn Độ, OCC nội địa có giá khoảng 320 USD/tấn. OCC(12) Mỹ loại tiêu chuẩn có giá 330-345 USD/tấn, OCC(11,5) có giá 320-325 USD/tấn và OCC(11) có giá 310-315 USD/tấn.

Do ảnh hưởng từ sức mua của Ấn Độ, khu vực Đông Nam Á cũng chịu nhiều sức ép. Tại Việt Nam, Thái Lan và Malaysia, OCC(12) của Mỹ đã được bán ở mức 300-320 USD/tấn, ở Indonesia là 330-340 USD/tấn. OCC(11) tiêu chuẩn của Mỹ đã đạt mức 260-320 USD/tấn, tăng 20 USD/tấn tại Đông Nam Á và Đài Loan. OCC châu Âu (95/5) tăng 5-10 USD/tấn lên 280-300 USD/tấn. OCC của Nhật Bản tăng 5 USD/tấn lên 280-295 USD/tấn./.

    >>> Giá dầu tăng và bài toán cân bằng xanh

Theo Fastmarkets RISI 

Giá dầu tăng và bài toán cân bằng xanh

Giá dầu thô đã tăng liên tục từ đầu năm 2021, có lúc lên trên 86 USD/thùng. Lần gần đây nhất, giá dầu vượt qua vùng này là giai đoạn tháng 9/2010 – 10/2014, và trước đó là giai đoạn tháng 9/2017 – 10/2014. Đây đều là những giai đoạn nền kinh tế thế giới tăng trưởng mạnh mẽ, khiến cho nhu cầu dầu tăng đến mức các nhà sản xuất không thể đảm bảo đủ sản lượng cung ứng cho thị trường, tạo ra khủng hoảng năng lượng trên diện rộng. Tuy nhiên, nguyên nhân thúc đẩy giá dầu tăng trong năm 2021 có phần khác biệt, ảnh hưởng phức tạp đến nền kinh tế toàn cầu.

CUỘC KHỦNG HOẢNG ĐƯỢC DỰ BÁO TRƯỚC

Khi giá dầu duy trì ở vùng 40 – 50 USD/thùng và tồn kho trên thế giới tăng mạnh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều chuyên gia đã cảnh báo về tình trạng thiếu hụt đầu tư vào các giếng dầu mới. Mỗi năm, sản lượng khai thác từ một giếng dầu giảm từ 10 – 20%, do đó, các công ty dầu mỏ phải liên tục đầu tư vào khai thác các giống mới để duy trì sản lượng, nâng cao công suất. Trong khi đó, do tác động của dịch bệnh Covid-19, các khoản vốn dành cho nhiên liệu hóa thạch ngày càng bị cắt giảm và hiện xuống mức thấp nhất trong vòng 15 năm.

Trước xu hướng chuyển đổi sang năng lượng xanh, các ngân hàng và tổ chức tài chính ngày càng ngần ngại cấp vốn cho các dự án dầu. Trong khi đó, các công ty dầu đại chúng hóa tại Mỹ và Châu Âu cũng quyết định bảo vệ nguồn vốn, không đầu tư để gia tăng sản lượng nhằm tranh thủ vùng giá cao.

Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng khi các nước thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC) quyết định giữ lại công suất gần 5 triệu thùng dầu/ngày, thay vì tung ra thị trường. Với ngân sách quốc gia phụ thuộc nhiều vào nguồn thu dầu mỏ, các thành viên OPEC+ được hưởng lợi không nhỏ khi giá dầu duy trì ở mức cao. Phản ứng của nhóm, kết hợp với lựa chọn của các công ty năng lượng tạo ra “tác động kép” đến nguồn cung, khiến cho sản lượng dầu mỏ thiếu hụt hơn 1 triệu thùng/ngày so với nhu cầu trong quý IV/2021, theo Báo cáo thị trường đầu tháng 10/2021 của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA).

Dù dòng vốn đổ vào các loại nhiên liệu sạch ngày càng nhiều, kinh tế thế giới vẫn gắn chặt với các loại năng lượng truyền thống. Cùng với việc các quốc gia phát triển đang dần mở cửa trở lại khi chấp nhận sống chung cùng đại dịch Covid-19, việc sử dụng các loại nhiên liệu hoá thạch nhiều khả năng vẫn duy trì ở mức cao trong năm nay.

