Chiều 4/5, ngay sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2019 đã diễn ra buổi họp báo Chính phủ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng để cung cấp cho báo chí nhiều thông tin về những vấn đề dư luận xã hội quan tâm.
Thông tin về phiên họp Chính phủ diễn ra trước đó, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết: Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã tập trung thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội tháng 4 và 4 tháng năm 2019; công tác chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV; và một số vấn đề khác…
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã thảo luận nhiều báo cáo về tình hình triển khai thực hiện các nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết 01 và 02 và thống nhất đánh giá kinh tế – xã hội nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực. Hầu hết các lĩnh vực kinh tế trong nước ổn định, tiếp tục đà phát triển, môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh không ngừng được cải thiện. Cụ thể:
– Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2019 tăng 0,31% so với tháng trước, CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2019 tăng 2,71% so với cùng kỳ, đây là mức tăng bình quân 4 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm gần đây.
– Thị trường tiền tệ, tín dụng và tỷ giá tương đối ổn định, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 17/4/2019 tăng 3,23% so với cuối năm 2018; mặt bằng lãi suất duy trì ổn định.
– Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản nhìn chung ổn định; đặc biệt ngành lâm nghiệp, thủy sản duy trì mức tăng khá (gỗ khai thác tăng 4,3%; diện tích rừng bị cháy giảm 6,27%; sản lượng thủy sản tăng 5,1%).
– Sản xuất công nghiệp đạt kết quả tăng khá. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,2%, thấp hơn mức tăng 10,7% của cùng kỳ năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng 7,4% và 6,6% cùng kỳ năm 2016 và năm 2017. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,9% (cùng kỳ tăng 12,9%).
– Hoạt động thương mại dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng khá, thị trường giá cả ổn định, cân đối cung cầu các loại vật tư quan trọng và hàng tiêu dùng thiết yếu được bảo đảm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt tốc độ tăng cao nhất kể từ năm 2015, tăng 11,9%.
– Số doanh nghiệp thành lập mới và vốn đăng ký tiếp tục tăng, với trên 43.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký trên 540 nghìn tỷ đồng, tăng 4,9% về số doanh nghiệp và tăng 31,7% vốn đăng ký. Ngoài ra, còn có trên 17.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 52,6% so với cùng kỳ.
– Vốn FDI đạt 5,7 tỷ USD, tăng 7,5%. Tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt gần 7,5 tỷ USD, tăng 28,6%. Góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 7,14 tỷ USD, gấp 3,2 lần so với cùng kỳ. Đây là những chỉ dấu cho thấy môi trường đầu tư kinh doanh của chúng ta tiếp tục được cải thiện tốt hơn.
– Xuất khẩu tiếp tục tăng khá, đạt 78,76 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ; đặc biệt khu vực kinh tế trong nước đạt 23,33 tỷ USD, tăng 10,5%. Nhập khẩu đạt 78,05 tỷ USD, tăng 10,4%. Xuất siêu 711 triệu USD.
– Thu ngân sách nhà nước duy trì tiến độ khả quan, chi ngân sách đáp ứng kịp thời các yêu cầu đầu tư phát triển.
Bên cạnh những kết quả nói trên, tình hình kinh tế – xã hội còn không ít khó khăn, thách thức và một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới. Trong nông nghiệp, tình hình dịch tả lợn châu Phi bước đầu hạ nhiệt, tuy vậy giá thịt lợn vẫn giảm so với tháng trước; sản lượng cá tra xuất khẩu vào thị trường Mỹ và Trung Quốc giảm; nguy cơ hạn hán, thiếu nước tại các tỉnh Trung Bộ, Tây Nguyên.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng thấp hơn cùng kỳ năm trước, một số sản phẩm công nghiệp chủ đạo tăng thấp hoặc giảm như linh kiện điện thoại giảm 24,6%, dầu thô khai thác giảm 8,3%…; dẫn tới sản xuất công nghiệp của nhiều địa phương giảm.
Tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là gần 17.000 doanh nghiệp, tăng 19,7%; 5.300 doanh nghiệp giải thể, tăng 12,9%.
Tình hình vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách Nhà nước giảm 30,6% (Bộ Giao thông Vận tải giảm 57,5%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giảm 56,3%; Bộ Tài nguyên và Môi trường giảm 29,1%…)
Kim ngạch xuất khẩu tăng chậm do xuất khẩu của khối FDI tăng chậm so với cùng kỳ. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm như điện thoại và linh kiện giảm 0,2%; thủy sản giảm 1,3%; cà phê giảm 22,6%; hạt điều giảm 16,9%; gạo giảm 21,7%; hạt tiêu giảm 12%…
Xảy ra nhiều sự cố giao thông (xảy ra không ít vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, đi ngược chiều trên cao tốc, sử dụng rượu bia, ma túy đá khi lái xe…).
Đồng thời, một số vấn đề xã hội, an ninh trật tự mà chúng ta cần phải quan tâm nhiều hơn nữa trong thời gian tới như vấn đề y tế (bệnh sốt xuất huyết gia tăng, vấn đề quá tải bệnh viện); nợ đóng bảo hiểm xã hội; an ninh trật tự (buôn bán ma túy khối lượng lớn tăng mạnh trong thời gian qua trên khắp các tuyến biên giới, đã bắt nhiều vụ lớn nhất từ trước đến nay)…
Về nhiệm vụ thời gian tới, các thành viên Chính phủ cho rằng, để có thể đạt và vượt các mục tiêu đã đề ra, thì nhiệm vụ từ nay đến cuối năm và trong quý II là rất nặng nề, đòi hỏi, các bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu, phải có quyết tâm cao, tập trung thực hiện các kế hoạch; theo dõi sát tình hình quốc tế, trong nước, phân tích kỹ xu hướng để đề xuất các giải pháp mang tính chiến lược phù hợp với những kịch bản, diễn biến mới.
Chủ đề của năm 2019 đặt ra là: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”. Chính phủ, từng thành viên Chính phủ, các bộ ngành, địa phương khẩn trương chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01, 02, Nghị quyết 35 và chương trình hành động của bộ ngành, địa phương, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh một cách quyết liệt hơn, hiệu quả hơn; thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ cải cách kiểm tra chuyên ngành, tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Trong đó, một số giải pháp là: Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch bệnh chăn nuôi, nhất là dịch tả lợn châu Phi; có phương án căn cơ để giải quyết việc xuất khẩu gạo, nông sản, thủy sản, chú trọng mặt hàng cá tra; theo dõi sát sao tình hình sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là trong công nghiệp chế biến, chế tạo; khuyến khích đổi mới công nghệ, tăng cường năng lực sản xuất, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu; đề xuất giải pháp tạo bước phát triển mới, mang tính đột phá đối với ngành du lịch cả về lượng, chất…
Cũng tại phiên họp, Tổ công tác của Thủ tướng đã báo cáo kết quả kiểm tra việc cắt giảm thủ tục hành chính thực chất và rà soát các vướng mắc cụ thể đối với sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp nhẹ. Trong tháng 4 vừa qua, Tổ đã làm việc với 7 Bộ, VCCI và đại diện 5 Hiệp hội, ghi nhận 45 kiến nghị về cơ chế, chính sách, rào cản hành chính.
Trong đó, có 15 kiến nghị chưa đủ cơ sở để giải quyết, các Bộ và VPCP đã giải thích thỏa đáng. Có 2 kiến nghị liên quan đến 2 dự án Luật đang trình Quốc hội (Luật sửa đổi Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và Bộ luật Lao động sửa đổi). Có 16 vướng mắc do quy định tại các văn bản của các Bộ, đã có 8 vấn đề đã được các bộ xử lý, còn lại 8 vấn đề các bộ đều đã nêu phương án xử lý. Tổ công tác đề nghị Chính phủ yêu cầu các Bộ hoàn thành việc xử lý các vướng mắc và thực hiện các cam kết ngay trong tháng 5/2019.
