Đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành giấy đáp ứng yêu cầu thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0

Ngày 09-11-2020
VPPA-Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước là vấn đề sớm được đặt ra trong chiến lư ợcphát triển kinh tế xã hội của Đảng và Nhà nước.Trong thời gian qua, có nhiều yếu tố quan trọng tác động đến thị trường lao động nói chung như sự thay đổi cơ cấu dân số, việc tái cấu trúc nền kinh tế, việc điều chỉnh chính sách công, tiến trình toàn cầu hóa và sự tiến bộ của khoa học công nghệ. Trước những thay đổi đối với ngành công nghiệp giấy Việt Nam, nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, kiến thức chuyên môn, tay nghề cao đang là đòi hỏi rất cấp bách khi nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm giấy và sản phẩm có nguồn gốc từ giấy đang không ngừng gia tăng cùng với đó là sự ra đời của nhiều doanh nghiệp giấy được đầu tư xây dựng với quy mô lớn và hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại.

Đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành giấy đáp ứng yêu cầu thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0

Thực trạng nhân lực ngành giấy
Trong những năm qua, ngành giấy đã có bước phát triển mạnh mẽ với mức tăng trưởng bình quân 16% trong giai đoạn 2007 – 2017. Hiện nay, ngành giấy có hơn 300 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 20 doanh nghiệp quy mô sản xuất từ 100.000 tấn/năm trở lên, còn lại là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngành giấy đã góp phần tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng vạn lao động và thúc đẩy sự phát triển một số ngành sản xuất quan trọng như: sản xuất bao bì giấy, xuất bản, in ấn, gia công vở, sổ, khăn giấy và giấy vệ sinh, hoạt động lâm nghiệp, hoạt động thu gom giấy tái chế…
Sự tăng trưởng vượt bậc của ngành công nghiệp giấy Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt là năm 2018 là nhờ vào sự đầu tư mạnh mẽ và áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất vào sản xuất của các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp lớn của Việt Nam qua đó cũng tạo áp lực cần phải đổi mới cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và vì đã, đang và sẽ đòi hỏi nhu cầu nâng cao số lượng và chất lượng nhân lực cho ngành giấy.
Thị trường giấy việt nam 2018
Nguồn: VPPA
Hiện nay, nhân lực được đào tạo bài bản chuyên ngành công nghệ sản xuất bột giấy và giấy chủ yếu từ các trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Cao đẳng Công Thương Phú Thọ.Tuy nhiên số lượng rất ít ỏi. Đến nay nhân lực ngành giấy không chỉ ít về số lượng mà còn có nhiều hạn chế về chất lượng và số nhân lực có chuyên môn, tay nghề cao chủ yếu tập trung ở một số nhà máy lớn. Trong khi lực lượng lao động trong ngành công nghiệp giấy tại các khu vực công nghiệp địa phương, kinh tế tư nhân nhỏ và vừa, kinh tế hộ gia đình phần lớn không được đào tạo một cách bài bản, chủ yếu làm việc theo kinh nghiệm, chỉ có khả năng vận hành các loại thiết bị, máy móc đơn giản, không hiểu đầy đủ bản chất của quá trình công nghệ. Tình trạng này đã và đang hạn chế khả năng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, hiện đại vào quá trình sản xuất, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới năng suất lao động thấp, thực trạng này đang là rào cản lớn với ngành công nghiệp giấy trên con đường hiện đại hoá và ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất.
Phải thẳng thắn nhìn nhận, hệ thống các cơ sở đào tạo nhân lực cho ngành giấy hiện nay còn mỏng và còn tồn tại nhiều bất cập. Đội ngũ giảng viên của một số cơ sở còn thiếuvà hạn chế về kinh nghiệm thực tế; Cơ sở vật chất chưa đáp ứng với yêu cầu đào tạo; Phương thức đào tạo chủ yếu vẫn theo kiểu truyền thống, lối mòn, thiếu sự gắn kết với thực tiễn, dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực sau đào tạo chưa đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao của ngành trong xu thế phát triển như vũ bão và tác động mạnh mẽ, sâu rộng tới mọi mặt đời sống xã hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Thêm vào đó, môi trường làm việc cho nguồn nhân lực chất lượng cao cũng còn nhiều hạn chế, đặc biệt là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng chiếm số lượng lớn (trừ các doanh nghiệp FDI và một số ít doanh nghiệp Việt Nam lớn), như không có tính chuyên nghiệp, hệ thống quản lý và máy móc thiết bị lạc hậu, hầu như không áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, thiếu đất cho sự sáng tạo, cũng như có rất ít cơ hội thăng tiến nghề nghiệp. Điều này cũng làm cho ngành giấy kém hấp dẫn không thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao, cũng như không khuyến khích được các bạn trẻ theo học chuyên ngành này.
Đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành giấy đáp ứng yêu cầu thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0
Doanh nghiệp tham gia “cuộc chơi” nhân lực chất lượng cao
Chúng ta đã và đang chứng kiến sự phát triển và ứng dụng nhanh chóng của các công nghệ hiện đại từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó việc hình thành các nhà máy thông minh được quản lý, quản trị thông qua hệ thống thực – ảo, dựa trên nền tảng của các công nghệ số, ứng dụng của intenet vạn vật. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, mỗi quốc gia có nhiều cơ hội để phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế; đồng thời cũng gặp không ít khó khăn, thách thức, nhất là thách thức về chất lượng nguồn nhân lực theo xu hướng đòi hỏi ngày càng cao.
Ngành công nghiệp giấy cũng không là ngoại lệ và phải chấp nhận “luật chơi” chung trong trào lưu trên. Để nâng cao khả năng cạnh tranh của từng doanh nghiệp và cả ngành giấy nói chung, ngoài các vấn đề về thiết bị, công nghệ thì một yếu tố mang tính chất quyết định, đó là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là kiến thức,kỹ năng của người lao động để đáp với nhu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp với mục tiêu không ngừng tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất.
Trong giai đoạn hiện nay, người lao động trong ngành giấy ngoài kỹ năng nghề nghiệp, cần được trang bị thêm những kiến thức, kỹ năng bổ trợ như ứng dụng công nghệ thông tin, giao tiếp hiệu quả, lắng nghe tích cực, khả năng nhận thức có tính sáng tạo và giải quyết vấn đề. Cùng với việc tăng cường tự động hóa trong các lĩnh vực sản xuất của ngành giấy, người lao động phải có những thay đổi để thích nghi, để đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành. Các nghiên cứu chỉ ra rằng cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ đe dọa tới việc làm của những lao động trình độ, tay nghề thấp mà ngay cả lao động có kỹ năng, trình độ, tay nghề bậc trung bình cũng sẽ bị đào thải nếu không trang bị, cập nhật các kiến thức, kỹ năng mới để trở thành lao động sáng tạo.
Theo đó, người lao động phải nâng cao trình độ, kiến thức chuyên môn, tay nghềđể đáp ứng các yêu cầu của công nghệ mới;người lao động sẽ đóng vai trò là những người giải quyết vấn đề một cách sáng tạo, cần nhiều hơn đến tư duy, thay thế dần lao động sức người bằng máy móc và công nghệ. Chính vì vậy đòi hỏi người lao động phải có chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng và thường xuyên cập nhật kiến thức, công nghệ mới.
Cuộc cạnh tranh trong thời đại 4.0 sẽ là cuộc cạnh tranh về nhân lực. Ngành nào có nguồn nhân lực tốt, đáp ứng nhanh với tốc độ thay đổi của công nghệ, sử dụng công nghệ để giải quyết tốt các bài toán của ngành mình thì ngành đó sẽ chiến thắng trong cạnh tranh. Nhân lực sẽ là một lợi thế của ngành giấy, nếu chúng ta giải quyết tốt bài toán cung – cầu nhân lực giữa các đơn vị đào tạo với các doanh nghiệp. Doanh nghiệp không chỉ là người sử dụng lao động mà còn là người tham giađào tạo lao động. Tài sản lớn nhất của doanh nghiệp là nhân lực, nên đầu tư vào phát triển nguồn tài nguyên này cần được xem là một hướng đầu tư hứa hẹn nhiều lợi ích.
Vì vậy, ngoài sự đổi mới tích cực của các cơ sở đào tạo, rất cần sự tham gia của các doanh nghiệp trong “cuộc chơi” nhân lực chất lượng cao. Các doanh nghiệp cần phải tích cực tham gia vào quá trình nâng cao kiến thức, kỹ năng cho lực lượng lao động hiện có để đáp ứng những đòi hỏi về kiến thức,kỹ năng mới đang diễn ra ở mọi khâu của quá trình sản xuất, từ khâu lập kế hoạch, chuẩn bị nơi làm việc, đến vận hành thiết bị, giám sát quá trình và bảo đảm an toàn. Trong đó, các doanh nghiệp Việt Nam lớn và các doanh nghiệp FDI cần tăng cường hợp tác, tạo điều kiện cho sinh viên thực tập, học hỏi từ thực tiễn của các doanh nghiệp có đầu tư dây chuyền thiết bị, công nghệ hiện đại và có hệ thống quản trị doanh nghiệp tiên tiến. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì cần tích cực áp dụng công nghệ mới và hệ thống quản trị tiên tiến, kiến tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp và cơ hội cho người lao động phát huy sáng tạo và thăng tiến trong sự nghiệp; hợp tác với các cơ sở đào tạo để tài trợ và đăng ký tuyển dụng ngay trong thời gian học tập, thực tập của sinh viên.