Dầu thô – năng lượng được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới luôn là tâm điểm trên thị trường tài chính và hàng hóa. Hồi tháng 7/2021, các tổ chức tài chính lớn như Bank of America – các công ty năng lượng Glencore, Vitol còn dự đoán giá dầu đã đạt 100USD/thùng. Tuy nhiên, bước sang tháng 8, triển vọng giá dầu đã trở nên tiêu cực hơn rất nhiều, khi cả ba tổ chức năng lượng uy tín nhất trên thế giới là Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA), IEA và OPEC đồng loạt hạ dự báo tiêu thụ dầu thế giới trong cuối năm 2021 khi dịch Covid-19 lây lan mạnh tại hầu hết các châu lục và làm giảm triển vọng kinh tế thế giới. Tuy nhiên, kết thúc tháng 8/2021 biến động, giá dầu WTI vẫn đạt 68,5 USD/thùng, tăng hơn 40% so với đầu năm, trong khi giá dầu Brent đóng cửa trên mức 71 USD/thùng, cao hơn so với thời điểm trước khi đại dịch xuất hiện.

Theo các tin tức mới nhất, Ủy ban Kỹ thuật JTTC thuộc Opec+ dự báo, thị trường sẽ tiếp tục thiếu hụt khoảng 900.000 thùng dầu/ngày trong giai đoạn cuối năm 2021, ngay cả trong trường hợp nhóm giữ mức tăng sản lượng hàng tháng thêm 400.000 thùng/ngày. Ủy ban này cũng điều chỉnh thặng dư năm 2022 từ 2,5 triệu thùng/ngày xuống 1,6 triệu thùng/ngày khiến cho tồn kho các nước OECD duy trì trạng thái thấp hơn trung bình 5 năm cho đến hết tháng 5/2022.

Việc Trung Quốc dỡ bỏ phần lớn các rào cản phong toả chỉ sau một thời gian ngắn kiểm soát dịch bệnh khiến cho nhu cầu thu mua của quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới gia tăng trở lại sau 5 tháng giao dịch trầm lắng, và chính phủ nước này kiên quyết giữ mục tiêu tăng trưởng kinh tế giúp triển vọng thị trường nhiên liệu trở nên tích cực hơn nhiều.

Với tiến trình tiêm chủng vắc-xin Covid-19 được đẩy mạnh, cộng với các gói kích thích kinh tế tiếp tục được bơm ra, có thể kỳ vọng xác suất giá dầu tăng sẽ cao hơn. Mặc dù mốc 100 USD/ thùng không còn thực tế, nhưng một số tổ chức như Goldman Sachs cho rằng vùng giá 80 USD/thùng vẫn là cột mốc khả thi.

GIÁ KHÍ TỰ NHIÊN ĐƯỢC ĐẨY MẠNH BỞI CẢ CUNG LẪN CẦU 

Khi các quốc gia thúc đẩy mục tiêu giảm thiểu khí thải carbon, khí tự nhiên ngày càng trở nên nổi bật như một nhiên liệu hóa thạch “sạch”. Lượng khí thải tạo ra ít hơn so với than và dầu thô, trong khi mức giá để đầu tư khai thác và thiết lập các mạng lưới sử dụng lẫn thiết bị tương thích của hộ gia đình tương đối rẻ so với các năng lượng tái tạo.

Trên thực tế, cơ sở hạ tầng xanh đòi hỏi nhiều vốn và lao động hơn từ 1,5 – 3 lần so với hydrocacbon. Vì vậy, không ngạc nhiên khi nhu cầu của Châu Âu đối với khí tự nhiên tăng vọt trong năm nay, nhất là khi Liên minh Châu Âu đang thúc đẩy các dự luật bảo vệ môi trường mới với mục tiêu cắt giảm 55% lượng khí thải CO2 trong năm 2030. Nhiệt độ cao bất thường trong mùa hè 2021 khiến cho nhu cầu khí tự nhiên để vận hành hệ thống điều hoà tại Châu Á tăng mạnh, khiến cho sản lượng dành cho Châu Âu – khu vực tiêu thụ khí tự nhiên lớn thứ 2 trên thế giới – bị thắt chặt. Sự kết hợp của các yếu tố này tạo đà cho giá khí tự nhiên gia tăng.

Giá khí tự nhiên lên mức cao nhất trong 3 năm cũng đã thúc đẩy đà tăng của giá than – sản phẩm thay thế cho các nhà máy điện, trong khi nguồn cung từ Úc – quốc gia khai thác than lớn nhất thế giới gặp gián đoạn vì dịch Covid-19. Từ đầu năm 2021. đến nay, giá than tại Sàn Giao dịch hàng hóa ICE đã tăng hơn 110%, mạnh hơn nhiều mức tăng của dầu thô. Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) đánh giá, giá than có thể tiếp tục tăng trong một thời gian nữa khi cả hai nguyên nhân chính chưa được giải quyết.

