Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam: 3 bài học lớn cho ngành dệt may

Ngày 17-01-2024
VPPA-Sau những khó khăn của năm 2023, ngành dệt may kỳ vọng sẽ bứt phá trong năm 2024 với đòi hỏi sự vào cuộc của cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp.

Năm 2024 ngành dệt may Việt Nam được dự báo sẽ hồi phục (Ảnh minh họa)

Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) – về vấn đề này.

Thưa ông, với những gì đã trải qua trong năm 2023, đâu là bài học cho ngành dệt may?

Nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành dệt may nói riêng có 3 bài học lớn. Thứ nhất, chúng ta đã đa dạng hóa được thị trường, đa dạng hóa khách hàng trên toàn cầu. Thứ hai, chúng ta đã khẳng định vị thế của ngành dệt may Việt Nam trên thị trường thế giới, minh chứng là đã xuất khẩu vào 104 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Thứ ba, các doanh nghiệp dệt may đã thích ứng đòi hỏi khắt khe về những chuẩn mực, rào cản kỹ thuật của những nước nhập khẩu lớn nói riêng và thị trường toàn cầu nói chung.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam: 3 bài học lớn cho ngành dệt may
Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS)

Trong tổng số kim ngạch xuất khẩu dệt may 40,450 tỷ USD năm 2023, thị trường Mỹ chiếm đến 47%, tiếp theo là Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc. Đây là 5 thị trường trọng điểm để chúng ta vượt qua những thách thức để đạt kết quả mong muốn.

Vậy theo ông, năm 2024 sẽ đặt ra những thách thức gì cho ngành dệt may Việt Nam?

Năm 2024, chúng tôi cho rằng, rất nhiều thách thức đan xen. Trước hết, quan hệ chính trị giữa các nước lớn đang tiếp tục bất ổn và có những vấn đề không lường trước được. Tiếp theo về tiêu chuẩn hóa của các nước nhập khẩu đặt ra đối với nền công nghiệp dệt may nói riêng và các sản phẩm của thị trường Việt Nam nói chung; các tiêu chuẩn về những dòng sản phẩm phát triển thời trang bền vững của nhà nhập khẩu và người tiêu dùng. Cùng với đó là vấn đề cạnh tranh thị trường thương mại toàn cầu của một số nền công nghiệp dệt may; Việt Nam là một trong những nền kinh tế có tính hội nhập sâu rộng toàn diện của các nền thương mại; cần nhận diện và có giải pháp đối với những yếu tố tác động này, không chỉ cho ngành dệt may mà còn cho tất cả các ngành công nghiệp.

Bên cạnh đó, chúng ta đang thiếu nguồn nhân lực về quản trị công nghệ, thị trường, nguyên phụ liệu, phát triển mẫu, giải pháp… cũng như vấn đề về liên kết chuỗi, phát triển cộng đồng doanh nghiệp mạnh. Chúng ta không thể đứng ở một “sân chơi” chỉ cần một vài doanh nghiệp mạnh, cần có một tập thể dệt may mạnh, thúc đẩy khả năng phát triển đội ngũ các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của ngành công nghiệp sợi, dệt và may.

Hiện, nền công nghiệp dệt may Việt Nam đang thiếu nguyên phụ liệu. Tuy nhiên, do nhận thức chưa đúng, nhiều địa phương đã đưa ra những rào cản đầu tư vào ngành dệt, nhuộm. Nếu ngành dệt may không có nguyên liệu trong nước, không chủ động nguồn nguyên liệu và phải nhập khẩu, sẽ lãng phí các hiệp định thương mại với thuế suất bằng không.

Ngoài ra, còn có các thách thức về giải pháp quản lý môi trường, quản lý phòng cháy, chữa cháy, tiêu chuẩn đo lường… Chúng ta cần nhận thức đây là “sân chơi” toàn cầu, do vậy phải thích ứng được với tiêu chuẩn toàn cầu để thực hiện phù hợp và không gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Ngành dệt may cần làm gì để đạt được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD năm 2024, thưa ông?

