Doanh nghiệp sốt ruột vì quá khó khăn, muốn được đối thoại với Tổng cục Thuế
Theo ước tính của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu dăm gỗ và sản phẩm từ gỗ, số tiền chờ hoàn cộng dồn từ năm 2020 lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Lý do của đề xuất này là phần lớn những khó khăn, vướng mắc mà Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) tổng hợp thông tin từ trên 30 hiệp hội doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thuế, chính sách thuế hoặc quá trình thực thi chính sách thuế.
Trong công văn do Trưởng Ban IV Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ ký gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 28/3, tình trạng chậm hoàn thuế VAT (cho doanh nghiệp ngành gỗ, cao su, …); mức thuế VAT chưa hợp lý của ngành phân bón; khó khăn trong đóng thuế VAT cho các doanh nghiệp ngành giấy cần thu mua phế liệu và doanh nghiệp một số ngành cần thu gom cát sỏi, gạch đá… đã được Ban IV liệt kê.
Cụ thể, Ban IV báo cáo, quy trình hoàn thuế VAT đang kéo rất dài và không có thời hạn cụ thể khiến doanh nghiệp bị động. Theo ước tính của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu dăm gỗ và sản phẩm từ gỗ, số tiền chờ hoàn cộng dồn từ năm 2020 lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Nếu tình trạng còn kéo dài, nhiều doanh nghiệp sẽ phải tuyên bố phá sản.
Liên quan đến doanh nghiệp giấy, doanh nghiệp trong nước rất mong muốn đẩy mạnh hoạt động tái chế giấy đã qua sử dụng, hướng đến sản xuất tuần hoàn. Tuy nhiên, khi thu mua giấy và phế liệu từ những kênh thu gom trong nước thì hầu hết không có hóa đơn, do đó không đảm bảo chứng minh nguồn gốc. Điều này tạo ra khó khăn cho doanh nghiệp trong chứng minh xuất xứ và hoàn thuế VAT 10%.
Theo Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việ Nam, sau khi có kiến nghị của ngành giấy, Tổng Cục thuế cho phép làm các bảng kê. nhưng tối đa không quá 100 triệu đồng. Đây là số tiền quá nhỏ so với nhu cầu thu mua tập trung của nhiều DN nên DN vẫn tiếp tục gặp khó khăn và tốn nhiều công sức làm chứng từ, bảng kê để đáp ứng các quy định hiện hành của pháp luật…
Ngoài ra, còn việc chậm cải thiện các chính sách thuế cho các doanh nghiệp kinh doanh các lĩnh vực kêu gọi xã hội hóa (như y tế, giáo dục…).
Nếu không được đối thoại, Ban IV đề nghị Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) tiến hành rà soát theo chuyên đề để báo cáo Chính phủ các chính sách, quy định hiện hành hiện gây khó khăn, vướng mắc trong thực thi, hoặc chưa theo sát với xu hướng chính sách, quy định quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh thị trường toàn cầu có nhiều diễn biến phức tạp thời kì hậu Covid-19…, từ đó cân nhắc các kế hoạch điều chỉnh, sửa đổi tổng thể để tạo đà cho doanh nghiệp phục hồi, bứt phá, tiếp tục hội nhập.
Theo các doanh nghiệp, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, một số chính sách hoặc khâu thực thi chính sách trong nước chưa theo kịp diễn biến thị trường quốc tế, gây khó khăn và ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của các ngành và các DN nội địa.
Cụ thể, Ban IV báo cáo Thủ tướng, các doanh nghiệp logistics và kinh doanh vận tải, cảng biển phản ánh sự chậm điều chỉnh các quy định liên quan giá bốc xếp cảng biển, thời gian lái xe kinh doanh vận tải.
Các doanh nghiệp xuất khẩu ngành thép, may mặc, da giày, nhựa… phản ánh việc gặp khó khăn về thông tin và thực thi, đặc biệt đối với các yêu cầu mới của các thị trường quốc tế về chuỗi cung ứng, về lao động, môi trường, quản trị doanh nghiệp. Nhiều hiệp hội phản ánh sự lúng túng trong thực thi các quy định mới liên quan đến giảm phát thải trong nước và quốc tế.
Đối với các vấn đề có nhiều diễn biến mới trên quy mô toàn cầu (như xu hướng chuyển đổi xanh, giảm phát thải, hay các quy định ràng buộc về lao động, môi trường, quản trị doanh nghiệp…), Ban IV đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành đầu mối (ví dụ Bộ Tài nguyên – Môi trường, hay Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc Bộ Công thương) thiết lập các chuyên trang thông tin và/hoặc chương trình giao ban định kỳ (hàng tháng, hàng quý) với doanh nghiệp để trao đổi thông tin 2 chiều, nhằm giúp doanh nghiệp trong nước sớm định hình hướng đi, tận dụng mọi cơ hội, vượt qua các thách thức.
Nguồn: Báo đầu tư
Đăng nhập để bình luận.