TÁC ĐỘNG CỦA GIÁ DẦU ĐẾN THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI VÀ TRONG NƯỚC 

Với vai trò là nhiên liệu chính cho các hoạt động sản xuất, giá dầu tăng đang gây sức ép lên nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu nhập khẩu, do nguy cơ lạm phát tăng cao. Trong Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới phát hành đầu tháng 10/2021, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ triển vọng tăng trưởng GDP năm 2021 với một loạt quốc gia phát triển, trong đó nổi bật là Mỹ, Trung Quốc, Anh, Đức… Đây cũng chính là những nước nhập khẩu nhiều năng lượng nhất thế giới. Trong khi đó, kinh tế nhóm nước xuất khẩu, dẫn đầu là Nga và Ả Rập Saudi, đều được kỳ vọng sẽ tăng tốc trong cuối năm, hưởng lợi từ giá nhiên liệu tăng.

Đối với thị trường hàng hoá, giá dầu có tác động lớn nhất đến giá kim loại, gần 50% chi phí sản xuất các mặt hàng sắt thép, nhôm, đồng đến từ giá nhiên liệu. Do đó, giá các mặt hàng này trên cả thị trường tương lại lẫn thị trường hàng vật chất phần nào được hỗ trợ theo giá dầu.

Tuy nhiên, tác động của giá dầu đến sắt thép khá đặc biệt, do quốc gia sản xuất và tiêu thụ thép chính trên thế giới là Trung Quốc chịu ảnh hưởng đặc biệt nặng nề từ khủng hoảng năng lượng. Giá các mặt hàng năng lượng, trong đó có dầu thô, tăng cao khiến cho các nhà máy sản xuất thép Trung Quốc buộc phải hạn chế sản lượng để kiểm soát chi phí đầu vào, khiến tình trạng thiếu hụt thép diễn ra trên diện rộng. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất thép – lĩnh vực phát thải khí CO2 lớn – đang phải buộc phải cắt giảm hoạt động trong nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm môi trường của nước này. Tính từ đầu năm đến cuối tháng 10/2021, nhập khẩu sắt của Trung Quốc đã vượt 2% so với định mức, các công ty bắt buộc phải giảm thu mua trong 3 tháng cuối năm. Do đó, đà tăng của sắt bị hạn chế.

Mặc dù giá quặng sắt đã phục hồi từ đáy tháng 9/2021, nhưng mức tăng thấp hơn rất nhiều các kim loại cùng nhóm như đồng và nhôm. Các nhà sản xuất thép của Việt Nam dự báo vẫn tiếp tục hưởng lợi từ diễn biến này.

Khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng tại Trung Quốc cũng chiến cho giá một mặt hàng thiết yếu khác tăng cao, đó là phân bón. Là một trong những quốc gia sản xuất và xuất khẩu phân bón hàng đầu thế giới, việc nước này buộc phải giảm sản lượng chiến cho giá phân bón trên thị trường thế giới tăng cao. Tính bình quân, giá phân bón ở nhiều nước trên thế giới đã tăng gấp đôi so với đầu năm. Giá thế giới tăng phần nào thúc đẩy các doanh nghiệp phân bón Việt Nam gia tăng xuất khẩu.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu phân bón của nước ta đạt trên 900.000 tấn, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm 2020. Các tổ chức lớn như IEA cho rằng, phải đến đầu năm 2022 thị trường năng lượng mới ổn định trở lại. Chi phí cho phân bón chiếm tới hơn 20% giá thành sản xuất, trong khi tính từ đầu năm đến nay, giá các mặt hàng này đã tăng từ 60 – 80%. Đây sẽ là một thách thức với phát triển nông nghiệp bền vững, bởi khi giá hàng hóa tăng vọt rất dễ khiến người nông dân tìm đến những sản phẩm kém chất lượng như phân bón dởm, phân bón bị pha trộn./.

    >>> Logistics vẫn khó khăn, giá OCC tăng mạnh ở Đông Nam Á

VPPA

(Trích từ Ấn phẩm Công nghiệp Giấy số 1/2022)

Kinh tế tuần hoàn và vai trò của tiêu chuẩn

Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Hiện nay, kinh tế tuần hoàn còn được được xem là mô hình kinh tế đáp ứng yêu cầu về giải quyết ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với mục tiêu phát triển bền vững.