Dự báo, kinh tế thế giới còn nhiều biến động. Cùng với đó, ngày càng nhiều thị trường nhập khẩu dệt may lớn đưa ra những quy định mới mang tính bắt buộc liên quan tới thẩm định quyền con người và môi trường trong chuỗi cung ứng, quy định thiết kế sinh thái, sản phẩm tái chế, xử lý chất thải dệt may…

Tuy nhiên, ngành dệt may Việt Nam vẫn có những ưu thế so với các quốc gia cạnh tranh. Việt Nam là quốc gia duy nhất ký kết FTA với tất cả các đối tác kinh tế lớn trên toàn cầu như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Anh, Nga. Đặc biệt, Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 được Chính phủ phê duyệt mới đây sẽ là nền móng thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sợi – dệt – nhuộm, tạo cơ hội cho ngành dệt may tận dụng ưu đãi từ các hiệp định.

Ngành dệt may đã đặt mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD trong năm 2024, tăng khoảng 4 tỷ USD so với năm 2023. Để đạt mục tiêu này, chúng ta phải giải quyết một số vấn đề lớn, đó là tiếp tục đa dạng hóa thị trường, khách hàng và mặt hàng. Ngành dệt may đặt ra mục tiêu phát triển bền vững đi đôi với phát triển thích ứng với đòi hỏi của thị trường toàn cầu về vấn đề phát triển xanh hóa, giảm phát thải khí nhà kính… Cùng với đó, đầu tư về công nghệ, tự động hóa và dây chuyền thích ứng giao hàng nhanh, mã hàng nhỏ, chất lượng cao. Tập trung cho giải pháp công nghiệp thời trang, cụ thể là quy hoạch các khu công nghiệp đạt chuẩn mực về môi trường để thu hút đầu tư tại một số khu vực, địa phương.

Tôi cho rằng, Chính phủ và Bộ Công Thương cần sớm làm việc với các địa phương để hoạch định phát triển các khu công nghiệp đáp ứng quy định của Luật Bảo vệ môi trường và cho phép kêu gọi đầu tư vào ngành công nghiệp dệt và nhuộm. Đồng thời, phải xây dựng tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm công nghiệp thời trang, thúc đẩy thương hiệu Việt tại thị trường trong và ngoài nước. Định hình một số nhãn hàng ra với thế giới. Ngành dệt may phải thích ứng nhanh, kịp thời với các đòi hỏi trong FTA; xây dựng nền tảng liên kết chuỗi chặt chẽ để tạo ra chuỗi trong chiến lược phát triển.

Bên cạnh đó, cơ chế về thuế hiện đang là rào cản đối với tất cả các ngành công nghiệp đặc biệt là ngành dệt may. Cần xem xét lại chính sách thuế xuất nhập khẩu tại chỗ cũng như thuế giá trị gia tăng đầu vào… để ngành công nghiệp dệt may hoạt động ổn định và có giải pháp để đầu tư. Cần có chính sách tài chính khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư các giải pháp chuyển đổi năng lượng để sản xuất ra sản phẩm đáp ứng được quy định, tiêu chuẩn về khí thải… của thị trường nhập khẩu.

Cuối cùng, công tác phát triển nhãn hiệu, thương hiệu của Việt Nam vào thị trường thế giới. Doanh nghiệp cần cơ chế, chính sách, hoạch định chiến lược có bao nhiêu thương hiệu, nhãn hiệu, từ đó có giải pháp lựa chọn, đầu tư đưa nhãn hiệu, thương hiệu đó vào thị trường thế giới, đưa lên sàn thương mại điện tử và kênh bán hàng trên toàn cầu. Điều này cần sự hoạch định từ Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước để đăng ký thương hiệu độc quyền trên thị trường thế giới. Đây là nhiệm vụ cấp bách không thể chậm trễ.

Xin cảm ơn ông!

 

Thu Hường
Báo Công Thương
Bình luận của bạn

Tin liên quan

Tin đã đăng