Vai trò phản biện chính sách của các Hiệp hội

Ngày 18-07-2022
VPPA-Việc điều chỉnh phí hạ tầng cảng biển là cần thiết nhằm tạo sự đồng thuận của các doanh nghiệp, góp phần vào việc giảm chi phí logistics, thúc đẩy phát triển vận tải thủy theo định hướng.

vai-tro-phan-bien-chinh-sach-cua-cac-hiep-hoi

Từ 1/8, TP HCM giảm 50% mức phí với hàng vận chuyển vào cảng và rời cảng bằng đường thủy nội địa.

Từ ngày 01/4/2022, sau vài lần trì hoãn, TP Hồ Chí Minh (TP HCM) đã quyết định thu phí hạ tầng cảng biển đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) thông qua cảng biển Thành phố theo Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 của Hội đồng nhân dân TP HCM, với mức phí thấp nhất là 15.000 đồng cho mỗi tấn hàng không đóng trong container (hàng xuất nhập khẩu mở tờ khai tại TP HCM); cao nhất là 4,4 triệu đồng mỗi container loại 40 feet (hàng tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan, chuyển khẩu).

Lắng nghe chia sẻ

Theo Sở GTVT TP HCM, sau hai tháng vận hành thu phí cảng biển, mức phí thu được hơn 500 tỉ đồng. Tính toán của Sở GTVT TP HCM đến năm 2025, nguồn thu phí hạ tầng cảng biển dự kiến đạt khoảng 16.000 tỷ đồng. Đây là một khoản tiền đóng góp rất lớn, trong khi các Doanh nghiệp đang phải vật lộn với các khó khăn trong kinh doanh hàng ngày mà Chính phủ phải tìm cách tháo gỡ kể cả việc giảm các loại thuế cho doanh nghiệp; hay như hay như HĐND tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh Thanh Hóa có chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và đối tượng có hàng vận chuyển bằng container qua cảng Vũng Áng Hà Tĩnh, cảng Nghi Sơn Thanh Hóa với mức hỗ trợ là 200 triệu đồng/chuyến cập Cảng (Nghị quyết số 276/2021-HĐND ngày 28/4/2021 của HĐND tỉnh Hà Tĩnh; Nghị quyết số 166/2019/NQ-HĐND ngày 04/4/2019 của HĐND tỉnh Thanh Hóa).

Trước thời gian thu phí trên, khi biết tin TP HCM sẽ thu phí hạ tầng cảng biển, qua đó sẽ gây khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu và cung cấp dịch vụ logistics trong hoàn cảnh bị tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19, các Hiệp hội ngành dịch vụ và ngành hàng, trong đó có Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đã chủ động lấy ý kiến của doanh nghiệp hội viên và đã có các văn bản đề nghị với Thành phố bãi bỏ hoặc hoãn việc thu phí đến một thời gian thích hợp.

Ngày 10/12/2021, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (CĐTNĐ) đã chủ trì Hội thảo trực tuyến với sự tham gia của các Hiệp hội liên quan và một số doanh nghiệp (DN) vận tải thủy. Hội thảo đã trao đổi vấn đề thu phí bất hợp lý đối với hàng hóa vận chuyển bằng đường thủy nội địa (ĐTNĐ) qua khu vực cảng Hải Phòng và khu vực cảng TP HCM trong tương lai gần.

Sau sự kiện đó và khi TP HCM tiến hành chính thức thu phí, tiếp theo các văn bản đề nghị trước đó, để bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics và các DN sản xuất, XNK – Đối tác của DN dịch vụ logistics, VLA đã chủ động, chủ trì phối hợp với 5 Hiệp hội ngành nghề liên quan là Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ Hàng hải Việt Nam (VISABA), Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam (VSC), Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam (VSA), Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VSA) và Hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam tiến hành một loạt các văn bản kiến nghị v/v TP HCM thu phí hạ tầng cảng biển gửi đến UBND, HĐND TP Hồ Chí Minh và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan thuộc hành pháp và lập pháp trong đó có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Kiến nghị của các Hiệp hội đại diện cho các doanh nghiệp đã được sự ủng hộ mạnh mẽ của Bộ Tài chính, Bộ GTVT, Ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội và đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Ủy viên Thường trực của Ủy ban này), Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) của Văn phòng Chính phủ, đồng thời thông báo cho các phương tiện truyền thông đại chúng và dư luận xã hội để có tiếng nói đồng tình ủng hộ mạnh mẽ.

Ngày 30/5/2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì Hội nghị gồm các bên liên quan và đưa ra kết luận để TP HCM xem xét, giải quyết thỏa đáng vấn đề nổi cộm này. Trên cơ sở kết luận của Phó Thủ tướng, ngày 8/6/2022 Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 169/TB-VPCP thông báo báo kết luận “đề nghị UBND Thành phố Hồ Chí Minh sớm trình HĐND Thành phố xem xét điều chỉnh trong tháng 7/2022”.

Đến hết tháng 6/2022 đã có 30 văn bản liên quan của Ủy ban Tài Chính, Ngân sách của Quốc hội (2 văn bản), Văn phòng Chính phủ, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Bộ Tài chính (5 văn bản), Bộ GTVT (3 văn bản), Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (5 văn bản) và các Hiệp hội (10 văn bản).  Các văn bản đã phân tích có lý, có tình trên cơ sở luật pháp hiện hành.

