Thị trường giấy bao bì thế giới và khu vực, doanh nghiệp Việt Nam chịu nhiều bất lợi
Chiến tranh “thương mại” Trung-Mỹ đang có những diễn biến quyết liệt, cả hai bên đều quyết định thực hiện áp thuế suất chống trả nhau đối với hàng hóa của nước kia nhập khẩu vào nước mình. Đầu năm 2019, Mỹ sẽ tiếp tục tăng thuế suất từ 10% lên 20 – 25% đối với gói hàng hóa 200 tỷ USD nhập từ Trung Quốc và có thể thực hiện đối với gói hàng hóa 260 tỷ USD tiếp theo. Trong bối cảnh đó, các mặt hàng bột giấy và giấy cũng không nằm ngoài ảnh hưởng của cuộc chiến áp thuế này. Tại Bắc Mỹ và EU bắt đầu từ tháng 10.2018, giấy bao bì được sản xuất từ nguyên liệu giấy tái chế như giấy lớp mặt (testliner), giấy lớp sóng (medium) ổn định cả về giá cả và nhu cầu tiêu thụ. Tuy nhiên tại Châu Á, giá lại đang giảm rất mạnh từ 5,7 – 8,5% tùy từng chủng loại. Tháng 11.2018, giấy bao bì được sản xuất từ bột gỗ chưa tẩy trắng & tẩy trắng tại Bắc Mỹ vẫn ổn định, nhưng tại EU lại có xu hướng tăng, tại Châu Á có mức giảm nhẹ 2,1%.
Tháng 11.2018, tại thị trường Trung Quốc, giá giấy lớp mặt (testliner) ở mức 630 USD/tấn giảm 7,3%, giá giấy lớp sóng (medium flutting) ở mức 590 USD/tấn, giảm 7,8% so với tháng 10.2018. Tháng 11.2018, tại thị trường Đông Nam Á, giá giấy lớp mặt (testliner) ở mức 460 USD/tấn, giảm 5,1% so với tháng 10.2018 (riêng trong vòng tháng 10&11 đã giảm 11,5%). Giá giấy lớp sóng (medium flutting) ở mức 405 USD/tấn, giảm 5,8% so với tháng 10.2018 (trong vòng tháng 10&11 đã giảm tổng cộng 11,9%).
Thị trường Việt Nam: Thống kê sản xuất tháng 11.2018 cho thấy, sản xuất giấy bao bì trong nước đạt 280.000 tấn, giảm 2,1% so với tháng 10, sản xuất giấy in và giấy viết giảm 2,9%, như vậy sản xuất giấy bao bì đã có 04 tháng giảm liên tục. Trong khi đó theo số liệu thống kê của các công suất mới bổ sung và chuyển đổi của doanh nghiệp FDI thì khả năng sản xuất giấy bao bì tại Việt Nam phải đạt khoảng 315.000 tấn/tháng. Các nhà quan sát thị trường dự báo, sản xuất giấy bao bì tại Việt Nam trong thời gian tới vẫn sẽ giảm mạnh, thậm chí sẽ có nhiều doanh nghiệp dừng sản xuất và chủ yếu đó là các doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp sản xuất giấy bao bì Việt Nam không chỉ phải chịu sự cạnh tranh sản xuất với các doanh nghiệp FDI trên sân nhà, mà còn phải chịu áp lực về giá của sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ các nước xung quanh.
Giấy phế liệu – nguyên liệu chính cho sản xuất giấy bao bì (Ảnh Internet)
Do phải chịu sự cạnh tranh khắc nghiệt, nên các doanh nghiệp nội địa sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới xuất phát từ các nguyên nhân sau:
+ Nguyên liệu chính sử dụng cho sản xuất giấy bao bì là giấy phế liệu, nguồn thu gom trong nước luôn thiếu hụt, không đủ cho sản xuất, các doanh nghiệp bắt buộc phải nhập khẩu, nhưng nguồn cung nhập khẩu rất không ổn định, ảnh hưởng từ việc siết chặt quản lý nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất của các cơ quan quản lý nhà nước.
+ Chi phí giá thành sản phẩm giấy bao bì của các doanh nghiệp Việt Nam cao hơn các nước khác, do chi phí lưu container tại cảng và trên tàu biển bị gia tăng, thời gian và thủ tục thông quan kéo dài, ký quỹ phức tạp…
+ Các nước xung quanh Việt Nam, nhất là Indonesia, Thái Lan không xiết chặt nhập khẩu giấy phế liệu làm nguyên liệu sản xuất;
+ Giá giấy từ các quốc gia Indonesia, Thailand, Taiwan, Hàn Quốc, Ấn Độ nhập khẩu về Việt Nam thấp và được bán thấp hơn giá giấy nội địa. Do các quốc gia này sử dụng phế liệu giấy “Mixed paper” phối trộn trong sản xuất giảm khoảng 12% giá thành, kết hợp với việc các quốc gia này phá giá bán do đồng tiền mất giá mạnh đặc biệt là Indonesia & Ấn Độ khoảng 11% so với USD.
+ Theo số liệu Hải quan Mỹ, Trung Quốc vẫn cấp phép cho các doanh nghiệp của họ nhập khẩu giấy mixed,
+ Nhu cầu về giấy bao bì thị trường Trung Quốc đã chững lại, trong tháng 11.2018 nhu cầu nhập khẩu giấy bao bì của Trung Quốc giảm 27,0%, kết hợp với đó là nguyên liệu giấy tái chế sẵn có hơn.
+ Cạnh tranh thị trường xuất khẩu trong khu vực châu Á khó khăn hơn do giá thành sản phẩm cao hơn Indonesia, Thailand, India, Korea…
+ Thành phẩm từ giấy của Trung Quốc khó vào thị trường Mỹ, sẽ quay đầu xuất sang các quốc gia châu Á, trong đó có thị trường Việt Nam.
Những yếu tố này có thể sẽ ảnh hưởng bất lợi trực tiếp và mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp tại Việt Nam./.
VPPA tổng thuật
Đăng nhập để bình luận.