Giá giấy lớp mặt (Testliner) và lớp sóng (Medium) có dấu hiệu tăng trở lại

Ngày 03-09-2019
VPPA-Giá giấy bao bì lớp mặt (testliner) & giấy lớp sóng (medium) tại Đông Nam Á giao dịch xuất khẩu cho các đơn hàng trong tháng 9, đã thông báo tăng khoảng 8 USD/tấn. Theo các tập đoàn và doanh nghiệp lớn trong khu vực, giá giấy giảm từ thời điểm tháng 12/2018 kéo dài […]

Giá giấy bao bì lớp mặt (testliner) & giấy lớp sóng (medium) tại Đông Nam Á giao dịch xuất khẩu cho các đơn hàng trong tháng 9, đã thông báo tăng khoảng 8 USD/tấn. Theo các tập đoàn và doanh nghiệp lớn trong khu vực, giá giấy giảm từ thời điểm tháng 12/2018 kéo dài đến tháng 8/ 2019 đã được coi cận đáy.

Thị trường Đông Nam Á và Trung Quốc

Trong tháng 8/2019, đối giấy lớp sóng (medium) loại 110 gsm sức bền cao mức giá trung bình là 345 USD/tấn và giấy lớp mặt (testliner) là 385 USD/tấn đã “bào mòn” lợi nhuận của doanh nghiệp. Quyết định cho việc tăng giá lên 8 USD/tấn, bởi tháng 9 đã chính thức vào thời điểm chính vụ của giấy bao bì trong năm, các đơn hàng đang tăng đột biến về lượng (xem chi tiết giá tại biểu đồ 1); sự tăng giá này cũng xuất phát từ thị trường Trung Quốc, chi phí sợi tái chế tăng do áp thuế tăng thêm 5% đối với giấy thu hồi (RCP) từ Mỹ.

Biểu 1: Giá giấy bao Testliner & Medium giao dịch xuất khẩu tại Đông Nam Á (USD/tấn, CIF)

 

Thị trường Trung Quốc, hàng loạt các tập đoàn lớn như Nine Dragon, Lee&Man, Shanying International, Sun Paper, Chenglong, Tongai… đã chủ động thông báo tăng giá đối với giấy testliner và medium lên khoảng 6 USD/tấn cho thị trường nội địa và xuất khẩu, các đơn hàng được thực hiện giao dịch trong tháng 9/2019. Giá giấy được điều chỉnh tăng lên bởi chí phí sợi tái chế cao, đặc biệt là giấy thu hồi (RCP) và bột tái chế nhập khẩu từ Mỹ tăng thêm 5% thuế suất từ 25% lên 30% từ ngày 1/09/2019, lợi nhuận của doanh nghiệp bị bào mòn (xem chi tiết giá tại biểu 2). Nhu cầu các đơn hàng đang tăng trở lại khi đã vào thời điểm chính vụ về giấy bao bì trong năm.

Biểu 2: Giá giấy Testliner & Medium tại thị trường Trung Quốc (RMB/tấn)

 

Thị trường Việt Nam

Sự tác động của thị trường trong khu vực đối với giấy bao bì lớp mặt (Testliner) và lớp sóng (Medium) của Việt Nam, dẫn đến giá giấy cũng giảm liên tục trong thời gian qua đến tháng 8/2019, lượng hàng tồn kho cũng tăng lên đáng kể từ thời điểm tháng 6/2019. Tuy nhiên các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn trong nước đã tìm giải pháp xuất khẩu vào nhiều thị trường khác nhau, kết quả là đến hết tháng 8/2019 lượng tồn kho đã giảm rất nhiều.

Theo thống kê của của Hiệp hội Giấy và Bột giấy VN (VPPA) được tính toán từ số liệu của TCHQVN, sau khi tháng 5 & 6 xuất khẩu giấy và sản phẩm từ giấy giảm thì đến tháng 7 & 8 đã tăng trưởng rất mạnh. Về trị giá xuất khẩu giấy và sản phẩm từ giấy trong tháng 7/2019 đạt 100,9 triệu USD, tăng 24,0% so với tháng 6/2019 và tăng 3,4% so với cùng kỳ tháng 7/2018, còn đối với giấy bao bì đạt 63.154 tấn, tăng 24.567 tấn, tương ứng 64% so với tháng 6/2019. Trong tháng 8 về trị giá xuất khẩu giấy và sản phẩm từ giấy đạt 113,2 triệu USD, tăng 13% so với tháng 7/2019 và tăng 29,7% so với cùng kỳ tháng 8/2018, đối với giấy bao bì xuất khẩu đạt 74.553 tấn, tăng trưởng 11.399 tấn, tương ứng tăng 18,05%, còn so với cùng kỳ  tháng 8/2018 tăng 26,6% (xem chi tiết xuất khẩu giấy biểu 3).

Biểu 3: xuất khẩu các loại giấy của Việt Nam tháng 4 – 8/2019 (Tấn)

Trong những ngày cuối tháng 8 và đầu tháng 9/2019, đã có hàng loạt doanh nghiệp lớn FDI như Lee & Man, Chánh Dương, Chenglong, SaiGon và Việt Nam như Thuận An, Đông Hải Bến Tre, Xuân Mai…. đã chính thức về việc tăng giá bán lên khoảng 200.000đ/tấn, cho các đơn hàng giao dịch trong tháng 9/2019. Theo phản ảnh từ các đơn vị việc tăng giá do tiêu dùng trong nước đang ấm lên do giấy bao bì vào thời điểm chính vụ, các đơn đặt hàng trong nước và xuất khẩu đang tăng mạnh cả về số và lương cũng như ảnh hưởng của việc tăng giá giấy trong khu vực.

VPPA

 

Bình luận của bạn

Tin liên quan

Tin đã đăng