Từ vụ Asanzo nhập nhèm nguồn gốc hàng hóa: Siết cấp chứng nhận xuất xứ
Ðại diện Tổng cục Hải quan cho rằng, lỗ hổng pháp luật khiến các doanh nghiệp lách luật để xác nhận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, nhằm trục lợi. Tổng cục Hải quan kiến nghị Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam siết công tác quản lý cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Kiểm tra 27 doanh nghiệp liên kết với Asanzo
Chiều 19/7, tại buổi họp báo chuyên đề về công tác đấu tranh chống gian lận xuất xứ của ngành Hải quan, bà Nguyễn Thu Nhiễu, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, liên quan đến vụ lùm xùm của Asanzo, Cục Kiểm tra sau thông quan nhận được phản ánh từ báo Tuổi Trẻ rằng, có 25 doanh nghiệp (DN) liên doanh liên kết nhập khẩu (NK) linh kiện về bán lại cho Asanzo của ông Phạm Văn Tam làm chủ. Còn từ thông tin từ phía Bộ Công an chuyển sang có 26 DN liên doanh liên kết để NK linh kiện về bán cho Asanzo.
Sau khi rà soát, loại bỏ trùng lắp, Cục kiểm tra sau thông quan xác định chỉ còn 31 DN thực hiện hành vi này. Cục Kiểm tra sau thông quan đã ra quyết định kiểm tra 27/31 DN. Trong số 4 DN còn lại thì 3 DN không còn hoạt động, doanh nghiệp còn lại là Cty Sa Huỳnh đã bị Bộ Công an khởi tố điều tra.
“Hiện tại cục đã và đang kiểm tra 13 công ty, còn lại 14 công ty chuyển cho Cục Hải quan TPHCM tiếp tục làm rõ”, bà Nhiễu cho hay.
Trả lời câu hỏi “trường hợp Asanzo NK thiết bị, linh kiện điện tử, hàng hóa Trung Quốc về gắn nhãn mác “Made in Vietnam” có vi phạm pháp luật không? Đâu là cơ sở pháp lý chứng minh?”, ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục giám sát Quản lý cho hay: Hiện tại, có nhiều ý kiến về vụ Asanzo, cần làm rõ nhiều hình thức kinh doanh của DN này. Nghị định 43 của Chính phủ có nội dung quy định về ghi nhãn mác “Made in Vietnam”. Tuy nhiên, Nghị định 31 thay thế sau đó, chỉ ghi tiêu chí xuất xứ để xác định nhãn mác đối với hàng hóa xuất khẩu XK, NK; chưa có quy định đối với hàng hoá sản xuất và lưu thông trong nước.
“Hàng hóa XK, chúng ta có tiêu chí, còn hàng hóa lưu thông trong nước, chúng ta chưa có tiêu chí. Do vậy, trường hợp DN nhập linh kiện về lắp ráp như thế nào thì được ghi và không được ghi “Made in Vietnam” hiện chưa có quy định”, ông Tuấn cho biết.
Ngăn chặn tiếp tay
Theo ông Tuấn, trong 15 nhóm hàng mà cơ quan hải quan đưa vào diện cảnh báo kim ngạch tăng đột biến thời gian gần đây có: Dây điện, thiết bị điện, gỗ ép công nghiệp… “Đáng nói, đây là các mặt hàng có dấu hiệu cho thấy thực trạng kinh doanh rủi ro cao. Vốn đầu tư của DN không tăng cao, nhưng XK lại lớn. Đặc biệt, đây là hàng hóa mà Mỹ đang giám sát đặc biệt ở Trung Quốc”, ông Tuấn nói. Ông Tuấn cho biết, hiện có 6/15 nhóm hàng này đang bị Mỹ áp dụng đánh thuế thương mại từ Trung Quốc. Trong khi đó, đây cũng là mặt hàng có kim ngạch xuất nhập khẩu cao, lượng nhập vào Việt Nam nhiều và xuất đi cũng nhiều.
Ông Vũ Quang Toàn, đội trưởng đội kiểm soát chống buôn lậu miền Bắc, Cục Điều tra chống buôn lậu cho biết, cục đang phối hợp với các đơn vị liên quan lập kế hoạch, xác minh thông tin liên quan 6 công ty có sản lượng gỗ sản xuất, nhập khẩu gỗ dán lớn, gỗ ghép có dấu hiệu tăng đột biến.
Các DN đang bị điều tra có trụ sở ở TP Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Lạng Sơn, Phú Thọ. Theo ông Toàn, các công ty trên thừa nhận: Không mua nguyên liệu gỗ bạch đàn, gỗ keo từ các hộ dân ghi trong hợp đồng; Sử dụng hợp đồng mua bán nguyên liệu ký khống, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong một số bộ hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) giả.
Mục đích của các công ty này là hợp thức hồ sơ đầu vào để làm thủ tục xin C/O tại Việt Nam cho các lô hàng mà công ty sản xuất để bán cho công ty khác XK hoặc trực tiếp XK. Các DN này còn sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng mua keo, bột mỳ dùng cho nhiều tờ khai để làm hồ sơ xin cấp C/O. Tổng số lượng keo và bột mỳ trong các tờ khai vượt quá so với số lượng keo, bột mỳ trên hóa đơn đầu vào.
Đáng chú ý, theo ông Nguyễn Phi Hùng, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, trong chiều 19/7, Cục đã ra quyết định khởi tố hình sự về hành vi buôn lậu đối với Cty TNHH XNK Trần Vượng (TPHCM). Trước đó, ngày 12/7/2018, công ty này mở tờ khai hải quan, khai báo NK loa kết hợp với máy ghi và tái tạo âm thanh 35, không nhãn hiệu, hàng mới 100%. Lô hàng gồm 601 chiếc, xuất xứ Trung Quốc, trị giá hơn 10.000 USD. Thực tế kiểm tra lô hàng, Hải quan phát hiện 601 chiếc loa thùng được đóng gói mỗi chiếc một hộp. Điều đáng nói là, lô hàng được nhập khẩu từ Trung Quốc, DN cũng khai hàng có xuất xứ Trung Quốc, nhưng trên toàn bộ sản phẩm đều ghi chữ xuất xứ Việt Nam (Made in Vietnam).
Cục Điều tra chống buôn lậu kiến nghị Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam siết chặt công tác quản lý cấp C/O. Cục này đồng thời kiến nghị Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường quản lý, ngăn chặn tình trạng xác nhận khống nguyên liệu đầu vào cấu thành sản phẩm XK, nhằm ngăn chặn gian lận xuất xứ.
Theo Cục trưởng Cục Ðiều tra chống buôn lậu Nguyễn Phi Hùng, cục đã tiến hành rà soát kim ngạch XK gỗ ván ép HS4412 của Việt Nam sang Hoa Kỳ từ tháng 1/2018 đến tháng 3/2019. Qua thống kê cho thấy, có 90 công ty XK gỗ ván ép HS4412 từ Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ. Tổng kim ngạch XK đạt hơn 200 triệu USD, tập trung chủ yếu với số lượng XK lớn từ tháng 8/2018 đến tháng 1/2019. Trong số các doanh nghiệp kể trên, có một số DN có người Trung Quốc là chủ sở hữu hoặc góp vốn với người Trung Quốc và một số DN khác có dấu hiệu xuất khẩu tăng đột biến. |
Theo Tiền phong
Đăng nhập để bình luận.