Hình 1. Mô hình cơ bản của kinh tế tuần hoàn

Thuật ngữ Kinh tế tuần hoàn được đưa ra và sử dụng chính thức từ đầu những năm 1990, dùng để chỉ mô hình kinh tế mới dựa trên nguyên lý cơ bản “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”, hoàn toàn không giống với cách nhìn của nền kinh tế tuyến tính truyền thống. Nó chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, loại bỏ việc sử dụng các hóa chất độc hại và chất thải gây suy giảm khả năng tái sử dụng thông qua thiết kế ưu việt của vật liệu, sản phẩm, hệ thống và trong các mô hình sản xuất kinh doanh.

Khái niệm kinh tế tuần hoàn hiện nay cũng được tiêu chuẩn hóa trong tiêu chuẩn quốc tế ISO 14009:2020 (Environmental management systems — Guidelines for incorporating material circulation in design and development là “Sự tiếp cận có hệ thống đến thiết kế các mô hình kinh doanh, cho phép quản lý bền vững các nguồn nguyên vật liệu trong sản phẩm”.

Trên thế giới, kinh tế tuần hoàn hiện được coi là mô hình kinh tế đáp ứng yêu cầu về giải quyết ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.

Việt Nam cũng đang nỗ lực phát triền kinh tế theo hướng bền vững, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường và nền kinh tế tuần hoàn là mô hình được quan tâm, định hướng phát triển. Trong quá trình phát triển nền kinh tế tuần hoàn, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều cơ hội và thách thức.

Tiêu chuẩn hóa gắn với kinh tế tuần hoàn trên thế giới

Để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế tuần hoàn, cần đưa ra những giải pháp mang tính đồng bộ về cả chính sách lẫn yếu tố về mặt kỹ thuật, môi trường và kinh tế – xã hội. Trong đó, các tiêu chuẩn kỹ thuật được xem như những công cụ hữu hiệu, đã và đang đóng góp tích cực vào quá trình này.

Hiện nay, các tổ chức tiêu chuẩn hóa trên thế giới đang rất chú trọng vào việc xây dựng kế hoạch hành động, kêu gọi các bên liên quan tham gia công tác xây dựng tiêu chuẩn và cho rằng các tiêu chuẩn sẽ thúc đẩy sự phát triển hơn nữa của nền kinh tế tuần hoàn. Đi đầu trong những hoạt động này có thể kể đến các tổ chức như: ISO, IEC, EN, DIN, BSI, ANSI…

Theo Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc, đã đưa ra 17 Mục tiêu về Phát triển Bền vững (SDGs). Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO đóng góp vào ba trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường với các tiêu chuẩn ISO tương ứng, nhằm đạt được hiệu quả cho từng mục tiêu cụ thể. Tiêu chuẩn phổ biến và đã được biết đến nhiều nhất là bộ tiêu chuẩn ISO 14000 về Quản lý môi trường do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế ISO/TC 207 xây dựng, các tiêu chuẩn này đang được cập nhật thường xuyên và áp dụng rộng rãi trên toàn cầu.

Năm 2018, tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) cũng đã thành lập một Ủy ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế về Kinh tế tuần hoàn (ISO/TC 323, Circular Economy). Mục tiêu chung là tăng cường và tối đa hóa các hoạt động vì sự phát triển bền vững. Do đó, Ban kỹ thuật đang chú trọng vào việc xây dựng các tiêu chuẩn về yêu cầu, khuôn khổ cũng như hướng dẫn hoặc công cụ để hỗ trợ lập dự án và áp dụng Kinh tế tuần hoàn vào hoạt động của doanh nghiệp.

Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế ISO/TC 323 bao gồm các thành viên tham gia từ nhiều tổ chức tiêu chuẩn hóa ở các quốc gia khác nhau trên thế giới, có 71 thành viên tham gia chính thức (P) và 14 thành viên là quan sát viên (O). Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (STAMEQ) là đại diện của Việt Nam tham gia làm thành viên chính thức của Ban kỹ thuật này từ năm 2020.

Với việc thành lập ban kỹ thuật ISO/TC 323, tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế đang xúc tiến xây dựng những tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên về Kinh tế tuần hoàn với sự hợp tác chặt chẽ của các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc gia. Các tiêu chuẩn về Kinh tế tuần hoàn sẽ hỗ trợ vào 16 trong số 17 Mục tiêu về Phát triển bền vững của Liên hiệp quốc.

