Pháp ban hành lệnh cấm sử dụng bao bì nhựa cho trái cây và rau quả

Chính phủ Pháp vừa ban hành quy định cấm sử dụng các loại bao bì nhựa đối với các loại trái cây và rau quả,  quy định có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.

Quy định cấm bao gồm danh sách khoảng 30 loại trái cây và rau quả, được bán mà không được sử dụng bao bì nhựa. Tại Pháp, có tới 37% loại trái cây và rau quả được bán đựng trong bao bì, hy vọng biện pháp này sẽ ngăn chặn việc sử dụng hơn một tỷ mặt loại bao bì nhựa mỗi năm.

Các trường hợp miễn trừ tạm thời trong luật mới bao gồm các mặt hàng tinh xảo và trái cây cắt nhỏ, vẫn sẽ được phép bán bằng nhựa, nhưng ngay cả bao bì nhựa này cũng sẽ bị loại bỏ dần vào năm 2026. Các sản phẩm đã qua chế biến cũng được miễn lệnh cấm. Thời hạn để loại bỏ dần bao bì nhựa đối với cà chua bi, hành tây và củ cải mới, cải Brussels, đậu xanh, nho, đào, quả xuân đào và mơ là ngày 30 tháng 6 năm 2023, trong khi đó đối với các loại thực phẩm, măng tây, bông cải xanh, nấm, khoai tây mới và cà rốt , rau xanh, rau bina, cây me chua, rau thơm, hoa ăn được, quả anh đào, một số món salad và rau thơm, nam việt quất là vào tháng 12 năm 2024. Thời hạn cho trái cây rất chín, quả mọng và rau mầm, cũng như trái cây và rau được bán theo lô hơn 1,5 kg, là ngày 30 tháng 6 năm 2026.

Biện pháp này là một phần của việc thực hiện luật thông qua vào tháng 2 năm 2020, nhằm mục đích giảm thiểu sử dụng bao bì nhựa một lần.

Theo https://www.packaginginsights.com

Giá OCC tại Mỹ giảm tháng thứ ba liên tiếp

Sự mất cân bằng cung cầu đã làm giảm giá đối với OCC mọi khu vực tại Mỹ trong tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 01/2022.

Sau mức giảm 15-20 USD/tấn vào cuối năm 2021, lại tiếp tục giảm 5-10 USD/tấn vào đầu năm 2022.

Với mức giá trung bình 130 USD/tấn trong tháng 01/2022, OCC tại Mỹ đã giảm 7 USD/tấn, hay 5% so với tháng 12/2021 ở mức 137 USD/tấn. Tuy nhiên, trong một năm qua, mức giá trung bình OCC tại Mỹ đã tăng 57 USD/tấn, hay 78%, so với giá trung bình của tháng 01/2021 là 73 USD/tấn./.

Theo PPI Pulp & Paper Week

Malaysia ban hành quy định mới về nhập khẩu RCP

Ngày 06/01/2022, Chính phủ Malaysia đã công bố quy định mới về việc nhập khẩu giấy (RCP), cấm nhập khẩu giấy hỗn hợp và yêu cầu kiểm tra trước và sau khi giao hàng đối với tất cả các loại giấy khác, bắt đầu thực hiện từ ngày 10/01/2022.

Quy định chỉ áp dụng đối với các giao dịch mua sau ngày 09/01/2022. Như vậy tất cả hàng hóa làm thủ tục thông quan và giao hàng ra khỏi cảng đến trước ngày 01/02/2022 sẽ được thực hiện theo quy định cũ. Tuy nhiên, các lô hàng RCP đã được cơ quan kiểm tra Malaysia phê duyệt và chứng nhận sẽ được miễn kiểm tra trước và sau khi giao hàng. Thay vào đó, chúng phải được kiểm tra một lần, tại Malaysia, tại kho của người mua./.

