Hạ lãi suất thực, chứ không chỉ giảm trên văn bản
Ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước)
Chỉ ra nguyên nhân chính khiến dư nợ tín dụng 9 tháng năm 2023 chỉ tăng khoảng 6% là do lãi suất cho vay vẫn còn rất cao so với lợi nhuận của doanh nghiệp, ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, cần phải nghiên cứu để hạ lãi suất thực, chứ không phải chỉ giảm trên văn bản, chính sách.
Từ đầu năm đến nay, lãi suất điều hành đã 4 lần được điều chỉnh giảm, các ngân hàng thương mại cũng liên tục giảm lãi suất cả huy động lẫn cho vay. Theo ông, vì sao dư nợ tín dụng 9 tháng đầu năm chỉ tăng khoảng 6%?
Đúng là mặt bằng lãi suất đã giảm rất mạnh, đã quay trở lại thời kỳ trước đại dịch Covid-19, nhưng vẫn còn rất cao so với lợi nhuận mà doanh nghiệp có thể đạt được nếu phải vay vốn ngân hàng để kinh doanh.
Lợi nhuận của doanh nghiệp bị giảm do nguyên – nhiên – vật liệu đầu vào, lương công nhân, tiền điện… đều tăng. Đầu vào tăng, nhưng đầu ra, nhất là giá hàng hóa xuất khẩu không tăng, thậm chí còn giảm do phải cạnh tranh với các đối thủ trên thương trường thế giới.
Mặc dù các ngân hàng thương mại đồng loạt giảm lãi suất cho vay, nhưng thử hỏi, có bao nhiêu doanh nghiệp có thể vay được với mức lãi suất bình quân 7 – 8%/năm? Ngay cả vay được với mức lãi suất này, thì so với các nước trong khu vực, doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải vay với lãi suất gấp khoảng 2 lần. Đầu vào tăng, lãi suất rất cao so với các nước trong khu vực, tất yếu sức cạnh tranh của hàng hóa bị giảm, nên không khó lý giải khi dư nợ tín dụng tăng chậm.
Không thể phủ nhận những động thái quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhằm đưa vốn ra nền kinh tế, đặc biệt là việc ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nhưng tại sao vốn ra nền kinh tế vẫn nhỏ giọt, thưa ông?
Thông tư số 02/2023/TT-NHNN được ban hành kịp thời với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp. Thực ra, việc cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ không phải là chính sách mới, vì NHNN đã thực hiện một số lần, song hiệu quả dư nợ tín dụng không tăng như mong đợi, ngược lại, áp lực nợ xấu tăng lên ngân hàng rất lớn.
Để tránh “vết xe đổ”, song hành với cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, các ngân hàng thương mại vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro. Dự phòng rủi ro tăng, thì lãi suất cho vay khó có thể giảm như mong đợi của doanh nghiệp. Hơn nữa, mặt bằng lãi suất huy động khó giảm mạnh do thực hiện chính sách “lãi suất thực dương”.
Nhưng thưa ông, không có bất cứ văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo nào về “lãi suất thực dương”, quy định lãi suất huy động phải cao hơn lạm phát?
Đúng là chính sách “lãi suất thực dương” không được quy định trong bất cứ văn bản quy phạm pháp luật, văn bản điều hành chính sách tiền tệ nào.
Tôi nghĩ rằng, các cơ quan có thẩm quyền thực hiện chính sách lãi suất thực dương nhằm bảo đảm tính thanh khoản cho toàn hệ thống ngân hàng, bởi nếu lãi suất huy động thấp hơn lạm phát, thì người dân sẽ không gửi tiền tiết kiệm, khiến ngân hàng không có tiền để cho vay. Chính sách lãi suất thực dương chắc cũng hàm ý bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền tiết kiệm, vì tuyệt đại đa số người gửi tiền tiết kiệm là người có thu nhập không cao.
Như vậy, chính sách “lãi suất thực dương” có lý do để tồn tại, thưa ông?
Tôi không nghĩ như vậy. Vì hệ thống ngân hàng Việt Nam chưa bao giờ bị đe dọa bởi tính thanh khoản, mà lúc nào nguồn vốn cũng dồi dào, kể cả những năm dư nợ tín dụng tăng 18 – 20%. Nhiều nước trên thế giới áp dụng lãi suất tiền gửi 0%, thậm chí người gửi tiền tiết kiệm còn phải trả phí cho ngân hàng, nhưng hệ thống ngân hàng của những nước này chưa bao giờ mất tính thanh khoản. Vì vậy, không thể lấy lý do vì bảo đảm tính thanh khoản nên phải để lãi suất thực dương.
Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) bình quân những năm gần đây của Việt Nam rất thấp (năm 2020 tăng 3,23%; năm 2021 tăng 1,84%; năm 2022 tăng 3,15%; 8 tháng năm 2023 tăng tăng 3,1%), nhưng chưa bao giờ lãi suất huy động tiền gửi thời hạn 6 tháng trở lên dưới 5%. Lãi suất huy động cao, thì lãi suất cho vay cao là đương nhiên, vì vậy, cần xem lại quan điểm “lãi suất thực dương”.
Theo ông, còn nguyên nhân nào khiến lãi suất cho vay vẫn cao hay không?
Ngoài nguyên nhân lãi suất huy động cao, thì còn vì hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp hiện tại khá nhiều rủi ro. Rủi ro cao, thì lãi suất vay ngân hàng cao. Ngành nghề, lĩnh vực, doanh nghiệp nào có độ rủi ro càng cao, thì phải vay với lãi suất càng cao. Rủi ro cao, thì tỷ lệ nợ xấu cao, ngân hàng buộc phải trích lập dự phòng rủi ro khiến mặt bằng lãi suất cho vay của Việt Nam nhìn chung cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực.
Không ai nghĩ rằng Việt Nam lại đang xuất khẩu vốn (đầu tư vào trái phiếu trên thị trường quốc tế, trong đó có cả trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ). Việt Nam xuất khẩu vốn vì ngân hàng huy động ngoại tệ với lãi suất 0%, trong khi đối tượng được vay ngoại tệ rất hạn chế, khiến thừa ngoại tệ, nên đem đi đầu tư vào trái phiếu trên thị trường vốn quốc tế.
Tôi ủng hộ quan điểm phải xóa bỏ tình trạng đô-la hóa nền kinh tế. Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ phải được thực hiện bằng đồng Việt Nam (VND), nhưng phải có lộ trình. Tức là xem lại chính sách lãi suất huy động ngoại tệ 0%, thay vào đó, trả cho người gửi tiền tiết kiệm bằng ngoại tệ một mức lãi suất hợp lý, đồng thời nới rộng đối tượng được vay ngoại tệ. Khi đối tượng được vay ngoại tệ được mở rộng sẽ giảm áp lực vay VND, tạo điều kiện để giảm lãi suất cho vay VND, vì cầu vay nội tệ giảm.
Dư nợ tín dụng hiện tại khoảng 12,7 triệu tỷ đồng, nếu giảm lãi suất cho vay 1%, thì giảm gánh nặng cho nền kinh tế khoảng 127.000 tỷ đồng. Đây là số tiền rất lớn, cần phải nghiên cứu để hạ lãi suất thực, chứ không phải chỉ giảm trên văn bản, chính sách trong khi doanh nghiệp vẫn phải vay với lãi suất trên 10%/năm.
Nguồn: Báo đầu tư
Đăng nhập để bình luận.