Tiền bán tín chỉ carbon đã về

Trước đó hơn 1.000 chủ rừng ở Quảng Bình nhận được tiền từ bán tín chỉ carbon cho thấy kiếm tiền từ bảo vệ môi trường không còn là chuyện của tương lai xa nữa.

Ngoài rừng, điện gió, điện mặt trời, các dự án chuyển đổi năng lượng, thu gom và tái chế rác, nông nghiệp, lâm nghiệp… đều là những ngành tiềm năng kiếm bộn tiền từ bán tín chỉ carbon trong thời gian tới.

Rừng đem tiền về cho cộng đồng

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa chuyển khoản tiền trị giá 51,5 triệu USD, tương đương 1.200 tỉ đồng, cho Việt Nam sau khi mua 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Á – Thái Bình Dương nhận được khoản tiền bán tín chỉ carbon rừng từ WB.

Bà Carolyn Turk – giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam – cho biết khoản chi trả này là bước ngoặt, đánh dấu một bước nữa để Việt Nam tham gia thị trường tín chỉ carbon toàn cầu. Còn ông Nguyễn Ngọc Tùng – giám đốc Quỹ VinaCarbon – cho biết việc Việt Nam nhận được khoản tiền từ chuyển nhượng hơn 10 triệu tín chỉ carbon rừng đã cho thấy sự quan tâm lớn của các tổ chức nước ngoài đối với các dự án carbon tại Việt Nam.

Quảng Bình là một trong những địa phương đầu tiên được chi trả tiền bán tín chỉ carbon. Theo ông Mai Văn Minh – giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, đến nay hơn 80 tỉ đồng tỉnh này nhận được sau khi bán tín chỉ carbon đã được chia về tận tay các chủ rừng. Riêng về các hộ dân được giao rừng thì có hơn 1.000 hộ đã được nhận khoản tiền này.

“Như năm 2023 thì mỗi hecta được chia gần 200.000 đồng. Sở mở tài khoản riêng cho các chủ rừng rồi chuyển tiền từ nguồn bán tín chỉ carbon này cho từng chủ rừng”, ông Minh thông tin.

Trong danh sách được chia tiền bán tín chỉ carbon của Quảng Bình, chủ rừng là các tổ chức, công ty lâm nghiệp được chia nhiều nhất với tổng số tiền là hơn 58 tỉ đồng. Chủ rừng là UBND các xã được chia hơn 11,5 tỉ đồng. Chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân được chia tổng số tiền hơn 8 tỉ đồng. Chủ rừng là cộng đồng được chia gần 2 tỉ đồng.

Cũng theo ông Minh, đây là mức tính theo giá tín chỉ carbon của giai đoạn 2023 – 2025. Sau năm 2025 khi thị trường carbon thành tự do thì giá carbon sẽ tăng lên.

“Đây mới thí điểm trên 469.000ha rừng tự nhiên. Trong khi đó Quảng Bình còn có một diện tích rất lớn rừng trồng cũng có thể đưa vào khai thác carbon. Nếu khai thác hết có thể gấp đôi con số 4,5 triệu tấn carbon của giai đoạn thí điểm vừa qua. Đây là tiềm năng cho ngành nông nghiệp, nguồn lợi tương đương khai thác gỗ trước đây”, ông Minh nói.

Còn ông Phạm Đăng An – giám đốc VP Carbon Solutions – cho rằng mặt tích cực của việc WB chi trả hơn 1.200 tỉ đồng tiền bán tín chỉ carbon từ rừng đối với Việt Nam đó là một khoản chi trả minh bạch, mang lại lợi ích cho cộng đồng cũng như cho thấy chúng ta đã bán được tín chỉ carbon với khối lượng vượt trội khi thu được kết quả giảm phát thải vượt quá hợp đồng.

Quảng Bình sở hữu độ che phủ rừng lớn thứ hai cả nước nên rất thuận lợi cho việc phát triển theo hướng bán tín chỉ carbon từ rừng - Ảnh: QUỐC NAM

Quảng Bình sở hữu độ che phủ rừng lớn thứ hai cả nước nên rất thuận lợi cho việc phát triển theo hướng bán tín chỉ carbon từ rừng – Ảnh: QUỐC NAM

Nhiều ngành sẽ “hái ra tiền”

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Võ Trường An – phó tổng giám đốc Công ty CP Sàn giao dịch tín chỉ carbon ASEAN (CCTPA) – cho biết thị trường tín chỉ carbon năm 2024 của Việt Nam được dự báo tiếp tục phát triển mạnh mẽ, với tiềm năng tăng trưởng lên đến 20%.

Nguyên nhân là do Việt Nam đang phải đối mặt với áp lực giảm phát thải khí nhà kính từ các hiệp định quốc tế như thỏa thuận Paris và Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Theo ông An, ngoài rừng, thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam còn có tiềm năng phát triển ở các lĩnh vực khác như năng lượng tái tạo hay trồng cây xanh đô thị. Việt Nam có tiềm năng lớn khi có nguồn năng lượng mặt trời, gió, thủy điện dồi dào. Các dự án năng lượng tái tạo có thể tạo ra tín chỉ carbon từ việc giảm phát thải khí nhà kính do sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Tương tự, TS Nguyễn Hồng Quân – viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn – cho hay dư địa tín chỉ carbon năm 2024 còn lớn, không chỉ từ rừng mà còn các ngành năng lượng tái tạo, nông nghiệp…

Trong đó ngành nông nghiệp đặc biệt tiềm năng nhờ các hoạt động cải thiện điều kiện canh tác tương đối dễ dàng, có thể chuyển đổi nhanh chóng.

