Bộ ngành “khoe” cắt hàng nghìn thủ tục, doanh nghiệp than chỉ cắt giảm hình thức
Bộ Thông tin – Truyền thông báo cáo cắt giảm được gần 60% điều kiện kinh doanh, giảm chi phí 36 tỷ đồng/năm. Bộ Y tế thống kê cắt gần 1.400/2.000 thủ tục, giúp tiết kiệm 3.300 tỷ/năm. Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng yêu cầu xem lại tính thực chất của hoạt động này khi doanh nghiệp vẫn ta thán.
Sáng 21/8, Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với 14 bộ, ngành để kiểm tra, xem xét việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn luật còn nợ đọng và việc cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh dưới sự chủ trì của Tổ trưởng Mai Tiến Dũng – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Văn bản hướng dẫn luật nợ đọng… 8 tháng
Ông Mai Tiến Dũng cho biết, vấn đề thể chế, đôn đốc các bộ, cơ quan ban hành kịp thời văn bản là nhiệm vụ được Thủ tướng đặc biệt quan tâm trong nhiệm kỳ này. Vấn đề thường xuyên được đặt ra trong các phiên họp Chính phủ, họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, họp Thường trực Chính phủ. Đây cũng là nội dung được cơ quan lập pháp (Quốc hội) liên tục đốc thúc, đề cập, gần nhất là phiên chất vấn Phó Thủ tướng, 15 Bộ trưởng, trưởng ngành tại UB Thường vụ Quốc hội ngày 15/8 vừa qua.
Trong năm 2019, Tổ công tác của Thủ tướng đã tiến hành 2 buổi làm việc với các bộ để thúc đẩy các bộ ban hành các văn bản hướng dẫn luật có hiệu lực. Tại cuộc kiểm tra đầu tiên vào tháng 3/2019, Tổ công tác xác định có 36 văn bản còn nợ đọng thuộc trách nhiệm của các bộ, tới lần kiểm tra thứ 2, số lượng văn bản nợ đọng giảm xuống còn 20.
Cuộc kiểm tra lần thứ 3 hôm nay, theo thống kê của Văn phòng Chính phủ, hiện còn 14 văn bản để quy định chi tiết các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực thi hành đang nợ, trong đó có 6 văn bản nợ quá hạn đã lâu, hầu hết quá hạn 1-3 tháng nhưng cũng có đã nợ quá hạn 4 tháng, thậm chí tới 8. Đây là những rào cản lớn cho việc thực thi pháp luật.
Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng cảnh báo, 1/1/2020 tới đây, có 16 nghị định quy định chi tiết thi hành có hiệu lực, tức chậm nhất 15/11/2019 các bộ ngành phải hoàn thành số văn bản này. Tiếp đó, thêm 12 nghị định quy định chi tiết sẽ có hiệu lực từ 1/7/2020. Như vậy, thời gian tới, khối lượng văn bản phải làm rất lớn, nếu không quyết liệt sẽ không thể hoàn thành.
Nội dung khác, về việc cắt giảm thực chất và thực thi điều kiện kinh doanh cũng như việc cải cách thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành hàng hoá xuất nhập khẩu, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khái quát tình hình chung, các Bộ, ngành đã làm rất tích cực, quyết liệt thời gian qua. Kết quả, 3.100 điều kiện trên tổng số hơn 6.000 điều kiện kinh doanh đã được cắt giảm, 6.700 thủ tục kiểm tra chuyên ngành liên quan đến dòng hàng, mặt hàng trên tổng số 9.600 mặt hàng cũng được bãi bỏ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Theo đó, hoạt động sản xuất inh doanh, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện nhiều.
Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng phấn khởi với báo cáo của Bộ Tài chính về việc cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính trong lĩnh vực này đã làm gia tăng số giấy chứng nhận kinh doanh được lập. Tiêu biểu như ngành bảo hiểm, gia tăng doanh thu của doanh nghiệp bảo hiểm với loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư tăng hơn 300% so với cùng kỳ 2018, bảo hiểm nhân thọ tăng hơn 215% so với cùng kỳ 2018.
Cắt giảm hình thức, chạy theo thành tích
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến từ nhiều cơ quan cho rằng, cần xem xét thực chất các kết quả này. Có ý kiến cho rằng, công tác kiểm tra chuyên ngành 6 tháng đầu năm 2019 chậm, chủ yếu chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm trước khi thông quan chứ không phải là xoá bỏ việc kiểm tra như Thủ tướng chỉ đạo.