VPPA

 

 

Điểm sáng kinh tế năm 2021 tạo động lực phát triển trong năm 2022

Thứ nhất, sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế trước và sau đợt dịch lần 4 thể hiện tính năng động của thị trường và năng lực thích ứng, sáng tạo của các doanh nghiệp.

Sáu tháng đầu năm 2021, nền kinh đã có sự khởi sắc khi tăng trưởng của nhiều địa phương đạt mức khá cao; tăng trưởng GDP của nền kinh tế quý I/2021 đạt 4,72% và quý II/2021 đạt 6,73%. Khi đại dịch cơ bản được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế trong quý IV/2021 đã phục hồi khá nhanh chóng, với mức tăng trưởng GDP ước đạt 5,22% (cao hơn tốc độ tăng 4,61% của quý IV/2020). Sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế giữa 2 đợt dịch đã cho thấy nội lực và tiềm năng phát triển của nền kinh tế.

Thứ hai, khả năng ứng phó, sức sống của các doanh nghiệp Việt Nam trong điều kiện khắc nghiệt của đại dịch chính là điểm sáng nổi bật của bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2021. Trong đợt dịch COVID-19 lần 4, các doanh nghiệp Việt Nam đã chung vai gánh vác hỗ trợ người dân, đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời kiên trì chống chọi với dịch bệnh, giữ chân người lao động, bám trụ sản xuất với nhiều hình thức sáng tạo. Nhiều doanh nhân còn tham gia góp ý, phản biện chính sách với chính quyền các cấp trong việc thực hiện “mục tiêu kép”, kiến tạo các giải pháp phát triển kinh tế trong điều kiện “bình thường mới”.

Năm 2021, nền kinh tế đón nhận 116.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, 43.100 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động năm 2021 lên đến gần 160.000 doanh nghiệp. Như vậy bình quân mỗi tháng trong năm 2021 đã có 13.300 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Điều này thể hiện nỗ lực tái cấu trúc và thích ứng của khu vực doanh nghiệp trong nền kinh tế.

Thứ ba, trong năm 2021 khu vực nông nghiệp tiếp tục phát huy vai trò “bệ đỡ” của nền kinh tế. Trong bối cảnh dịch bệnh, có những thời điểm chuỗi cung ứng và tiêu thụ sản nông sản bị đứt gãy, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá, đạt 2,9%, đóng góp 13,97% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế. Đặc biệt, sự phát triển của khu vực nông nghiệp, đã góp phần quan trọng cho xuất khẩu nông sản năm 2021, đạt 48,6 tỷ USD (tăng 14,9% so với năm 2020), phá vỡ mọi kỷ lục trước đó. Năm 2021, tiếp tục có 10 nhóm hàng chủ lực của ngành nông nghiệp có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong rổ hàng này, có tới 6 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD.

Thứ tư, năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã đạt mức kỷ lục mới, với tổng giá trị 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 336,25 tỷ UDS (tăng 19% so với năm 2020), kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 332,25 tỷ USD (tăng 26,5% so với năm 2020), tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam. Cùng với việc tháng 12, ước xuất siêu đạt 1,5 tỷ USD, đã giúp cho kim ngạch ngoại thương của Việt Nam trong năm 2021 có sự đảo chiều ngoạn mục, xuất siêu cả năm ước đạt 4 tỷ USD. Điểm sáng của ngoại thương năm 2021 là kết quả của sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch, đồng thời cũng là kết quả của sự nắm bắt thời cơ từ các Hiệp định thương mại (FTA) được các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng có hiệu quả.

Thứ năm, hoạt động đầu tư nước ngoài (FDI) cũng là điểm sáng, phản ánh sức thu hút của thị trường Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Đại dịch đã ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, nơi tập trung nhiều doanh nghiệp FDI hàng đầu của các nước, tuy nhiên trong thời điểm khó khăn này, các nhà đầu tư hàng đầu của Mỹ, Hàn Quốc, EU… vẫn khẳng định cam kết tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/12/2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020.