Ngoài ra nhiều lĩnh vực khác như xây dựng, sản xuất công nghiệp, giao thông, vận tải xây dựng cũng là lĩnh vực tiềm năng, song các lĩnh vực này cần nhiều thời gian, nguồn lực lớn để thay đổi về hạ tầng, kỹ thuật, đầu tư máy móc.

Ông Phạm Đăng An cho hay tiềm năng thị trường tín chỉ carbon của Việt Nam rất lớn và đang có cơ hội thuận lợi để phát triển. Trong xu hướng chuyển dịch xanh, nhiều doanh nghiệp cũng đã cam kết và đưa ra lộ trình cắt giảm phát thải, hướng tới trung hòa carbon. Nhu cầu tín chỉ carbon lớn là cơ hội để phát triển thị trường carbon tại Việt Nam.

Tuy nhiên, ông An cho rằng thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam sẽ chưa thể sôi động ngay trong năm 2024 do nước ta mới đang trong quá trình xây dựng thị trường, dự kiến sẽ thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025 và sẽ tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức trong năm 2028.

Với giá bán khoảng 5 USD/tấn CO2, hàng chục ngàn ha dừa tại tỉnh Bến Tre có thể mang lại thu nhập thường xuyên cho người dân trồng dừa nhờ bán tín chỉ carbon. Trong ảnh: dừa ở huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Với giá bán khoảng 5 USD/tấn CO2, hàng chục ngàn ha dừa tại tỉnh Bến Tre có thể mang lại thu nhập thường xuyên cho người dân trồng dừa nhờ bán tín chỉ carbon. Trong ảnh: dừa ở huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cần sớm có hành lang pháp lý

TS Lê Xuân Nghĩa – viện trưởng Viện Tư vấn phát triển tài chính carbon (CODE) – cho biết muốn tạo lập được thị trường cần có ít nhất 500 – 1.000 người bán và cũng cần có 500 – 1.000 người mua cùng một đội ngũ tư vấn, kiểm toán và nhà tổ chức sàn giao dịch với hàng loạt các quy định về kỹ thuật, công nghệ, thanh toán, lưu ký…

Theo ông Nghĩa, hành lang pháp lý đầu tiên và quan trọng nhất là tạo ra được hàng hóa chuẩn và ba bộ phận cấu thành thị trường (người mua – người bán – trung gian). Công việc này cần rất nhiều thời gian cả ở Chính phủ, các bộ và quan trọng hơn là doanh nghiệp, hệ thống thống kê, kiểm toán.

“Nếu Chính phủ không ban hành hạn ngạch có tính bắt buộc và thách thức và nếu doanh nghiệp không kiểm kê báo cáo được phát thải CO2 thì sẽ không có hàng hóa và cũng không có các bộ phận hợp thành thị trường. Có thể thấy để có được sàn giao dịch thí điểm vào năm 2025 và chính thức vào năm 2028 là nhiệm vụ cấp bách và phức tạp cần được chuẩn bị khẩn trương hơn hiện tại rất nhiều”, ông Nghĩa nhận định.

Theo ông Nghĩa, nghị định 06 và các thông tư hướng dẫn đã quy định các bước chuẩn bị cho việc hình thành sàn giao dịch carbon. Đặc biệt nghị định và thông tư hướng dẫn đã quy định cụ thể gần 2.800 doanh nghiệp thuộc một số ngành có phát thải carbon lớn phải có báo cáo phát thải khí nhà kính song đến nay vẫn mới có ít doanh nghiệp báo cáo.

Trong khi đó, ông Trường An cho rằng để phát triển thị trường mua bán tín chỉ carbon, Nhà nước cần phát triển và công bố các quy định chi tiết, rõ ràng về mua bán tín chỉ carbon tại Việt Nam. Bên cạnh đó, cần xây dựng thị trường thương mại tín chỉ carbon để các đối tác có thể gặp nhau, thực hiện giao dịch mua bán một cách minh bạch và hiệu quả.

TP.HCM cần có cơ chế thu hút doanh nghiệp

Là địa phương đầu tiên của cả nước được trao quyền thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon để giảm phát thải khí nhà kính, các doanh nghiệp đề xuất để TP.HCM sớm tạo lập cơ chế thu hút doanh nghiệp tham gia thị trường carbon như xây dựng, ban hành cơ chế ưu đãi, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Ông Nguyễn Võ Trường An – phó tổng giám đốc Công ty CP Sàn giao dịch tín chỉ carbon ASEAN – đề xuất cần có chính sách miễn, giảm thuế, phí đối với các doanh nghiệp tham gia thị trường, hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo cho các doanh nghiệp tham gia thị trường carbon. Đồng thời, TP cần thúc đẩy phát triển các dự án giảm phát thải khí nhà kính, đặc biệt là các dự án có khả năng tạo ra tín chỉ carbon.

