Đồng Tiến: Táo bạo và tâm huyết với những dự án bền vững môi trường

Ngày 14-02-2020
VPPA-Với bề dày 25 năm hoạt động, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, Công ty TNHH giấy và bao bì Đồng Tiến đang là một trong những đơn vị phát triển bền vững cùng các dự án bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên. Nhiều lúc tưởng chừng đóng cửa, thành viên rời […]

Với bề dày 25 năm hoạt động, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, Công ty TNHH giấy và bao bì Đồng Tiến đang là một trong những đơn vị phát triển bền vững cùng các dự án bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên.

Nhiều lúc tưởng chừng đóng cửa, thành viên rời đi!

Công ty TNHH giấy và bao bì Đồng Tiến được thành lập từ năm 1994 tại TP.Hồ Chí Minh bởi một nhóm kỹ sư chuyên ngành giấy (Đại học Bách Khoa Hà Nội). Đây là thời điểm đất nước mới mở cửa, nên cũng như nhiều doanh nghiệp còn non trẻ khác công ty đã gặp không ít khó khăn, thách thức. Đặc biệt, là với các kỹ sư mới ra trường, kinh nghiệm chưa nhiều, lại thiếu vốn.

“Thời điểm thành lập chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với khát vọng vươn lên, nhóm kỹ sư chúng tôi đã lấy tên công ty là Đồng Tiến với ý nghĩa “Đồng lòng Tiến lên” để tạo động lực vượt qua thách thức; Và bằng sự nhanh nhạy nắm bắt kịp thời cơ hội phát triển, cùng quyết tâm cao, nhóm anh em kỹ sư công nghệ giấy đã nghiên cứu, thiết kế và thu gom từng món thiết bị cũ riêng lẻ để tạo ra dây chuyền sản xuất giấy bao bì từ nguyên liệu tái chế có sản lượng vỏn vẹn khoảng 100-120 tấn/tháng, nhưng có chi phí đầu tư thấp và chất lượng được thị trường chấp nhận” – Ông Hoàng Trung Sơn, người sáng lập và cũng là Tổng Giám đốc Đồng Tiến hiện nay chia sẻ.

“Chúng tôi, những người trẻ, có thừa nhiệt huyết nhưng lại thiếu kiến thức quản trị doanh nghiệp, cũng như khó khăn về vốn, nên giai đoạn đầu hoạt động của công ty không đạt hiệu quả như mong muốn, nhiều lúc tưởng chừng sẽ phải đóng cửa và một số thành viên ban đầu đã ra đi”, ông Sơn trầm lắng nhớ lại.

Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đến năm 2000 Đồng Tiến đã lắp thêm dây chuyền sản xuất thứ hai, kết hợp cải tạo nâng cấp dây chuyền thứ nhất, nâng công suất nhà máy cao dần từ mức ban đầu chỉ 120 tấn/tháng lên 350, đến 450, rồi 550 tấn/tháng với sản phẩm mới là giấy testliner có màu sắc đặc trưng được thị trường đón nhận và công ty bắt đầu hoạt động hiệu quả từ đó.

Đến năm 2003, Đồng Tiến đã đủ điều kiện để triển khai xây dựng nhà máy tái chế giấy quy mô tại huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương với dây chuyền máy móc, thiết bị nhập khẩu. Năm 2007, tiếp tục là dây chuyền sản xuất thứ hai. Và năm 2013 là dây chuyền sản xuất thứ ba mua từ Hàn Quốc cùng với hệ xử lý bột mới đồng bộ, tự động hoàn toàn của hãng Andritz (Áo) đi vào hoạt động, nâng tổng sản lượng tại nhà máy Bình Dương đạt xấp xỉ 48.000 tấn vào năm 2019.

Song song đó, vào năm 2017, Đồng Tiến tiếp tục mua lại một nhà máy sản xuất giấy bao bì tại Long An. Sau khi hoàn thiện việc nâng cấp, nhà máy đã đạt được sản lượng 1.800 tấn/tháng vào cuối năm 2019, và sẽ đạt sản lượng 20.000 tấn/năm vào năm 2020.

Chọn lối đi riêng, ý nghĩa lớn

“Vì luôn quan tâm và mong muốn đóng góp thực sự cho công tác bảo vệ môi trường, nên ngay sau buổi hội thảo do Công ty CP Tetra Pak – một doanh nghiệp chuyên về bao bì giấy đựng đồ uống lớn nhất thế giới – tổ chức vào tháng 10 năm 2009, Đồng Tiến đã chủ động trao đổi hợp tác cùng Tetrapak về thu gom và tái chế vỏ hộp sữa giấy tại Việt Nam. Đây là quyết định hết sức táo bạo, nhưng cũng đã tạo ra được lối đi riêng cho Đồng Tiến”, ông Hoàng Trung Sơn chia sẻ.

Sau khi cùng Tetra Pak khảo sát, học hỏi tại Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan, dù biết sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức, nhưng với mong muốn làm được việc có ý nghĩa, hai bên đã tiến hành ký thỏa thuận hợp tác thành lập hệ thống thu gom và đầu tư dây chuyền tái chế đồng bộ vỏ hộp sữa giấy đồng bộ đầu tiên tại Việt Nam ngay trong năm 2010.

