Mới có 2,9% doanh nghiệp nhận được hỗ trợ từ chính sách
Cụ thể, tại thời điểm khảo sát (từ 10/4-20/4), mới chỉ có 2,9% doanh nghiệp chính thức nhận được sự hỗ trợ từ các chính sách. Trong khi đó, 21,2% doanh nghiệp đã biết tới Chỉ thị và đã được hướng dẫn nhưng chưa tiến hành thực hiện; 64,6% đã biết tới các chính sách hỗ trợ nhưng chưa biết đầu mối để tiếp cận, số doanh nghiệp còn lại thậm chí chưa biết đến các chính sách này.
Xét theo quy mô, nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ có tỷ lệ doanh nghiệp đã được tiếp cận được chính sách hỗ trợ thấp nhất, chỉ đạt 2,1%, trong khi 8,7% doanh nghiệp lớn đã được tiếp nhận hỗ trợ.
Nguyên nhân của sự bất cập này, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là thủ tục hành chính rườm rà, quy trình phức tạp, tiến độ thực hiện chậm, thái độ và tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ thực thi chính sách chưa thực sự mang tính hỗ trợ.
Bên cạnh đó, một số địa phương, cơ quan còn hiểu chưa đầy đủ và áp dụng cứng nhắc các quy định, biện pháp về phòng, chống dịch bệnh, gây khó khăn cho việc sản xuất, kinh doanh, lưu chuyển hàng hóa, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.
Chưa kể, nền kinh tế khó khăn đã ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới hầu hết ngành và nhóm doanh nghiệp, nhưng phạm vi áp dụng của các giải pháp chỉ đang tập trung vào một số ngành trọng điểm. Nhiều doanh nghiệp thực tế bị ảnh hưởng lớn bởi tác động của dịch Covid-19 nhưng không được nhận hỗ trợ do không thuộc những nhóm ngành được hỗ trợ đã liệt kê trong giải pháp.
>> Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Cải cách thể chế làm “bệ đỡ” cho doanh nghiệp vượt qua đại dịch
Đồng thời, Bộ KH&ĐT đánh giá các kênh truyền thông và hướng dẫn thực hiện chính sách chưa thực sự hiệu quả, kịp thời như mong đợi. Mong mỏi lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay, là việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đảm bảo việc hiểu và thực hiện đúng các quy định, chính sách của đội ngũ cán bộ thực thi chính sách, không gây khó khăn, sách nhiễu cho doanh nghiệp, hơn là các hỗ trợ bằng tiền.
Thực tế, khoảng 86% doanh nghiệp được khảo sát cho biết bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Trong đó, doanh nghiệp có quy mô càng lớn thì tỷ lệ chịu tác động càng cao. Doanh thu quý I của các doanh nghiệp giảm mạnh xuống còn 74,1% so với cùng kỳ năm 2019, dự kiến 4 tháng đầu năm sẽ tiếp tục giảm xuống còn gần 70%.
Mặc dù vậy, doanh nghiệp vẫn phải gánh chịu các khoản chi phí hàng ngày như lương và các khoản chi phí liên quan cho người lao động, chi phí lãi vay, thuê mặt bằng… Một trong những khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay là thiếu vốn, đặc biệt là vốn lưu động. Trên 45% doanh nghiệp đang thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh..
Những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 cũng khiến số doanh nghiệp thành lập mới giảm mạnh. Cụ thể, con số này giảm 13,2% so với cùng kỳ năm 2019 với tổng số vốn đăng ký bổ sung giảm 20,4%. Đồng thời, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn cũng tăng mạnh, tăng 33,6% so với cùng kỳ năm trước.
Đăng nhập để bình luận.