Đáng chú ý, về địa bàn đầu tư, TP. Hải Phòng đã vượt qua tỉnh Long An, trở thành địa phương có số vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất, với 5,26 tỷ USD, chiếm 16.9% tổng vốn FDI của cả nước, kế đến là Long An, TPHCM, Bình Dương, Bắc Ninh, Hà Nội. Điều này cho thấy, đầu tư nước ngoài vẫn được thu hút tập trung tại Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.

Thứ sáu, phát triển kinh tế số được coi là điểm nhấn của kinh tế Việt Nam năm 2021. Trong điều kiện dịch bệnh bùng phát, mọi hoạt động về an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe, cung ứng hàng hóa thiết yếu, giáo dục đào tạo, đến việc duy trì sản xuất và liên kết chuỗi cung ứng hàng hóa giữa các địa phương, giữa trong nước với nước ngoài, đều được kích hoạt và thực hiện thông qua chuyển đổi số (digital transformation) và kinh tế số (digital economy). Trong năm 2021, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy mô của nền kinh tế số Việt Nam ước đạt 21 tỷ USD, tăng 31% so với năm 2020. Còn theo Báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á” của Google, Temasek và Bain & Company (10/11/2021), quy mô của nền kinh tế số của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á năm 2021 tương đương với Malaysia (đứng sau Indonesia, Thái Lan), dự báo đến năm 2025 sẽ đạt 57 tỷ USD, vươn lên vị trí thứ 2 trong khu vực (chỉ sau Indonesia).

Thứ bảy, bảo vệ sức khỏe, thực hiện an sinh xã hội cho người dân, đồng thời duy trì sản xuất kinh doanh để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, là mục tiêu trung tâm và cũng là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2021. Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê ngày 29/12/2021, tổng thu ngân sách Nhà nước ước tính năm 2021 đạt 1.523,4 nghìn tỷ đồng, bằng 113,4% dự toán năm (tăng 180,1 nghìn tỷ đồng), trong đó thu nội địa bằng 110,4%, thu từ dầu thô bằng 197,4% và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu bằng 122,1% (so với dự toán năm). Đây là nỗ lực chung của cả nền kinh tế, đặc biệt là hoạt động ngoại thương, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa.

Năm 2022, Việt Nam và thế giới vẫn đang đứng trước thách thức lớn và khó lường của dịch bệnh. Mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 được Quốc hội thông qua, trong đó: GDP tăng từ 6,0-6,5%, GDP bình quân đầu người đạt 3.900 USD, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,0%…

Đứng trước bối cảnh và yêu cầu phát triển mới, trong năm 2022, chúng ta cần tiếp tục phát huy nội lực trong phát triển kinh tế, không chỉ là bài học từ thực tiễn những năm vừa qua mà đây chính là nhân tố quyết định, là động lực phát triển của nền kinh tế Việt Nam năm 2022 và các năm tiếp theo.

Trong năm 2022, thị trường nội địa vẫn đóng một vai trò hết sức quan trọng, khi tiêu dùng nội địa (đóng góp khoảng 68-70% GDP) được phục hồi và phát triển, các khoản chi tiêu của Chính phủ (đầu tư công, hỗ trợ danh nghiệp và người lao động) sẽ kích thích chi tiêu trong nước, khích thích tăng trưởng. Hoạt động đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp, cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển thông qua các hình thức khuyến khích đầu tư vào khu công nghệ cao, vườn ươm sáng tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Tóm lại, bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2021 có khá nhiều “điểm sáng” tạo đà cho bước phát triển mới của nền kinh tế trong các năm tới. Năm 2022, kinh tế Việt Nam sẽ có bước phát triển khởi sắc, với các quyết sách phù hợp, kịp thời của Chính phủ và tính năng động, sáng tạo của các doanh nghiệp, người dân. Đây cũng chính là nhân tố quyết định, là động lực và niềm tin, để nền kinh tế Việt Nam duy trì tăng trưởng nhanh và bền vững trong năm 2022 và các năm tiếp theo.

