Doanh nghiệp lại kêu cứu – Bài 2: “Khản tiếng” với chuyện hoàn thuế, đánh thuế giá trị gia tăng
Doanh nghiệp ngành giấy xin… nộp thuế GTGT thay cho các đầu mối thu mua.
Bài 2: “Khản tiếng” với chuyện hoàn thuế, đánh thuế giá trị gia tăng
Doanh nghiệp đói khát vốn, nhưng hàng ngàn tỷ đồng hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) bị “găm” khiến hoạt động sản xuất đình đốn, nguy cơ phá sản hiện hữu.
Doanh nghiệp gỗ khẩn khoản xin tiền hoàn thuế
Báo cáo mới đây với Thủ tướng Chính phủ, Ban IV (Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân) thông tin, các doanh nghiệp ngành gỗ vẫn đang bức xúc câu chuyện bị “găm” tiền hoàn thuế GTGT.
Đại diện Công ty TNHH Hào Hưng (doanh nghiệp chuyên xuất khẩu ván dăm, viên nén và ván ghép thanh) cho biết, Công ty đang khốn khó vì thủ tục hoàn thuế GTGT kéo dài. Quá trình thu mua dăm gỗ của các doanh nghiệp xuất khẩu qua rất nhiều khâu, nên doanh nghiệp chỉ có thể truy xuất được 1-2 chủ thể trước họ, chứ không thể truy xuất đến F0. Do đó, việc yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu phải chứng minh nguồn gốc gỗ khai thác (F0) không khác gì “mò kim đáy bể”.
Theo ước tính của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu dăm gỗ và sản phẩm từ gỗ, số tiền họ chờ được hoàn thuế GTGT cộng dồn từ năm 2020 tới nay lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Trong khi đó, cơ chế hoàn thuế GTGT là khuyến khích của Nhà nước đối với các hoạt động sản xuất, xuất khẩu và đầu tư. Hoàn thuế GTGT sẽ hỗ trợ doanh nghiệp về dòng tiền, đảm bảo tâm lý an tâm cho họ khi thực hiện nghĩa vụ về thuế.
Tuy nhiên, với quy trình hoàn thuế GTGT đang kéo rất dài và không có thời hạn cụ thể cũng như số tiền thuế bị “găm” lên đến hàng ngàn tỷ đồng đã trở thành điểm nghẽn, tạo ra áp lực về dòng tiền đối với doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, tiếp cận vốn khó khăn và lãi suất cao như hiện nay.
“Nếu tình trạng này kéo dài, nhiều doanh nghiệp sẽ phải tuyên bố phá sản”, Báo cáo của Ban IV viết.
Nguyên nhân chính yếu dẫn tới chậm hoàn thuế là khâu xác minh nguồn gốc gỗ. Ngành thuế coi gỗ và các mặt hàng gỗ được làm từ gỗ rừng trồng trong nước có độ rủi ro cao về thuế, nên yêu cầu các cục thuế địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, phối hợp với cơ quan công an, hải quan, chính quyền địa phương… trong việc xác minh nguồn gốc gỗ từ rừng trồng.
Theo phân tích của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, mục tiêu giám sát nguồn gốc gỗ ở khâu người trồng để đảm bảo gỗ đưa vào phục vụ sản xuất là từ rừng trồng hợp pháp trong nước, ngăn chặn gỗ nhập lậu và gỗ bất hợp pháp là đúng đắn. Tuy nhiên, việc áp dụng quy trình giám sát dàn trải, nhiều khâu trong xét hoàn thuế không phù hợp với thực tiễn cũng như chưa phản ánh đúng mục tiêu quản lý thuế và đẩy hết rủi ro từ khâu trồng rừng (chưa phát sinh thuế) hoặc các khâu mua bán gỗ nguyên liệu cho khâu sản xuất, xuất khẩu (yêu cầu chịu trách nhiệm minh bạch về toàn bộ hóa đơn, chứng từ liên quan chuỗi cung; chịu thuế GTGT đầu vào và phải chờ xét hoàn thuế).
Cách làm này dẫn tới một thực trạng là, sau khi cơ quan chức năng phát hiện sai phạm ở khâu rừng trồng và mua bán gỗ nguyên liệu tại một địa phương phía Bắc, tất cả các doanh nghiệp nhóm “nhà mua” nguyên liệu chế biến gỗ đã đồng loạt thông báo dừng nhập nguyên liệu “gỗ đầu vào cho sản xuất” ở các tỉnh phía Bắc, nên ảnh hưởng tức thì đến chuỗi cung ứng và sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống của người lao động và hàng trăm hộ gia đình trồng rừng.
