Ngân hàng lấy ý kiến giãn nợ do dịch COVID-19
Doanh nghiệp được giãn nợ đến 90 ngày sau khi hết dịch COVID-19 nhằm đảm bảo phù hợp với khả năng phục hồi dòng tiền. Đồng thời, xây dựng tiêu chí đánh giá thiệt hại để có chính sách hỗ trợ phù hợp, tránh lợi dụng.
Doanh nghiệp nợ kéo theo ngân hàng khó khăn
Theo Ngân hàng Nhà nước, qua báo cáo sơ bộ của 23 tổ chức tín dụng, có khoảng 926.000 tỉ đồng dư nợ, chiếm khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống bị ảnh hưởng bởi dịch này.
Trong đó, một số ngành bị ảnh hưởng lớn gồm nông, lâm nghiệp và thủy sản, doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ lưu trú, ăn uống, thực phẩm, đồ uống, vận tải, dệt may, da giày, điện tử, điện lạnh, dầu khí, du lịch, giáo dục…
Ngoài các doanh nghiệp, cá nhân làm trong các lĩnh vực trên gặp khó khăn bởi dịch COVID-19, thì cá nhân vay mua nhà, mua xe, vay tiêu dùng khác cũng gặp khó trong trả nợ do không có nguồn thu nhập. Vì thế, cũng cần có chính sách hỗ trợ các đối tượng này.
Đánh giá mức độ thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra, lãnh đạo của nhiều ngân hàng cho rằng lợi nhuận của chính ngân hàng cũng bị giảm trong năm nay bởi khách vay bị ảnh hưởng do doanh thu sụt giảm, không có nguồn để trả lãi.
Chính vì vậy, ngân hàng cũng gặp khó khăn và là ảnh hưởng dây chuyền. Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân vay vốn, ngân hàng phải chung tay, chia sẻ với khách hàng, đồng thời cũng chính là để cứu mình.
Theo Ngân hàng Nhà nước, trong vòng 3 tuần qua, các ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay cho trên 44.000 khách vay với dư nợ khoảng 222.000 tỉ đồng để chia sẻ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục thiệt hại.
Gần 30 NHTM đã đồng hành cùng CTCP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) triển khai các chương trình miễn, giảm phí chuyển tiền nhằm chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng và khách hàng, góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.
Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) đã giảm mức thu dịch vụ thông tin tín dụng để giúp các tổ chức tín dụng giảm chi phí, hạ lãi suất, qua đó gián tiếp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của người dân và doanh nghiệp.
Doanh nghiệp được giãn nợ 90 ngày sau hết dịch
Thông tin trên được nêu ra tại dự thảo Thông tư hướng dẫn cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra lấy ý kiến.
Theo dự thảo Thông tư, các ngân hàng được giữ nguyên nhóm nợ như đã phân loại theo quy định của NHNN tại thời điểm gần nhất trước thời điểm ngày 23-1- 2020 đối với phần dư nợ của các khoản nợ quy định trên mà thời hạn trả nợ gốc, lãi trong khoảng từ ngày 23-1-2020 đến thời điểm liền sau 90 ngày, kể từ ngày cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công bố hết dịch COVID -19.
Bao gồm cả nợ đã cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi vay trong khoảng thời gian từ ngày 23-1-2020 đến ngày thông tư có hiệu lực thi hành và đã chuyển nhóm nợ theo quy định trước đây. Đây là thời gian doanh nghiệp, người dân bắt đầu chịu ảnh hưởng của dịch COVID -19, phù hợp với thời điểm phát hiện trường hợp đầu tiên dương tính với dịch COVID -19.
Thời điểm chốt hạn trả nợ gốc, lãi đến thời điểm liền sau 90 ngày, kể từ ngày cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công bố hết dịch COVID -19 được quy định để đảm bảo phù hợp với khả năng phục hồi dòng tiền của khách hàng sau khi hết dịch.
Về các trường hợp được lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, dự thảo thông tư quy định hai trường hợp.
Một là khoản nợ chưa chuyển nợ quá hạn mà khách hàng được đánh giá không có khả năng trả đầy đủ nợ gốc, lãi theo hợp đồng đã ký, do chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Hai là khoản nợ đã chuyển nợ quá hạn trong khoảng thời gian từ ngày 23-1-2020 đến ngày thông tư được ký ban hành do chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Tổng thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định trên không vượt quá thời gian cấp tín dụng ban đầu theo hợp đồng đã ký.
Ngân hàng xây dựng quy định tiêu chí khoản nợ do dịch
Cũng theo dự thảo Thông tư hướng dẫn, các ngân hàng được quyền quyết định, chịu trách nhiệm về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ nhưng phải đảm bảo một số nội dung quan trọng.
Cụ thể, phải có quy định cụ thể về tiêu chí xác định khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhiệm vụ, trách nhiệm của cá nhân, bộ phận trong việc thực hiện để thống nhất trong toàn hệ thống.
Đồng thời phải theo dõi, kiểm tra, kiểm soát, giám sát, phòng ngừa và ngăn chặn việc lợi dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ để trục lợi, phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng…
Đối với số lãi phải thu của phần dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại thông tư này, ngân hàng không phải hạch toán thu nhập mà thực hiện theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu, khi thu được thì hạch toán vào thu nhập.
VPPA tổng hợp từ Tuổi trẻ, FILI
Đăng nhập để bình luận.