Hình 2. Mô hình kinh tế tuần hoàn (butterfly diagram) của Ellen MacArthur Foundation

Việc tiêu chuẩn hóa nền Kinh tế tuần hoàn với mục tiêu cung cấp khuôn khổ quốc tế cho các bên liên quan nhằm: Tạo điều kiện cho việc trao đổi thông tin giữa các bên liên quan; Tạo điều kiện cho việc chia sẻ phương pháp hay nhất; Đưa ra khuôn khổ chung cho các bên liên quan để thúc đẩy dự án về Kinh tế tuần hoàn.

Những dự án xây dựng tiêu chuẩn đang được ISO/TC 323 triển khai xây dựng tính đến thời điểm hiện tại, bao gồm: ISO/WD 59004, Kinh tế tuần hoàn – Khuôn khổ và nguyên tắc thực hiện; ISO/WD 59010, Kinh tế tuần hoàn – Hướng dẫn về mô hình kinh doanh và chuỗi giá trị; ISO/WD 59020.2, Kinh tế tuần hoàn – Khung đo lường tính tuần hoàn; ISO/CD TR 59031, Kinh tế tuần hoàn – Cách tiếp cận dựa trên hiệu suất – Phân tích các nghiên cứu điển hình; ISO/DTR 59032.2, Kinh tế tuần hoàn – Đánh giá việc triển khai mô hình kinh doanh; ISO/AWI 59040, Kinh tế tuần hoàn – Bảng dữ liệu về tính tuần hoàn của sản phẩm.

Các tiêu chuẩn này cung cấp kiến thức chung về Kinh tế tuần hoàn, xác định các mô hình kinh doanh mới, thiết lập một khuôn khổ và công cụ mà bất kỳ tổ chức nào cũng có thể áp dụng để giúp họ tích hợp Kinh tế tuần hoàn trong các hoạt động của mình một cách hiệu quả và có hệ thống.

Như vậy, có thể thấy tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO đang rất nỗ lực và tham gia sâu hơn trong việc đưa ra các giải pháp hết sức cụ thể nhằm thúc đẩy nền Kinh tế tuần hoàn, góp phần vì các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc đã đề ra.

Kinh tế tuần hoàn và vai trò của tiêu chuẩn ở Việt Nam hiện nay

Xây dựng kinh tế tuần hoàn đã được xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Mặc dù chưa có khung chương trình quốc gia về kinh tế tuần hoàn, nội dung về Kinh tế tuần hoàn đã được thể hiện trong rất nhiều chiến lược, chính sách phát triển đất nước trong giai đoạn vừa qua, như: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đưa ra định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 có nêu: “Xây dựng nền kinh tế xanh, Kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”;

Quyết định 889/QĐ-TTg ngày 24/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu tổng quát là “Thúc đẩy quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu, khuyến khích phát triển các nguồn tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu và sản phẩm thân thiện môi trường, có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững trên nền tảng đổi mới sáng tạo, thực hành và phát triển các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng nội địa bền vững, tạo việc làm ổn định và việc làm xanh, thúc đẩy lối sống bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”.

Luật BVMT năm 2020 quy định “Kinh tế tuần hoàn” (Điều 142) là Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và được xem là một trong những chính sách ưu đãi, hỗ trợ và phát triển kinh tế môi trường, sẽ góp phần đẩy nhanh việc phát triển kinh tế tại Việt Nam;

Để hình thành, phát triển kinh tế tuần hoàn, Việt Nam cần có hành lang pháp lý rõ ràng; cần triển khai nghiên cứu sâu rộng về phát triển kinh tế tuần hoàn từ cách tiếp cận chung toàn cầu, nguyên tắc xác lập theo ngành, lĩnh vực, tiêu chí của mô hình, từ đó lựa chọn vận dụng cụ thể vào hoàn cảnh thực tiễn Việt Nam. Việc phát triển kinh tế tuần hoàn cần dựa trên các ngành, lĩnh vực và địa phương đã và đang triển khai mô hình kinh tế gần với cách tiếp cận Kinh tế tuần hoàn, từ đó bổ sung hoàn thiện và có sự lựa chọn phù hợp cho từng ngành, lĩnh vực nhưng phải dựa trên các mô hình đã có như các mô hình 3R (giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải) được triển khai ở nước ta thời gian qua.