Cũng có ý kiến nhận định, việc kiểm tra chuyên ngành còn hình thức, việc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật còn chậm. Có những văn bản, thông tư thuộc thẩm quyền của các Bộ trưởng còn nhiều vấn đề phải xem xét, như “thủ thuật” chuyển điều kiện kinh doanh thành tiêu chuẩn, quy chuẩn “đánh đố” doanh nghiệp.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ dẫn chứng, VCCI từng nhận xét, cón hơn 300 văn bản quy định rất rộng, rất khó cho việc tra cứu, áp dụng. Vẫn còn tình trạng một mặt hàng, sản phẩm chịu sự kiểm tra của nhiều đầu mối trong 1 bộ hoặc nhiều bộ. Lãnh đạo VCCI cho rằng, có tình trạng điều kiện kinh doanh “hoá thân” vào quy chuẩn, tiêu chuẩn, không giải quyết được bài toán đề ra, tình trạng xin – cho còn nguyên, thậm chí còn nặng nề hơn. Theo đó, chi phí không chính thức với doanh nghiệp có giảm nhưng vẫn ở mức cao trong khu vực trong khi giảm chi phí chính là quyết tâm đề ra của Thủ tướng.
Nhiều hiệp hội doanh nghiệp cũng than là các bộ, ngành chưa tuân thủ chỉ đạo của Thủ tướng.
Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (VICEM) cũng bất bình khi thực tế việc cắt giảm mới chỉ là hình thức khi thủ tục giảm nhưng thời gian xử lý công việc không giảm. Một vấn đề doanh nghiệp hỏi ý kiến vẫn phải chờ vài ba bộ trả lời, hầu hết trả lời đúng hạn trong vòng 1 tháng thì chỉ cần một bộ kéo dài đến 3 tháng là các khâu khác cùng phải chậm lại để… chờ. Việc cắt giảm như vậy chưa mang lại hiệu quả cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mà chỉ gỡ bung ra những vướng mắc nhỏ.
Ở khía cạnh khác, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chỉ rõ, một số đơn vị chỉ chạy theo mục đích cắt giảm cơ học các thủ tục, một số khác cũng làm vì thành tích, cắt giảm “lấy được” mà không quan tấm đến yêu cầu đảm bảo hoạt động quản lý nhà nước.
Để hoạt động này đi vào thực chất, Thủ tướng đã chỉ đạo với tinh thần, cương quyết cắt bỏ những thủ tục gắn với quyền lợi cục bộ của các bộ, ngành.
Báo cáo tại cuộc làm việc, đại diện Bộ Thông tin – Truyền thông khẳng định Bộ này không có văn bản nợ đọng. Về việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, Bộ này phụ trách 6 lĩnh vực nhưng tổng số điều kiện kinh doanh không nhiều, trong tổng số 385 điều kiện, đến nay 209 thủ tục đã được cắt giảm, chiếm tỷ lệ 59%, đảm bảo chỉ tiêu đề ta. Về số thủ tục hành chính, Bộ cũng bãi bỏ được 35 trên tổng số hơn 200 thủ tục. Việc này giúp tiết kiệm cho doanh nghiệp 20.000 giờ/năm, chi phí giảm 36 tỷ/năm.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Thông tin – Truyền thông cũng lo ngại việc quản lý sẽ “chuyển từ thái cực nọ sang thái cực kia” với “trào lưu” cắt giảm. “Việc quản lý trong điều kiện hiện nay, khi công nghệ thay đổi liên tục, kỹ thuật mới liên tục cập nhật, nếu cứ cắt giảm mãi cho đủ số lượng, sợ là đến lúc có vấn đề thì trở tay không kịp” – đại diện Bộ này trình bày.
Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, Bộ Y tế nêu những con số ấn tượng, đã giảm 1.392/2.005 điều kiện đầu tư kinh doanh, đạt 69,43%. Thủ tục hành chính cắt 167/245 thủ tục hành chính. Theo tính toán, việc này giúp tiết kiệm 8.000 ngày công, tương đương 3.332 tỷ đồng/năm, đó là chưa tính tới chi phí cơ hội…
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhận xét: “Số liệu cắt giảm của Bộ Y tế rất cao nhưng cần xem xét lại về thực chất việc cắt giảm vì nhiều doanh nghiệp liên quan lĩnh vực trang thiết bị y tế, dược còn kêu nhiều lắm, chỉ có lĩnh vực liên quan đến an toàn thực phẩm phản hồi tốt. Doanh nghiệp vẫn chưa hài lòng đâu”.
Theo Dân trí
Đăng nhập để bình luận.