Những dấu ấn kinh tế nổi bật của Việt Nam năm 2023

Ngày 29-12-2023
VPPA-Cùng VnBusiness điểm lại những dấu ấn nổi bật của kinh tế Việt Nam trong năm 2023 - một năm đầy khó khăn, thách thức nhưng cũng có những điểm sáng, những nỗ lực chuyển biến và thành quả đầy ấn tượng.

Năm 2023, Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế ghi nhận là quốc gia đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế.

1.Giữ đà tăng trưởng ổn định

Tăng trưởng GDP cả năm khoảng 5%, là nỗ lực rất lớn trong bối cảnh tình hình chung toàn cầu rất khó khăn, giúp nền kinh tế nước ta vẫn thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới.

Fitch Ratings đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ (từ mức BB), với triển vọng “Ổn định”. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, tăng 1 bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới.

Năm 2023, Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế ghi nhận là quốc gia đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.

Khu vực nông nghiệp là điểm sáng và tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế trong khó khăn; khu vực dịch vụ phát triển khá sôi động, khu vực công nghiệp và xây dựng từng bước phục hồi.

2. Điểm sáng xuất khẩu nông sản

Trong bối cảnh thị trường gặp nhiều khó khăn, xuất khẩu nông sản đã trở thành điểm sáng đáng ghi nhận khi giá trị kim ngạch năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD. Nổi bật nhất là sự bứt phá mạnh mẽ của những mặt hàng thế mạnh là gạo và rau quả.

Kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2023 đạt tới 5,6 tỷ USD, là mức kỷ lục của ngành hàng này từ trước tới nay, trong đó nổi bật nhất là xuất khẩu sầu riêng.

Với mặt hàng gạo, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến hết nửa đầu tháng 12/2023, Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 7,9 triệu tấn gạo, trị giá hơn 4,5 tỷ USD, tăng 11% về lượng và 29% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Với mặt hàng rau quả, xuất khẩu năm 2023 đạt tới 5,6 tỷ USD, là mức kỷ lục của ngành hàng này từ trước tới nay. Kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2023 bứt phá mạnh mẽ, vượt 40% kế hoạch đầu năm và tăng gần 66% so với cùng kỳ năm 2022.

3.Giữ vững mức tăng thu hút FDI

Giữa những bất định của suy giảm kinh tế toàn cầu, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn giữ vững với mức tăng 32,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 36,61 tỷ USD, là năm cao thứ ba trong giai đoạn từ 2008 đến nay.

Giữa những bất định của suy giảm kinh tế toàn cầu, thu hút đầu tư nước ngoài vẫn giữ vững với mức tăng 32,1% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022, là mức giải ngân kỷ lục từ trước tới nay trong bối cảnh thương mại đầu tư toàn cầu bị thu hẹp. Xếp hạng môi trường kinh doanh Việt Nam cũng tăng 12 bậc trên toàn cầu.

Trong tổng vốn đăng ký hơn 36,6 tỷ USD, thì vốn đăng ký mới đạt gần 20,19 tỷ USD, tăng 62,2% so với cùng kỳ. Số dự án đăng ký mới cũng đạt 3.188 dự án, tăng 56,6%. Như vậy, cả dự án mới và vốn đăng ký mới đều tăng mạnh. Đây là một điểm rất đáng ghi nhận.

Ngoài vốn đăng ký mới, năm 2023 cũng ghi nhận 1.262 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 14% so với cùng kỳ), với tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt hơn 7,88 tỷ USD (giảm 22,1% so với cùng kỳ).

4. Thương mại điện tử tiếp tục bứt phá

Thương mại điện tử tiếp tục giữ vững vị trí top đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng, tạo động lực phát triển kinh tế số và dẫn dắt chuyển đổi số, với quy mô năm 2023 đạt 20,5 tỷ USD, tăng khoảng 4 tỷ USD (tương đương 25%) so với năm 2022.

Báo cáo e-Conomy SEA 2023 của Google, Temasek và Bain & Company về nền kinh tế số của Đông Nam Á năm 2023 (công bố hồi đầu tháng 11/2023) cho thấy, Việt Nam đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á về quy mô nền kinh tế số với tổng giá trị hàng hóa khoảng 30 tỷ USD.

Bán hàng đa kênh duy trì vị trí đứng đầu trong xu hướng thương mại điện tử năm 2023. Khảo sát cho thấy có khoảng 56% khách hàng sử dụng smartphone nghiên cứu về sản phẩm khi đang ở trong cửa hàng bán lẻ. Bên cạnh đó, 75% người dùng sử dụng nhiều kênh khác nhau như website, mạng xã hội, cửa hàng… để mua sắm. Và khoảng 73% tiếp cận đa kênh trong suốt hành trình trải nghiệm.