Cơ sở đào tạo cần phải chuyển dịch mạnh mẽ
Để đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu thời kỳ cách mạng 4.0, các cơ sở đào tạonhân lực cho ngành giấy không thể sử dụng mãi phương pháp truyền thống, thiếu tương tác, thiếu thực tiễn màcần phải chuyển dịch mạnh mẽ từ đào tạo chủ yếu bằng những gì sẵn có sang đào tạo theo nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp, đồng thời tăng sức cạnh tranh trên thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu hội nhập nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.Để hiệnthực hóa những mục tiêu trên cần thực hiện đồng bộ những giải pháp cơ bản sau đây:
Phát triển chương trình đào tạo chú trọng kỹ năng và thái độ làm việc
Chương trình đào tạo của các trường phải thiết kế theo nhu cầu và tính đến sự thay đổi. Các trường phải tiếp cận thị trường đào tạo với tinh thần phục vụ tức là đáp ứng tối đa yêu cầu của người học cũng như nhu cầu sử dụng nhân lực của doanh nghiệpthay vì chỉ đưa ra những gì mình có thì mới hy vọng có thể thành công trong công tác đào tạo nhân lực cho ngành giấy.Trong đó phải đặc biệt lưu ý đến đào tạo kỹ năng làm việc, ý thức thái độ làm việc cho người học. Trong chương trình đào tạocần giảm bớt thời gian học lý thuyết mà dành nhiều thời gian hơn cho học sinh sinh viênthực hành, thực tập, tiến tới đào tạo tại hiện trường để học sinh sinh viên được tham gia vào hoạt động của các doanh nghiệp. Cần xây dựng chương trình đào tạo trên cơ sở chuẩn đầu ra; tích hợp các nội dung đào tạo về kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp, đạo đức nghề nghiệp trong chương trình đào tạo; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đào tạo, dạy và học.
Đổi mới từ đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đào tạo
Để đáp ứng yêu cầu đào tạo trong môi trường mới, đội ngũ nhà giáo phải có những năng lực mới, năng lực sáng tạo và do đó đòi hỏi phải có những phẩm chất mới trên cơ sở chuẩn hóa, thông qua các hoạt động đào tạo, tự đào tạo và bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề, kỹ năng sư phạm, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và những kỹ năng mềm cần thiết khác.
Định kỳ đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, công nghệ mới cho nhà giáo; Thường xuyên tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế cho nhà giáo tại các doanh nghiệp để các thầy cô hoàn thiện hơn kiến thức thực tế;Dành nhiều thời gian hơn cho công tác nghiên cứu khoa học kết hợp ứng dụng thực tiễn tại doanh nghiệp. Có như vậy, việc đào tạo sẽ gắn kết chặt chẽ hơn với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.
Trang thiết bị đào tạo tiên tiến, hiện đại
Đẩy mạnh việc xây dựng phòng học đa phương tiện, phòng chuyên môn hóa; hệ thống thiết bị ảo mô phỏng, thiết bị thực tế ảo và các phần mềm ảo mô phỏng thiết bị trong ngành sản xuất bột giấy và giấy cho các cơ sở đào tạo nhân lực ngành giấy.
Gắn kết giữa cơ sở đào tạo với với doanh nghiệp
Vấn đề kết nối giữa doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo không mới, nhưng muốn hiệu quả thì nhu cầu kết nối phải xuất phát từ cả hai phía.
Hiện nay đang phổ biến tình trạng nhiều doanh nghiệp hoàn toàn đứng ngoài trong quá trình đào tạo; doanh nghiệp chỉ tuyển dụng nhân lực do các trường đã đào tạo mà không nhận thấy trách nhiệm của doanh nghiệp cùng tham gia cộng tác và hỗ trợ các cơ sở đào tạo trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động của chính doanh nghiệp mình.
Các doanh nghiệp cần nhìn nhận các cơ sở đào tạo như các bạn hàng, hai bên đến với nhau cùng có lợi ích, không hợp tác với nhau thì không thể tồn tại và phát triển được. Xây dựng cơ chế đặt hàng của doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo trong đào tạo nhân lực và nghiên cứu khoa học là hướng đi cần đẩy mạnh tiến độ thực hiện để nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp.
Đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành giấy đáp ứng yêu cầu thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0

