Chủ tịch VCCI đề nghị để hiệp hội doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ công
Hội thảo “Vai trò của tư nhân trong cung cấp dịch vụ công”.
Phá bỏ sự độc quyền, bao cấp của Nhà nước trong cung cấp dịch vụ công, huy động sự tham gia của khu vực tư nhân sẽ mang đến nhiều lợi ích. Nhiều dịch vụ công nên để cho các hội, hiệp hội làm, cán bộ làm khó tốt được.
Ngày 15/5, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội thảo “Vai trò của tư nhân trong cung cấp dịch vụ công”.
Tình trạng không minh bạch, cơ chế xin – cho
Phát biểu khai mạc, ông Vũ Tiến lộc, Chủ tịch VCCI, Chủ tịch Uỷ ban Đối tác công tư trong Hội đồng quốc gia về năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.
“Y tế, giáo dục có thể để tư nhân, xã hội làm được, mà sao các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, các hoạt động phát triển kinh doanh, kết nối đào tạo… không để tư nhân tham gia”, ông Lộc khởi đầu cuộc thảo luận.
Ông Lộc cho rằng, phá bỏ sự độc quyền, bao cấp của Nhà nước trong cung cấp dịch vụ công, huy động sự tham gia của khu vực tư nhân vào cung cấp các dịch vụ công sẽ mang đến nhiều lợi ích. Đặc biệt, lợi ích quan trọng nhất là “thoái sức” nhà nước ra khỏi lĩnh vực dịch vụ công không cần thiết, thu gọn bộ máy quản lý nhà nước theo đúng chức năng cốt lõi. Bộ máy nhà nước tập trung vào công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế.
“Thể chế là yếu tố quyết định cạnh tranh quốc gia. Đây là việc cơ quan nhà nước cần tập trung ưu tiên hàng đầu hiện nay”, ông Lộc nhấn mạnh.
Thực tế, việc mở cửa cho tư nhân tham gia cung cấp hàng hoá, dịch vụ cho xã hội mang lại rất nhiều các lợi ích thiết thực.
Trong ngành bán lẻ, những cửa hàng mậu dịch quốc doanh thời bao cấp đã được thay thế bởi các siêu thị, chợ, cửa hàng, trung tâm thương mại khắp mọi miền đất nước.
Trong ngành vận tải ôtô, các doanh nghiệp vận tải quốc doanh thu hẹp, để chỗ cho hàng trăm, hàng ngàn doanh nghiệp taxi, xe khách, xe hợp đồng, xe du lịch, xe container, xe tải phục vụ hầu hết mọi nhu cầu của xã hội.
Trong một số lĩnh vực vốn được xem là “sân chơi” riêng của các doanh nghiệp nhà nước hoặc các đơn vị sự nghiệp trước nay như sân bay, cảng biển, hạ tầng giao thông, hàng không, điện lực, y tế, giáo dục, thể thao, điện ảnh, công chứng, chứng nhận sự phù hợp… cũng đã có sự tham gia của tư nhân.
Ông Vũ Tiến lộc, Chủ tịch VCCI
Đồng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI cho rằng, trong các lĩnh vực, nếu có sự tham gia của tư nhân thì đều đạt được những kết quả tích cực, tạo ra sự cạnh tranh theo hướng có lợi. Trong bối cảnh đầu tư công, chi tiêu công đang rất hạn chế thì nguồn lực tư nhân là rất quan trọng. Lợi ích của tư nhân không chỉ là vốn mà trình độ quản trị, cách thức quản trị cũng rất tốt. Đây có thể coi là lực đẩy, là “tài sản” quan trọng của nền kinh tế thị trường.
Tuy vậy, còn rất nhiều dịch vụ công đang do các cơ quan nhà nước thực hiện trong quy trình gần như khép kín, gắn với chức năng quản lý nhà nước, như các hình thức cấp phép, thẩm định năng lực… Tuy nhiên, cách làm này nhiều khi đẩy cơ quan nhà nước vào thế vừa làm luật, vừa giám sát và vừa là người chơi. Hệ quả là nguy cơ gây ra tình trạng không minh bạch, cơ chế xin – cho.
Nhưng mặt khác, việc tạo quyền cung cấp dịch vụ công cho giới hạn các doanh nghiệp tư nhân tham gia lại tạo nên cơ hội của độc quyền tư nhân. Những kêu ca về chi phí, thủ tục phức tạp… của doanh nghiệp xuất nhập khẩu với các dịch vụ kiểm tra chuyên ngành là ví dụ điển hình.
