Cấp C/O dễ dàng có thể làm khó doanh nghiệp làm ăn chân chính

Ngày 16-09-2019
VPPA-         Hiện nay, các doanh nghiệp trực thuộc Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam đang xuất khẩu các mặt hàng chính như giấy vàng mã; giấy in, viết; giấy tissue và giấy bao bì công nghiệp,… Theo phản ánh của các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất thì chính việc […]

         Hiện nay, các doanh nghiệp trực thuộc Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam đang xuất khẩu các mặt hàng chính như giấy vàng mã; giấy in, viết; giấy tissue và giấy bao bì công nghiệp,… Theo phản ánh của các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất thì chính việc dễ dàng cấp giấy chứng nhận C/O nên cũng đã có nhiều những lỗ hổng gây nên ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

         Chiều 13/9, Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với các hiệp hội ngành hàng nhằm lắng nghe các kiến nghị về đẩy mạnh phòng chống gian lận thương mại, xuất xứ, đồng thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam đã có báo cáo chi tiết về vấn đề này sau khi lấy ý kiến từ các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước.

          Theo đó, các doanh nghiệp phản ánh, doanh nghiệp không trực tiếp xin cấp C/O với bộ phận cấp C/O của VCCI mà thông qua một doanh nghiệp chịu trách nhiệm được VCCI chỉ định nên việc cấp C/O càng thuận tiện và nhanh chóng hơn. Ngoài ra, việc thực hiện hậu kiểm của VCCI đối với việc cấp C/O cũng tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp. Quá trình cấp C/O của VCCI dưới góc nhìn doanh nghiệp xuất khẩu có những điểm thuận lợi và khó khăn.

Doanh nghiệp xuất khẩu dễ nhưng khó cho sản xuất 

           Cụ thể, về thuận lợi, hiện nay, việc khai nộp hồ sơ xin cấp C/O qua internet đã được thực hiện. Đây được đánh giá là hoạt động mang lại hiệu quả cao cho các doanh nghiệp (DN) khi giúp tiết kiệm tối đa thời gian và chi phí làm thủ tục. Đặc biệt, giúp hạn chế tối đa những sai sót hoặc gian lận trong việc chứng minh C/O; Minh bạch hóa nguồn gốc xuất xứ một cách nhanh chóng, từ đó tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm của DN.

           Tuy nhiên, đối với việc cấp C/O qua internet còn tồn tại một số khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất là hệ thống điện tử bị treo, quá tải hoặc đường truyền dẫn qua internet không ổn định, khiến quá trình khai báo bị trục trặc. Đây là lỗi phổ biến mà nhiều DN gặp phải khi khai báo C/O qua internet.

        Đối với những khó khăn, theo báo cáo của các doanh nghiệp xuất khẩu hoặc thương mại thuần túy thì hiện nay họ không gặp phải bất kỳ vướng mắc nào trong việc xin cấp C/O khi xuất khẩu hàng hóa.

         Nhưng theo phản ánh của các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất thì chính việc dễ dàng cấp giấy chứng nhận C/O nên cũng đã có nhiều những lỗ hổng gây nên ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp làm ăn chân chính như: Không khai nguồn gốc nguyên vật liệu nhập khẩu đầu vào, ký khống các hợp đồng mua nguyên vật liệu trong nước, sử dụng hóa đơn GTGT cho nhiều tờ khai xuất khẩu, quay vòng hồ sơ xin cấp C/O. Gian lận, giả mạo xuất xứ đối với hàng hóa NK vào Việt Nam để được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo các FTA, sử dụng C/O giả, C/O không hợp lệ; hoặc khai sai các thông tin trên C/O để được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt khi làm thủ tục hải quan như: Khai không đúng hàm lượng giá trị khu vực (RVC), khai sai tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa (CTC)…, khai sai người đứng tên tại ô số 1 (đối với C/O mẫu E), khai không đúng hóa đơn tại ô số 10…

         Công tác quản lý nhà nước về gian lận thương mại trong lĩnh vực xuất xứ hàng hóa chưa được thực thi nghiêm túc, dẫn đến việc nhiều hàng hóa có xuất xứ không rõ ràng hoặc gian lận xuất xứ còn tồn tại trên thị trường, gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.

         Hàng hóa được làm giả từ trong nước dưới các hình thức trước khi cấp C/O như: Cung cấp bằng chứng sai (chứng từ giả) hoặc sửa chữa chứng từ, hóa đơn, bảng kê… Khi cấp C/O kiểm tra phát hiện hàng hóa không đáp ứng tiêu chuẩn, doanh nghiệp thay thế hoặc bổ sung chứng từ đã sửa chữa hoặc quay vòng sử dụng nhiều lần. Cũng có nhiều trường hợp, doanh nghiệp Việt Nam bị mạo danh trên C/O giả do một doanh nghiệp nước ngoài làm giả…

Kiến nghị tăng cường nghiên cứu để chống gian lận

          Trước thực tế đó, Hiệp hội Giấy và Bột giấy kiến nghị, cần nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành quy định cụ thể về tiêu chí xác định hàng hóa có xuất xứ trong nước, trong đó chú trọng việc xác định tỷ lệ giá trị gia tăng nội địa của hàng hóa để làm căn cứ xác định xuất xứ Việt Nam, cũng như căn cứ để bình chọn các giải thưởng về chất lượng hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.

           Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, phòng chống gian lận thương mại trong lĩnh vực xuất xứ hàng hóa.

          Điều chỉnh lại sự phân cấp cấp C/O: Cả các điểm cấp C/O của Bộ Công Thương và của VCCI hiện có đều có thẩm quyền cấp tất cả các loại form C/O doanh nghiệp cần. Việc thực hiện đề xuất này sẽ giúp rút ngắn thời gian làm thủ tục và giảm chi phí cho doanh nghiệp. Khi đó, các doanh nghiệp chỉ cần đến điểm cấp C/O gần nhất, thuận tiện nhất để được cấp bất kỳ loại form C/O nào.

          Ngoài ra, khi tham gia đàm phán và ký kết các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU, chúng ta đã thống nhất trong chương Quy tắc xuất xứ là sẽ cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu tự chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa do doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu. Vậy, không lý do gì chỉ có Bộ Công Thương mới có thẩm quyền cấp các form C/O ưu đãi cho hàng hóa xuất đi các nước thành viên FTA mà Việt Nam đã tham gia ký kết, mà không thể ủy quyền cho VCCI cùng ký các form C/O này nhằm tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.

VPPA

Bình luận của bạn

Tin liên quan

Tin đã đăng