Theo http://baochinhphu.vn/

Hội nghị Chính phủ với các địa phương đánh giá kết quả năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022

Hội nghị được tổ chức dưới cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến, tham dự Hội nghị tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương. Dự Hội nghị tại điểm cầu 63 tỉnh, thành phố có Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị.

Hội nghị sẽ tập trung thảo luận, đánh giá về tình hình kinh tế-xã hội năm 2021, tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021 và dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022; kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ năm 2021…

Phát biểu khai mạc Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng nêu rõ: Năm 2021 là năm thứ hai liên tiếp, thế giới phải chống đỡ, vật lộn với đại dịch COVID-19; làm thay đổi trạng thái, tình hình vốn đã phức tạp, khó lường lại càng trở nên khó đoán định và khó khăn, phức tạp hơn nhiều ; kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi nhưng không vững chắc, thiếu bền vững, không đồng đều và rất khó dự báo, nhất là làn sóng dịch bùng phát mạnh do biến chủng Delta tại nhiều quốc gia ở khu vực và trên thế giới; gần đây lại xuất hiện biến chủng Omicron đang bùng phát với tốc độ lây lan rất nhanh trên thế giới và đã thâm nhập vào Việt Nam.

Trong nước, với những thuận lợi cơ bản, nhất là từ thành công rất tốt đẹp của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và sau 35 năm đổi mới, chúng ta đã đúc rút được nhiều bài học hay, kinh nghiệm quý, từng bước xây dựng, hoàn thiện lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, là cơ sở nền tảng quan trọng để chúng ta thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp được tổ chức rất thành công; đồng thời, lần đầu tiên triển khai một chuỗi các hội nghị để quán triệt, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trên tất cả các lĩnh vực và đến tận cơ sở. Nhưng chúng ta cũng gặp những khó khăn, thử thách rất lớn, chưa có tiền lệ, đó là đợt dịch bùng phát lần thứ 4 ở nhiều địa phương với biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm hơn, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế-xã hội, sản xuất, kinh doanh trên phạm vi cả nước, nhất là sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

Hội nghị sẽ tập trung phân tích, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2021, khẳng định những ưu điểm và thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan. Đồng thời, đề xuất những giải pháp khắc phục, thảo luận kỹ lưỡng và thống nhất về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, nhất là Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh trình bày Báo cáo về công tác chỉ đạo, điều hành và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021; phương hướng, nhiệm vụ năm 2022. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trình bày báo cáo về các dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022./.

https://baochinhphu.vn/

Việt Nam đang tiếp tục chuyển đổi sang các ngành công nghiệp có giá trị cao

Dịch chuyển trong nhóm ngành xuất khẩu chủ lực

Các chỉ số xuất khẩu của Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng bất chấp tình hình dịch bệnh. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tính từ đầu năm đến 15/12 đạt 317,446 tỷ USD.

Từ đầu năm đến 15/12, có 6 nhóm hàng đạt kim ngạch từ 10 tỷ USD. Nhóm hàng lớn nhất là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (đạt 71,9 tỷ USD). Các nhóm hàng tiếp theo là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (đạt 44,3 tỷ USD); điện thoại và linh kiện (đạt 20,3 tỷ USD); vải (đạt 13,63 tỷ USD); chất dẻo nguyên liệu (đạt 11 tỷ USD); sắt thép (đạt 11 tỷ USD).

Xét về tốc độ tăng trưởng, nhóm ngành điện tử, máy tính và linh kiện vẫn duy trì được đà tăng trưởng từ năm ngoái. Đáng chú ý, giá trị xuất khẩu của nhóm ngành này ghi nhận sự bứt phá khi vượt qua hàng dệt may từ năm 2019 đến nay.