Liên quan đến việc chuyển đổi nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế tuần hoàn, mặc dù chưa có những mô hình kinh tế tuần hoàn đầy đủ đúng nghĩa, nhưng thực tế đã có một số mô hình gần với kinh tế tuần hoàn xét theo từng lĩnh vực ngành, nghề, dịch vụ. Ðiển hình trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại các làng nghề truyền thống đã sử dụng phế liệu, phụ phẩm, chất thải từ sản xuất công nghiệp để sản xuất thép tái chế, sản xuất giấy tái chế, sản xuất đồ nhựa, ni-lông, thủy tinh tái chế…

Các hoạt động này chủ yếu mang lại lợi ích tài chính cho cơ sở sản xuất và người tiêu dùng, mà chưa tính tới lợi ích kinh tế tổng thể. Ðây cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm và suy thoái môi trường tại một số địa phương hiện nay.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, với một số lĩnh vực chủ đạo như trồng lúa, cây ăn trái, thủy sản và chăn nuôi đã phát thải ra môi trường hàng ngàn tấn chất thải hữu cơ, là nguồn tài nguyên có lợi cho chính các hoạt động nông nghiệp trên và cho nhiều lĩnh vực khác. Tuy nhiên nguồn tài nguyên này đang bị lãng phí.

Trên cơ sở làm rõ khái niệm cũng như các nguyên tắc cơ bản của kinh tế tuần hoàn, cần nghiên cứu, đề xuất các định hướng nhằm phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn như các mô hình tận dụng, tái chế, thu hồi chất thải trong sản xuất nông nghiệp theo định hướng kinh tế tuần hoàn… cho người dân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và các cơ quan quản lý Nhà nước.

Trong lĩnh vực công thương, mô hình sản xuất sạch hơn (SXSH) đã được đẩy mạnh triển khai áp dụng rộng rãi. Theo thống kê của Bộ Công Thương, tính đến năm 2020, gần 350 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã được hỗ trợ đánh giá nhanh, 90 doanh nghiệp được hỗ trợ áp dụng SXSH trở thành các mô hình điểm về áp dụng SXSH. Ngoài ra còn có một số mô hình cũng được Bộ Công Thương triển khai như: Xây dựng và triển khai thực hiện mô hình sử dụng thí điểm các dạng năng lượng thay thế và mô hình hộ gia đình tiết kiệm năng lượng; Áp dụng mô hình quản lý năng  lượng tại các cơ sở công nghiệp; Xây dựng, phổ biến và nhân rộng các mô hình trình diễn thành công về sử dụng năng lượng thay thế trong các cơ sở sản xuất kinh doanh tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước; Phát triển, triển khai nhân rộng các mô hình trình diễn hộ gia đình sử dụng các dạng năng lượng tái tạo (như mặt trời, khí sinh học…) tại chỗ quy mô công nghiệp.

Năm 2020, Việt Nam đã thành lập ban kỹ thuật TCVN/TC 323 Kinh tế tuần hoàn. Ban kỹ thuật này đang nghiên cứu xây dựng một số tiêu chuẩn trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã xây dựng một số tiêu chuẩn liên quan như: TCVN ISO 26000:2013, Hướng dẫn về trách nhiệm xã hội; TCVN ISO 14001:2015, Hệ thống quản lý môi trường – Các yêu cầu và hướng dẫn sử dụng; TCVN 8000:2008 (ISO 15270:2006), Chất dẻo – Hướng dẫn thu hồi và tái chế chất dẻo phế thải; TCVN 12049:2017 (ISO 13686:2013), Khí thiên nhiên – Yêu cầu chung về chất lượng; TCVN ISO 14067:2020, Khí nhà kính – Dấu vết cacbon của sản phẩm – Yêu cầu và hướng dẫn định lượng. Tuy nhiên việc xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia này mới chỉ xuất phát từ nhu cầu của từng lĩnh vực chứ chưa theo một định hướng, kế hoạch tổng thể nhằm phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi sang nền Kinh tế tuần hoàn./.

    >>> Logistics vẫn khó khăn, giá OCC tăng mạnh ở Đông Nam Á

VPPA

(Trích từ Ấn phẩm Công nghiệp Giấy số 1/2022)

Logistics vẫn khó khăn, giá OCC tăng mạnh ở Đông Nam Á

Giá giấy thu hồi (RCP) nhập khẩu ở Đông Nam Á (SEA) và Đài Loan tiếp tục tăng cao trong nửa đầu tháng 2/2022, do ảnh hưởng của logistics đến chuỗi cung ứng.

