Khởi nghiệp bằng đam mê
Công ty TNHH giấy và bao bì Đồng Tiến được thành lập từ năm 1994 tại TP.Hồ Chí Minh bởi một nhóm sinh viên chuyên ngành giấy (Đại học Bách Khoa Hà Nội) vốn rất tâm huyết, yêu nghề và nhiều hoài bão mà dẫn đầu là ông Hoàng Trung Sơn, nay là Tổng giám đốc Công ty.
Nếu như năm 1994, Đồng Tiến chỉ là một cơ sở sản xuất nhỏ với máy móc thô sơ tự thiết kế, lắp đặt thì 10 năm sau, tức 2004, Công ty đã xây dựng được nhà máy tái chế giấy tại Bình Dương với dây chuyền sản xuất nhập từ Trung Quốc. Không lâu sau đó, năm 2007, Đồng Tiến tiếp tục đầu tư thêm dây chuyền sản xuất thứ 2 và tiếp tục lắp thêm dây chuyền sản xuất thứ 3 vào năm 2012 mua từ Hàn Quốc.
Tổng giám đốc Hoàng Trung Sơn cho biết, đến cuối năm 2017 sản lượng của Công ty Đồng Tiến tại Bình Dương đạt hơn 42.000 tấn/năm. “Hiện chúng tôi đang tiếp tục cải tạo nâng cấp nhà máy, dây chuyền sản xuất để nâng sản lượng lên 46.000 tấn/năm trong năm 2018 và tiếp tục cải tiến nâng sản lượng lên 50.000 tấn/năm trong năm 2019”, ông Sơn nói.
Bên cạnh đó, từ đầu năm 2017, Công ty đã mua lại một nhà máy tại Long An, đang hoàn thiện, nâng cấp và sẽ đầu tư thêm dây chuyền sản xuất mới tại đây trong năm 2019.
Khẳng định mình bằng lối đi riêng
Tiên phong trong việc tái chế giấy, Đồng Tiến đã xây dựng cho mình lối đi riêng và hết sức táo bạo. Minh chứng cho điều đó là quyết định hợp tác với Công ty Tetra Pak, một doanh nghiệp chuyên về bao bì giấy đựng chất lỏng lớn nhất thế giới, đầu tư dây chuyền tái chế vỏ hộp sữa đồng bộ đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2011.
Theo đó, Đồng Tiến và Tetra Pak phối hợp với nhau cùng triển khai chương trình thu gom và tái chế 100% vỏ hộp sữa giấy. Bằng dây chuyền tái chế hoàn chỉnh, bột giấy thu hồi từ tái chế vỏ hộp sữa có chất lượng cao đã được dùng để sản xuất giấy bề mặt cao cấp cho thùng cactông, còn phần nhôm/nhựa được làm thành các tấm lợp, với công suất 400-500 tấm/ngày.
Nói về các sản phẩm của Đồng Tiến, ông Hoàng Trung Sơn cho biết, sản phẩm giấy bao bì của Đồng Tiến hiện nay rất nhiều chủng loại, trong đó có nhiều sản phẩm với sự khác biệt mà chỉ sản phẩm của Đồng Tiến mới có và được khách hàng tin dùng.
Đối với sản phẩm tấm lợp sinh thái, theo ông Hoàng Trung Sơn, dù đây là sản phẩm phụ, nhưng rất phù hợp làm mái trang trại chăn nuôi và những nơi môi trường có tính ăn mòn cao, nóng, ẩm,… do vừa có khả năng chống ăn mòn, vừa cách âm, cách nhiệt tốt và được bảo hành tới 10 năm.
Một yếu tố khác khiến ông Sơn quyết tâm đầu tư tái chế vỏ hộp sữa giấy cũng như dành nhiều thời gian nghiên cứu làm sản phẩm tấm lợp sinh thái là vì nó thực sự giúp bảo vệ môi trường. Được biết, mỗi tấm lợp mà nhà máy giấy Đồng Tiến làm ra có thể giúp tái chế được đến 8.000 hộp sữa giấy đã qua sử dụng, mà trước đó chỉ được đưa đi đốt hoặc chôn lấp, với lượng phát thải lên tới trên 40.000 tấn giấy vỏ hộp sữa các loại mỗi năm.
Tiềm năng thị trường
Ông Hoàng Trung Sơn nhận định, cơ hội phát triển của các doanh nghiệp ngành giấy tại thị trường Việt Nam còn khá lớn vì nhu cầu tiêu thụ giấy, đặc biệt giấy bao bì ở Việt Nam còn ở mức thấp so với thế giới.
