Bộ trưởng Trần Hồng Hà: FDI có chiều hướng dịch chuyển vào các ngành không thân thiện với môi trường

Ngày 30-07-2019
VPPA-Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về môi trường các đại biểu đã phải giật mình về những con số được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nêu ra. Chính vị Bộ trưởng này cũng đã nêu hàng loạt câu hỏi xung quanh câu chuyện FDI và môi trường. […]

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về môi trường các đại biểu đã phải giật mình về những con số được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nêu ra. Chính vị Bộ trưởng này cũng đã nêu hàng loạt câu hỏi xung quanh câu chuyện FDI và môi trường.

Trình bày tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết môi trường nước ta đang chịu áp lực lớn từ phát triển kinh tế-xã hội trong nước, theo dòng thương mại quốc tế và tác động xuyên biên giới.

Cụ thể, trên cả nước, có 283 khu công nghiệp với hơn 550.000 m3 nước thải/ngày đêm; 615 cụm công nghiệp trong đó chỉ khoảng hơn 5% có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Hơn 5.000 doanh nghiệp khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng, hơn 4.500 làng nghề, lưu hành gần 43 triệu xe mô tô và trên 2 triệu ô tô.

Hằng năm, trên cả nước sử dụng hơn 100.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật, trong đó có hơn 80% lượng thuốc bảo vệ thực vật đang được sử dụng không đúng quy định; hiệu suất sử dụng chỉ đạt 25-60%.

Bên cạnh đó, công tác thu gom, lưu giữ và xử lý bao bì chưa được quan tâm, nhiều nơi thải bỏ ngay tại đồng ruộng gây phát sinh mùi, khí thải.

Ngoài ra, phát sinh hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, hơn 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp, hơn 630.000 tấn chất thải nguy hại. Hiện có 458 bãi chôn lấp rác thải, trong đó có 337 bãi chôn lấp không hợp vệ sinh.

Tình trạng chuyển đổi đất rừng, khai thác khoáng sản, xây dựng thủy điện, khai thác tài nguyên đa dạng sinh học đã dẫn đến thu hẹp diện tích các hệ sinh thái tự nhiên, chia cắt các sinh cảnh, suy giảm đa dạng sinh học.

Khu vực FDI hiện đóng vai trò chủ yếu trong xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, FDI có chiều hướng dịch chuyển dòng vốn vào các ngành tiêu tốn năng lượng và tài nguyên, nhân lực, không thân thiện với môi trường…

“Tại sao có sự dịch chuyển này? Có phải do các quy chuẩn về bảo vệ môi trường của nước ta chưa theo kịp với các yêu cầu, diễn biến mới của quá trình hội nhập? Việc đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhưng chưa chú trọng đúng mức tới công tác kiểm tra, giám sát? Phải chăng lợi ích mà FDI mang lại cho chúng ta không đủ bù đắp những phí tổn về khí hậu và môi trường đang diễn ra?”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu lên hàng loạt câu hỏi.

Bộ trưởng này cho biết biến đổi khí hậu diễn biến nhanh, phức tạp hơn so với dự báo, tác động nhiều mặt lên môi trường nước ta. Các vấn đề môi trường theo dòng chảy sông Mekong, sông Hồng, các sông xuyên biên giới ngày càng phức tạp.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, những năm qua, hệ thống chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường được bổ sung, hoàn thiện từng bước. Việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật, các công cụ, biện pháp quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường được đẩy mạnh.

Tính từ năm 2006 đến nay, đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính đối với 2.229 tổ chức, đồng thời buộc các đối tượng vi phạm thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại.

Theo NDH

Bình luận của bạn

Tin liên quan

  • giai-dap-ve-giay-phep-moi-truong-cho-doanh-nghiep

Tin đã đăng