Cuối năm 2011, sản phẩm “Tấm lợp sinh thái” từ nguồn nguyên liệu nhôm – nhựa (PE-Al) thu hồi trong quá trình tái chế vỏ hộp sữa giấy đã được bán ra thị trường và nhanh chóng được chấp nhận. Mỗi tấm lợp mà nhà máy giấy Đồng Tiến làm ra có thể giúp tái chế được đến 8.000 hộp sữa giấy đã qua sử dụng, mà trước đó chỉ được đưa đi đốt hoặc chôn lấp.

Hiện nay, Đồng Tiến vẫn đang tích cực tham gia các công tác xã hội, hiệp hội, đồng hành cùng Tetra Pak và các đối tác trong các chương trình sữa học đường, các chương trình truyền thông nhằm nâng cao ý thức người dân trong phân loại, thu gom và tái chế bao bì các loại, trong đó có vỏ hộp sữa giấy với lượng phát thải được ước tính lên tới trên 100.000 tấn mỗi năm.

Thành công từ nền tảng vững chắc

Trải qua 25 năm hình thành và phát triển, thương hiệu Giấy Đồng Tiến đã ngày càng khẳng định được uy tín và vị thế của mình trong lĩnh vực sản xuất giấy bao bì với các

dòng sản phẩm chất lượng cao, có màu sắc đặc trưng như giấy K2E, K3E, KA, KT, được nhiều công ty bao bì lớn trong cả nước như Sovi, Vĩnh Xuân, Việt Phát, Settsu, Tomoku, … coi là đối tác chiến lược cung cấp các sản phẩm này.

Thành công của công ty Giấy Đồng Tiến được xây dựng trên nền tảng vững chắc về kỹ năng và công nghệ của đội ngũ nhân sự có năng lực chuyên môn, nhiều kinh nghiệm, cùng với dây chuyền máy móc, thiết bị hiện đại của các hãng Andritz (Áo), Kadant (Pháp).

Toàn bộ quy trình sản xuất được vận hành theo hệ thống quản trị tiên tiến có khả năng kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt giúp tạo ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao về đặc tính cơ lý, có màu sắc tươi sáng, độc đáo. Đồng thời với việc đảm bảo khả năng cung ứng theo đủ số lượng và đúng tiến độ cam kết với chi phí hợp lý, nên được nhiều khách hàng tin dùng như là nhà cung cấp duy nhất các sản phẩm này. Đây thực sự là niềm tự hào và nguồn động viên vô cùng lớn lao cho ban lãnh đạo và tập thể cán bộ, công nhân viên công ty Giấy Đồng Tiến.

Hiểu rõ bối cảnh và các điểm mạnh, yếu của mình, Đồng Tiến luôn đề cao tinh thần sáng tạo, tính trung thực và trách nhiệm của đội ngũ nhân viên, khuyến khích các hoạt động tạo ra sự khác biệt; Đồng thời xác định cho mình tầm nhìn phải trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất, tái chế giấy tại Việt Nam về tính tinh gọn và hiệu quả; Cùng với sứ mệnh góp phần kiến tạo môi trường sống tốt hơn thông qua việc tăng cường năng lực tái chế, tái tạo, đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành giấy quốc gia, đồng hành và mang đến sự phồn thịnh cho khách hàng, cũng như luôn tạo môi trường làm việc tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của nhân viên.

Trên tinh thần đó, ngoài việc đã tạo ra những dòng sản phẩm chất lượng được khách hàng ưa chuộng, tin dùng, Đồng Tiến luôn quan tâm xây dựng cho mình đội ngũ lao động chất lượng cao, gắn bó với công ty, thông qua những nỗ lực đào tạo thường xuyên. Các chương trình đào tạo nội bộ, theo cách người đi trước dẫn dắt người đi sau, người giỏi chỉ việc cho người chưa giỏi theo phương pháp “Huấn Luyện Trong Công Nghiệp” (TWI) đang được công ty tích cực triển khai, đây là phương pháp có khởi đầu từ Mỹ và được áp dụng rất thành công tại Nhật Bản, hiện rất thịnh hành trên thế giới; Cũng như thường xuyên cử cán bộ, công nhân viên tham gia các khóa đào tạo bên ngoài, hoặc mời chuyên gia đến công ty trực tiếp đào tạo các kỹ năng tương tác, làm việc nhóm, 5S + Kaizen thực hành và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO9001, tiến tới thực hành quản trị tinh gọn (LEAN), xây dựng văn hóa doanh nghiệp và môi trường làm việc chuyên nghiệp.

Chia sẻ cùng Công nghiệp Giấy, ông Hoàng Trung Sơn, Tổng Giám đốc công ty cho biết: “Đầu tư ngành giấy là đầu tư dài hạn, cần có tầm nhìn đủ xa, bao quát và toàn diện để nắm bắt được cơ hội tăng trưởng, cũng như nhận diện cho được các khó khăn, thách thức. Với nền tảng tốt, có tầm nhìn và chiến lược phù hợp, cùng triết lý kinh doanh “Đồng Tiến thịnh vượng cùng Khách hàng”, Đồng Tiến đã sẵn sàng, thậm chí vững vàng trong một thị trường ngày càng cạnh tranh gay gắt và hội nhập sâu rộng. Đồng Tiến đã và đang nỗ lực đầu tư, đặt mục tiêu đến năm 2025 đưa công ty vào top đầu của các doanh nghiệp ngành giấy Việt Nam.

VPPA

Bình luận của bạn

Tin liên quan

Tin đã đăng