Về 12 kiến nghị thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng, có 6 vấn đề đã được xử lý tại các dự thảo Nghị định trình Chính phủ ban hành. Còn lại 6 vấn đề vướng mắc trong thực tiễn. Các Bộ, cơ quan thống nhất với VPCP kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hướng xử lý (như đề xuất bãi bỏ quy định các cơ sở lưu trú du lịch đủ điều kiện xếp hạng vẫn phải xin giấy phép kinh doanh rượu tại chỗ; bãi bỏ quy định doanh nghiệp kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm (dạng bao gói sẵn) phải có giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm và giấy xác nhận đủ sức khỏe; sửa đổi quy định cấm quảng cáo và kinh doanh nước ngọt có ga trong trường học bao gồm cả cao đẳng, đại học theo hướng quy định không quảng cáo và kinh doanh sản phẩm này tại trường tiểu học…).
Các Bộ ngành đã có các trao đổi, trả lời báo chí xoay quanh các vấn đề xã hội quan tâm. Sau đây là một số ý kiến liên quan được đưa ra trong buổi họp báo:
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay: Bộ Công Thương đã căn cứ vào Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân; Quyết định số 34/2017/QĐ-TTg ngày 25/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2016-2020; Xét đề nghị của EVN, điều kiện thực tiễn, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan báo cáo trình Chính phủ về các phương án điều chỉnh tăng giá điện.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20 tháng 3 năm 2019 tăng giá điện với mức 8,36% từ ngày 20/3/2019. Khi thực hiện Quyết định này, từ cuối tháng 4/2019 đến nay, các phương tiện thông tin đại chúng đã có nhiều ý kiến phản ánh việc các hộ dùng điện, người tiêu dùng phải trả tiền điện tháng 4 tăng đột biến so với tháng 3/2019. Các nguyên nhân của việc này đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bộ Công Thương giải thích.
Trước hết, chúng tôi chia sẻ với suy nghĩ, bức xúc của người tiêu dùng khi nhận hoá đơn tiền điện tháng 4 cao hơn so với tháng 3 trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Bộ Công Thương với chức năng quản lý Nhà nước đã thực hiện các biện pháp như:
– Yêu cầu EVN phải tiếp nhận xử lý giải đáp đầy đủ các khiếu nại, thắc mắc của khách hàng liên quan đến hoá đơn tiền điện tháng 4, trong trường hợp phát hiện sai phạm do lỗi của ngành điện thì phải xin lỗi, khắc phục và xử lý nghiêm các sai phạm.
– EVN tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội về việc điều chỉnh giá điện để khách hàng, người dân hiểu rõ về cách thức tính giá điện mới, nguyên nhân tăng hóa đơn tiền điện, mục đích việc tính giá điện theo bậc thang đối với các hộ gia đình.
– EVN tiếp tục hoàn thiện cải tiến chất lượng, làm tốt công tác dịch vụ phục vụ khách hàng tốt hơn, đặc biệt trong những tháng nắng nóng…
Ngày 2/5/2019, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ra Quyết định số 1114/QĐ-BCT lập 3 đoàn công tác để tiến hành kiểm tra việc thực hiện điều chỉnh giá điện theo Quyết định 846/QĐ-BCT của Bộ Công Thương và các quy định liên quan đến giá điện.
Hôm qua (3/5/2019), Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo lập Đoàn do Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương kiểm tra việc tăng giá điện, sớm có kết luận.
Trước khi có Quyết định 846/QFF-BCT về việc tăng giá điện ngày 20/3/2019, Bộ Công Thương đã cùng các cơ quan liên quan, trong đó có Bộ Tài chính, Tổng Cục thống kê, có đánh giá tác động của việc tăng giá điện (ảnh hưởng thế nào đến CPI, GDP, đến các mặt hàng thiết yếu khác như sắt, thép, xi măng…), sau đó, trình Chính phủ xem xét phê duyệt. Sau khi ban hành Quyết định 846, lãnh đạo Chính phủ, cụ thể là Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ – Trưởng ban chỉ đạo điều hành giá cũng đã yêu cầu Bộ Công Thương đánh giá tác động gián tiếp của việc tăng giá điện, báo cáo lại các cấp có thẩm quyền.
