Hiệp hội tiếp tục kiến nghị gia hạn lắp đặt Hệ thống quan trắc môi trường tự động và Giấy phép nhập khẩu giấy phế liệu
Căn cứ vào các Nghị quyết của Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh dịch covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nguy hiểm và khó lường. Hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa cả hai đầu, cung cấp nguyên vật liệu đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đều gặp khó khăn. Doanh nghiệp Ngành Giấy cũng như nhiều doanh nghiệp các ngành kinh tế khác phải oằn mình gánh chịu những khó khăn vất vả trong bối cảnh đại dịch. Chi phí nguyên liệu đầu vào gia tăng, cho phí hoạt động theo mô hình “3 tại chỗ, 2 điểm đến, 1 cung đường gia tăng”, chi phí xét nghiệm covid-19 liên tục cho người lao động cũng là những chi phí gây gánh nặng cho doanh nghiệp…
Trong khi đó, Nghị quyết số số 129/NQ-CP ngày 11/9/2020 về việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện một số quy định của Nghị định số 40/2019/NĐ-CP trong bối cảnh đại dịch covid-19 ban hành vào Quý III/2020. Đã gia hạn cho việc lắp đặt hệ thống quan trắc tự động môi trường và Giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu giấy phế liệu làm nguyên liệu sản xuất đến hết năm 2021.
Trong đó, Mục 14 của Nghị quyết số 129/NQ-CP ngày 11/9/2020 nêu rõ:
- Cho phép gia hạn thời gian hoàn thành việc lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục quy định tại khoản 20 và Khoản 23 Điều 3 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021 (thay vì ngày 31 tháng 12 năm 2020);
- Cho phép gia hạn đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021 đối với Giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 39 Điều 3 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP, đồng thời không phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được phê duyệt, nếu không thay đổi địa điểm, tăng quy mô công suất theo quy định tại Điều 20 Luật bảo vệ môi trường năm 2014.
Tuy nhiên, bước sang năm 2021, tình hình dịch covid diễn biến phức tạp hơn và căng thẳng kéo dài, gây ảnh hưởng và thiệt hại cho các doanh nghiệp còn nặng nề hơn so với năm 2020, thậm chí còn gây nguy hiểm đến tính mạng của người lao động. Từ đầu năm 2021 đến nay, các doanh nghiệp Ngành Giấy đang gặp rất nhiều khó khăn, không đủ nguyên liệu cho sản xuất, nguồn cung giấy phế liệu thiếu, chi phí logistics và vận tải đường biển tăng cao, nhà máy hoạt động cầm chừng, công nhân bắt buộc nghỉ luân phiên, xuất khẩu giảm sút, nhập khẩu thiết bị thay thế cũng gặp khó khăn, không có chuyên gia và kỹ sư để tổ chức thực hiện lắp đặt và giám sát lắp đặt các thiết bị thay thế…
Mặc dù trong thời gian kiến nghị gia hạn, các doanh nghiệp trong ngành vẫn bảo đảm các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường, vẫn thực hiện việc quan trắc môi trường định kỳ… Tác động của dịch covid-19 là rất lớn, các doanh nghiệp ngành giấy vẫn đang nỗ lực duy trì sản xuất và bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động.
Nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp hội viên nhanh chóng quay trở lại hoạt động bình thường, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, duy trì được hợp đồng với các đối tác. Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam tiếp tục kiến nghị, mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước, đồng hành cùng với doanh nghiệp, giúp đỡ doanh nghiệp vượt qua được đại dịch Covid-19 trong năm nay.
Hiệp hội kiến nghị và mong muốn hai nội dung trên được gia hạn đến hết ngày 31/12/2022./.
>>> Hiệp hội kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh Covid
>>> Đề xuất mức phí thẩm định cấp giấy phép môi trường
VPPA
Đăng nhập để bình luận.