Ngành tái chế giấy hồi sinh nhờ dịch bệnh

Ngày 17-12-2020
VPPA-Gần một năm thế giới sống chung với đại dịch COVID-19, rất nhiều điều chưa từng có tiền lệ đã xảy ra bao gồm sự hồi sinh và phát triển bất ngờ của ngành công nghiệp tái chế giấy sau nhiều năm hoạt động trầy trật.

thi-truong-occ-tai-chau-a-tiep-tuc-dien-bien-nong

Báo Wall Street Journal có bài phóng sự mô tả ngành công nghiệp tái chế giấy vụn, giấy tạp ở Mỹ được “thổi luồng sinh khí mới” một cách đầy bất ngờ.

Bỗng dưng thành hàng “hot”

Trước đây, khi Trung Quốc vẫn còn nhập khẩu rác, nhiều hãng giấy Mỹ không muốn đầu tư hạ tầng tái chế nguồn vật liệu này. Nhưng nay, khi Trung Quốc siết chặt các tiêu chuẩn nhập khẩu rác giấy từ nước ngoài cộng với xu hướng mua hàng online gia tăng, nhu cầu dùng hộp cactông đựng hàng tăng mạnh, quan điểm đó đã thay đổi.

Theo báo Wall Street Journal, các công ty sản xuất giấy và bìa cứng của Mỹ đã tìm ra hướng đi mới, biến giấy tạp thành giấy vệ sinh, ly cà phê dùng một lần, khăn giấy và thùng cactông đựng hàng hóa. Trong dịch bệnh, các công ty này luôn có nguồn cung vật liệu phong phú vì số người đặt mua hàng hóa, thực phẩm giao tới tận nhà cũng nhiều hơn.

Các loại giấy tạp gồm nhiều kiểu giấy trộn lẫn như tạp chí, catalogue, danh bạ điện thoại, tờ rơi quảng cáo, bao bì, hộp cactông qua sử dụng… đang trở thành loại hàng hóa có nhu cầu cao tại Mỹ.

Ông Kevin Hudson, phó chủ tịch phụ trách sợi tái chế của Công ty giấy WestRock, xác nhận với truyền thông Mỹ là kể từ khi xảy ra đại dịch COVID-19, lượng bìa giấy từ các chương trình thu gom rác ở khu dân cư cũng tăng lên đáng kể.

Nguồn vật liệu thay thế

Công ty WestRock (có trụ sở tại Atlanta, Mỹ) quản lý 18 nhà máy chuyên phân loại đủ kiểu vật liệu tái chế mới đây đã khởi động chiến dịch nâng cao nhận thức, khuyến khích người dân bỏ các hộp đựng bánh pizza vào thùng rác. Mỗi năm trung bình người Mỹ thải ra khoảng 3 tỉ chiếc hộp này.

Theo WestRock, bất kể lượng bơ, phô mai còn sót lại, các hộp đó vẫn có thể được xử lý “ngon lành” thành bột giấy tái chế để sản xuất bìa cactông mới. Một số hãng cũng đang dùng giấy tạp làm nguồn vật liệu thay thế giấy vụn văn phòng vốn đã giảm mạnh thời gian qua.

Ông John Mulcahy, phó chủ tịch phát triển bền vững của Công ty Georgia Pacific chuyên sản xuất giấy vệ sinh và khăn giấy cho các tòa nhà thương mại và khách sạn từ giấy tạp, cho biết nguồn vật liệu này đang chứng tỏ có thể bù đắp đủ cho lượng hụt đi của giấy vụn văn phòng.

Trong vài năm qua, công ty sở hữu các thương hiệu như ly Dixie, khăn giấy Brawny và giấy vệ sinh Quilted Northern này đã đầu tư khoảng 45 triệu USD tại các nhà máy ở thành phố Green Bay, bang Wisconsin và thành phố Muskogee, bang Oklahoma để sản xuất bột giấy từ giấy tạp tái chế (gồm cả ly cà phê giấy).

Theo ông Bill Moore, một chuyên viên cố vấn về giấy tái chế ở bang Georgia, lượng bìa cactông từ các gia đình ở những khu đô thị lớn thải ra chiếm tới 1/3 số giấy tạp đổ về các nhà máy tái chế, cao hơn so với tỉ lệ 5% của vài năm trước. Cũng theo chuyên gia này, việc gia tăng tỉ lệ hộp bìa cactông khiến giấy tạp trở nên có giá hơn vì những sợi dài hơn trong bìa cứng giúp bột giấy tái chế dai hơn, có thể dùng làm khăn giấy lụa và hộp giao hàng cùng nhiều loại hộp đựng khác.

Theo hãng nghiên cứu thị trường Fastmarkets RISI, do nhu cầu tăng của các nhà máy tái chế, sản xuất giấy ở Mỹ, giá bán giấy tạp cũng tăng từ 0 USD hồi đầu năm lên khoảng 30 USD một tấn trong tháng 11-2020.

Đây thực sự là cú hích tài chính quan trọng với các đơn vị xử lý, thu gom rác và các thành phố đã lao đao những năm qua khi nguồn thu từ các chương trình tái chế rác sụt giảm nghiêm trọng.

Ông Brent Bell, phó chủ tịch phụ trách tái chế của Công ty Waste Management – đơn vị thu gom rác lớn nhất của Mỹ có trụ sở tại thành phố Houston, bang Texas, lạc quan cho rằng đó là một nguồn vật liệu có giá trị. Công ty Waste Management đã mở thêm các nhà máy ở Chicago và Salt Lake City để xử lý vật liệu tái chế hiệu quả và ít chất ô nhiễm hơn, nhất là với giấy và bìa cứng – loại chiếm tỉ lệ lớn nhất trong số rác thu gom.

Ngành tái chế giấy hồi sinh nhờ dịch bệnh

Theo Tuổi trẻ

Bình luận của bạn

Tin liên quan

Tin đã đăng