Doanh nghiệp xuất khẩu đứng ngồi không yên vì cước tàu biển đột ngột tăng

Ngày 29-12-2023
VPPA-Giá cước vận tải biển đã nhảy vọt do tình trạng mất an ninh tại khu vực Biển Đỏ khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đứng ngồi không yên.

Các doanh nghiệp xuất khẩu lo ngại bị ảnh hưởng từ việc giá cước vận tải biển tăng (Ảnh minh họa)

Giá cước đột ngột điều chỉnh tăng chóng mặt

Tình trạng mất an ninh tại khu vực Biển Đỏ thời gian qua do lực lượng Houthi tại Yemen tăng cường tấn công các tàu chở hàng phương Tây trong khu vực nhằm đáp trả việc Israel tấn công Dải Gaza đã và đang tác động trực tiếp đến cước tàu biển.

Theo đó, gần đây hàng loạt hãng vận tải lớn như: Maersk, Hapag-Lloyd, và CH Robinson Worldwide, CMA CGM… đã thông báo sẽ thu thêm phụ phí do phải thay đổi hải trình các tuyến châu Á – châu Âu, tránh đi qua kênh đào Suez và khu vực Biển Đỏ.

Trong đó, hãng vận tải biển hàng đầu thế giới CMA CGM đã thông báo về việc tính thêm phụ phí từ 325 USD – 500 USD/container 20 ft trên các tuyến từ Bắc Âu đi châu Á và từ châu Á đi khu vực Địa Trung Hải.

Không chỉ thông báo về việc tăng giá cước mà thời gian vận chuyển hàng hoá giữa châu Á – châu Âu được CMA CGM dự kiến tăng lên đáng kể. Nguyên nhân do hãng này phải tạm ngừng đi qua kênh đào Suez tại Biển Đỏ – cụ thể là phải đi vòng qua Mũi Hảo Vọng của châu Phi.

Doanh nghiệp xuất khẩu đứng ngồi không yên vì cước tàu biển đột ngột tăng
Các doanh nghiệp xuất khẩu lo ngại bị ảnh hưởng từ việc giá cước vận tải biển tăng (Ảnh minh họa)

Doanh nghiệp Việt xuất khẩu qua tuyến này ảnh hưởng ra sao?

Việc các hãng tàu biển điều chỉnh tăng giá cước đã và đang tác động trực tiếp đến những doanh nghiệp có hàng hóa xuất khẩu qua khu vực Biển Đỏ. Cụ thể, theo ông Nguyễn Huy Tiến – Trưởng phòng XNK Công ty TNHH Thảo Nguyên, hiện những đơn hàng vận chuyển xuất đi Trung Đông của doanh nghiệp đang phải trả thêm phí 300 USD/cont 20ft, với cont 40ft mức tăng thêm là 600 USD.

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Trần Quốc Mạnh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu hàng Thủ công mỹ nghệ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển Sản xuất Thương mại Sài Gòn (Sadaco)- cũng cho biết: Do công ty có một số đơn hàng phải vận chuyển qua khu vực Biển Đỏ nên gần đây đã nhận được thông báo tăng giá cước từ một số hãng tàu biển. Mức tăng từ 200-500 USD/cont 40 ft với thời gian áp dụng từ ngày 1/1/2024.

Tuy nhiên, theo ông Mạnh, điều khiến doanh nghiệp lo lắng không phải là giá cước tàu biển qua tuyến này, mà có thể các tuyến khác cũng sẽ tăng giá theo do tình trạng ách tắc kéo dài.

“Cước tàu biển tăng giá trong giai đoạn này sẽ khiến doanh nghiệp khó khăn bởi hiện đơn hàng của doanh nghiệp ngành gỗ mới chỉ phục hồi khoảng 20%. Đó là chưa kể nhiều chi phí khác cũng gia tăng, khiến doanh nghiệp khó chồng thêm khó”- ông Trần Quốc Mạnh lo lắng.

Cùng chung nỗi lo, ông Phan Văn Có – Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice chia sẻ, giá cước vận chuyển đã tăng khoảng 500 USD/cont 40 ft từ 15/12/2023. Dự báo, giá cước có thể còn tăng thêm nữa nếu tình hình an ninh ở khu vực Biển Đỏ xấu thêm. “Tàu bè vận chuyển sẽ phải đi vòng, dẫn tới thời gian di chuyển lâu hơn và các nhà xuất khẩu tại khu vực châu Á sẽ bị ảnh hưởng nhất”- ông Có nói.

Theo các doanh nghiệp, kênh đào Suez hiện là tuyến đường thuỷ ngắn nhất kết nối châu Á – châu Âu, với khoảng 15% lượng giao thông đường thuỷ toàn cầu phải đi qua kênh đào này. Kênh đào này là một trong số bảy nút thắt (choke points) quan trọng cho việc vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng năng lượng trên thế giới. Chính vì vậy, mất an ninh ở khu vực này nếu kéo dài sẽ có những tác động không nhỏ tới hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp.

Trước tình trạng trên, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã đề nghị các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội trong lĩnh vực logistics tăng cường theo dõi, thường xuyên cập nhật tình hình đến các doanh nghiệp trong ngành nắm chắc thông tin để chủ động kế hoạch sản xuất và xuất nhập khẩu hàng hóa, tránh để phát sinh ùn tắc và các tác động bất lợi khác.

Cục Xuất nhập khẩu cũng đề nghị các doanh nghiệp xuất nhập khẩu theo dõi sát tình hình, chủ động lên phương án thích hợp, trao đổi với đối tác để trong trường hợp cần thiết có thể kéo dài thời gian đóng hàng, nhận hàng. Đặc biệt, các hiệp hội, doanh nghiệp kịp thời trao đổi, phản ánh với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan những vấn đề phát sinh để cùng phối hợp xử lý.

Thùy Dương
Nguồn: Báo Công Thương
Bình luận của bạn

Tin liên quan

Tin đã đăng