Doanh nghiệp cần cung cấp số liệu về nhu cầu tuyển dụng, yêu cầu đối với vị trí việc làm,hỗ trợ học bổng cho học sinh sinh viên để cùng thu hút,phát triển nguồn nhân lực phù hợp cho tương lai.Doanh nghiệp cần tham gia vào tất cả các công đoạn trong quá trình tổ chức đào tạo từ xây dựng chương trình, tuyển sinh, đào tạo, thi kiểm tra, giám sát chất lượng đào tạo và giải quyết việc làm cho người học.

Mặt khác, trên cơ sở trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, hướng tới doanh nghiệp thực sự là “cánh tay nối dài” trong hoạt động đào tạo của nhà trường, nhằm sử dụng có hiệu quả trang thiết bị và công nghệ của doanh nghiệp phục vụ cho công tác đào tạo, hình thành năng lực nghề nghiệp cho người học trong quá trình đào tạo.Vì vậy, sau khi tốt nghiệp, học sinh sinh viên có thể làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp mà không mất thời gian làm quen và đào tạo lại.
Với tư duy đích đến của người học là doanh nghiệp nên cần phải phát triển mô hình đào tạo kép, theo đó, xây dựng môi trường học tập kết hợp giữa yêu cầu đặc thù thực tế của doanh nghiệp và cơ sở lý thuyết mang tính khoa học của nhà trường cho người học. Với mô hình này, học viên học 30% chương trình – phần lý thuyết, ở trường và 70% chương trình -phần thực hành, bao gồm cả thực hành tại trường và thực hành, thực tập ở doanh nghiệp. Các công ty tập trung vào việc cung cấp các kiến thức và kỹ năng thực tế, đặc biệt là kiến thức và kỹ năng phù hợp với công nghệ sản xuấtcủa doanh nghiệp, còn nhà trường cung cấp khối kiến thức lý thuyết cơ bản, mang tính học thuật cùng một số kỹ năng thực hành cơ bản.
Ở doanh nghiệp, học sinh sinh viên được đào tạo thực hành trong các điều kiện có sẵn. Với mô hình này, doanh nghiệp cũng có thể tuyển dụng lao động và đưa về trường để đào tạo ngay từ đầu. Chương trình đào tạo tuân thủ các yêu cầu của doanh nghiệp nhưng được xây dựng theo hướng mở, tùy thuộc yêu cầu của từng doanh nghiệp để điều chỉnh cho phù hợp và có thể cập nhật nội dung đào tạo thường xuyên theo sự thay đổi công nghệ tại doanh nghiệp.
Như vậy, doanh nghiệp có ngay lực lượng lao động năng lực cao được đào tạo theo yêu cầu của mình, đồng thời giảm thiểu chi phí tuyển dụng, hướng dẫn và đào tạo lại đối với lao động mới. Ngoài ra, doanh nghiệp có được nguồn nhân lực cam kết làm việc lâu dài, giảm rủi ro lựa chọn sai đối tượng, những thiếu hụt về trình độ của người lao động cũng được bù đắp.
Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam là trung tâm kết nối
Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cần đứng ra làm đầu mối để tập hợp những giải pháp, chiến lược đào tạo, phát triển nguồn nhân lực với tầm vĩ mô, đồng thời là cầu nối giữa các doanh nghiệp với các đơn vị đào tạo.
Để cách mạng công nghiệp 4.0 thực sự là động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành giấy Việt Nam thì việc thu hút nhân lực chất lượng cao càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Muốn thực hiện được điều đó, bên cạnh sự nỗ lực của các cơ sở đào tạo cũng rất cần sự đổi mới về cơ chế, chính sách của Nhà nước, sự vào cuộc của doanh nghiệp sẽ là điều kiện đủ để nâng cao số lượng và chất lượng nguồn nhân lực ngành giấy.
Bình luận của bạn

Tin liên quan

Tin đã đăng