Thường trực Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam
Ngày 22 tháng 01 năm 2019, tại Văn phòng Chính phủ số 01 Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội, Thường trực Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ đã có buổi làm việc với đại diện Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam và một số các doanh nghiệp Giấy về những khó khăn, thiệt hại của các doanh nghiệp giấy đối với việc nhập khẩu giấy phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.
Ông Vũ Thiện Vương – Phó vụ trưởng Vụ Tổng hợp Văn phòng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp và các thành viên tham gia cuộc họp lắng nghe những ý kiến trình bày và kiến nghị của Tổng Thư ký Hiệp hội giấy và Bột giấy Việt Nam, cũng như của đại diện các doanh nghiệp trong ngành giấy, bị thiệt hại do ảnh hưởng của Thông tư 08/2018/TT-BTNMT.
Ông Đặng Văn Sơn – Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam đã trình bày vắn tắt những bất cập của Thông tư 08/2018/TT-BTNMT ngày 14 tháng 9 năm 2018 đối với việc nhập khẩu giấy phế liệu làm nguyên liệu sản xuất của các doanh nghiệp giấy trong thời gian vừa qua. Thông tư mới ban hành gần ba tháng nhưng đã bộc lộ những bất cập ngay từ ban đầu; thời gian thông quan kéo dài; các cơ quan kiểm tra, giám sát việc nhập khẩu chồng chéo; Sở Tài nguyên Môi trường, cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì, chịu trách nhiệm lại không có đủ nhân lực, vật lực và năng lực để thực hiện nhiệm vụ; các doanh nghiệp thiệt hại tiền lưu container, lưu bãi là quá lớn … Kiến nghị nhà nước xem xét lại thông tư 08, xem xét nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, giải phóng hàng hóa cho doanh nghiệp…
Đại diện của các doanh nghiệp tham dự cuộc họp như: Công ty TNHH Chánh Dương, Công ty Giấy Hoàng Hà, Công ty Giấy Hoàng Văn Thụ, Công ty Giấy Vạn Điểm đã trực tiếp trình bày những khó khăn và thiệt hại thực tế của doanh nghiệp khi thực hiện Thông tư 08/2018/TT-BTNMT.
Chỉ trong vòng chưa đầy ba tháng từ khi ban hành thông tư các doanh nghiệp ngành giấy đã thiệt hại ước tính lên hàng ngàn tỷ tiền lưu container, lưu bãi. Nhưng rất không may là số tiền này lại hầu hết rơi vào túi các hãng tàu, hãng vận tải nước ngoài. Đến nay đã có doanh nghiệp phải dừng hoạt động do thiếu nguyên liệu. Nếu tình trạng kéo dài sẽ có thêm rất nhiều doanh nghiệp giấy buộc phải ngừng máy.
Hiện nay, nhà nước đã có 2 công cụ mạnh để kiểm soát nhập khẩu phế liệu là Hậu kiểm và Ký quỹ, nhưng cả 2 biện pháp này lại không được sử dụng, hậu kiểm là chức năng thuộc về Sở TNMT địa phương và Ký quỹ là biện pháp được sử dụng làm chế tài phạt về tài chính thì không được sử dụng, mà lại ban hành các công cụ khác, không thực tế và gây khó khăn, thiệt hại cho doanh nghiệp mà lại rất khó thực hiện. Thông thường, các văn bản quản lý nhà nước của các cơ quan chuyên môn áp dụng cho doanh nghiệp cần phải có lộ trình, có độ trễ thời gian từ 90- 120 ngày để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị thực hiện.
Đại diện Hiệp hội Giấy và các doanh nghiệp kiến nghị Ban Thư ký Tổ Công tác có ý kiến đề xuất với Thủ tướng nhanh chóng ra chỉ thị giải phóng các container hiện đang lưu tại cảng, giảm thiệt hại, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trước Tết nguyên đán, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động trở lại sau Tết, công nhân có việc làm, bảo đảm an sinh và trật tự an toàn xã hội. Kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan giám sát, kiểm tra tại cơ sở sản xuất; Thực hiện hậu kiểm hàng hóa giấy phế liệu nhập khẩu. Kiến nghị Chính phủ nhanh chóng ký và ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 38.
Thay mặt Thường trực Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ Ông Vũ Thiện Vương bày tỏ sự đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn và thiệt hại của doanh nghiệp ngành giấy nói riêng và những doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất trong thời gian qua và sẽ khẩn trương tổng hợp những ý kiến đề xuất của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, cũng như của các doanh nghiệp tham gia buổi làm việc, báo cáo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ để trình Thủ tướng sớm có quyết định nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thời gian sớm nhất./.
VPPA
Đăng nhập để bình luận.