Liên quan đến đề xuất sửa giá điện bậc thang, quan điểm của chúng tôi là bất cứ quy định nào đưa ra mà chưa phù hợp, không hợp lý thì dù mới đưa ra, nếu cần thiết sửa thì vẫn phải sửa. Việc sửa đổi phải được thực hiện theo nguyên tắc sẽ tốt hơn, phù hợp hơn, trên cơ sở đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, người dân, đảm bảo tuân thủ chiến lược sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Liên quan đến vấn đề giá điện, đây là vấn đề mà người dân rất quan tâm, trong phiên họp Chính phủ hôm nay cũng đề cập đến vấn đề này. Chúng ta đều biết, nền kinh tế của chúng ta hiện nay là nền kinh tế thị trường. Chúng ta không thể bao cấp và bù lỗ từ ngân sách mãi được. Chúng ta điều chỉnh là phải tính toán đến các yếu tố và cả chỉ số CPI. Vừa qua, đúng là dư luận đánh giá về bậc thang 6 nấc tính giá tiền điện. Quan điểm chung là chúng ta phải tiến tới một thị trường với sự quản lý nhà nước. Như vậy, việc điều chỉnh giá điện là cần thiết, nhưng phải có căn cứ, có khoa học, có minh bạch đánh giá tác động đầu vào hợp lý để công khai. Còn vấn đề công khai như thế nào về giá, chúng ta thấy văn bản ban hành ra là không mật, nhưng trong quá trình soạn thảo văn bản đó thì được quản lý theo như văn bản mật. Ví dụ, một văn bản thông thường phát hành nhưng trong quá trình soạn thảo xin ý kiến, trao đổi giữa các cơ quan… để đảm bảo tuyệt đối an toàn trong quá trình xây dựng cơ chế chính sách thì phải quản lý chặt chẽ như chế độ mật. Còn đánh giá tác động đến đối tượng thì thực hiện theo quy trình đánh giá tác động. Vì vậy, không phải văn bản ban hành không mật thì trong quá trình soạn thảo cũng không mật.
Thủ tướng đã giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan để báo cáo Chính phủ trong tháng 6/2019toàn bộ kết quả liên quan đến phương án tính toán, xác định như thế nào để đảm bảo sự minh bạch, khách quan.
Chúng ta cũng phải thấy rằng, chúng ta tăng trưởng GDP 6,5-7%, trong khi nhu cầu sử dụng điện luôn luôn tăng trưởng 2 con số. Đây là vấn đề quan tâm đặc biệt của Thủ tướng liên quan đến điện năng cho sản xuất, phát triển kinh tế, an sinh xã hội…
Liên quan đến KCN Thái Nguyên, Ban Quản lý KCN Thái Nguyên thì đúng là ngày 4/3, tôi có nhận được văn bản số 150 của Ban Quản lý KCN Thái Nguyên kiến nghị việc gây khó khăn của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho các doanh nghiệp của KCN. Chương trình lẽ ra là ngày 27/3 tôi là Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng sẽ dẫn đoàn công tác lên đó để kiểm tra thực địa một số vấn đề liên quan đến kiến nghị của Ban Quản lý KCN. Tiếc rằng trong thời gian đó, HĐND tỉnh Thái Nguyên đang họp, chưa bố trí được nhưng tinh thần là chúng tôi sẽ lên và chúng tôi sẽ mời cơ quan báo chí lên thực địa xem vấn đề thủ tục hành chính ra sao, đánh giá tác động thế nào, khó khăn thế nào, doanh nghiệp phản ánh thế nào. Chúng ta sẽ tìm hiểu thực tế, giải quyết những khúc mắc trong thực thi để thấy rằng những cải cách của Thủ tướng là thực chất.
Theo Báo Chính phủ