Thiếu lao động, tắc nghẽn tại cảng và khó đặt chỗ trên tàu đối với hoạt động xuất khẩu giấy thu hồi tại các nước xuất khẩu đã gây nên tình trạng tồn kho cao và sự chậm trễ trong việc giao hàng cho khách hàng.

Nhiều nhà máy đã cạn kiệt lượng hàng dự trữ và đang muốn bổ sung lượng hàng. Tuy nhiên, nhiều khách hàng lại ngưng đặt hàng do giá tăng vọt.

Tại Đài Loan, mức tăng 20 USD/tấn hầu như được thông báo đối với mọi loại giấy thu hồi. OCC12 được chốt giá ở mức 270 USD/tấn tại thời điểm tuần đầu tháng 2/2022, tăng 20 USD/tấn so với cuối tháng 01/2022.

Tại khu vực Đông Nam Á, các loại giấy thu hồi (nâu) cao cấp của Mỹ đang đạt mức 290-310 USD/tấn (không kể thị trường Indonesia).

Tại Indonesia, loại này đang được bán với giá 300-310 USD/tấn đối với các đơn hàng nhỏ và 330-340 USD/tấn đối với khối lượng lớn. Thậm chí, có lúc đạt đỉnh lên tới 370-380 USD/tấn.

Tại Ấn Độ, loại OCC 11 đã đạt mức giá 325 USD/tấn và 330 USD/tấn cho OCC12.

Tương tự, OCC Châu Âu (95/5) tăng 10-15 USD/tấn, đóng cửa ở mức 275-290 USD/tấn tại Đông Nam Á. Tại Ấn Độ, loại cao cấp của châu Âu đã lên tới 310 USD/tấn.

Sự tăng giá của giấy thu hồi Mỹ và Châu Âu đã ảnh hưởng đến RCP của Nhật Bản. OCC của Nhật Bản đóng cửa ở mức 280-290 USD/tấn, tăng 5-20 USD/tấn, với hầu hết khối lượng được bán ở Đài Loan và Việt Nam./.

   >>> Giấy thu hồi Mỹ: xuất khẩu, tiêu dùng đều tăng trong năm 2021

Theo PPI Asia 

Giấy thu hồi Mỹ: xuất khẩu, tiêu dùng đều tăng trong năm 2021

Nhu cầu gia tăng từ Ấn Độ, Châu Âu, các nước Đông Nam Á, Nam Mỹ đã thay thế cho thị trường Trung Quốc trước kia.

Trong năm 2021, tổng xuất khẩu giấy thu hồi của Mỹ đạt 16,34 triệu tấn, tăng 13,6% so với năm 2020 đạt 14,38 triệu tấn.

Tuy nhiên, xuất khẩu năm 2020 đã giảm 12,7% so với 16,46 triệu tấn của năm 2019.

Xuất khẩu OCC trong năm 2021 tăng 20% đạt mức 10,53 triệu tấn, tăng 20,4% so với 8,74 triệu tấn được xuất khẩu vào năm 2020.

Lượng xuất khẩu tăng cao cũng đã thúc đẩy giá tăng theo.

Trong khi đó, lượng OCC tiêu thụ nội địa cũng gia tăng đạt mức 24,32 triệu tấn trong năm 2021, tăng 6,8% so với mức 22,76 triệu tấn năm 2020.

Tổng tiêu thụ giấy thu hồi các loại nói chung tại Mỹ cũng tăng so với năm 2020.

Trong năm 2021, đạt mức 32,87 triệu tấn, tăng 4,7% so với 31,39 triệu tấn năm 2020./.

