Đề xuất tăng thời gian miễn, giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp

Ngày 11-06-2020
VPPA-Hỗ trợ doanh nghiệp sau dịch cần đưa ra các giải pháp phải hướng tới việc làm sao để tự doanh nghiệp vượt qua khó khăn và tính toán thời gian hợp lý. Nếu hỗ trợ doanh nghiệp chỉ trong vài tháng là quá ít. Khi các cấp quản lý quyết định xong, chờ ra văn bản hướng dẫn, đợi đến lúc thực hiện cũng mất vài tháng, đến khi doanh nghiệp thực sự được áp dụng thì còn quá ngắn. Các giải pháp đưa ra điều quan trọng là phải đảm bảo đủ thời hạn tối thiểu để doanh nghiệp xoay sở.

Bàn về cách hỗ trợ doanh nghiệp sau dịch tại sự kiện mới đây, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nói không thích cụm từ “giải cứu doanh nghiệp”. Ông đề xuất các giải pháp phải hướng tới việc làm sao để tự doanh nghiệp vượt qua khó khăn và tính toán thời gian hợp lý.

Theo ông, hỗ trợ doanh nghiệp nếu chỉ trong vài tháng là quá ít. “Khi các cấp quản lý quyết định xong, chờ ra văn bản hướng dẫn, đợi đến lúc thực hiện cũng mất vài tháng, đến khi doanh nghiệp thực sự được áp dụng thì còn quá ngắn. Các giải pháp đưa ra điều quan trọng là phải đảm bảo đủ thời hạn tối thiểu để doanh nghiệp xoay sở”, ông Cung nói và cho biết, quan điểm của ông nên nới thời gian hỗ trợ lên 1-3 năm.

Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội bất động sản (VNREA) mới đây cũng đề xuất tăng thời gian hỗ trợ giãn, miễn thuế lên 12 tháng, đồng thời đề xuất giảm tiền thuê đất trong năm 2020 và 2021.

Lập luận được VCCI đưa ra là nhiều doanh nghiệp hiện nay phải dừng sản xuất, giảm lao động nên không phát sinh doanh thu và các loại thuế. Do đó, các chính sách hỗ trợ trong tối đa chỉ 5 tháng chưa đủ hỗ trợ

Đề xuất tăng thời gian miễn, giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp

>>> Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Cải cách thể chế làm “bệ đỡ” cho doanh nghiệp vượt qua đại dịch.

VNREA phân tích, quy trình thủ tục để thực hiện một dự án mất khoảng 5 năm, từ triển khai xây dựng đến lúc đủ điều kiện bán hàng cũng mất gần một năm. Đại dịch làm gián đoạn hoạt động của ngành này, khiến hoạt động nhiều doanh nghiệp bị chững lại, nên 5 tháng gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất là “quá ngắn để doanh nghiệp có thể phục hồi, kinh doanh trở lại”.

Đánh giá về các chính sách hỗ trợ gần đây, ông Nguyễn Đình Cung cho rằng về định hướng chính sách là hợp lý nhưng khâu thực hiện còn tồn tại nhiều vấn đề. Chuyên gia này đếm được dù hàng loạt gói hỗ trợ đã được công bố nhưng đến nay mới chỉ có 1 Nghị định, 2 Thông tư và phần còn lại là dạng đốc thúc. Quy trình ra quyết định trong nhiều lĩnh vực còn chậm, sự hỗ trợ thiếu kịp thời và còn manh mún.

“Đại bộ phận các chính sách hỗ trợ hiện nay vẫn nằm ở khâu chỉ đạo. Nhiều người còn nói vui rằng lên tivi mà hưởng chính sách hỗ trợ của Chính phủ”, ông Cung nhận xét. “Nhiều gói hỗ trợ có thể sẽ không bao giờ được thực hiện với cung cách hô khẩu hiệu. Người ta chỉ để ý mỗi lúc ban hành thứ gì đó thì quyền của tôi là gì, công việc của tôi là gì và thẩm quyền của tôi ra sao. Nếu cứ nói chung chung thì chúng ta sẽ không bao giờ làm được”.

Mức độ hỗ trợ, kể cả gộp tất cả các chính sách đã có, đang hy vọng và còn chờ đợi, cũng được chuyên gia này đánh giá là quá nhỏ so với mức độ thiệt hại của doanh nghiệp và so với mức hỗ trợ của chính phủ các nước khác.

Với nguồn lực hữu hạn, ông Cung cho rằng nên phân định lại, hỗ trợ tập trung vào các ngành chịu tác động trực tiếp từ Covid-19 như hàng không, du lịch và “đã hỗ trợ thì phải ra tấm, ra món” để các ngành đó đủ sức phục hồi. “Việc hỗ trợ dàn trải nhiều ngành nghề như hiện nay thực tế sẽ không tạo ra được hiệu quả”, chuyên gia này nhận xét.

Theo Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đầu năm đã lần đầu tiên giảm trong 5 năm, còn hơn 37.500 doanh nghiệp, giảm 13%. Số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế giảm 20%, số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp cũng giảm 22% do tâm lý e ngại trong đầu tư trước tình hình phức tạp của dịch bệnh.

VCCI trước đó khảo sát cho biết gần 85% doanh nghiệp đã bị mất hoặc thu hẹp thị trường tiêu thụ sản phẩm trong tháng 3-4, gần 60% doanh nghiệp bị thiếu vốn hoặc dòng tiền kinh doanh, 45% doanh nghiệp bị thiếu nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh và phải thu hẹp lực lượng lao động.

Dù các chỉ số kinh tế đã phục hồi trong tháng 5, phần lớn chỉ là tăng từ mức thấp trong tháng 4 – giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội. Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại IHS Markit, đánh giá thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát dịch cho phép nền kinh tế bắt đầu chặng đường hồi phục. Tuy nhiên, con đường sẽ còn dài. “Quá trình tăng trưởng trở lại có thể diễn ra từ từ với sự hỗ rợ ít ỏi từ thị trường nước ngoài, ít nhất là trong tương lai gần, khi đại dịch tiếp tục ảnh hưởng đến nhiều khu vực trên thế giới”, Giám đốc IHS Markit nhận xét.

Theo Vnexpress

Bình luận của bạn

Tin liên quan

Tin đã đăng