Nhiều địa phương vẫn đợi hướng dẫn

Ông Lê Văn Hải – chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau – cho biết Cà Mau hiện chưa triển khai bán tín chỉ carbon, tỉnh mới đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu về vấn đề này.

Cà Mau có hơn 94.000ha đất rừng, trong đó rừng sản xuất chiếm hơn 53.800ha, rừng phòng hộ chiếm hơn 21.400ha và hơn 18.700ha rừng đặc dụng. Mặc dù đã có cơ sở pháp lý để khai thác, thương mại, phát triển thị trường carbon rừng, tuy nhiên hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn trong việc cụ thể hóa các nội dung phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.

Dân làng Kenya thu lợi từ “bán không khí”

Theo trang thông tin của Liên Hiệp Quốc, ở Kenya, người dân tại làng ven biển đang bán tín chỉ carbon cho các tập đoàn lớn. Khi được hỏi đang kinh doanh gì, họ nói: “Chúng tôi bán không khí”.

Những người dân làng này đang tham gia vào sáng kiến “Mangroves Together” hay Mikoko Pamoja nhằm thúc đẩy bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên rừng ngập mặn để đạt được “lợi ích ba bên”: giảm thiểu biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học và nâng cao sinh kế cộng đồng.

Quỹ Plan Vivo (trụ sở tại Anh) xác nhận dự án Mikoko Pamoja bán ít nhất 3.000 tấn CO2 mỗi năm trong 20 năm, 2013 – 2033, tạo ra doanh thu hằng năm khoảng 130.000 USD.

Ngành gỗ có cơ hội lớn

Ông Nguyễn Ngọc Tùng – giám đốc Quỹ VinaCarbon – cho hay tiềm năng tạo tín chỉ carbon từ các doanh nghiệp ngành gỗ để bù đắp cho các ngành công nghiệp khác tại Việt Nam nhằm giúp quốc gia đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 là rất lớn.

Theo ông Tùng, Việt Nam có hơn 14 triệu ha rừng, trong số đó gần một nửa là rừng sản xuất. Nếu các doanh nghiệp ngành gỗ nhận đầu tư phát triển bền vững, giảm phát thải thì nguồn thu không chỉ đến từ các hoạt động chế biến gỗ, lâm sản mà còn từ tín chỉ carbon.

“Ví dụ hoạt động trồng rừng gỗ lớn cần đầu tư ban đầu nhiều thời gian và chi phí, tuy nhiên hiệu quả kinh tế từ sản phẩm lâm nghiệp sẽ cao hơn từ 3 – 4 lần. Ngoài ra tuổi thọ cây kéo dài cũng giúp doanh nghiệp có thêm doanh thu từ tín chỉ carbon”, ông Tùng nói.

Ai sẽ mua tín chỉ carbon?

Rừng bằng lăng Đà Cộ, Nam Cát Tiên, Đồng Nai - Ảnh: TĂNG A PẨU

Rừng bằng lăng Đà Cộ, Nam Cát Tiên, Đồng Nai – Ảnh: TĂNG A PẨU

TS Vũ Tấn Phương – giám đốc Văn phòng Chứng chỉ rừng Việt Nam (VFCO) – cho hay với diện tích rừng hiện tại khoảng 14,7 triệu ha, lượng carbon lưu giữ trong sinh khối cây rừng được ước tính là khoảng 612 triệu tấn, tương đương 2,2 tỉ tấn CO2, trong đó khoảng 80% lưu giữ ở rừng tự nhiên.

Kết quả kiểm kê khí nhà kính quốc gia cho thấy lâm nghiệp là lĩnh vực duy nhất có phát thải ròng âm, tức lượng hấp thụ carbon của rừng lớn hơn lượng phát thải. Tính trung bình trong giai đoạn 2010 – 2020, lượng phát thải ròng trung bình/năm trong lâm nghiệp khoảng -40 triệu tấn CO2 tương đương. Nếu quy ra giá trị bằng tiền để giảm 40 triệu tấn CO2 tương đương sẽ khoảng 3.500 tỉ đồng với giả định chi phí giảm phát thải 1 tấn CO2 tương đương là 5 USD.

Ông Phương cho hay việc thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lâm nghiệp sẽ góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu giảm phát thải của Việt Nam và tạo nguồn tài chính bổ sung từ các hoạt động mua bán, trao đổi và thương mại tín chỉ carbon tại thị trường carbon trong nước và quốc tế.

“Hiện nay Chính phủ đang xây dựng thị trường carbon trong nước và khi đi vào hoạt động sẽ mở ra các cơ hội về mua bán, trao đổi, thương mại tín chỉ carbon giữa các doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư cho giảm phát thải khí nhà kính và tăng hấp thụ carbon trong các hoạt động lâm nghiệp”, ông Phương nói.

Thị trường carbon trên thế giới đang khá sôi động với sự tham gia của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đặt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 và theo sát các mục tiêu khí hậu toàn cầu.

