Nhiều lợi ích cho doanh nghiệp từ mô hình kinh tế tuần hoàn

Ngày 30-07-2019
VPPA-Nhiều biện pháp để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn đã được các chuyên gia đề xuất tại hội thảo “Mô hình kinh tế tuần hoàn với vai trò thúc đẩy tăng trưởng liên ngành hiệu quả” tổ chức tại Hội thảo do Bộ TN&MT, Phòng Thương mại – công nghiệp VN (VCCI) và […]

Nhiều biện pháp để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn đã được các chuyên gia đề xuất tại hội thảo “Mô hình kinh tế tuần hoàn với vai trò thúc đẩy tăng trưởng liên ngành hiệu quả” tổ chức tại

Hội thảo do Bộ TN&MT, Phòng Thương mại – công nghiệp VN (VCCI) và Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững VN (VBCSD) phối hợp tổ chức với sự tham gia của hơn 60 doanh nghiệp.

TS Nguyễn Hoàng Nam (Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường) cho biết Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo đến năm 2050, tổng khối lượng rác thải nhựa thải ra biển sẽ nhiều hơn tổng khối lượng cá. 

Riêng tại VN, các báo cáo của WB đã chỉ ra ô nhiễm không khí khiến VN mất đi 5,18% GDP năm 2013 và ô nhiễm nước có thể gây thiệt hại 3,5% GDP vào năm 2035.

Do đó, theo TS Nam, việc thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, trong đó đẩy mạnh tái chế, tái sử dụng các sản phẩm sẽ là biện pháp hữu hiệu để VN giảm rác thải ra môi trường. 

Hiện mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Ninh Bình, Đà Nẵng và Cần Thơ với việc thúc đẩy quá trình tái chế bằng cách rác thải của các ngành này sẽ trở thành nguồn nguyên liệu của những ngành khác đã giúp các doanh nghiệp tiết kiệm 6,5 triệu USD/năm.

Nhiều lợi ích cho doanh nghiệp từ mô hình kinh tế tuần hoàn - Ảnh 2.
TS Nguyễn Hoàng Nam (Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường) chia sẻ tại hội thảo – Ảnh: N.H.

Ông Nguyễn Quang Vinh – tổng thư ký VCCI – cho biết dù khái niệm nền kinh tế tuần hoàn đã bắt đầu trở nên phổ biến ở VN nhưng việc ứng dụng mô hình vào thực tiễn vẫn còn rất hạn chế, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tương tự, ông Phạm Hoàng Hải (Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững VN) cho biết việc thúc đẩy quá trình tái chế, tái sử dụng hiện chưa được đẩy mạnh bởi hệ thống pháp lý chưa khuyến khích tái chế, việc giám sát thực thi luật chưa chặt chẽ và chưa có sự đầu tư đúng mức với ngành công nghiệp tái chế. 

Đối với các doanh nghiệp, các giải pháp ngắn hạn đều thất bại, không tạo được sự khác biệt và lượng nguyên liệu cho tái chế chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với tổng sản phẩm đưa ra thị trường… 

Theo ông Hải, hiện VCCI đã xây dựng sáng kiến về thị trường nguồn nguyên vật liệu thứ cấp tại VN dựa trên nền tảng công nghệ thông tin. 

Trong đó, các doanh nghiệp sẽ tham gia mạng lưới để chia sẻ thông tin, hướng đến các nguồn chất thải của ngành này sẽ là nguồn nguyên liệu của các ngành khác.

Nhiều lợi ích cho doanh nghiệp từ mô hình kinh tế tuần hoàn - Ảnh 3.

Hiện nay, 4 trên 6 nhà máy bia của Heineken Việt Nam sử dụng nhiệt năng từ năng lượng tái tạo và nhiên liệu sinh khối, không phát thải cacbon – Ảnh: T.M.

Từ thực tế của doanh nghiệp đã áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn từ nhiều năm qua, ông Matt Wilson – giám đốc cấp cao Heineken Việt Nam – cho biết doanh nghiệp này đã tái sử dụng và tái chế 99% phế thải và phụ phẩm. 

Hiện nay, 100% nước thải được xử lý, tái sử dụng để tưới cây, vệ sinh, nuôi cá và một phần nước thải tái sử dụng làm khí sinh học. 

Ngoài ra, vỏ trấu sẽ được tận dụng để làm nhiên liệu sinh khối phục vụ quy trình sản xuất của nhà máy. 

Theo ông Matt Wilson, bã hèm hiện được tái chế thành thức ăn cho gia súc, bùn sau xử lý nước thải cũng được tái chế thành phân bón và việc sản xuất tại nhà máy cũng dùng điện mặt trời. 

Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng đã thu gom nắp chai bia, tái chế làm vật liệu xây cầu tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Thế nào là kinh tế tuần hoàn?

Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng trong nền kinh tế tuyến tính truyền thống, các nhà sản xuất khai thác tài nguyên thiên nhiên để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ, sau đó phế thải từ sản xuất và tiêu dùng bị đưa đi chôn lấp, thậm chí thải ra môi trường tự nhiên.

Ngược lại, nền kinh tế tuần hoàn chính là một giải pháp thay thế bền vững mô hình truyền thống nói trên.

Trong nền kinh tế tuần hoàn, các nhà sản xuất chú trọng kéo dài thời hạn và tận dụng tối đa giá trị sử dụng của tài nguyên, sau đó quản lý và tái tạo những sản phẩm và tài nguyên này vào cuối vòng đời sử dụng.

Như vậy, việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ giúp giảm phát thải, thúc đẩy sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, góp phần giải quyết các vấn đề về khan hiếm và bảo tồn tài nguyên, đồng thời hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế Việt Nam.

Gom nắp bia xây cầu

Năm 2018, Heineken Việt Nam đã thực hiện chương trình thu gom và tái chế hơn 1 tấn nắp chai bia thành vật liệu sắt phục vụ xây dựng cầu cho cộng đồng địa phương tại tỉnh Tiền Giang.

Sáng kiến đã thúc đẩy các hoạt động tái chế và giảm rác thải, góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu cho cộng đồng.

Tiếp nối thành công tại tỉnh Tiền Giang, chương trình sẽ được mở rộng ra toàn quốc với một cây cầu mới sẽ được khánh thành tại tỉnh An Giang vào tháng 9 này và tiếp theo là tại TP.HCM vào đầu năm 2020.

Theo Tuổi trẻ

Bình luận của bạn

Tin liên quan

Tin đã đăng