5.Dấu ấn cải thiện môi trường kinh doanh

Năm 2023 cũng là năm có nhiều dấu ấn cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Để cải thiện môi trường kinh doanh, tăng trợ lực cho doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.

Để góp phần giúp doanh nghiệp đối phó với những biến động và khó khăn trong năm 2023, Chính phủ, Quốc hội đã ưu tiên hàng đầu là ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế thị trường, bảo vệ môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch, đảm bảo các tiêu chí của tự do kinh tế là những ưu tiên quan trọng.

Một trong những chính sách mang lại hiệu quả rõ rệt, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, tiếp tục được thực hiện đến giữa năm 2024, đó là chính sách hỗ trợ thuế, phí như tiếp tục gia hạn giảm thuế giá trị gia tăng 2% vì đây là chính sách quan trọng và hiệu quả cao không chỉ hỗ trợ người tiêu dùng qua giảm thuế mà còn giúp sản xuất kinh doanh sôi động.

Ngoài ra, liên quan đến việc hỗ trợ dòng tiền, giảm chi phí và tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, người dân, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan điều hành các công cụ chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng phù hợp, tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay (phấn đấu giảm ít nhất khoảng 1,5-2%).

6.Ấn tượng hoạt động đăng ký kinh doanh

Bức tranh doanh nghiệp năm 2023 tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế với số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cao nhất từ trước tới nay.

Bức tranh doanh nghiệp năm 2023 tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế với số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cao nhất từ trước tới nay.

Bức tranh doanh nghiệp năm 2023 tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế với số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cao nhất từ trước tới nay.

Năm nay, gần 160.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, cao gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2017-2022.

Tổng số vốn đăng ký mới của doanh nghiệp gia nhập thị trường có sự cải thiện qua các quý, tính chung cả năm 2023 đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng. Hơn 1 triệu lao động đăng ký mới trong năm qua.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường tiếp tục ở mốc trên 200 nghìn doanh nghiệp (217.706 doanh nghiệp), tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022 và gấp 1,3 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong năm qua.

7.Thúc đẩy những ngành, lĩnh vực mới nổi

Năm 2023 ghi những dấu ấn mới trong cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển những ngành, lĩnh vực mới nổi, thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ.

Chuyển đổi số quốc gia được tích cực thúc đẩy, ước cả năm 2023 tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 15% GDP. Đề án phát triển, ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử (Đề án 06) được chỉ đạo và thực hiện quyết liệt với quyết tâm cao và đạt nhiều kết quả ấn tượng, góp phần hạn chế tiêu cực, tiết kiệm thời gian, công sức cho người dân, doanh nghiệp, là một “điểm sáng” trong chuyển đổi số ở nước ta.

Thị trường khoa học công nghệ có bước phát triển. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia phát triển mạnh; khánh thành Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC); tập trung xây dựng, hoàn thiện 3 Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam xếp hạng 46/132, tăng 2 bậc so với năm 2022.

Năm 2023 cũng đánh dấu bước nhảy vọt của Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn với hàng loạt thỏa thuận, dự án hợp tác phát triển với các đối tác hàng đầu, những tập đoàn, doanh nghiệp khổng lồ trên thế giới.

Việt Nam triển khai quyết liệt các chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng theo tuyên bố chính trị về chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP), lần đầu tiên bán tín chỉ carbon và phát hành trái phiếu xanh, thể hiện trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

8.Đầu tư hạ tầng giao thông tiếp tục khởi sắc

Năm 2023 là năm có nhiều dự án cao tốc hoàn thành và khởi công mới nhất trong hơn một thập kỷ qua. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 729 km đường bộ cao tốc, nâng tổng số km đường cao tốc đưa vào khai thác đến nay là 1.892 km, đồng thời đang thi công khoảng 1.700 km cao tốc, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mục tiêu cả nước có khoảng 3.000 km đường cao tốc vào năm 2025, 5.000 km cao tốc vào năm 2030.

Về hàng không, hoàn thành đưa vào khai thác Nhà ga hành khách T2, cảng hàng không Phú Bài, Điện Biên; xử lý quyết liệt, dứt điểm vướng mắc để khởi công nhà ga hành khách T3 – Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành… bảo đảm chất lượng, tiến độ yêu cầu.

Năm 2023, dù được giao vốn đầu tư công kỷ lục, lên đến 114.000 tỷ đồng, cao nhất cả nước nhưng ngành giao thông vận tải tiếp tục dẫn đầu và có tỷ lệ giải ngân cao. Đây cũng là năm ghi nhận nhiều dấu ấn, sự đột phá trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông với việc khởi công 26 dự án, trong đó có nhiều dự án trọng điểm quốc gia…

 

Nguồn: Báo mới

Bình luận của bạn

Tin liên quan

Tin đã đăng