Nhiều dịch vụ công nên để cho các hội, hiệp hội làm
Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Đệ, nhân vật thường được người hâm mộ bóng đá Việt Nam gọi với cái tên bầu Đệ, đã chia sẻ một số câu chuyện về những khó khăn ông gặp phải trong quá trình kinh doanh.
“Năm 2005, tôi xin chủ chương làm y tế, xây bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn do nhận thức của các cán bộ, công chức. Nhiều quan chức bảo: Ông này vớ vẩn, có bằng cấp đâu mà làm. Thế rồi chúng tôi cũng cứ cố gắng, làm mọi thủ tục, xin chủ trương, xin cấp đất. Đến khi bệnh viện Hợp lực ra đời thì bị ngành y tế bao vây, chặn chuyển tuyến, bác sĩ về bệnh viện bị nói xấu. Nhưng tôi vẫn cố gắng, vừa kiến nghị với tỉnh, lại kiến nghị lên Trung ương nên đã có nhiều thay đổi trong việc xã hội hoá ngành y tế. Hiện nay ai lập bệnh viện tư nhân cũng dễ hơn”, ông Nguyễn Văn Đệ nhớ lại.
Đối với vấn đề dịch vụ y tế, ông Đệ lại kể một câu chuyện khác: “Chị Tiến (Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế) vừa rồi vào thăm bệnh viện Hợp Lực ở Nghi Sơn, Thanh Hóa, chị ấy hỏi tôi: Anh báo cáo xây bệnh viện hết 700 tỷ. Thực tế anh làm hết bao nhiêu? Chị ấy hỏi thật thì tôi cũng phải báo cáo là chưa tới 700 tỷ. Nhưng nếu nhà nước làm chắc chắn phải 700 tỷ”.
Từ đây, ông Nguyễn Văn Đệ đặt ra vấn đề với Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, Bộ Xây dựng phải việc xem xét lại định mức đầu tư.
“Một cái máy tôi mua 20 tỷ đồng. Vậy mà giá đề nghị của Nhà nước cao hơn nhiều, lên tới gần 40 tỷ đồng. Vậy chúng ta nộp thuế lên để làm gì? Nộp thuế vào ngân sách để rồi cán bộ, công chức cứ đưa số tiền thuế đó vào các dự án đầu tư công nhằm hưởng lợi.
Trong kinh doanh hiện nay có hai thái cực, một bên kiếm lời cấp tốc, một bên hưởng lời lai rai. Ai hưởng cái lai rai? Chắc chắn là tư nhân, còn Nhà nước là lời cấp tốc. Bởi vì tư duy nhiệm kỳ, tôi chỉ có 5 năm thôi, làm nhanh để quyết toán. Tư nhân thì 3-5 năm đầu là bù lỗ, từ năm thứ 6 trở đi mới bắt đầu chắt chiu để có lãi, nhưng rồi lại phải nuôi cán bộ”, ông Đệ bày tỏ ý kiến.
Theo ông Đệ, nhiều dịch vụ công nên để cho các hội, hiệp hội làm. Cán bộ làm khó tốt được. Dẫn lại ý kiến từng được chia sẻ tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp trước đây, ông nói: “Có những vấn đề hư hỏng gì thì là từ khâu tổ chức cán bộ. Người tài vào nhà nước giờ ít, còn lại thì là người lọ mọ kiếm lợi từ chính sách thì nhiều”.
Cụ thể, ông Nguyễn Văn Đệ cho rằng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần yêu cầu bỏ bớt điều kiện kinh doanh, nhưng nhiều Bộ, ngành lại gom 3 hoặc 4 điều kiện kinh doanh làm một.
“Anh nào mềm rồi cũng xong, nhưng anh nào cứng thì lại gặp phải kiểu đi hỏi Bộ. Doanh nghiệp có hỏi thì Bộ bảo: Cứ đúng pháp luật mà làm. Giờ người ta đá bóng hay lắm, còn DN chả biết hỏi ai. Thủ tướng thì bận, suốt ngày nhắn tin thì Thủ tướng cũng khổ.
Có những cái giờ muốn đầu tư thì vướng quy định rất vớ vẩn. Ví dụ mấy chục hecta là phải ra bộ xin ý kiến. Doanh nghiệp muốn đầu tư lớn, làm to cũng khó. Vậy nên DN cứ làm nho nhỏ để tỉnh thẩm định cho nhanh. Nhưng cũng cần đổi mới thì mọi việc sẽ rất nhanh chóng, tiện lợi”, ông Đệ nói.
VPPA tổng hợp
Đăng nhập để bình luận.