Trong xu hướng chuyển dịch xanh, số lượng các doanh nghiệp có nhu cầu cắt giảm lượng phát thải ngày càng tăng lên. Đây chính là nhóm khách hàng tiềm năng mua tín chỉ carbon và chứng chỉ năng lượng tái tạo (RECs) tại Việt Nam.

Bên cạnh đó sẽ có các đơn vị, tổ chức quốc tế như các ngân hàng, quỹ đầu tư, quỹ hợp tác toàn cầu… tham gia như một phần của thị trường. Còn tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp nội cũng đã rục rịch tìm mua tín chỉ carbon và tìm cách giảm phát thải để tránh bị đánh thuế, giảm lợi thế cạnh tranh khi xuất hàng sang EU.

Ông Phạm Đăng An – giám đốc VP Carbon Solutions – cho hay dù chưa vận hành thị trường tín chỉ carbon chính thức nhưng Việt Nam đã gián tiếp tham gia các hoạt động mua bán tín chỉ carbon thông qua một số đề án như Cơ chế phát triển sạch (CDM). Tuy nhiên, con số này còn rất khiêm tốn so với tiềm năng thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam.

Việc phát triển thị trường tín chỉ carbon là cần thiết giúp khai thác tiềm năng này, đồng thời góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch xanh, hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050 của Việt Nam.

Hiện Việt Nam đang trong quá trình xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon cũng như xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon. “Khi thị trường đi vào hoạt động, sẽ có sự tham gia của cả các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp quốc tế. Thị trường sẽ vận hành hiệu quả khi có hành lang pháp lý phù hợp”, ông An nói.

Tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một lượng khí CO2 hoặc một lượng khí nhà kính khác quy đổi sang CO2 tương đương. Một tín chỉ tương đương 1 tấn CO2 hoặc 1 tấn CO2 quy đổi tương đương.

 

Nguồn: Báo tuổi trẻ

Trung Quốc: Sản xuất chế tạo lần đầu tiên tăng trưởng sau 6 tháng

Kết quả trên là tin tốt cho các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc ngay cả khi cuộc khủng hoảng bất động sản của nước này vẫn đang là lực cản đối với nền kinh tế và niềm tin của nhà đầu tư.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) chính thức của Trung Quốc đã tăng lên 50,8 điểm trong tháng 3, từ mức 49,1 của tháng 2 và cao hơn mức dự báo trung bình 49,9 điểm trong cuộc thăm dò trước đó của Reuters.

Mặc dù tốc độ tăng còn khiêm tốn nhưng đây cũng là chỉ số PMI cao nhất kể từ tháng 3 năm ngoái, khi động lực tăng trưởng từ việc gỡ bỏ các biện pháp chống dịch Covid-19 cứng rắn bắt đầu chững lại.

Zhou Maohua, nhà phân tích của Ngân hàng Everbright Trung Quốc, cho rằng: “Nhìn vào các chỉ số, thì cung và cầu trong nước đã được cải thiện; khi niềm tin của chủ sở hữu nhà và doanh nghiệp đang phục hồi, thì mức độ sẵn sàng tiêu dùng và đầu tư cũng sẽ tăng lên”.

Dữ liệu PMI tháng 3 cho thấy Trung Quốc ghi nhận số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng lên mức tích cực, đảo ngược mức sụt giảm kéo dài 11 tháng qua. Tuy nhiên, tình hình việc làm vẫn tiếp tục sụt giảm, mặc dù với tốc độ chậm hơn.

Các chỉ số lạc quan gần đây cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang dần lấy lại trạng thái tốt hơn, khiến các nhà phân tích bắt đầu nâng dự báo tăng trưởng năm nay đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Đơn cử, tập đoàn dịch vụ tài chính Citi tuần này đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Trung Quốc lên 5,0%, từ mức 4,6%, với lý do “dữ liệu tích cực gần đây và việc đưa ra chính sách”.

Theo phản ánh của Reuters, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã phải vật lộn với tình trạng trì trệ kinh tế kéo dài kể từ khi dỡ bỏ các biện pháp chống dịch Covid-19 vào cuối năm 2022, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng bất động sản của nước này ngày càng lún sâu, nợ chính quyền địa phương gia tăng và nhu cầu toàn cầu suy yếu.

“Dữ liệu tháng 3 cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đã sẵn sàng cho một kết thúc mạnh mẽ trong quý I”, công ty tư vấn China Beige Book nhận xét. “Việc tuyển dụng đã ghi nhận khoảng thời gian cải thiện dài nhất kể từ cuối năm 2020. Sản xuất cũng như bán lẻ đều tăng trưởng”.

Tuy nhiên, suy thoái bất động sản ngày càng sâu sắc vẫn là lực cản lớn đối với tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, bên cạnh vấn đề nợ của chính quyền các địa phương và bảng cân đối kế toán của các ngân hàng quốc doanh.

Tháng 3 ghi nhận chỉ số PMI phi sản xuất chính thức của Trung Quốc, bao gồm lĩnh vực dịch vụ và xây dựng, đã tăng lên 53 điểm, từ mức 51,4 trong tháng 2, đánh dấu mức cao nhất kể từ tháng 9.