Sau điện thoại và linh kiện, nhóm ngành xuất khẩu chủ lực đang chuyển dần từ mặt hàng giá trị gia tăng thấp như quần áo và giày dép sang những sản phẩm mang lại giá trị cao hơn như điện tử và linh kiện. Nói cách khác, tỷ trọng sản xuất – xuất khẩu của Việt Nam cho thấy sự thay đổi về định hướng của ngành công nghiệp.

Xét về vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, ngành sản xuất và chế tạo ghi nhận giá trị năm 2021 chiếm 53,4% tổng vốn, tăng 16,45% so với cùng kỳ. Lượng vốn đầu tư FDI đạt 11,83 tỷ USD với 402 dự án mới được phê duyệt.

Theo chuyên gia từ Savills, xét về bức tranh FDI của ngành trong vòng một thập kỷ vừa qua, Việt Nam đang phát triển theo một chuỗi giá trị. Trong đó, ngành thiết bị điện tử chiếm tỷ trọng cao nhất ở mức 19,29% tổng vốn. Tiếp theo sau là điện tử và máy tính với 17,14%. Giấy, nhựa và cao su lần lượt chiếm 14,66% và 13,54%. Trong khi đó, các mặt hàng dệt may, may mặc và thực phẩm chỉ ghi nhận vốn đầu tư dưới 4% cho mỗi ngành.

Lý giải cho sự chuyển dịch này, ông John Campbell, Quản lý bộ phận BĐS Công nghiệp, Savills Việt Nam cho biết, trong 20 năm qua, nhờ tốc độ tăng trưởng ổn định, nền kinh tế đi theo hướng xuất khẩu, sự gia tăng của các Hiệp định thương mại tự do (FTA), lực lượng lao động trẻ, các chính sách ưu đãi đầu tư cùng với vị trí địa lý chiến lược, Việt Nam đã trở thành một trong những trung tâm sản xuất thu hút được sự chú ý nhiều nhất trong khu vực châu Á.

“Bất chấp một năm 2021 đầy thách thức, Việt Nam vẫn đang tiếp tục chuyển đổi từ các ngành công nghiệp thâm dụng lao động sang các ngành công nghiệp có giá trị cao. Các ngành công nghiệp giá trị thấp đang dần dần hình thành ở những khu vực khác tại Đông Nam Á, nguyên nhân là do Việt Nam không còn áp dụng các chính sách ưu đãi như trước, nên việc tìm kiếm nguồn lao động cũng như đất đai giá rẻ tại Việt Nam trở nên khá khó khăn. Tuy nhiên, nhà đầu tư của những ngành công nghiệp có giá trị cao tại nước ngoài vẫn lạc quan về sự tăng trưởng dài hạn của Việt Nam”, ông John Campbell nói.

Cần tích hợp các công nghệ mới

Các doanh nghiệp hiện nay đang chú trọng nâng cao công nghệ và đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị, chuyển sang mô hình sản xuất sạch và sản phẩm công nghệ cao nhằm thích ứng với nhu cầu từ khách hàng.

“Bởi vậy, nhà phát triển bất động sản cần lưu ý để cung cấp những khu công nghiệp có thể đáp ứng được yêu cầu này”, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội chia sẻ.

Việc phát triển các ngành hàng trong chuỗi giá trị sẽ thúc đẩy quá trình hiện đại hóa nền công nghiệp Việt Nam. Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) chỉ ra rằng, lĩnh vực sản xuất có thể đạt mức tăng trưởng 16% trong các chiến lược 4.0 vào năm 2030 nếu các DNVVN bắt đầu triển khai các công nghệ cấp trung bình. Thêm vào đó, công nghệ mới có thể giúp lĩnh vực này tăng thêm 7-14 tỷ USD trong tương lai.

