Hiệp hội tiếp tục kiến nghị lên các cơ quan Chính phủ về vấn đề thông quan container

Ngày 15/01/2019, Văn phòng Hiệp hội tiếp tục có công văn số 04/2019/CV-VPPA tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Hải quan  Bộ Tài chính.

Đây là công văn thứ 5 trong vòng 3 tháng qua Văn phòng Hiệp hội đã gửi tới các cơ quan quản lý nhà nước nhằm tháo gỡ khó khăn cho các Doanh nghiệp về vấn đề nhập khẩu giấy phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.

Tải công văn đầy đủ TẠI ĐÂY: 15-01-2019–CV gui Thu tuong ve NK phe lieu

Theo đó, Hiệp hội Giấy và Bột giấy nêu rõ, khi Tổng cục Hải quan ban hành các công văn: 3738/TCHQ-GSQL ngày 26/06/2018 về quản lý phế liệu nhập khẩu; 4202/TCHQ-PC ngày 17/7/2018 về hướng dẫn quản lý phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam thì việc nhập khẩu giấy phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, khi thực hiện thủ tục hải quan, phải lấy mẫu gửi Cục Kiểm định Hải quan để thực hiện việc phân tích đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với lô hàng phế liệu nhập khẩu, việc này đã làm tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành giấy thực sự lâm vào khó khăn.

Cụ thể: các văn bản nêu trên đã siết chặt việc kiểm soát nhập khẩu phế liệu, điều này đã gây nên tình trạng kéo dài thời gian kiểm tra hàng hóa, chi phí lưu container của các doanh nghiệp gia tăng, không bảo đảm đủ nguyên liệu sản xuất, nhà máy phải hoạt động cầm chừng, không bảo đảm thực hiện đơn hàng với các đối tác,…

Đặc biệt, ngày 14 tháng 9 năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) đã ban hành Thông tư số 08/2018/TT-BTNMT kèm theo Quy chuẩn Việt Nam QCVN 33:2018/BTNMT, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với giấy phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất. Trong đó, quy định hoạt động kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, đồng thời hướng dẫn các Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, thì khó khăn của các doanh nghiệp ngành giấy lại gia tăng lên nhiều lần.

Theo quy định của QCVN 33:2018/BTNMT (được ban hành kèm theo Thông tư 08/2018/TT-BTNMT) thì Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có nhà máy, cơ sở sản xuất sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất sẽ kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu nhập khẩu phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, vì vậy phế liệu của doanh nghiệp thông quan ở cảng nào thì Sở Tài nguyên và Môi trường phải đến cảng đó kiểm tra chất lượng phế liệu nhập khẩu, do đó, việc Sở Tài nguyên và Môi trường phải đi các cảng ngoài địa bàn tỉnh (có thể trên cả nước) để kiểm tra là không hợp lý và không thể đáp ứng kịp thời nhu cầu của doanh nghiệp;

+ Quy định về công tác kiểm tra, giám định tại hiện trường đối với phế liệu nhập khẩu là kiểm tra bằng mắt thường và kiểm tra 100% lô hàng, việc này dẫn đến có những lô hàng lên đến hàng trăm container thì chỉ nguyên việc mở container để nhìn bên ngoài cũng phải mất vài ngày cho việc kiểm tra này (chưa kể đến việc xúc, bốc toàn bộ ra bên ngoài để kiểm tra, sau đó lại đưa vào container), việc này gây tốn kém cho doanh nghiệp, chưa nói đến có những khu cảng không thể đáp ứng yêu cầu mở hàng cùng một lúc đối với nhiều container. Ngoài ra, việc kiểm tra này không thống nhất với quy định của Hải quan (được kiểm tra tỷ lệ xác suất đối với một số doanh nghiệp theo phân luồng của ngành hải quan) nên có sự bất đồng giữa cơ quan hải quan và Sở Tài nguyên và Môi trường khi đi kiểm tra, giám định;

+ Quy định trách nhiệm Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì kiểm tra chất lượng đồng nghĩa với việc sẽ chịu trách nhiệm đối với chất lượng lô hàng phế liệu nhập khẩu, điều này bất hợp lý trong thực tế thực hiện, bởi vì, để kiểm tra tất cả các container trong các lô hàng nhập khẩu có thể kéo dài nhiều ngày, bao gồm: mở container và kiểm tra các vị trí trong container; việc kiểm tra phế liệu trong tàu chở hàng không thể bốc dỡ ra ngoài tàu để kiểm tra bên dưới, mà cần phải giám sát quá trình chủ hàng bốc dỡ phế liệu về công ty để giám sát, việc này kéo dài nhiều ngày và cả ban đêm nên không có đủ người giám sát… Hơn nữa, hiện đội ngũ cán bộ, công chức của Sở Tài nguyên và Môi trường không đủ, không có kinh nghiệm nên không thể đảm đương tốt công việc này, trong khi đó quy định đã có đơn vị giám định giám sát hàng ngày trong quá trình bốc hàng của doanh nghiệp.