Đầu tháng này, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã công bố mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 là khoảng 5% tại cuộc họp thường niên của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc sẽ cần tung ra nhiều biện pháp kích thích hơn để đạt được mục tiêu tăng trưởng trên.

Thực tế, chính phủ Trung Quốc vào đầu tháng này đã thông qua một kế hoạch nhằm thúc đẩy nâng cấp thiết bị trên quy mô lớn và bán hàng tiêu dùng. Kế hoạch này được kỳ vọng có thể tạo ra nhu cầu thị trường trị giá hơn 5 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 691,63 tỷ USD) mỗi năm.

Nhiều nhà phân tích lo ngại rằng nền kinh tế Trung Quốc có thể bắt đầu rơi vào tình trạng đình trệ kiểu Nhật Bản vào cuối thập niên này, nếu các nhà hoạch định chính sách không thực hiện các biện pháp định hướng lại nền kinh tế theo hướng tiêu dùng hộ gia đình và phân bổ nguồn lực theo thị trường, đồng thời thoát khỏi sự phụ thuộc quá lớn vào đầu tư cơ sở hạ tầng như trước đây.

Nguồn: Báo đầu tư

HHP Paper HẢI PHÒNG phát triển bền vững cùng chứng nhận xanh LEED SILVER

Với mục tiêu “hướng đến con người” trong quá trình xây dựng doanh nghiệp bền vững, Nhà máy HHPPaper Hải Phòng thuộc Công ty cổ phần HHP GLOBAL (HHP) đã được đầu tư xây dựng để đạt tiêu chuẩn LEED (Leadership in Energy and Environmental Design), nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của con người, cải thiện môi trường và tiết giảm chi phí vận hành.

Hiện Nhà máy HHPPaper Hải Phòng là dự án đầu tiên trong ngành sản xuất giấy tại Việt Nam đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn LEED và đã được Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ (U.S. Green Building Council) cấp chứng nhận LEED SILVER vào tháng 1/2024 vừa qua.
Tổng giám đốc Công ty CP HHP GLOBAL Trần Thị Thu Phương cho hay, từ quá trình thiết kế ban đầu, LEED đã yêu cầu toàn bộ nhóm dự án (bao gồm thiết kế kiến trúc, thiết kế cơ điện, chủ đầu tư, và bộ phận vận hành kỹ thuật của chủ đầu tư sau này) phối hợp chặt chẽ với tư vấn LEED để tích hợp tất cả giải pháp với mục tiêu đảm bảo dự án đáp ứng được yêu cầu từ chủ đầu tư, đồng thời thỏa mãn yêu cầu cao từ Chứng nhận LEED.

Về thiết kế, một phần khuôn viên của Nhà máy HHPPaperHải Phòng được sử dụng làm khu vực đỗ xe cho các phương tiện giao thông, ưu tiên các phương tiện công cộng, phương tiện ít phát thải. Tại nhà máy khuyến khích sử dụng xe đạp vì tính tiện lợi và thân thiện với môi trường, tránh ô nhiễm không khí, cũng như thúc đẩy ý thức về giao thông bền vững trong cộng đồng nhân viên.
Nhà máy đã thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu hiệu ứng đảo nhiệt và chi phí làm mát bằng cách lắp đặt hệ thống mái có khả năng phản xạ cao và độ phản quang thấp. Đây là một lựa chọn được các chuyên gia đánh giá cao về chất lượng và hiệu suất. Việc đầu tư vào hệ thống mái hiệu quả này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, còn mang lại sự thoải mái và tiện nghi cho người sử dụng. Việc này cũng đóng góp vào việc giảm thiểu hiệu ứng đảo nhiệt, giúp môi trường làm việc trở nên dễ chịu và tiết kiệm năng lượng trong quá trình làm mát nhà máy.

Hệ thống đèn LED chiếu sáng trong nhà xưởng. Ảnh: HHP Global cung cấp

Tại Nhà máy HHPPaper Hải Phòng cũng sử dụng hệ thống đèn LED thông minh được trang bị cảm biến tự động, là giải pháp giúp tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải ra môi trường, giảm thiểu tác động của ánh sáng nhân tạo đến sức khỏe của nhân viên trong môi trường làm việc.
Theo Giám đốc Nhà máy HHPPaper Hải Phòng Trần Trung Kiên, HHPPaper Hải Phòng đồng thời cam kết sử dụng nguồn nước hiệu quả để bảo vệ nguồn tài nguyên này. Theo đó, nhà máy đầu tư vào hệ thống xử lý nước thải với công suất 3.500m3/ngày đêm, đảm bảo lượng nước sản xuất được tuần hoàn và tái sử dụng lên đến 70%.  Bước tiếp theo trong việc sử dụng nước hiệu quả là hạn chế việc sử dụng nước không đúng mục đích và ưu tiên sử dụng thiết bị tiết kiệm nước, tận dụng nguồn nước không uống được như nước mưa và nước tuần hoàn tái sử dụng để đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt tại nhà máy.
Ngoài ra, để hạn chế sử dụng nước uống được cho việc tưới cây, nhà máy đã lát các loại gạch thấm nước trên đường nội bộ để nước mưa có thể thấm vào đất và giảm nguy cơ ngập lụt. Đồng thời, lắp đặt hệ thống thu thập nước mưa bằng các máng xối và ống dẫn dọc các tòa nhà, sử dụng vòi tưới cây tiết kiệm nước, ưu tiên trồng các loại thực vật chịu hạn ở khu vực cảnh quan, giúp giảm nhu cầu về nước tưới. Bằng cách kết hợp này đã cắt giảm được 78% lượng nước tưới tiêu và 47% lượng nước tiêu thụ của các thiết bị vệ sinh trong nhà máy so với mức bình thường.