Để nâng cao năng lực sản xuất, các doanh nghiệp đang tích hợp các công nghệ mới nổi tại nhà máy như trí tuệ nhân tạo hay in mô hình 3D. Đơn cử, hiện tại Vingroup đã bắt đầu sử dụng 1.200 robot ABB trong một số quy trình hàn của mình. Công ty Cổ phần Công nghiệp KTG, một nhà phát triển xưởng xây sẵn tại Việt Nam đã bắt đầu xây dựng các xưởng xây sẵn 4.0 tại tỉnh Đồng Nai.

“Nhà máy công nghiệp 4.0” của họ sẽ tích hợp các bất động sản công nghiệp xây sẵn với công nghệ 4.0 cung cấp các giải pháp thông minh hơn, sáng tạo hơn và tối ưu hơn cho tầm nhìn phát triển của khách thuê./.

haiquanonline.com.vn

Hiệp định thương mại lớn nhất thế giới có hiệu lực từ ngày 01/01/2022

RCEP là FTA lớn nhất thế giới khi đóng góp 30% GDP toàn cầu. Theo cam kết chung, RCEP sẽ tiến tới loại bỏ ít nhất 92% dòng thuế nhập khẩu giữa các quốc gia ký kết trong vòng 20 năm, thiết lập các quy tắc chung cho thương mại điện tử, thương mại và quyền sở hữu trí tuệ.

Theo lộ trình cam kết, các nước đối tác sẽ xoá bỏ thuế quan cho hàng hoá từ 30-100% số dòng thuế ngay khi hiệp định này có hiệu lực. Còn tỷ lệ xoá bỏ thuế quan Việt Nam dành cho ASEAN là 90,3%; Australia và New Zealand 89,6%; Nhật Bản và Hàn Quốc 86,7% và Trung Quốc là 85,6%.

RCEP cũng được thiết kế nhằm cắt giảm chi phí và thời gian cho các thương nhân khi cho phép họ xuất khẩu hàng hóa sang bất kỳ quốc gia ký kết thỏa thuận nào mà không cần đáp ứng các yêu cầu riêng biệt của từng quốc gia.

Hiệp định này cũng sẽ giảm bớt các hàng rào phi thuế quan đối với thương mại giữa các quốc gia thành viên, chẳng hạn như thủ tục hải quan và kiểm dịch cũng như các tiêu chuẩn kỹ thuật.

Theo Bộ Công Thương, nhờ vào cam kết mở cửa thị trường hàng hoá, dịch vụ, đầu tư, quy tắc xuất xứ giá trị trong khu vực địa lý RCEP cùng các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, FTA này sẽ tạo cơ hội để phát triển và phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19.

Mang tính gắn kết chặt chẽ với các FTA khác nên hiệp định RCEP này mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu, giúp Việt Nam kết nối tốt hơn với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, ngoài môi trường thông thoáng, RCEP cũng đặt ra các quy tắc chặt chẽ và thách thức cho doanh nghiệp khi là khu vực sản xuất, xuất nhập khẩu chiếm một nửa kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Trong khi đó, Việt Nam có mối quan hệ thương mại, đầu tư đặc biệt lớn với các nước thành viên trong khối RCEP, và phần lớn là thị trường nhập khẩu nguyên phụ liệu, máy móc phụ tùng phục vụ sản xuất của Việt Nam. Đây vừa là thuận lợi, vừa là thách thức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.

Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, do Việt Nam đã có FTA với cả 14 nước tham gia RCEP và thuế nhập khẩu tại các thị trường này giảm thấp hơn cả mức cam kết trong RCEP. Do đó, trong ngắn hạn, RCEP sẽ không tạo ra cú hích lớn cho xuất khẩu, nhưng về trung, dài hạn hiệp định này có thể tạo ra một chuỗi cung ứng mới trong khu vực.