     >>> Sản xuất thành công protein đơn bào từ nguồn phụ phẩm ngành giấy

Theo PPI Pulp & Paper Week

Sản xuất thành công protein đơn bào từ nguồn phụ phẩm ngành giấy

Protein đơn bào hay protein vi sinh, là protein tinh khiết được tạo thành từ viêc nuôi cấy các tế bào vi sinh vật như vi khuẩn, nấm men, tảo hoặc nấm sợi trên các cơ chất có thể là nguồn cung protein cho người hoặc động vật. Đặc biệt, protein đơn bào có thể được sản xuất trên các cơ chất là đường C5, C6 từ các loại phế phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp và lâm nghiệp, trong đó có phế phụ phẩm lignocellulose của ngành công nghiệp giấy.
Những dạng phế phụ phẩm, chất thải hữu cơ tiềm năng này có thể tiếp cận và tận dụng khá thuận lợi, để sản xuất ra sản phẩm giá trị gia tăng cho các ngành sản xuất và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về thực phẩm. Bên cạnh đó, tận dụng phế phụ phẩm, chất thải, để tái sử dụng là một trong những đóng góp quan trọng trong phát triển nền kinh tế tuần hoàn, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Hiện nay, nguyên liệu sản xuất bột giấy ở nước ta chủ yếu là gỗ keo, chiếm > 80% lượng nguyên liệu gỗ, trong đó chủ yếu là Keo tai tượng. Sản lượng dăm mảnh gỗ nguyên liệu giấy của cả nước có thể đạt khoảng 7-8 triệu tấn/năm, sử dụng cho sản xuất bột giấy trong nước và xuất khẩu. Chỉ riêng phế liệu dưới dạng dăm mảnh vụn, có thể đạt hàng ngàn tấn, được tập trung tại các nhà máy chế biến dăm mảnh nguyên liệu giấy. Về tính chất, dăm mảnh vụn có thành phần hóa học tương đương gỗ, tức có hàm lượng polysaccarit đạt > 70 %, nhưng do có kích thước quá nhỏ và chứa nhiều tạp chất hơn, nên không phù hợp làm nguyên liệu sản xuất bột giấy. Hơn nữa, dăm mảnh vụn là dạng vật liệu lignocellulose ít bị phân hủy sinh học và dễ dàng thu gom, tồn trữ. “Vì vậy, việc tận dụng loại phế liệu này để chuyển hóa thành đường, sử dụng cho sản xuất protein vi sinh làm thức ăn chăn nuôi là phù hợp” – PGS.TS Lê Quang Diễn, chủ nhiệm đề tài cho biết.
san-xuat-thanh-cong-protein-don-bao-tu-nguon-phu-pham-nganh-giay
PGS.TS Lê Quang Diễn – chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất protein đơn bào từ nguồn phụ phẩm ngành giấy và ứng dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi”.
Báo cáo với Đoàn thẩm định sản phẩm, PGS.TS Lê Quang Diễn – chủ nhiệm đề tài cho biết: Qua quá trình nghiên cứu, triển khai, nhóm nghiên cứu đã tìm được 01 chủng nấm men có khả năng tạo sinh khối protein cao trên dịch đường xylose và glucose chế tạo từ phế liệu gỗ keo tai tượng; sản xuất được 506,23 kg protein đơn bào có độ ẩm 4,2-5%, hàm lượng protein thô là 49,5-57,8%, hàm lượng xơ thô đạt 0,22-0,38% và độ tro thô 11,6-18,4%; Thức ăn chăn nuôi có bổ sung hơn 5% protein đơn bào;  Hoàn thiện mô hình thiết bị sản xuất protein đơn bào từ phế liệu gỗ, quy mô 1000 lit/mẻ; Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất protein đơn bào từ phế liệu gỗ keo tai tượng quy mô 1000 lít/mẻ.
san-xuat-thanh-cong-protein-don-bao-tu-nguon-phu-pham-nganh-giay
san-xuat-thanh-cong-protein-don-bao-tu-nguon-phu-pham-nganh-giay
Một số hình ảnh về sản phẩm của đề tài.
Đoàn thẩm định đánh giá cao các kết quả và sản phẩm của đề tài. Đề tài đã thực hiện đầy đủ các nội dung nghiên cứu, đáp ứng mục tiêu đề ra. Sản phẩm đầy đủ số lượng, chủng loại và khối lượng theo hợp đồng đã ký kết với Bộ Công Thương. Về chất lượng các sản phẩm, các chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật và yêu cầu khoa học của sản phẩm đạt yêu cầu đặt hàng. Nhóm nghiên cứu cũng cần hoàn thiện quy trình và thuyết minh quy trình theo đúng quy định để tiến hành nghiệm thu cấp Nhà nước.
Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ mở ra hướng đi mới cho ngành công nghiệp giấy, có thể chuyển giao công nghệ này cho các doanh nghiệp chế biến dăm mảnh nguyên liệu giấy, sản xuất bột giấy, sản xuất và chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước. Đồng thời, góp phần thúc đẩy lĩnh vực công nghệ protein và vi sinh ở nước ta, giúp tạo ra sản phẩm mới, chủ động nguồn cung thức ăn chăn nuôi, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Theo Công nghiệp sinh học Việt Nam