Nhà máy HHPPaper HẢI PHÒNG đã được Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ (U.S. Green Building Council) cấp chứng nhận LEED SILVER (Leadership in Energy and EnvironmentalDesign) vào tháng 01 năm 2024.

Song song với các giải pháp thiết kế, hiệu quả vận hành quản lý nhà xưởng, Nhà máy HHPPaper Hải Phòng tuân thủ các tiêu chuẩn về tiết kiệm năng lượng và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo một cách tối ưu nhằm tăng khả năng thích ứng của công trình với biến đổi của môi trường, hướng tới kiến tạo một thế giới xanh.
Tại nhà máy sử dụng các bóng đèn LED tiết kiệm điện, bật tắt theo thời gian cụ thể và không gian bố trí ánh sáng phù hợp giúp giảm thiểu lượng điện tiêu thụ trong tòa nhà. Sử dụng hệ thống đèn thông minh và độc lập tại mỗi tầng. Hệ thống này sẽ tự động tắt đèn sau khoảng 5 phút khi không có người sử dụng.
Đặc biệt, nhà máy sử dụng các tấm tôn lợp mái kèm cách nhiệt túi khí có bề dày 4mm với tổng giá trị truyền nhiệt thấp (U=2.4 W/m2) để giảm bức xạ mặt trời xâm nhập vào tòa nhà và giảm bớt năng lượng cần thiết cho việc làm mát. Hệ thống đo đạc năng lượng cũng được áp dụng để giám sát năng lượng tiêu thụ, từ đó theo dõi và đánh giá hiệu suất sử dụng năng lượng trong toàn bộ quá trình sản xuất.
Bên cạnh đó, để tối ưu hóa việc làm mát, tại nhà máy đã lắp đặt hệ thống điều hòa cục bộ cho các khu vực văn phòng của tòa nhà. Hệ thống này được thiết kế với hiệu suất tối thiểu là 3,4 COP, giúp tiết kiệm năng lượng và giảm chi phí vận hành. Hệ thống này cũng hoạt động rất êm và cho phép người dùng kiểm soát nhiệt độ môi trường theo ý muốn. Không chỉ dừng ở đó còn thân thiện với môi trường vì không sử dụng môi chất CFC trong quá trình làm mát.

Hệ thống xử lý nước thải với công nghệ tiên tiến có khả năng tuần hoàn tái sử dụng nước lên tới 70%. Ảnh: HHP Global cung cấp

Giám đốc Nhà máy HHPPaper Hải Phòng chia sẻ, hiện nhà máy cũng đầu tư lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái với công suất lắp đặt 1.181 kWp nhằm giảm tiêu thụ điện từ năng lượng hóa thạch, tăng cường sử dụng nguồn năng lượng tái tạo. Những nỗ lực này không chỉ mang lại lợi ích về giảm chi phí năng lượng, mà còn góp phần tích cực vào việc bảo vệ môi trường. Đây sẽ là bước tiến vững chắc trong hành trình phát triển bền vững và cam kết thực hành ESG, hướng tới mục tiêu Net Zero trước năm 2035.
Với mục tiêu phát triển xanh, ngay từ ngày đầu khâu thiết kế đến quá trình đầu tư xây dựng, Nhà máy HHPPaper Hải Phòng nhận thức quá trình phân loại chất thải ngày càng trở nên quan trọng nên đã đầu tư các thiết bị, hệ thống, công trình lưu giữ chất thải nguy hại, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng đầy đủ yêu cầu theo quy định tại Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 10/1/2022 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, nhà máy tập trung đầu tư hệ thống thông gió đạt chuẩn yêu cầu ASHRAE 62.1-2010. Thực tế, chất lượng hệ thống thông gió đạt ngưỡng trên 30% so với mức tối thiểu theo tiêu chuẩn ASHRAE 62.1-2010. Điều đó có nghĩa là nhà máy luôn cung cấp không khí trong lành, đảm bảo sức khỏe nhân viên cũng như giúp cải thiện năng suất lao động.
Không gian nội thất được thiết kế để phần lớn người sử dụng có thể tận hưởng ánh sáng tự nhiên và quang cảnh bên ngoài cửa sổ. Hơn 75% không gian thường xuyên sử dụng đều đạt được độ sáng từ 25 đến 500fc trong điều kiện trời quang, không chỉ giúp cải thiện tâm trạng và hiệu suất làm việc mà còn giúp tiết kiệm năng lượng và tạo ra một không gian sống và làm việc bền vững và thân thiện với môi trường.

