Tổng công ty Giấy Việt Nam: Dồn sức hoàn thành mục tiêu

Ngày 09-08-2013
VPPA-Năm 2013, Tổng công ty Giấy Việt Nam nỗ lực đạt 3.401 tỷ đồng tổng doanh thu, 110.500 tấn sản phẩm giấy các loại, nộp ngân sách 145,9 tỷ đồng 6 tháng đầu năm, Tổng công ty Giấy Việt Nam đã giữ được ổn định sản xuất và sản lượng tiêu thụ với tổng sản […]

Năm 2013, Tổng công ty Giấy Việt Nam nỗ lực đạt 3.401 tỷ đồng tổng doanh thu, 110.500 tấn sản phẩm giấy các loại, nộp ngân sách 145,9 tỷ đồng

6 tháng đầu năm, Tổng công ty Giấy Việt Nam đã giữ được ổn định sản xuất và sản lượng tiêu thụ với tổng sản phẩm giấy các loại đạt 56.111 tấn, bằng 50,8% kế hoạch năm, sản phẩm tiêu thụ đạt 56.185 tấn, bằng 50,6% kế hoạch năm. Tuy nhiên, doanh thu của tổng công ty không tỷ lệ thuận với sản xuất và tiêu thụ khi chỉ đạt 48% kế hoạch năm với 1.657,5 tỷ đồng và lợi nhuận cũng chỉ đạt 14 tỷ đồng, bằng 26% kế hoạch năm.

Giải thích về sự không tương xứng này, ông Vũ Thanh Bình, Tổng giám đốc Tổng công ty Giấy Việt Nam cho rằng: Hiện nhu cầu giấy in, viết, giấy in báo giảm do kinh tế phát triển chậm và sự thay thế của các sản phẩm công nghệ thông tin; sản lượng giấy nhập khẩu tăng, nguồn cung trong nước dồi dào… nên một số đơn vị thuộc tổng công ty phải giảm giá bán sản phẩm, hỗ trợ cho các đại lý, cơ sở kinh doanh tiêu thụ sản phẩm…

Vốn cũng đang là “điểm nghẽn” ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh của tổng công ty khi các dự án trồng rừng từ năm 2011 đến nay chưa được Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho vay vốn, tổng công ty đã phải dùng vốn vay ngắn hạn cho các dự án này. Một số DN liên kết do gặp khó khăn đã phải tạm dừng sản xuất như: Công ty CP Tập đoàn Tân Mai, Công ty CP Giấy BBP. Hay như Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam phải dừng sản xuất, nguyên nhân từ việc không thống nhất trong thương thảo hợp đồng với chuyên gia để tiếp tục chạy thử có tải ra bột hóa nhiệt cơ tẩy trắng… dẫn đến việc tiếp cận nguồn vốn vay của công ty đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Theo ông Bình, những tháng cuối năm, thị trường tiêu thụ giấy chắc chắn còn nhiều khó khăn do nhu cầu vẫn ở mức thấp, sự cạnh tranh quyết liệt của các sản phẩm giấy nhập khẩu. Đặc biệt, do một số công ty liên kết tiếp tục lỗ nhiều khiến tổng công ty tiếp tục phải trích dự phòng tài chính… nên sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch năm.

Để vượt qua khó khăn trước mắt đồng thời hoàn thành mục tiêu đã đề ra trong năm 2013, ông Bình cho biết, tổng công ty đã nhanh chóng triển khai nhiều giải pháp. Theo đó, tổng công ty sẽ nhanh chóng đưa dây chuyền sản xuất tại Nhà máy Bãi Bằng vào hoạt động, sử dụng các hóa chất mới để tăng hiệu quả sản xuất. Tổng công ty cũng sẽ tăng cường công tác marketing, làm tốt hơn nữa công tác thị trường, bán hàng, mở rộng xuất khẩu cả sản phẩm giấy và dăm mảnh, theo dõi sát sao diễn biến của thị trường để điều chỉnh chính sách bán hàng cho phù hợp…

Khẳng định sẽ dồn sức hoàn thành kế hoạch năm nhưng ông Bình cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, kiến nghị Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cho phép tổng công ty được hạch toán và thực hiện báo cáo tài chính riêng Dự án Nhà máy Phương Nam, không nằm trong báo cáo tài chính chung để tổng công ty có điều kiện vay vốn cho sản xuất, kinh doanh và đầu tư các dự án.

Trước những khó khăn, vướng mắc của Tổng công ty Giấy Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho rằng: Cái khó nhất của Tổng công ty Giấy Việt Nam hiện nay chính là khâu tiêu thụ. Đã đến lúc tổng công ty phải thay đổi cách tiếp cận và cần xây dựng một chiến lược dài hơi và hiệu quả nhằm phát triển thị trường…/.

Bình luận của bạn

Tin liên quan

Tin đã đăng