Đó là chưa nói, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định, với gỗ rừng trồng hợp pháp, người dân không phải xác nhận về nguồn gốc với cơ quan quản lý. Nhưng, công văn của Tổng cục Thuế ban hành sau đó 2 năm lại yêu cầu xác minh nguồn gốc gỗ tới tận UBND cấp xã.
Việc không nhất quán này đang gây khó cho quá trình thực thi của cơ quan chức năng lẫn doanh nghiệp.
Liên quan vấn đề trên, năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phải ra Công văn số 8187/BNN-TCLN gửi Bộ Tài chính đề nghị xem xét, chỉ đạo các cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thực hiện chính sách liên quan đến thuế GTGT. Tuy nhiên, tới giờ này, “tiếng kêu cứu” của doanh nghiệp vẫn còn nguyên vẹn!
Doanh nghiệp phân bón năn nỉ xin… đánh thuế
Theo đại diện Công ty cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, phân bón không được “đánh” thuế GTGT nên suốt 7 năm qua, doanh nghiệp phân bón không được khấu trừ thuế đầu vào. Từ đó dẫn tới bị thiệt hại trung bình 90-100 tỷ đồng/năm và giá thành sản phẩm lại tăng 6-7% vì bắt buộc phải tính thuế GTGT vào giá bán.
“Kêu” tới Thủ tướng Chính phủ mới đây, Hiệp hội Phân bón Việt Nam khẩn thiết xin đánh thuế GTGT với mặt hàng phân bón.
Theo các doanh nghiệp, Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008 quy định phân bón là đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 5%. Tuy nhiên, Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế lại quy định phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT kể từ ngày 1/1/2015.
Việc phân bón là hàng hóa không chịu thuế GTGT khiến nguyên liệu đầu vào cho sản xuất không được khấu trừ, các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này buộc phải tính toàn bộ chi phí phát sinh về thuế GTGT vào chi phí sản xuất. Tình thế này khiến giá thành tăng 5-6%. Giá thành tăng làm giảm sức cạnh tranh của phân bón sản xuất trong nước so với phân bón nhập khẩu.
Bên cạnh đó, các dự án đầu tư cho sản xuất phân bón không được hoàn thuế GTGT cho trang thiết bị, công nghệ cấu thành tài sản cố định của dự án khiến suất đầu tư dự án cao, làm giảm động lực của doanh nghiệp đối với việc nghiên cứu phát triển các sản phẩm có chất lượng tốt, tính năng đặc thù dựa trên việc sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường.
Từ thực tế đó, Hiệp hội Phân bón Việt Nam kiến nghị xem xét sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 để áp thuế GTGT đối với phân bón, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước.
Doanh nghiệp giấy xin… đóng thay thuế GTGT
Theo Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, doanh nghiệp ngành này rất mong muốn đẩy mạnh hoạt động tái chế giấy đã qua sử dụng, hướng đến sản xuất tuần hoàn. Tuy nhiên, khi thu mua giấy và phế liệu từ những kênh thu gom trong nước thì hầu hết không có hóa đơn, nên không đảm bảo chứng minh nguồn gốc. Điều này tạo ra khó khăn cho doanh nghiệp trong chứng minh xuất xứ và hoàn thuế GTGT 10%.
Sau khi có kiến nghị của ngành giấy, Tổng cục Thuế cho phép làm các bảng kê, nhưng tối đa không quá 100 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, số tiền không quá 100 triệu đồng là quá nhỏ so với nhu cầu thu mua tập trung của nhiều doanh nghiệp, nên doanh nghiệp vẫn tiếp tục gặp khó khăn và tốn nhiều công sức làm chứng từ, bảng kê để đáp ứng các quy định hiện hành.
“Cực chẳng đã”, các doanh nghiệp ngành giấy “xin” cho phép tự mình đóng thuế GTGT thay cho các đầu mối thu mua phế liệu, sau đó tiến hành hoàn thuế để giải quyết các vướng mắc về chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, tạo thuận lợi cho việc thu mua, tái chế phế liệu.
Với bức xúc của doanh nghiệp gỗ, Ban IV vừa đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính đưa ra quy định để phân loại doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hoàn thuế GTGT theo hướng: với các doanh nghiệp hoạt động lâu năm, có uy tín trong kinh doanh thì cho phép hoàn thuế trước, kiểm tra sau (hậu kiểm) để không bị gián đoạn sản xuất; đối với doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng có tính rủi ro cao, thì thực hiện kiểm tra, xác minh trước, sau đó mới tiến hành hoàn thuế.
Nguồn: Báo đầu tư & VPPA
Đăng nhập để bình luận.