Bao bì phân hủy sinh học – Sự lựa chọn thế kỷ XXI

Bao bì phân hủy sinh học – nhu cầu thực
Hãy hình dung, khi chưa có dịch bệnh Covid-19, sản lượng giấy của thế giới ước đạt 420 triệu tấn/năm, trong đó 2/3 là giấy làm bao bì. Sau một thời gian diễn ra dịch bệnh, sản lượng giấy đã giảm cùng với các loại hàng tiêu dùng khác, nhưng thật khó hình dung trong mọi tình huống mà thiếu bao bì giấy, bởi đó là dạng bao bì đáp ứng được nhu cầu bức thiết của mọi lĩnh vực, phù hợp cho mọi sản phẩm và có giá hợp lý mà bất cứ người tiêu dùng nào cũng có thể cần và mua được, đồng thời tiện lợi xử lý sau khi sử dụng. Công nghệ sản xuất giấy bao bì và bao bì giấy đã đạt đến sự hoàn thiện. Mối quan tâm lớn nhất hiện nay của công nghiệp hiện đại là nâng cao chất lượng bao bì giấy để đáp ứng nhu cầu về công dụng và thẩm mỹ của người tiêu dùng, nhất là người tiêu dùng ở các nước đang phát triển, đồng thời đáp ứng nhu cầu của các lĩnh vực sản xuất hàng hóa yêu cầu bao bì chất lượng cao.
Từ hơn 10 năm trước cho đến nay, bao bì từ PE/PP gần như đã trở thành loại bao bì thông dụng mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, cũng như đời sống trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, sử dụng túi ni-lông đã trở thành thói quen khó bỏ của nhiều người tiêu dùng. Vẫn biết rằng đây không chỉ là vấn đề của Việt Nam, mà là vấn đề toàn cầu, nhưng mọi nỗ lực giảm thiểu sử dụng túi ni-lông chỉ mới được bắt đầu triển khai bằng các giải pháp tuyên truyền, vận động, hạn chế. Giảm thiểu cũng đã đạt được ở mức độ nào đó, nhưng chưa thực sự tạo ra những đột phá.
Chưa hết, những năm gần đây, xu hướng tiêu dùng bao bì, đồ đựng thực phẩm sử dụng một lần, lại tạo ra một làn sóng mới, đảo lộn mọi thói quen và tập quán, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ. Người người, đâu đâu cũng có vẻ sẵn sàng và có phần ưu tiên sử dụng các loại bao bì này trong mọi nhu cầu sinh hoạt của mình, nhất là giới trẻ. Rõ ràng, mức sống ngày càng tăng, thế giới rộng mở và tư tưởng được giải phóng, họ luôn hướng tới những xu hướng thời đại, bắt nhịp và theo kịp mọi thị hiếu, họ cũng tự sáng tạo cho chính mình chứ không chỉ sao chép hay chạy theo những gì thế giới đang có. Vậy nên, đừng có quá mất nhiều nỗ lực để cản lại cái gọi là “thị hiếu” và “xu hướng tiêu dùng”.
Thực tế cho thấy, để người tiêu dùng từ bỏ thói quen và lạm dụng sử dụng bao bì nhựa truyền thống, ngoài việc tuyên truyền, hạn chế, cần có những chuyển biến mạnh mẽ trong định hướng tiêu dùng, phát triển và tăng cường sản xuất các sản phẩm thay thế.
Dẫu biết là không nên và cần hạn chế sử dụng những sản phẩm như vậy, nhưng để thay đổi một xu hướng tiêu dùng đang thịnh hành trên toàn thế giới thật sự không dễ dàng. Vì vậy, giải pháp tốt nhất là tạo ra những sản phẩm có công năng tương tự, để thay thế dần sản phẩm không còn “hợp thời”. Dù gì thì bao bì nhựa vẫn có những tính chất và công năng mà bao bì giấy không thể thay thế được. Vì vậy, cần phải tập trung nguồn lực để đặt và cùng giải quyết những vấn đề này trong bối cảnh toàn cầu, từ câu chuyện xã hội về tiêu dùng, sang câu chuyện của khoa học và công nghệ đáp ứng tiêu dùng.
Trong 10 năm qua, mối quan tâm ngày càng tăng về các loại vật liệu mới thân thiện môi trường, cũng đồng thời hướng chú ý vào các loại chất dẻo và nhựa tổng hợp như mong đợi. Mục tiêu tạo ra vật liệu từ nguồn nguyên liệu tự nhiên và nguồn gốc sinh học, đã chiếm trọn mọi suy nghĩ của các nhà sáng chế trong lĩnh vực này, chắc chắn rằng nhựa phân hủy sinh học sẽ giúp giải quyết điều chỉnh thói quen tiêu dùng bao bì truyền thống của xã hội.
Cần phải hiểu rằng, khái niệm quen thuộc “nhựa sinh học” không phải là một định nghĩa mang tính đặc trưng của một nhóm hợp chất, mà được sử dụng để mô tả về các polyme có nguồn gốc khác nhau. Cần phân biệt rõ nhựa nguồn gốc sinh học (bio-based) và nhựa phân hủy sinh học (biodegradable), tuy chúng đều là vật liệu polyme. Nếu như nhóm polyme thứ nhất cấu tạo từ các monome nguồn gốc tự nhiên, trùng hợp thành nhựa thông dụng (như PE, PA, PET, …), thì nhóm polyme thứ hai có đặc tính nổi bật là khả năng phân hủy nhanh ở môi trường tự nhiên trong một thời gian ngắn. Chẳng hạn, từ nguồn nguyên liệu tự nhiên là tinh bột hay cellulose có thể sản xuất etanol, rồi chuyển hóa thành etylen, qua quá trình trùng hợp thu được polyetylen. Loại polyetylen này có thể xem là có nguồn gốc sinh học, nhưng sản phẩm không khác gì so với PE sản xuất từ dầu mỏ. Cũng trường hợp khác, như polybutylene succinate (PBS), là một loại nhựa phân hủy sinh học có thể tổng hợp từ n-butan, một sản phẩm thu được từ phân đoạn hydro cabon C4 của dầu mỏ. Công nghệ hiện đại rất đa dạng, nên rất dễ nhầm lẫn các khái niệm và bản chất.
Vậy là đã rõ, bao bì phân hủy sinh học là nhu cầu thực tế và cấp thiết. Có hai sự lựa chọn cho bao bì phân hủy sinh học, là bao bì giấy tráng phủ polyme phân hủy sinh học và bao bì từ 100% nhựa sinh học.
>>> Bao bì phân hủy sinh học: Lựa chọn phù hợp để bảo vệ môi trường
Tin liên quan
Tin đã đăng
- Hội nghị toàn thể hội viên Chi hội I – Nhiều nút thắt đã được gợi mở để tháo gỡ
- Hội nghị toàn thể hội viên Chi hội I – Nhiều nút thắt đã được gợi mở để tháo gỡ
- Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam tham dự Hội nghị Công nghiệp Giấy và Bột giấy Châu Á lần thứ 7
- Sản xuất gặp khó, 8 hiệp hội vật liệu kêu cứu, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng giải pháp
Đăng nhập để bình luận.