Cần Thơ: Doanh nghiệp giải thể, bỏ địa điểm kinh doanh, tạm ngưng gấp hơn 3 lần thành lập mới

Ngày 27-03-2024
VPPA-Trong quý I/2024, Cần Thơ cấp mới đăng ký kinh doanh cho 351 doanh nghiệp. Nhưng chỉ trong 2 tháng đầu năm nay, trên địa bàn thành phố có tới 1.066 doanh nghiệp giải thể, bỏ địa điểm kinh doanh, ngừng hoạt động có thời hạn.

Theo Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 3 và quý I năm 2024 của Cục Thống kê TP. Cần Thơ, trong quý I/2024, thành phố cấp mới đăng ký kinh doanh cho 351 doanh nghiệp, đạt 19,5% kế hoạch, với tổng vốn đăng ký 2.749,8 tỷ đồng, đạt 21,15% kế hoạch. So cùng kỳ năm 2023, số doanh nghiệp đăng ký giảm 10,23% và số vốn đăng ký mới tăng 38,9%.

Tuy nhiên, tính từ ngày 1/1/2024 đến 29/2/2024, tình hình biến động giải thể, bỏ địa điểm kinh doanh, tạm ngưng với tổng số 1.066 doanh nghiệp, gấp hơn 3 lần so với doanh nghiệp thành lập mới trong cả quý I/2024. Trong đó, số doanh nghiệp giải thể, bỏ địa chỉ kinh doanh… với tổng số 188 doanh nghiệp (9 doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục giải thể; 80 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể; 99 doanh nghiệp bỏ địa điểm kinh doanh) và 878 doanh nghiệp ngừng hoạt động có thời hạn.

Bên cạnh đó, tình hình thu hút đầu tư cũng không mấy khả quan. Lũy kế quý I/2024, trên địa bàn TP. Cần Thơ chỉ có 1 dự án đầu tư trong nước được UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư, với vốn đầu tư đăng ký 150 tỷ đồng.

Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong quý I năm 2024, thành phố chưa cấp dự án đầu tư mới. Chỉ có 1 dự án FDI trong khu công nghiệp được điều chỉnh tăng vốn thêm 18,93 triệu USD.

Lũy kế trên địa bàn thành phố hiện có 81 dự án FDI, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 2.274,97 triệu USD (Trong đó, tại các khu công nghiệp có 29 dự án, với tổng vốn đăng ký 611,98 triệu USD; ngoài khu công nghiệp có 52 dự án, tổng vốn đăng ký 1.662,99 triệu USD).

Về xu hướng hoạt động sản xuất kinh doanh, theo Cục Thống kê TP. Cần Thơ, qua kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I/2024 so với quý IV/2023 cho thấy, đa số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn. Dự kiến quý II/2024 so với quý I/2024, có 40% doanh nghiệp đánh giá xu hướng tốt hơn và chỉ 20% doanh nghiệp đánh giá tình hình vẫn còn khó khăn.

Về khối lượng sản xuất, có 24% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất của doanh nghiệp quý I/2024 tăng so với quý trước; 38% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất giảm. Xu hướng quý II/2024 so với quý I/2024, có 40% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng; 17% số doanh nghiệp dự báo giảm.

Về đơn đặt hàng mới, có 22,11% số doanh nghiệp đánh giá doanh nghiệp nhận được đơn đặt hàng mới quý I/2024 tăng so với quý trước; 32,63% số doanh nghiệp đánh giá đơn đặt hàng mới giảm. Xu hướng quý II/2024 so với quý I/2043, có 38,54% số doanh nghiệp dự báo đơn đặt hàng mới sẽ tăng; 13,54% số doanh nghiệp dự báo giảm.

Về đơn đặt hàng xuất khẩu, quý I/2024 so với quý trước, có 20,83% số doanh nghiệp khẳng định số đơn hàng xuất khẩu cao hơn; 22,92% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu giảm. Xu hướng quý II/2024 so với quý I/2024, có 43,75% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu; 12,50% số doanh nghiệp dự kiến giảm.

Nguồn: Báo Đầu tư

Bình luận của bạn

Tin liên quan

Tin đã đăng