Sức mạnh tuyệt đối của Trung Quốc trong ngành cảng biển: Đổ 40 tỷ USD để trở thành ông trùm ‘dỡ hàng’, doanh nghiệp phương Tây có muốn dịch chuyển sản xuất cũng khó
Ảnh minh họa
Theo tờ Financial Times (FT), sức mạnh cảng biển Trung Quốc ở một vị thế hoàn toàn khác tại Châu Á khiến các công ty ở Phương Tây có muốn dịch chuyển sản xuất cũng khó.
Không chỉ là công xưởng của thế giới, nền kinh tế lớn thứ 2 toàn cầu mà Trung Quốc còn là nhà xuất khẩu lớn nhất trái đất. Bởi vậy cơ sở hạ tầng cảng biển tại đây cùng thuộc hàng “trùm” tại Châu Á.
Không so sánh nổi
Tờ FT cho biết dù nhiều công ty tại Phương Tây muốn tìm cách dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Ấn Độ và những nước Đông Nam Á khác để tránh căng thẳng Mỹ-Trung.
Thế nhưng việc dịch chuyển sản xuất sẽ phải đi kèm với khoản đầu tư khổng lồ về cơ sở hạ tầng mà đặc biệt là cảng biển, vốn là thế mạnh nhiều năm qua của Trung Quốc.
Số liệu của Liên Hiệp Quốc (UN) cho thấy hơn 80% hàng hóa trên thế giới là được vận chuyển bằng đường biển. Trong khi đó báo cáo của hãng nghiên cứu Drewry cho thấy những thị trường sản xuất Châu Á ngoài Trung Quốc lại đang thiếu khả năng “dỡ hàng” tại các cảng biển để có thể duy trì dòng thương mại với Phương Tây.
Trung Quốc hiện có đến 76 cảng biển đủ sức hỗ trợ những tàu chở hàng chứa đến hơn 14.000 chiếc container 20ft (những container dài khoảng hơn 6m). Trong khi đó Nam Á và Đông Nam Á chỉ có 31 cảng biển đủ sức làm điều đó.
Báo cáo của hãng MDS Transmodal cho thấy những tàu chở hàng cỡ lớn chiếm đến 2/3 tổng trọng tải của dịch vụ vận tải Đông Á sang Phương Tây.
Thậm chí giám đốc Mike Garratt của MDS còn khẳng định rằng việc các nền kinh tế mới nổi Châu Á chắc chắn sẽ gặp khó khăn để xử lý những tàu trọng tải lớn như ở Trung Quốc nếu không cần vốn và thời gian để đầu tư cơ sở hạ tầng cảng biển.
“Đây là điều chắc chắn không cần bàn cãi”, giám đốc Garratt khẳng định.
“Sức mạnh của ngành sản xuất Trung Quốc và khả năng vận hành, chuyển hàng của họ ở mức độ không thể so sánh nổi”, giám đốc điều hành Glenn Koepke của tập đoàn kinh doanh chuỗi cung ứng FourKites đồng quan điểm.
Trong khi đó cảng biển kết nối tốt nhất của Đông Nam Á với Bắc Mỹ là thành phố Hồ Chí Minh-Việt Nam cũng chỉ phục vụ 19 đơn hàng mỗi tuần.
Dày công xây dựng
Tờ FT nhận định sự khác biệt quá lớn về công suất các cảng biển giữa Trung Quốc và những thị trường khác cho thấy chính quyền Bắc Kinh đã dày công xây dựng, đầu tư, tốn thời gian cho chuỗi cung ứng như thế nào. Không phải tự nhiên mà Trung Quốc được mệnh danh là công xưởng của thế giới.
Số liệu của Viện nghiên cứu công nghiệp Qianzhan (QIRI) cho thấy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã đổ ít nhất 40 tỷ USD trong khoảng 2016-2021 để xây dựng cơ sở hạ tầng ven biển.
Nghiên cứu của Dynamar và UN thì cho thấy khoản đầu tư này đã giúp 275 triệu container 20ft được xử lý tại các cảng biển Trung Quốc trong năm 2022, cao hơn ít nhất 80% tổng lưu lượng xử lý container tại tất cả các cảng biển ở Nam Á và Đông Nam Á cộng lại.
Chính vì vậy, giám đốc Garratt của MDS nhận định các nền kinh tế mới nổi Châu Á sẽ phải tốn rất nhiều tiền bạc, thời gian mới có thể bắt kịp Trung Quốc vể công suất cảng biển, chưa kể chính quyền Bắc Kinh vẫn còn tiếp tục đầu tư mở rộng cơ sở hạ tầng ven biển.
Giám đốc Garratt cho biết thông thường một nhà vận hành cảng biển sẽ cần 5 năm để xây dựng mới một cổng dỡ hàng mới (Terminal).
Khó rời đi
Theo FT, chính sức mạnh quá lớn của ngành cảng biển tại Trung Quốc đã khiến nhiều doanh nghiệp ngần ngại khi dịch chuyển sản xuất để tránh xung đột thương mại.
Giám đốc Dheeraj Bhatia của Hapag Lloyd tại Trung Đông cho biết dù hãng muốn dịch chuyển sản xuất sang Ấn Độ nhưng quốc gia này cần làm rất nhiều thứ nữa để nâng cấp hạ tầng cơ sở cảng biển.
“Tôi cho rằng việc dịch chuyển này sẽ chẳng thể nhanh chóng được đâu, ít ra cũng cần vài năm đầu tư xây dựng”, giám đốc Bhatia nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, CEO Rodolphe Saade của CMA-CGM nói với FT rằng Ấn Độ và Đông Nam Á sẽ cần 5-10 năm để nâng cấp những cảng biển xử lý tàu chở hàng cỡ lớn, qua đó mới có thể đóng vai trò lớn hơn trong chuỗi cung ứng và sự dịch chuyển sản xuất được.
Trớ trêu thay, Trung Quốc cũng lại đang đầu tư mạnh cho cơ sở hạ tầng, cảng biển ở nhiều nước Châu Á thông qua dự án “Một vành đai, Một con đường”.
Giám đốc Chen Yipeng của hãng vận hành cảng biển quốc doanh COSCO Shipping Ports cho biết họ nhận thức rất rõ xu thế dịch chuyển sản xuất sang Đông Nam Á của các doanh nghiệp và đang tích cực chuẩn bị đầu tư để tận dụng cơ hội này.
Nguồn: FT & Cafebiz
Đăng nhập để bình luận.