Theo thống kê của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, tiêu dùng giấy của người Việt Nam hiện chỉ hơn 35 kg/người/năm. Trong khi đó mức bình quân của thế giới là gần 60 kg/người/năm, còn các nước phát triển như Nhật, Mỹ, Hàn Quốc…mức tiêu thụ là trên 200 kg/người/năm, gấp hơn 5 lần so với Việt Nam.
“Với định hướng phát triển mới của Việt Nam là tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thực phẩm chế biến, hàng điện tử, gia dụng… thì nhu cầu tiêu dùng bao bì sẽ tăng cao trong thời gian tới. Điều này sẽ tạo ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp ngành giấy và bao bì Việt Nam, chưa kể các cơ hội có thể xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc”, ông Hoàng Trung Sơn phân tích.
Hiện có rất nhiều doanh nghiệp FDI lớn với tiềm lực tài chính mạnh, kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng quản trị tốt, lao động lành nghề đầu tư vào Việt Nam. Theo đó, ông Hoàng Trung Sơn cho rằng, bài toán đặt ra đối với doanh nghiệp Việt Nam vẫn là phải giữ cho được thị phần, khách hàng mình đang có, trên cơ sở nỗ lực cải tiến nâng cao chất lượng, tiết giảm chi phí đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng. Đồng thời, phải có tư duy đổi mới, trau dồi, cập nhật kiến thức và có tầm nhìn dài hạn với các bước đi phù hợp để có thể theo kịp các doanh nghiệp FDI đang đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam.
Sẵn sàng hội nhập
Trở lại với câu chuyện của Đồng Tiến, ông Hoàng Trung Sơn cho biết, trong quá trình phát triển, Đồng Tiến luôn “biết người biết ta” để xác định và lựa chọn phân khúc phù hợp, ổn định sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng tốt nhu cầu khách hàng. Đồng Tiến rất hãnh diện đã tạo ra được một số dòng sản phẩm được khách hàng ưa chuộng, tin dùng, khi mà hầu như chỉ duy nhất một nhà cung cấp.
Đồng Tiến cũng đã xây dựng được cho mình đội ngũ lao động có chất lượng cao thông qua những nỗ lực đào tạo thường xuyên. “Chúng tôi thường xuyên tổ chức đào tạo nội bộ, theo cách người đi trước dẫn dắt người đi sau, người giỏi chỉ việc cho người chưa giỏi theo phương pháp “Huấn Luyện Trong Công Nghiệp” (TWI) có khởi đầu từ Mỹ và Nhật Bản, vốn đang thịnh hành trên thế giới. Chúng tôi cũng không tiếc tiền cử cán bộ nhân viên tham gia các khóa đào tạo bên ngoài cũng như mời chuyên gia về đào tạo kỹ năng tương tác, làm việc nhóm, thực hiện chương trình 5S + Kaizen, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001, quản trị tinh gọn, xây dựng văn hóa doanh nghiệp và môi trường làm việc chuyên nghiệp”, ông Sơn chia sẻ.
Đặc biệt, trên cơ sở nắm bắt diễn biến thị trường, ngay từ năm 2016, Đồng Tiến đã triển khai xây dựng và thực hiện kế hoạch mỗi 3 năm và tầm nhìn đến 2025. Theo đó, hàng năm sẽ tiến hành xem xét đánh giá lại và cập nhật mục tiêu, kế hoạch phát triển cho 3 năm tiếp theo. Dựa trên kế hoạch 3 năm, Công ty đã và sẽ từng bước hoàn thiện hệ thống quản lý, kế hoạch đào tạo nhân lực và nâng cấp máy móc phù hợp.
Ông Hoàng Trung Sơn cho biết, với tầm nhìn tới 2025, Đồng Tiến đang tích cực tích lũy tài chính và tạo nền tảng để có thể huy động tài chính từ thị trường chứng khoán bằng việc quan tâm xây dựng uy tín, thương hiệu cũng như xúc tiến kế hoạch cổ phần hóa và niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. “Một dự án ngành giấy có quy mô vừa phải đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật ngành giấy hiện nay sẽ cần có vốn đầu tư cả trăm triệu USD, thậm chí có thể lên tới cả tỷ USD với dự án quy mô lớn. Vì vậy, nếu doanh nghiệp không có chiến lược huy động nguồn vốn ngay từ bây giờ thì sẽ rất khó có đủ vốn đầu tư phát triển trong các năm tới. Đầu tư ngành giấy là đầu tư dài hạn, đi trước một bước để nắm bắt cơ hội tăng trưởng nên sẽ có khó khăn và rủi ro lớn, do đó doanh nghiệp cần phải có nền tảng kỹ thuật, công nghệ tốt và tiềm lực tài chính đủ mạnh”, ông Hoàng Trung Sơn lý giải.
Đăng nhập để bình luận.