Khánh thành Nhà máy HHPPaper Hải Phòng ngày 23/12/2023
Không những vậy, việc tối đa hóa ánh sáng tự nhiên trong toàn bộ khu vực nhà máy giúp giảm nhu cầu về sử dụng đèn điện, giúp tiết kiệm được năng lượng cũng như tài nguyên thiên nhiên, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Để đảm bảo không khí trong lành ở bên trong nhà máy, Nhà máy HHPPaper Hải Phòng đã ban hành các quy định về cấm hút thuốc bên trong nhà xưởng, bố trí sắp đặt khu vực hút thuốc bên ngoài khuôn viên nhà xưởng cách tối thiểu 7,5m với vị trí cửa ra vào.
Như vậy, thông qua tối ưu hóa các giải pháp, việc áp dụng Chứng nhận LEED mang lại nhiều lợi ích đối với hoạt động sản xuất, cũng như đóng góp vào triết lý “Phát triển cho hôm nay, nhưng bền vững cho thế hệ tương lai” của Nhà máy HHPPaper Hải Phòng. Qua đó hướng tới thúc đẩy sự phát triển bền vững trong cộng đồng doanh nghiệp nói chung, đặc biệt là doanh nghiệp ngành sản xuất giấy tại Việt Nam nói riêng.
Nguồn: bnews.vn

Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU ảnh hưởng tới xuất khẩu của quốc gia ASEAN

Báo cáo Đánh giá sự ổn định thị trường vốn năm 2023 của SC cho hay, mặc dù chỉ chiếm 8% tổng xuất khẩu của Malaysia trong giai đoạn 2021 – 2023, song nhiều chính sách liên quan đến môi trường, khí hậu, xã hội và quản trị (ESG), đặc biệt là CBAM của EU có khả năng ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp Malaysia.
SC cũng lưu ý rằng, EU ngày càng đưa ra nhiều tiêu chuẩn liên quan đến ESG ở cấp độ quốc tế, đòi hỏi các doanh nghiệp Malaysia cần phải tuân thủ, kịp thời nắm bắt thông tin để có định hướng kinh doanh phù hợp.

Trong bối cảnh này, SC đang xây dựng một nghiên cứu đánh giá mức độ rủi ro, tác động của các quy định ESG đối với các công ty đại chúng (PLC) để nhấn mạnh tính cấp thiết của việc chuyển đổi hoạt động kinh doanh theo hướng bền vững.

Để đạt được mục tiêu này, SG đã chủ trì một ủy ban cố vấn về phát triển bền vững, trong đó có nhiệm vụ xác định khả năng sử dụng các quy định của Ủy ban Tiêu chuẩn Bền vững Quốc tế (ISSB) ở Malaysia, cung cấp thông tin và xây dựng các khuôn khổ hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước.

SC khẳng định rằng đây là một phần trong nỗ lực của SC nhằm góp phần giảm sự khác biệt giữa các tiêu chuẩn ESG quốc tế và địa phương.
Các công ty ở Malaysia tham gia vào các lĩnh vực truyền thống sử dụng nhiều carbon hoặc hoạt động trong những ngành gây phát thải khí carbon cao đang phải đối mặt với nhiều rủi ro khi các nhà đầu tư, khách hàng có sự điều chỉnh chính sách thương mại, đầu tư theo cơ chế CBAM của EU.

Nguồn: bnews.vn

Từ ngày 15-5, giá điện sẽ được điều chỉnh 3 tháng một lần

Ngày 26-3, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký ban hành Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Từ ngày 15-5-2024, Quyết định này thay thế Quyết định 24 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Về cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân hằng năm, Quyết định 05 nêu rõ trường hợp giá bán điện bình quân tính toán giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày thực hiện điều chỉnh, EVN có trách nhiệm lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan để kiểm tra, giám sát.

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN quyết định điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày thực hiện điều chỉnh, EVN lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan để kiểm tra, giám sát.

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ phương án giá của EVN, Bộ Công Thương có trách nhiệm trả lời bằng văn bản để EVN triển khai thực hiện. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày thực hiện điều chỉnh, Tập đoàn EVN có trách nhiệm báo cáo Bộ Công Thương.

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, trên cơ sở hồ sơ phương án giá điện do EVN trình, Bộ Công Thương chủ trì kiểm tra, rà soát và gửi lấy ý kiến Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan.

Trên cơ sở ý kiến góp ý của Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan, Bộ Công Thương tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến. Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

So với quy định cũ, Quyết định 05 đã thay đổi chu kỳ điều chỉnh giá điện bình quân. Theo đó, thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 3 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất (quy định cũ là 6 tháng).

Tại Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Công Thương có trách nhiệm hướng dẫn EVN tính toán giá bán điện bình quân theo quy định; thực hiện việc điều chỉnh giá điện; chủ trì kiểm tra, giám sát theo quy định.

Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện Quyết định này với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về giá. Các Bộ, cơ quan liên quan có ý kiến tham gia, phối hợp đối với các nội dung liên quan trong phạm vi được phân công quản lý theo chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định của pháp luật. Tổng cục Thống kê có trách nhiệm đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá điện đến kinh tế vĩ mô.