Về lâu dài, ông Khánh nói, lợi ích sẽ thấy rõ khi chuỗi cung ứng dịch chuyển về khu vực này, Việt Nam trở thành một thành phần của chuỗi cung ứng đó và xuất khẩu của ta lại có điều kiện tăng lên nữa. “Khi xuất khẩu theo chuỗi cung ứng tăng, nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại sẽ thấp hơn”, ông nhận xét.

RCEP gồm 10 quốc gia thành viên ASEAN cùng 5 quốc gia khác là Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Hiệp định này được ký kết vào tháng 11/2020 sau 8 năm đàm phán.

Đây là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới, tạo ra thị trường chiếm gần 30% dân số thế giới (khoảng 2,2 tỷ người) và chiếm gần 30% GDP toàn cầu.

Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ) ước tính, khi RCEP có hiệu lực có thể làm tăng thu nhập toàn cầu lên 186 tỷ USD mỗi năm đến năm 2030 và thêm 0,2% vào nền kinh tế của các quốc gia thành viên.

     >>> Cơ hội Việt Nam khai mở thị trường 26.200 tỉ USD từ tháng 1-2022

Theo VnExpress

Cơ hội Việt Nam khai mở thị trường 26.200 tỉ USD từ tháng 1-2022

Bộ Công thương cho biết, việc hiệp định RCEP có hiệu lực từ tháng 1-2022 sẽ góp phần đa phương hóa các hiệp định thương mại tự do mà ASEAN đã ký kết với từng nước đối tác trước đây, hài hòa các cam kết, quy định trong các hiệp định này, tối đa hóa các lợi ích kinh tế, đặc biệt là quy tắc xuất xứ và tạo thuận lợi cho thương mại, góp phần củng cố các chuỗi cung ứng khu vực và phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Sau khi có hiệu lực đầy đủ với tất cả các nước tham gia ký kết, hiệp định RCEP sẽ tạo thành một thị trường với quy mô 2,2 tỉ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, và quy mô GDP lên tới khoảng 26.200 tỉ USD, tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu.

Như vậy, RCEP dự kiến giúp tạo lập một thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, góp phần thúc đẩy việc thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu của Việt Nam.

RCEP sẽ tiến tới loại bỏ ít nhất 92% dòng thuế nhập khẩu giữa các quốc gia ký kết trong vòng 20 năm, sẽ thiết lập các quy tắc chung cho thương mại điện tử, thương mại và quyền sở hữu trí tuệ.

Hiệp định này cũng được thiết kế nhằm cắt giảm chi phí và thời gian cho các thương nhân khi cho phép họ xuất khẩu hàng hóa sang bất kỳ quốc gia ký kết thỏa thuận nào mà không cần đáp ứng các yêu cầu riêng biệt của từng quốc gia.

co-hoi-viet-nam-khai-mo-thi-truong-26-200-ti-usd-tu-thang-1-2022

Về kinh tế, RCEP được ký kết và có hiệu lực sẽ giúp tối ưu hóa việc phân bổ nguồn lực trong khu vực, thúc đẩy việc tạo thuận lợi cho thương mại và tự do hóa đầu tư, nâng cao trình độ hội nhập kinh tế. RCEP còn thúc đẩy việc khôi phục kinh tế, cũng như sự thịnh vượng lâu dài của khu vực.

Với một thị trường lớn với quy mô người tiêu dùng chiếm khoảng 30% dân số thế giới, RCEP sẽ mang lại thêm 209 tỉ USD hằng năm trong doanh thu toàn cầu và 500 tỉ USD cho thương mại thế giới vào năm 2030.

Ước tính, RCEP và Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ bù đắp tổn thất kinh tế toàn cầu do cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc gây ra. Hai hiệp định này cũng sẽ giúp các nền kinh tế của Đông Bắc Á và Đông Nam Á hoạt động hiệu quả hơn, kết nối các thế mạnh về công nghệ, sản xuất, nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên.

