Giấy nội trước áp lực tăng giá
Các doanh nghiệp cho rằng, việc tăng giá giấy là điều không thể tránh khỏi dù đã giảm lợi nhuận và tiết kiệm tối đa chi phí…
Bước vào quý 2/2010, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành giấy sẽ phải đối mặt nhiều khó khăn do giá nguyên nhiên liệu đầu vào như điện, nước, hóa chất, chi phí vận chuyển cộng với lãi suất ngân hàng liên tục tăng cao. Trước tình thế này, các doanh nghiệp đều cho rằng phải tăng giá sản phẩm.
Tính đến cuối tháng 3/2010 giá giấy in, viết dạng cuộn đã đạt mức 16,8-17,4 triệu đồng/tấn, và ngay trong đầu tháng 4, các doanh nghiệp có công suất lớn đã tiếp tục tăng giá thêm 1-1,2 triệu đồng/tấn và các doanh nghiệp có công suất vừa và nhỏ đã tăng 0,6-0,8 triệu đồng/tấn.
Lý giải nguyên nhân tăng giá, ông Vũ Ngọc Bảo, Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam (VPPA) cho biết, trong thời gian qua, do biến động tỷ giá giữa USD và VND đã làm tăng giá nguyên liệu nhập khẩu. Bên cạnh sức ép về tỷ giá, ngành sản xuất giấy với đặc trưng sử dụng nhiều nước, điện nên cũng sẽ chịu tác động mạnh của việc tăng giá của hai mặt hàng này.
Ví dụ, giá điện, nước tăng trung bình 7%, giá thành đơn vị sản phẩm giấy của một công ty cũng sẽ tăng thêm gần 1%. Con số này xét trên từng đơn vị sản phẩm là nhỏ nhưng với chi phí sản xuất của toàn công ty sẽ rất lớn, phải tính bằng tiền tỷ.
Ngoài ra, do giá bột giấy nguyên liệu đang ở mức cao kỷ lục. Hiện giá bột giấy sợi dài ở mức trên 900 USD/tấn; giá bột giấy sợi ngắn khoảng 850 USD/tấn; giá giấy loại khoảng 270 USD/tấn. Giá giấy đã qua sử dụng (giấy loại) thu mua trong nước cũng tăng từ 3 triệu đồng/tấn lên 3,7 triệu đồng/tấn. Trước tình thế này, nhiều doanh nghiệp ngành giấy đã điều chỉnh tăng giá giấy in, giấy viết và giấy in báo.
Mặc dù, giá đang trên đà tăng cao nhưng nguồn cung trong nước ngày càng bị hạn chế do: Nhà máy giấy Bãi Bằng của Tổng công ty Giấy Việt Nam ngưng máy bảo trì, bảo dưỡng hàng năm và nâng cấp công suất lên 125 nghìn tấn/năm. Còn các nhà máy có công suất vừa và nhỏ thì đang gặp phải khó khăn về nguồn bột nên lượng sản xuất đầu ra cũng sẽ bị hạn chế. Vì vậy, tổng lượng sản xuất giấy trong năm 2010 được dự báo sẽ tiếp tục giảm và như vậy nguồn cung sẽ thấp hơn cầu nên cũng sẽ góp phần làm cho giá tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Vietpaper cho biết, Fibria, nhà sản xuất bột BEK lớn nhất thế giới với tổng công suất lên đến 5,4 triệu tấn/năm, đã có thông báo tới khách hàng rằng sẽ tăng giá bột BEK trên toàn thế giới vào ngày 1/5. Với tình hình nguyên liệu bột giấy không ngừng tăng cao sẽ đẩy giá giấy tăng cao trong thời gian tới ở khắp các thị trường, trong đó có Việt Nam. Ngay sau khi nhận được thông tin tăng giá giấy, các doanh nghiệp giấy trong nước tiếp tục lên kế hoạch cho đợt tăng giá tiếp theo. Theo Công ty Cổ phần tập đoàn Tân Mai, đầu tháng 5 tới, dự kiến sẽ điều chỉnh tăng giá thêm 9-14%.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Ngọc Bảo, hiện có một nghịch lý đang xảy ra trong chính sách thuế áp dụng cho mặt hàng giấy loại dùng để sản xuất giấy, nếu giải quyết thấu đáo, vừa có thể giảm nhập siêu, giúp đem lại sự công bằng cho các doanh nghiệp ngành giấy, vừa giúp giá giấy ở mức hợp lý hơn.
Hiện tại, khoảng 72% nguyên liệu sản xuất giấy là giấy loại. Lượng giấy loại thu gom để tái sản xuất giấy ở nước ta là 32%, trong khi tại các nước trong khu vực, tỷ lệ này là 60 – 65%. Theo quy định, thuế nhập khẩu giấy loại hiện là 0%, vì vậy, khi nhập làm nguyên liệu sản xuất, doanh nghiệp chỉ phải nộp thuế giá trị gia tăng.
Còn với doanh nghiệp mua giấy loại thu gom trong nước, nếu người bán có hóa đơn giá trị gia tăng (VAT) thì nhà sản xuất sẽ được khấu trừ thuế. Trường hợp người bán không có hóa đơn VAT, để được cơ quan thuế công nhận chi phí mua giấy, doanh nghiệp thu mua phải đóng hộ 3% thuế thu nhập cho người bán lẻ và nộp thuế giá trị gia tăng.
Như vậy, trên thực tế, nếu sử dụng giấy loại thu gom nội địa, doanh nghiệp phải nộp thuế VAT trên 800 nghìn đồng/tấn. Nếu dùng giấy loại nhập khẩu để sản xuất giấy, thuế VAT chỉ còn khoảng 202 nghìn đồng/tấn. Theo tính toán của ông Bảo, hiện nay, ngành giấy đang nhập siêu khoảng 1,5 tỷ USD, nếu Nhà nước điều chỉnh chính sách thuế phù hợp hơn cho các doanh nghiệp sản xuất giấy, không những có thể tiết kiệm một lượng lớn giấy loại thu gom với giá rẻ mà còn góp phần giảm tỷ lệ nhập siêu.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của hàng loại yếu tố như: bột giấy tăng giá và khan hiếm trên toàn cầu, giá dầu, than, điện nước, hóa chất, phí vận chuyển, tỷ giá đồng USD tăng cao sẽ khiến cho cho thị trường giấy in, viết trong nước ngày càng nóng bỏng.
Các doanh nghiệp cho rằng, việc tăng giá bán là điều không thể tránh khỏi dù đã chấp nhận giảm lợi nhuận và tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất. Vấn đề là phải tính toán mức tăng như thế nào để không gây sốc đối với người tiêu dùng. Đặc biệt, cũng phải tính đến khả năng cạnh tranh với các sản phẩm giấy nhập ngoại.
Đăng nhập để bình luận.