Nghịch lý nguyên liệu ngành giấy
Khó khăn lớn nhất của ngành giấy là mất cân đối nghiêm trọng giữa khâu sản xuất bột giấy và sản xuất giấy…
Đã từ lâu nay, trong ngành giấy vẫn diễn ra một nghịch lý là trong khi hàng năm nước ta xuất khẩu hàng trăm nghìn tấn mảnh gỗ nguyên liệu giấy mang lại giá trị thấp, thì lại phải bỏ ra một lượng lớn nguồn ngoại tệ để nhập khẩu bột giấy và giấy.
Năm 2007, cả nước phải nhập khẩu hơn 820 nghìn tấn giấy các loại, tăng 16% so với năm 2006 và trên 130 nghìn tấn bột giấy.
“Đói” bột giấy
Theo ông Võ Sỹ Dởng, Tổng giám đốc Tổng công ty Giấy Việt Nam (VINAPACO), năm 2008 lượng giấy nhập khẩu sẽ lên tới khoảng 1 triệu tấn. Tính đến hết tháng 7/2008, cả nước đã nhập khẩu 118 nghìn tấn bột giấy và 585 nghìn tấn giấy các loại. Tuy nhiên, các loại giấy in, viết, giấy in báo vẫn không đáp ứng nổi nhu cầu.
Ông Dởng cho biết, nhu cầu sử dụng giấy của toàn xã hội ngày càng lớn, trong khi năng lực sản xuất trong nước chưa thể đáp ứng được. Bên cạnh đó, công tác phát triển rừng nguyên liệu đang gặp khó khăn về đất đai, hiện tượng chặt phá rừng có những diễn biến phức tạp, chất lượng thiết kế và tiến độ hoàn thành sơ đồ thiết kế trồng, chăm sóc, khai thác nguyên liệu giấy chưa đạt được yêu cầu.
VINAPACO là doanh nghiệp nhà nước sản xuất giấy chủ lực của Việt Nam, hiện có trên 1 vạn cán bộ, công nhân được đào tạo thuộc các ngành công nghệ giấy, hóa chất, cơ khí chế tạo máy, điện, lâm nghiệp…, nhưng mỗi năm cũng chỉ sản xuất chưa đến 300 nghìn tấn giấy các loại.
Toàn tổng công ty hiện mới có 3 đơn vị sản xuất giấy đứng đầu cả nước về công nghệ và năng lực sản xuất giấy là giấy Bãi Bằng, giấy Tân Mai và giấy Việt Trì, nhưng mỗi năm cũng chỉ sản xuất được từ 56 nghìn đến 110 nghìn tấn giấy các loại, còn các cơ sở khác quy mô nhỏ hơn với thiết bị cũ kỹ và công nghệ lạc hậu nên sản lượng không đáng kể.
Nhìn chung, cho đến nay, ngành công nghiệp giấy và bột giấy của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế cả về công suất, thiết bị và trình độ công nghệ, nhất là công nghệ tự động hóa trong sản xuất còn kém xa so với các nước trong khu vực và trên thế giới nên chưa đủ khả năng cạnh tranh.
Hiện nay, khó khăn lớn nhất của ngành sản xuất giấy nước ta là mất cân đối nghiêm trọng giữa khâu sản xuất bột giấy và sản xuất giấy.
Năng lực sản xuất bột giấy mới chỉ đáp ứng được 1/2 nhu cầu sản xuất giấy. Do đó, ngành công nghiệp giấy luôn phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu và giá cả bột giấy. Bột giấy nhập khẩu và các vật tư khác dùng sản xuất giấy tăng khoảng 15-20% và lãi suất vay vốn tín dụng hơn 20%, trong khi đó, giá bán giấy thành phẩm chỉ tăng từ 5-10% nên đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành giấy.
Hiện chỉ có Công ty Giấy Bãi Bằng và Công ty Cổ phần Giấy Tân Mai là chủ động đáp ứng được khoảng 80% tổng số bột cho sản xuất giấy.
Tìm giải pháp
Theo lãnh đạo của VINAPACO, nhằm khắc phục tình trạng xuất khẩu mảnh gỗ dăm nguyên liệu, nhập bột giấy và giấy như hiện nay, nhiều thành phần kinh tế trong nước và một số doanh nghiệp nước ngoài đang cố gắng đầu tư vào các dự án sản xuất bột giấy và giấy.
Riêng VINAPACO đang khẩn trương triển khai các dự án lớn như: dự án Nhà máy giấy và bột giấy Thanh Hóa với công suất 100 nghìn tấn bột giấy/năm và từ 100 nghìn đến 130 nghìn tấn giấy/năm chủ yếu bằng nguồn nguyên liệu trên địa bàn. Được biết, dự án trồng cây nguyên liệu giấy Thanh Hóa được Chính phủ phê duyệt với tổng vốn đầu tư 800 tỷ đồng.
Dự án đầu tư và mở rộng Công ty Giấy Bãi Bằng giai đoạn 2 có công suất 250 nghìn tấn bột giấy tẩy trắng/năm bằng nguồn nguyên liệu đã được trồng theo quy hoạch của dự án này; dự án sản xuất bột và giấy Tân Mai (Quảng Ngãi) có công suất 300 nghìn tấn bột giấy và 220 nghìn tấn giấy trắng phấn nhẹ/năm, cùng với dự án giấy Tân Mai – miền Đông có công suất 150 nghìn tấn giấy in báo/năm và dự án của Tổng công ty Cổ phần Giấy Bãi Bằng, có công suất 50 nghìn tấn giấy in, giấy viết/năm…
Nhằm đảm bảo các dự án đầu tư sản xuất giấy và bột giấy đi vào hoạt động đúng tiến độ và có hiệu quả, VINAPACO đề nghị Chính phủ có chính sách ưu đãi về đầu tư vốn đối với ngành công nghiệp giấy; được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách cho các hạng mục nghiên cứu khoa học; xây dựng cơ sở hạ tầng và hạng mục xử lý môi trường đối với các khu công nghiệp giấy thông qua các đề tài, dự án phục vụ sản xuất và bảo vệ môi trường; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực từ công nhân kỹ thuật, cao đẳng, đại học và trên đại học trong nước và nước ngoài; coi cây công nghiệp giấy như các cây cao su, cà phê, từ đó có quy hoạch đất đủ màu mỡ với diện tích đủ lớn để thâm canh, tăng năng suất cây trồng, đáp ứng đủ nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất bột giấy.
Đăng nhập để bình luận.