Biến thể Delta làm tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu

Ngày 19-08-2021
VPPA-Biến thể Delta tiếp tục hoành hành và làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa ở châu Á, trung tâm sản xuất của thế giới.

bien-the-delta-lam-tac-nghen-chuoi-cung-ung-toan-cau

Một chiếc tàu kéo kéo một tàu chở hàng rời khỏi cảng ở Seattle. Ảnh: Los Angeles Times

Sau khi vượt qua các đợt dịch ban đầu tốt hơn các nước khác, các quốc gia từng thành công trong việc ngăn chặn Covid-19 đang chứng kiến biến thể Delta lây lan nhanh chóng, tạo ra hàng loạt thách thức tại các nhà máy và bến cảng.

Những khó khăn ở châu Á – nơi Liên hợp quốc ước tính chiếm khoảng 42% xuất khẩu thế giới – có nguy cơ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, khi nhu cầu hàng hóa thường tăng cao trong mùa mua sắm lễ Giáng sinh.

Các trục trặc lưu thông khởi phát từ các cảng châu Á, sau đó lan tỏa và tạo ra những chậm trễ ở những nơi như Los Angeles hoặc Rotterdam, dẫn đến giá cả hàng hóa đắt đỏ hơn khi đến tay người tiêu dùng.

Biến thể Delta đã xâm nhập vào hệ thống phòng dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc, gieo mầm những ca bệnh đầu tiên trong nhiều tháng ở những nơi như Bắc Kinh và Vũ Hán.

Dù số ca nhiễm ở Trung Quốc tương đối thấp, nhưng với phương pháp tiếp cận không khoan nhượng, họ đã đóng ga Mai Sơn ở cảng Ninh Ba – Chu Sơn, khiến tất cả các dịch vụ container đi và đến đều bị tạm dừng vào tuần trước. Vụ đóng cửa này diễn ra sau khi cảng Diêm Điền ở Thâm Quyến ngưng hoạt động trong khoảng một tháng sau một đợt bùng phát nhỏ, gây ảnh hưởng lớn đến vận chuyển quốc tế.

Trong khi Đông Nam Á – một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất – có nhà máy đã ngừng sản xuất hàng điện tử, hàng may mặc và một số sản phẩm khác. Điều này đe dọa đà tăng trưởng xuất khẩu, vốn là lực đỡ cho nhiều nền kinh tế dựa vào thương mại để vượt qua và phục hồi sau dịch. Indonesia đang dẫn đầu Đông Nam Á về số ca mắc và tử vong, trở thành một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên toàn cầu do tiêm chủng chậm lại.

Các đợt bùng phát cũng làm tồi tệ thêm một năm chồng chất khó khăn đối với các nhà xuất khẩu, vì chi phí vận chuyển tăng cao do thiếu container và nguyên liệu thô như chất bán dẫn khan hiếm và đắt đỏ.

“Biến thể Delta có thể làm gián đoạn đáng kể thương mại ở châu Á. Cho đến nay, hầu hết các thị trường đã may mắn kiểm soát tốt virus này. Nhưng khi dịch tiếp tục lan rộng, may nắm này có thể kết thúc tại nhiều nơi”, Deborah Elms, Giám đốc điều hành của Trung tâm Thương mại Châu Á trụ sở tại Singapore, nhận định.

Tại Đông Nam Á, các nhà sản xuất đã chứng kiến hoạt động sụt giảm trong tháng trước, do phải vật lộn để duy trì hoạt động nhà máy, một dấu hiệu cho thấy đại dịch có thể tạo ra sự sụt giảm trong thương mại có khả năng phục hồi của khu vực.

Theo ước tính của Natixis, Indonesia, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan chiếm 5,7% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu, nhưng họ có thể tác động mạnh đến các nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực điện tử. Trung Quốc nhập khẩu 38% máy xử lý dữ liệu và 29% thiết bị viễn thông từ 5 quốc gia này, trong khi Mỹ phụ thuộc vào một nửa nhập khẩu chất bán dẫn từ đó. Samsung Electronics cho biết vào tháng trước, doanh thu trong lĩnh vực kinh doanh điện thoại di động đã bị ảnh hưởng bởi dịch bùng phát ở Việt Nam.

Việt Nam đã thực hiện các biện pháp mạnh để giảm thiểu tác động đến xuất khẩu khi làn sóng dịch lần thứ tư xuất hiện. Nhà chức trách yêu cầu sản xuất “3 tại chỗ” vì tỷ lệ dân số được tiêm chủng đầy đủ vẫn còn thấp. Điều đó là không đủ đối với các công ty như Harco, ở Hưng Yên.

“Mọi thứ ngày càng tệ hơn khi hầu hết nhà máy ở các tỉnh phía Nam phải ngừng hoạt động và các công ty phía Bắc đang phải chật vật để duy trì sản xuất”, ông Phạm Hồng Việt, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Harco Shoes nói và cho biết: “Toàn bộ chuỗi cung ứng của đất nước đã bị gián đoạn nghiêm trọng”.

Malaysia đã nới lỏng các hạn chế đối với những người đã tiêm chủng đầy đủ, cho phép họ đi lại giữa các bang và dùng bữa tại các nhà hàng khi chính quyền tìm cách mở cửa lại nền kinh tế.

Các nhà kinh tế đang giảm dự báo tăng trưởng cho châu Á khi có dấu hiệu cho thấy tác động đến tiêu dùng và các hoạt động khác. Bloomberg Economics đánh giá, chỉ riêng sự bùng nổ của biến thể Delta ở Trung Quốc đang ảnh hưởng đến các khu vực chiếm hơn một phần ba GDP của nước này. Các nhà kinh tế tại JPMorgan Chase & Co. nhấn mạnh rủi ro từ các quốc gia châu Á là do tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Dịch bùng lên khi các nhà xuất khẩu tiếp tục chật vật về chi phí vận chuyển đường biển tăng mạnh so với trước đại dịch, chủ yếu do thiếu container. Chỉ số container của Drewry World đạt 9.421,48 USD mỗi container 40 feet tính đến ngày 12/8, cao hơn khoảng 350% so với cùng thời điểm một năm trước.

“Thách thức lớn đối với chúng tôi là chi phí vận chuyển quốc tế cao, gấp đôi hoặc thậm chí gấp ba lần trước đại dịch”, Lanm Lai, Giám đốc ngoại thươngCNC Electric ở Chiết Giang, Trung Quốc nói và cho biết: “Năm ngoái, trong thời kỳ cao điểm của đại dịch, chúng tôi nghĩ rằng nó sẽ là ngắn hạn. Nhưng sắp tới, tôi không nghĩ sẽ sớm có một sự thay đổi đáng kể”.

Các giám đốc điều hành như Raymond Ren, CEO Pinghu Kaixin Plastic Industry nói rằng ông không nghĩ có sự thay đổi nào trong ngắn hạn của chuỗi cung ứng. “Bạn không thể đoán trước được bất cứ điều gì trong đại dịch này”, ông nói.

    >>> Bản tin VPPA tháng 8/2021

Theo VnExpress

Bình luận của bạn

Tin liên quan

Tin đã đăng