Thụy Điển thành “Vua tái chế rác”, biến rác thành vàng
Cùng với công nghệ xử lý, đốt rác thải ‘trên cả tuyệt vời’, Thụy Điển luôn sạch sẽ còn nhờ người dân không vội bỏ ngay những đồ không cần dùng ra bãi rác.
Trong nhiều năm liền đi đầu ở khâu tái chế, hiện nay Thụy Điển phải nhập khẩu rác từ các nước khác để các nhà máy tái chế nước này tiếp tục hoạt động. Kể từ năm 2011, không tới 1% các hộ gia đình Thụy Điển mang rác thải ra bãi, theo Independent.
Thụy Điển thực tế đã quan tâm tới môi trường từ rất lâu, tiến bộ hơn nhiều so với nhiều nước, thậm chí là các nước Liên minh châu Âu (EU). Năm 1991, Thụy Điển là một trong những quốc gia đầu tiên đánh thuế trên các nguồn năng lượng hóa thạch.
Đất nước này đang đứng đầu trong việc phân loại và xử lý rác thải, và cũng rơi vào tình thế hiếm hoi về chuyện thiếu rác tại các trung tâm đốt rác – vốn sản xuất ra điện đủ cung cấp cho 250.000 ngôi nhà và sưởi ấm cho 950.000 hộ.
Tại Thụy Điển, một chính sách về tái sử dụng toàn quốc được tiến hành rất đồng bộ, chặt chẽ. Vì vậy thậm chí các công ty tư nhân cũng tham gia vào nhập khẩu và đốt rác để cung cấp năng lượng cùng một mạng lưới sưởi ấm quốc gia dành cho mùa đông lạnh giá.
Ý thức bảo vệ môi trường của người dân Thụy Điển rất cao.
Nhưng kể cả như vậy, ở Thụy Điển vẫn còn rất nhiều người chỉ trích chính sách này. Họ cho rằng đất nước Bắc Âu đang “lười” trong việc tận dụng rác nên mới gửi tới các lò đốt.
Những nhà điều hành công ty sản xuất giấy cho biết sợi gỗ có thể được tận dụng gấp 6 lần trước khi thành tro bụi. Nếu người Thụy Điển đốt giấy trước ngưỡng sử dụng ấy, nó sẽ làm cạn kiệt tiềm năng tái sử dụng thực sự và thay giấy đã qua sử dụng bằng các vật liệu gốc.
Thế là một cuộc vận động toàn quốc có tên “Miljönär-vänlig” vài năm nay đã kêu gọi người dân chú ý tới những lợi ích từ việc sửa chữa, chia sẻ và tái sử dụng.
Trang 1millionwomen.com.au đã tổng kết những ‘bí quyết’ giúp Thụy Điển thành quốc gia không rác:
– Trạm tái chế rác ở khắp mọi nơi. Theo quy định, cứ mỗi khu dân cư sẽ có một trạm tái chế rác cách đó chưa tới 1,6km.
– Không vứt thuốc còn dư. Đối với thuốc uống chưa hết, thay vì vứt chai thuốc vào thùng rác, 43% người Thụy Điển đem số thuốc còn sót lại cho các nhà thuốc để họ đưa đi xử lý an toàn.
đem số thuốc còn sót lại cho các nhà thuốc để họ đưa đi xử lý an toàn.
– Quần áo đã mặc ‘đổi’ giảm giá. Siêu thương hiệu H&M của Thụy Điển từng phát động chiến dịch toàn cầu cho phép mọi người đem quần áo cũ tới đổi để được giảm giá. Theo đó cứ mỗi túi đựng quần áo đã mặc qua, H&M giảm giá cho khách 7,80 USD khi mua sắm món hàng trị giá ít nhất 52 USD, theo Bloomberg. Công ty sau đó dùng số quần áo khách đem tới làm ra các loại quần áo thân thiện môi trường.
– Thùng rác phát nhạc. Tại Helsingborg, thùng rác công cộng có loa phát nhạc làm cho việc đổ rác thoải mái vui vẻ hơn.
– Mọi người cùng phân loại rác. Các hộ gia đình phân loại báo giấy, nhựa, kim loại, thủy tinh, bóng đèn và pin. Các món đồ lớn hơn như đồ nội thất hay điện tử thì người Thụy Điển đem tới các trung tâm tái chế đặc biệt bên ngoài các thành phố.
– Các nghệ sĩ khuyến khích tái chế rác. Pantamera, một tổ chức tái chế, mời các nghệ sĩ nổi tiếng thu âm các bài hát và tham gia quảng cáo phát sóng toàn quốc khuyến khích người dân đem các vỏ chai đã dùng tới cửa hàng.
Chính ngành công nghiệp tái chế rác đã mang về cho Thuỵ Điển hàng tỉ USD mỗi năm và giúp nước này giảm được 2,2 triệu tấn khí thải CO2 hàng năm. Trong khi các quốc gia phát triển trên thế giới vẫn đang đau đầu về vấn đề xử lý rác thải, thì Thuỵ Điển đã ‘biến rác thải thành vàng’ thành công.
Theo Tuổi trẻ
Đăng nhập để bình luận.