Theo Bộ Công thương, trong thập niên qua, quá trình tự do hóa thuế quan đã đạt được tiến bộ đáng kể đối với 15 thành viên RCEP, thông qua một mạng lưới các hiệp định thương mại tự do (FTA) rộng khắp, nhưng khi RCEP đi vào thực thi vẫn sẽ tiếp tục giảm bớt các hàng rào thuế quan.

Phạm vi của RCEP bao gồm giảm thuế quan đối với thương mại hàng hóa, cũng như thiết lập các quy tắc chất lượng cao hơn cho thương mại dịch vụ, bao gồm các điều khoản tiếp cận thị trường cho các nhà cung cấp lĩnh vực dịch vụ từ các nước RCEP khác. Đồng thời, RCEP giảm bớt các hàng rào phi thuế quan đối với thương mại giữa các quốc gia thành viên, chẳng hạn như thủ tục hải quan và kiểm dịch cũng như các tiêu chuẩn kỹ thuật.

Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ) ước tính, khi RCEP chính thức có hiệu lực, điều này có thể làm tăng thu nhập toàn cầu lên 186 tỉ USD mỗi năm, đến năm 2030 và thêm 0,2% vào nền kinh tế của các quốc gia thành viên.

Bộ Công thương cho rằng khi RCEP chính thức có hiệu lực sẽ mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia các chuỗi giá trị mới trong khu vực, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Thậm chí, với hiệp định này, Việt Nam và các nước ASEAN hoàn toàn có cơ hội để trở thành trung tâm thu hút đầu tư nước ngoài./.

    >>> Toàn cảnh bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2021

Theo Canhco.net

Thống kê bột giấy toàn cầu tháng 11/2021

Theo số liệu của Hội đồng sản phẩm giấy và bột giấy (PPPC), tồn kho bột hóa thương phẩm của các nhà sản xuất toàn cầu đạt mức 45 ngày cung cấp trong tháng 11, lượng hàng tiêu thụ giảm 2,0% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo các nguồn tin từ nhà sản xuất và nhà phân phối, tồn kho toàn cầu ở mức 45 ngày vẫn trên mức cân bằng ở cả hai loại gỗ mềm và gỗ cứng.

Theo số liệu của PPPC, dự trữ của nhà sản xuất bột giấy kraft gỗ mềm tẩy trắng (BSK) trên thị trường toàn cầu giữ ổn định ở mức 44 ngày cung cấp (tăng so với 43 ngày trong tháng 10).

Dự trữ bột kraft gỗ cứng tẩy trắng (BHK) giảm một ngày xuống còn 46 ngày so với nguồn cung.

Tổng xuất khẩu bột giấy toàn cầu đạt tổng cộng 4,279 triệu tấn trong tháng 11, tăng 0,9% so với 4,239 triệu tấn trong tháng 10, nhưng giảm 2,0% so với mức 4,366 triệu tấn, cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu bột BSK trên toàn thế giới đạt tổng cộng 1,844 triệu tấn trong tháng 11, giảm 4,6% so với 1,932 triệu tấn của tháng 10 và giảm 3,0% so với 1,902 triệu tấn cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu bột BHK toàn cầu đạt tổng cộng 2,277 triệu tấn trong tháng 11, tăng 6,5% so với 2,138 triệu tấn của tháng 10 và giảm 1,4% so với 2,309 triệu tấn, cùng kỳ năm ngoái.

Tỷ lệ tiêu thụ trên công suất đạt mức 85%, được coi là chỉ báo chính về nhu cầu, nhưng thấp hơn bảy điểm phần trăm ở mức 92% của tháng 11/2020.

Số liệu thống kê về bột giấy hóa học thương phẩm đại diện cho 82% công suất toàn cầu và bao gồm dữ liệu từ 17 công ty hiện đang sản xuất (không tính số liệu thống kê từ ba quốc gia Maroc, Na Uy và Swaziland)./.

    >>> Covid-19 gia tăng thách thức cho kinh tế thế giới 2021

Theo Fastmarkets RISI