Quản lý rác thải hướng đến nền kinh tế tuần hoàn
Xử lý chất thải ở Việt Nam là vấn đề nan giải so với yêu cầu thực tiễn. Sau nhiều nỗ lực tìm phương án phù hợp để xử lý chất thải, đến nay, chôn lấp chất thải rắn (CTR) sinh hoạt vẫn chiếm tỷ trọng cao, khoảng 70% so với các biện pháp khác.
Vấn đề cần xử lý trong thời gian tới là áp dụng chính sách nào và cơ chế gì để chất thải không còn là nỗi ám ảnh đối với chiếm dụng diện tích đất, gây ra nhiều hệ lụy cho môi trường và bức xúc xã hội. Mục tiêu hướng đến cần phải đạt được là CTR trở thành nguyên liệu đầu vào cho hoạt động kinh tế.
Từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới và thực tiễn ở Việt Nam, cách tiếp cận hiệu quả nhất là khuyến khích sử dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thay thế mô hình “kinh tế tuyến tính đối với giải quyết vấn đề chất thải.
Các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường cho rằng, để từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn, Việt Nam cần tiếp tục học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia, tiếp cận với phương thức, công cụ quản lý tiên tiến, ứng dụng công nghệ hàng đầu trong việc xử lý CTR đô thị theo hướng: “coi rác thải là nguồn tài nguyên; quản lý CTR phải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn”.
Chính phủ và các bộ, ngành liên quan sớm ban hành những cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức áp dụng kinh tế tuần hoàn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh để xây dựng tương lai bền vững cho doanh nghiệp theo tinh thần làm thế nào để sử dụng tốt hơn nguồn tài nguyên, sử dụng nguồn nguyên liệu từ chất thải tái chế, dùng nguyên liệu sinh học.
Tiếp tục đổi mới, đầu tư các công nghệ xử lý CTR tiên tiến, hiện đại giúp việc thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả, giảm thải ô nhiễm, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, tránh khai thác quá mức tài nguyên… Bộ Tài nguyên và Môi trường có vai trò là đầu mối tập trung xây dựng chính sách, lộ trình tiến tới loại bỏ chất thải nhựa sử dụng một lần và ni-lông không phân hủy; xây dựng mô hình công nghệ hướng tới kinh tế tuần hoàn, nói không với rác thải nhựa và ni-lông không phân hủy.
Ngành công nghiệp giấy Việt Nam là một trong những ngành công nghiệp chế biến trọng yếu, đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội hiện đại, liên quan mật thiết với hầu hết các ngành kinh tế và các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác, như năng lượng, hóa chất, lâm nghiệp, vận tải… Ngành giấy là ngành sử dụng nguồn nguyên liệu chủ yếu là sinh khối thực vật, là nguồn nguyên liệu tái tạo, thúc đẩy trồng rừng, tạo ra môi trường xanh, chống xói mòn đất và ngăn ngừa thảm họa thiên nhiên, không gây ra sự cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên và duy trì được sự phát triển lâu dài, vì vậy ngành giấy được xem là ngành công nghiệp có vòng tuần hoàn cacbon cao và phát triển bền vững.
Ngành giấy được đánh giá là ngành phù hợp với mô hình kinh tế tuần hoàn, tất cả các sản phẩm của ngành đều có thể được thu hồi và tái sử dụng. Trong đó, giấy thu hồi hiện nay là nguồn tài nguyên, là nguyên liệu thứ cấp quan trọng sử dụng trong ngành giấy. Giấy thu hồi được sử dụng làm nguyên liệu chính trong sản xuất, có loại giấy sử dụng giấy thu hồi làm nguyên liệu đầu vào tới 100%. Việc khuyến khích sử dụng giấy thu hồi làm nguyên liệu mang lại những lợi ích to lớn cả về tiết kiệm tài nguyên (giảm thiểu chặt cây rừng), cũng như chi phí sản xuất (tiết kiệm điện, tiết kiệm nước, giảm tiêu dùng hóa chất…). Chính sách nhập khẩu giấy thu hồi làm nguyên liệu sản xuất cần có những bước đột phá, coi giấy thu hồi sau khi được làm sạch và phân loại như hàng hóa thông thường, giống như các nước phát triển đang áp dụng. Cần có những chính sách vừa bảo đảm bảo vệ môi trường vừa kích thích phát triển sản xuất, áp dụng chính sách khuyến khích thu gom giấy thu hồi làm nguyên liệu sản xuất ở trong nước./.
>>> Chìa khóa thành công cho nền kinh tế tuần hoàn
VPPA (tổng hợp)
Đăng nhập để bình luận.