Nền kinh tế đang rất khó khăn

Ngày 09-05-2023
VPPA-Sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 23, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách. Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế, nền kinh tế đang rất khó khăn, triển vọng tăng trưởng khó đột phá, ít nhất trong quý II.

Không thúc được giải ngân đầu tư công sẽ khó cho tăng trưởng. Ảnh minh họa ITN

“Rất khó tìm cơ hội tăng trưởng”

Trong Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2023 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 23 (diễn ra từ ngày 9 – 12.5.2023), Ủy ban Kinh tế chỉ rõ: tăng trưởng GDP quý I.2023 chỉ đạt 3,32% – mức rất thấp trong điều kiện bình thường. Thêm vào đó, mức tăng trưởng này trên cơ sở nền thấp của quý I.2022 khi nền kinh tế lúc đó vẫn đang chịu tác động bởi các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội để phòng dịch Covid-19. Điều đó cho thấy nền kinh tế thực sự đang rất khó khăn. “Triển vọng tăng trưởng GDP quý II.2023 khó đột phá khi kinh tế trong nước và quốc tế tiếp tục triển vọng thiếu tích cực”.

Nhận định này được củng cố thêm bởi những chỉ dấu như: khu vực công nghiệp và xây dựng ghi nhận mức tăng trưởng âm 0,4% trong quý I.2023, trong đó hầu hết các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo vốn là động lực chính của tăng trưởng đều sụt giảm, như ô tô giảm 17,8%, thép thanh, thép góc giảm 15,8%, xe máy giảm 13,8%, linh kiện điện thoại giảm 13,4%… Chỉ số Nhà Quản trị mua hàng PMI vẫn nằm dưới ngưỡng 50 điểm trong tháng 4, về mức 46,7 điểm, là lần giảm mạnh nhất trong năm tính đến thời điểm này khi sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh hơn, hàng tồn kho tăng cao. Số liệu tiêu thụ điện 4 tháng đầu năm giảm 0,4% so với cùng kỳ cũng cho thấy các hoạt động sản xuất suy giảm.

Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm 2% so với cùng kỳ, trong khi số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể tăng 39,9%. Khó khăn hàng đầu của doanh nghiệp là tiếp cận tín dụng, thị trường bị thu hẹp. Xuất khẩu cũng giảm tới 11,8% so với cùng kỳ, trong đó các ngành như dệt may giảm tới trên 19%, điện thoại và linh kiện giảm 17,3%, giày dép giảm 16,3%… (theo Tổng cục Thống kê). Trong quý II.2023, “tình hình vẫn không mấy khả quan”. “Tình trạng thiếu đơn hàng, đơn hàng nhỏ lẻ, số lượng ít, đơn giá thấp vẫn sẽ kéo dài đến hết quý III”, Ủy ban Kinh tế nhận định.

TS. Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong cũng cho rằng, rất khó tìm cơ hội tăng trưởng trong quý II, trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng thế giới giảm do khả năng suy thoái kinh tế nhẹ, lãi suất các nước tăng cao, lạm phát ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu của Việt Nam. Trong nước, tiêu dùng nội địa cũng suy giảm. Điển hình là trong kỳ nghỉ lễ 30.4 và 1.5 vừa qua, khách du lịch đến Phú Quốc – một trong những trọng điểm về du lịch biển – sụt giảm tới 11,5% so với cùng kỳ; hay hệ thống Thế giới Di động đã giảm tới 12.000 nhân sự trong nửa năm qua có nguyên nhân vì tình hình kinh tế và sức mua giảm sút.

Cũng theo ông Tùng, động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng là đầu tư công, song giải ngân vẫn rất chậm, mới đạt gần 15% trong 4 tháng qua. Nhìn chung, “chưa thấy có tín hiệu tích cực nào xét cả bên trong và bên ngoài”. Như vậy, mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm nay vào khoảng 6,5% là một thách thức rất lớn!

“Cải thiện môi trường kinh doanh không được coi trọng như trước

Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế, kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Những khó khăn, thách thức này đến từ cả yếu tố bên ngoài, cả yếu tố bên trong, có nguyên nhân khách quan và cũng có nguyên nhân chủ quan.

Trong đó, công tác dự báo, tham mưu còn bị động, phản ứng chính sách trong một số thời điểm chưa kịp thời, chưa lường trước và có kịch bản ứng phó với những khó khăn từ môi trường kinh tế thế giới. Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa chặt chẽ, nhịp nhàng, nhất là xuất hiện những vấn đề mới phát sinh, chưa có tiền lệ. Một bộ phận cán bộ thực thi còn tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm trong triển khai công vụ.

Báo cáo của Ủy ban Kinh tế cũng ghi nhận ý kiến cho rằng, hiện nay việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia không được coi trọng như trước (không có chương trình hay kế hoạch riêng về cải thiện môi trường kinh doanh mà lồng ghép thành một phần trong Nghị quyết của Chính phủ). Bên cạnh đó, thái độ đồng hành, chia sẻ, cảm thông đối với những khó khăn của người dân và doanh nghiệp đã suy giảm. Cách thức làm việc theo tư tưởng kiến tạo, tuân theo quy luật kinh tế thị trường, đồng hành cùng doanh nghiệp bị thay thế bởi cách thức làm thiên về kiểm tra, kiểm soát, can thiệp hành chính chủ quan, coi doanh nghiệp là đối tượng quản lý… Những điều này đã tác động hết sức tiêu cực đến hoạt động, sản xuất kinh doanh.

Dẫn kết quả khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy “khoảng 19% ý kiến doanh nghiệp cho rằng chính quyền cấp tỉnh sẽ “trì hoãn việc thực hiện và đợi xin ý kiến chỉ đạo” hoặc “không làm gì” khi phát hiện những điểm chưa rõ ràng trong chính sách/văn bản trung ương”, Ủy ban Kinh tế cho rằng, điều này phần nào cho thấy tình trạng thiếu năng động, sợ trách nhiệm đang tồn tại ở một số địa phương trên cả nước. Có ý kiến cho rằng quá trình ra quyết định của các bộ, địa phương hiện nay rất phức tạp và mất thời gian. Đây chính là những nút thắt gây đình trệ các hoạt động kinh tế – xã hội.

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ báo cáo, làm rõ vấn đề này, nhất là nguyên nhân, trách nhiệm để có giải pháp phù hợp.

Nguồn: Daibieunhandan.vn

Bình luận của bạn

Tin liên quan

Tin đã đăng