+ Theo điều 1.3.6 của QCVN 33:2018/BTNMT quy định “Cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu giấy nhập khẩu phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường là Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có nhà máy, cơ sở sản xuất sử dụng phế liệu giấy nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất”, nhưng trên thực tế lại được thực hiện bởi Chi cục Hải quan tại cửa khẩu, Chi cục Hải quan Kiểm định, Đơn vị giám định và Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương nơi Công ty đặt trụ sở. Bốn đơn vị này cùng tham gia giám sát hiện trường và kiểm tra cùng một lô hàng nhập khẩu đã gây nên sự chồng chéo về chức năng và nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ.

+ Khi áp dụng Thông tư 08/2018/TT–BTNMT và Công văn 5943/BTNMT-TCMT ngày 26/10/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện Thông tư số 08/2018/TT-BTNMT và Thông tư số 09/2018/TT-BTNMT ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất thì việc nhập khẩu giấy phế liệu hiện nay được giám sát bởi Chi cục Hải quan tại cửa khẩu, Chi cục Hải quan Kiểm định, Đơn vị giám định được Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ định (Đơn vị giám định). Trong khi đó, cả Cục Kiểm định Hải quan và Đơn vị giám định đều có chung chức năng là giám định chất lượng hàng hóa nhập khẩu, việc này khiến quá trình giám định chất lượng hàng hóa bị kéo dài, phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp, gây ảnh hưởng đến thời gian thông quan của cả lô hàng.

Theo các số liệu mà Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam có được, chỉ riêng với ngành giấy: phí lưu container, lưu bãi đã lên tới cả ngàn tỷ đồng, tương đương khoảng 800.000-1.000.000 đồng/tấn nguyên liệu nhập khẩu; chi phí sản xuất tăng cao thêm gần 10% giá thành, làm cho sản phẩm sản xuất trong nước không cạnh tranh được với các sản phẩm nhập khẩu từ các nước trong khu vực ngay trên sân nhà,… Và thêm hệ lụy nữa là đã gây ra sự mất cân đối lớn về luân chuyển container của các hãng tàu làm cho cước vận chuyển đến và đi từ Việt Nam tăng cao, giá bao bì cũng tăng làm ảnh hưởng cả tới hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Qua công văn, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho thấy, hiện nay chính sách chồng chéo, không phù hợp của nhà nước trong việc kiểm soát phế liệu giấy nhập khẩu đã gây thiệt hại, ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp hiện, đã vượt quá sức chịu đựng của các doanh nghiệp, cần được Chính phủ hỗ trợ kịp thời.

Hiệp hội Giấy và Bột giấy xin kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện gấp một số nội dung sau:

+ Việc Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương cùng tham gia tổ chức thực hiện kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, thực tế đã chứng minh là hoàn toàn không phù hợp, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Tổng cục Hải quan – Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện ngay việc kiểm tra thông quan như trước khi có Công văn 3738/TCHQ-GSQL ngày 26/06/2018 của Tổng cục Hải quan về quản lý phế liệu nhập khẩu; đồng thời sửa đổi Thông tư 08/2018/TT-BTNMT và Công văn số 5943/BTNMT-TCMT cho phù hợp với thực tế hiện nay;

+ Thực hiện việc kiểm tra tỷ lệ xác suất đối với một số doanh nghiệp theo phân luồng của ngành hải quan, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đã và đang chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về nhập khẩu phế liệu và bảo vệ môi trường (Hải quan vẫn tiếp tục quản lý phế liệu nhập khẩu như trước đây), Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ thực hiện công tác kiểm tra sau thông quan tại nhà máy sản xuất của doanh nghiệp;

+ Tiến hành kiểm tra, thanh tra đột xuất/định kỳ tại các doanh nghiệp về chất lượng lô hàng, về công tác sản xuất và việc tái chế phải đảm bảo các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường với nước thải, khí thải, chất thải rắn,… Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt, bao gồm cả biện pháp thu hồi giấy chứng nhận,…

+ Xây dựng quy chuẩn quốc gia về phân loại, thu gom giấy thu hồi làm nguyên liệu sản xuất, tiến tới việc coi giấy thu hồi nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất được thông quan như các hành hóa thông thường, bỏ việc ký quỹ nhập khẩu phế liệu, thực hiện hậu kiểm tại doanh nghiệp,… như hầu hết các quốc gia trên thế giới hiện đang thực hiện.

+ Có chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy và khuyến khích thu gom giấy thu hồi trong nước để phục vụ cho sản xuất.

Trên đây là những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Thông tư 08/2018/TT-BTNMT và Công văn 5943/BTNMT-TCMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam xin gửi Thủ tướng Chính phủ, xem xét chỉ đạo các cơ quan liên quan tháo gỡ những khó khăn hiện các doanh nghiệp ngành giấy đang vướng mắc, bảo đảm hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhằm góp phần phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương và đất nước./.

CNG – VPPA