“Bão giá” vật liệu xây dựng, Giấy Hoàng Hà Hải Phòng lên kế hoạch chuyển dự án nghìn tỷ sang năm 2022

Ngày 07-07-2021
VPPA-Ban lãnh đạo Giấy Hoàng Hà cho biết, trong trường hợp mức tăng giá các hạng mục đầu tư vượt quá 10-20% và với quy mô công suất như hiện tại, dự án sẽ khó đảm bảo tính cạnh tranh như kế hoạch ban đầu.

bao-gia-vat-lieu-xay-dung-giay-hoang-ha-hai-phong-hhp-len-ke-hoach-chuyen-du-an-nghin-ty-sang-nam-2022

Thời gian vừa qua, hoạt động xuất khẩu Việt Nam tăng trưởng cao đã kéo theo sự gia tăng mạnh về nhu cầu giấy làm bao bì. Cùng với đó là việc Chính phủ kêu gọi giảm thiểu sản phẩm nhựa dùng một lần và phong trào sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường từ giấy đang có xu hướng lên ngôi, hứa hẹn những tiềm năng phát triển không hề nhỏ cho ngành giấy và bao bì, đặc biệt là lĩnh vực giấy bao bì thực phẩm.

Cơ hội này đã được cụ thể hóa bằng con số trong năm 2020 với lượng xuất khẩu của ngành giấy và bao bì đạt ngưỡng 1,5 triệu tấn, tăng đến 95% so với năm trước. Đây cũng là mức tăng xuất khẩu lớn nhất trong lịch sử của ngành.

Không nằm ngoài xu hướng của ngành, CTCP Giấy Hoàng Hà Hải Phòng (mã chứng khoán: HHP) vào cuối năm 2020 đã công bố dự án di dời và mở rộng Nhà máy giấy Hoàng Hà với tổng đầu tư lên tới 1.240 tỷ đồng với công suất đạt 100.000 tấn bao bì carton/năm. Dự án được thực hiện tại lô đất CN2, cụm công nghiệp thị trấn Tiên Lãng (TP. Hải Phòng).

Tuy nhiên, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 của Giấy Hoàng Hà Hải Phòng diễn ra ngày 11/6, ban lãnh đạo công ty cho biết, dự kiến trong năm nay sẽ giải ngân hơn 200 tỷ cho dự án trên, tập trung cho thanh toán 100% tiền thuê đất trong 50 năm trả tiền một lần, cùng các chi phí khác như san lấp, thi công, mua thiết bị…, còn kế hoạch đầu tư chủ yếu sẽ chuyển qua năm 2022.

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh giá thiết bị và vật tư xây dựng đã tăng rất cao. Công ty dự báo, trong trường hợp mức tăng giá các hạng mục đầu tư vượt quá 10-20% và với quy mô công suất như hiện tại, dự án sẽ khó đảm bảo tính cạnh tranh như kế hoạch ban đầu. Do vậy, ban lãnh đạo sẽ nghiên cứu xin điều chỉnh nâng công suất nhà máy hoặc giảm các tiêu chí đầu tư, giãn tiến độ triển khai trên cơ sở xem xét đơn giá đầu tư và đàm phán với nhà thầu.

Đồng thời, nhằm phân tán rủi ro kinh doanh, công ty đã định hướng phát triển thêm 2 mảng mới là sản xuất kinh doanh giấy và BĐS. Hiện, Giấy Hoàng Hà Hải Phòng đang sở hữu 30% vốn CTCP Tập đoàn Hoàng Hà – chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại quy mô 2,72 ha, là một trong những dự án trọng điểm của TP. Hải Phòng trong năm 2020-2021, dự kiến mở bán và phát sinh doanh thu từ Quý IV/2021.

     >>> Thị trường bột giấy thế giới bị ảnh hưởng bởi giá giấy, bìa tại Trung Quốc

Kế hoạch lãi tăng trưởng 120%, chuẩn bị tăng vốn lên 300 tỷ đồng

Bước sang năm 2021, công ty lên mục tiêu doanh thu đạt 625 tỷ đồng, tăng 130% so với năm 2020. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, Giấy Hoàng Hà kỳ vọng mức lợi nhuận sau thuế đạt hơn 26,2 tỷ đồng, tăng hơn gần 122% so với thực hiện năm trước. Tỷ lệ cổ tức năm 2021 dự kiến là 8% trong khi năm 2020 công ty không chia cổ tức.

bao-gia-vat-lieu-xay-dung-giay-hoang-ha-hai-phong-hhp-len-ke-hoach-chuyen-du-an-nghin-ty-sang-nam-2022

Trong đại hội, cổ đông cũng đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ. Cụ thể, Giấy Hoàng Hà Hải Phòng dự kiến phát hành thêm 10 triệu cổ phiếu tương đương 33,3% vốn. Phương thức phát hành riêng lẻ với giá chào bán bằng mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian chào bán dự kiến trong năm 2021, sau khi được UBCKNN chấp thuận.

Nếu chào bán thành công, Giấy Hoàng Hà Hải Phong dự kiến thu về khoản tiền 100 tỷ đồng, từ đó nâng mức vốn điều lệ tại công ty lên hơn 300 tỷ đồng. Về phương án sử dụng số vốn này, công ty lên kế hoạch đầu tư gần 49 tỷ đồng thanh toán tiền đất và 46 tỷ đồng thanh toán nhà thầu triển khai dự án Nhà máy giấy Hoàng Hà. Hơn 5 tỷ còn lại nhằm bổ sung vốn lưu động cho đơn vị.

Trước đó, Giấy Hoàng Hà Hải Phòng đã phát hành thành công gần 1,17 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2019 với tỷ lệ 6,5%; đồng thời phát hành thêm 900.000 cổ phiếu ESOP, từ đó nâng tổng vốn điều lệ từ 180 tỷ đồng lên hơn 200 tỷ đồng vào tháng 4/2021.

Trên thị trường, cổ phiếu HHP sau thời điểm lên đỉnh lịch sử vào cuối tháng 3/2021 (17.510 đồng/cổ phiếu) đã quay đầu lao dốc, giá trị hiện tại đã giảm mạnh đến 36%. Chốt phiên 14/6, thị giá đạt 11.200 đồng/cổ phiếu, so với đầu năm 2021 đã sụt giảm 19%.

bao-gia-vat-lieu-xay-dung-giay-hoang-ha-hai-phong-hhp-len-ke-hoach-chuyen-du-an-nghin-ty-sang-nam-2022

     >>> Giấy thu hồi (RCP) tại Đông Nam Á vẫn tiếp tục ở mức cao và có xu hướng tăng

Theo CafeF

Bình luận của bạn

Tin liên quan

Tin đã đăng