Với những nỗ lực kiên trì và liên tục vì quyền lợi của cộng đồng doanh nghiệp, bước đầu đã có những kết quả đáng khích lệ. Theo đó, theo đề nghị của UBND, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã thông qua Nghị quyết/Quyết định ngày 7/7/2022 về việc Sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của Hội đồng nhân dân Thành phố về việc Ban hành mức thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh. Theo đó mức phí thu mới có hiệu lực từ ngày 1/8/2022.

Theo tính toán của Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh, việc giảm 50% phí hạ tầng cảng biển với hàng chở bằng đường thuỷ và giảm mức thu đối với hàng mở tờ khai tại các địa phương khác sẽ khiến thành phố giảm 891 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc điều chỉnh phí hạ tầng cảng biển là cần thiết nhằm tạo sự đồng thuận của các doanh nghiệp, góp phần vào việc giảm chi phí logistics, thúc đẩy phát triển vận tải thủy, chia sẻ cho giao thông vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ, phát triển vận tải đa phương thức.

vai-tro-phan-bien-chinh-sach-cua-cac-hiep-hoi
Mức phí hàng hóa xuất, nhập khẩu mở tờ khai tại TP HCM hay địa phương khác cũng được điều chỉnh cùng một mức thu.

Kinh nghiệm rút ra

Từ quá trình thực hiện công tác phản biện chính sách thành công này chúng ta có thể rút ra những bài học kinh nghiệm cho những hoạt động tiếp theo của các Hiệp hội ngành nghề như sau:

Thứ nhất, khi xảy ra sự việc phức tạp và có liên quan tới nhiều bên, các Hiệp hội đã có quyết định kịp thời để phản ánh ý kiến của Hội viên và bảo vệ quyền lợi chính đáng của Hội viên; phải theo đuổi sự việc một cách kiên trì và đã có phương pháp tiến hành với phương châm “thực hiện từng bước một”, giải quyết khéo léo từng vấn đề, không quá tham vọng.

Thứ hai, các Hiệp hội biết chủ động tập hợp sức mạnh của nhau. Có một Hiệp hội đứng ra với vai trò thường trực, dẫn dắt, có trách nhiệm cao. Mỗi Hiệp hội giao cho một đầu mối có năng lực thực hiện, chịu trách nhiệm trước Hiệp hội và có khả năng kết nối chung.

Thứ ba, lãnh đạo Hiệp hội tham gia có ý kiến kiên định, trả lời nhanh để đáp ứng về mặt thời gian theo yêu cầu.

Thứ tư, khi phối hợp nhiều bên có liên quan lại có trụ sở ở các nơi trong cả nước nên sử dụng tối đa phương tiện điện tử để gửi văn bản điện tử và bản gốc gửi phát chuyển nhanh sau đó để đáp ứng yêu cầu về thời gian giải quyết kịp thời kết hợp với sự đồng thuận và có chữ ký của nhiều bên. Việc gửi văn bản phải linh hoạt và đảm bảo tính thời gian.

Thứ năm, các nội dung yêu cầu được giải trình phải theo quy định của luật pháp, không nêu chung chung mà có dẫn chứng cụ thể. Văn bản được gửi tới các cơ quan giải quyêt đúng thủ tục quy định, nên gửi tới cơ quan tư pháp, ngoài các cơ quan hành pháp và lập pháp để xem xét văn bản được ban hành có đúng quy định của pháp luật hay không.

Thứ sáu, theo dõi chặt chẽ kết quả giải quyết sau khi văn bản được gửi đi để có phản ứng kịp thời.

Thứ bảy, kết hợp chặt chẽ giữa kiến thức luật pháp và kiến thức chuyên môn của các chuyên gia và cơ quan quản lý liên quan. Đề nghị có lý, có tình, hành văn phù hợp với tình hình, tôn trọng và lịch sự.

Thứ tám, tận dụng các kênh truyền thông hỗ trợ, qua đó có tác dụng thiết thực với cơ quan được đề nghị và làm cho dư luận xã hội hiểu và ủng hộ.

Thứ chín, sau khi kết thúc vụ việc, cần viết thư cảm ơn các cơ quan, đơn vị đã phối hợp, giúp đỡ; đặc biệt là gửi đến cơ quan mà các Hiệp hội đã kiến nghị, đánh giá cao thái độ cầu thị, tiếp thu, sửa đổi vì lợi ích chung và gửi đến các cơ quan truyền thông để phổ biến rộng rãi.

Thứ mười, trường hợp còn vấn đề nào chưa được đáp ứng hoặc giải quyết chưa thỏa đáng, không nên vội vã kiến nghị lại ngay mà cần bình tĩnh xem xét trên cơ sở tổng thể các kiến nghị và trả lời để có ý kiến tiếp theo vào thời gian thích hợp.

     >>> Phát triển lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế – kỹ thuật hiện đại

Theo Diễn đàn doanh nghiệp

Bình luận của bạn

Tin liên quan

Tin đã đăng