Minh Chiến

Nguồn: Báo mới

Cần Thơ: Doanh nghiệp giải thể, bỏ địa điểm kinh doanh, tạm ngưng gấp hơn 3 lần thành lập mới

Theo Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 3 và quý I năm 2024 của Cục Thống kê TP. Cần Thơ, trong quý I/2024, thành phố cấp mới đăng ký kinh doanh cho 351 doanh nghiệp, đạt 19,5% kế hoạch, với tổng vốn đăng ký 2.749,8 tỷ đồng, đạt 21,15% kế hoạch. So cùng kỳ năm 2023, số doanh nghiệp đăng ký giảm 10,23% và số vốn đăng ký mới tăng 38,9%.

Tuy nhiên, tính từ ngày 1/1/2024 đến 29/2/2024, tình hình biến động giải thể, bỏ địa điểm kinh doanh, tạm ngưng với tổng số 1.066 doanh nghiệp, gấp hơn 3 lần so với doanh nghiệp thành lập mới trong cả quý I/2024. Trong đó, số doanh nghiệp giải thể, bỏ địa chỉ kinh doanh… với tổng số 188 doanh nghiệp (9 doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục giải thể; 80 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể; 99 doanh nghiệp bỏ địa điểm kinh doanh) và 878 doanh nghiệp ngừng hoạt động có thời hạn.

Bên cạnh đó, tình hình thu hút đầu tư cũng không mấy khả quan. Lũy kế quý I/2024, trên địa bàn TP. Cần Thơ chỉ có 1 dự án đầu tư trong nước được UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư, với vốn đầu tư đăng ký 150 tỷ đồng.

Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong quý I năm 2024, thành phố chưa cấp dự án đầu tư mới. Chỉ có 1 dự án FDI trong khu công nghiệp được điều chỉnh tăng vốn thêm 18,93 triệu USD.

Lũy kế trên địa bàn thành phố hiện có 81 dự án FDI, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 2.274,97 triệu USD (Trong đó, tại các khu công nghiệp có 29 dự án, với tổng vốn đăng ký 611,98 triệu USD; ngoài khu công nghiệp có 52 dự án, tổng vốn đăng ký 1.662,99 triệu USD).

Về xu hướng hoạt động sản xuất kinh doanh, theo Cục Thống kê TP. Cần Thơ, qua kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I/2024 so với quý IV/2023 cho thấy, đa số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn. Dự kiến quý II/2024 so với quý I/2024, có 40% doanh nghiệp đánh giá xu hướng tốt hơn và chỉ 20% doanh nghiệp đánh giá tình hình vẫn còn khó khăn.

Về khối lượng sản xuất, có 24% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất của doanh nghiệp quý I/2024 tăng so với quý trước; 38% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất giảm. Xu hướng quý II/2024 so với quý I/2024, có 40% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng; 17% số doanh nghiệp dự báo giảm.

Về đơn đặt hàng mới, có 22,11% số doanh nghiệp đánh giá doanh nghiệp nhận được đơn đặt hàng mới quý I/2024 tăng so với quý trước; 32,63% số doanh nghiệp đánh giá đơn đặt hàng mới giảm. Xu hướng quý II/2024 so với quý I/2043, có 38,54% số doanh nghiệp dự báo đơn đặt hàng mới sẽ tăng; 13,54% số doanh nghiệp dự báo giảm.

Về đơn đặt hàng xuất khẩu, quý I/2024 so với quý trước, có 20,83% số doanh nghiệp khẳng định số đơn hàng xuất khẩu cao hơn; 22,92% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu giảm. Xu hướng quý II/2024 so với quý I/2024, có 43,75% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu; 12,50% số doanh nghiệp dự kiến giảm.

Nguồn: Báo Đầu tư

Lãi vay giảm, doanh nghiệp cạn tài sản thế chấp

Lãi vay giảm khi tín dụng khó tăng

Mặt bằng lãi suất cho vay giảm dần khi lãi suất huy động xuống sâu, song tăng trưởng dư nợ toàn ngành vẫn âm trong 2 tháng đầu năm nay.

Nhằm thu hút khách hàng, nhiều ngân hàng tiếp tục giảm lãi cho vay. Sacombank triển khai nguồn vốn 10.000 tỷ đồng với lãi suất siêu ưu đãi chỉ 3%/năm, đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp đến hết quý I/2024.

Trong khi đó, SHB đồng loạt giảm lãi suất các gói vay ưu đãi xuống còn từ 5,79%/năm. Với cá nhân, lãi suất vay được điều chỉnh giảm xuống 6,39%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và 5,79%/năm đối với khoản vay trung – dài hạn. Đồng thời, với gói vay ưu đãi mua nhà, khách hàng được hưởng ưu đãi giải ngân tới 90% giá trị bất động sản mua, thời gian vay lên tới 25 năm, thời gian ưu đãi lãi suất và ân hạn gốc kéo dài tới 24 tháng. Đặc biệt, với những khách hàng thân thiết, sử dụng nhiều sản phẩm dịch vụ của Ngân hàng có thể được giảm thêm tối đa 1%/năm.

Mặc dù lãi suất cho vay đã và đang giảm dần, song số liệu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, đến hết tháng 2/2024, tín dụng nền kinh tế giảm 0,72% so với cuối năm 2023. Phó thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, do yếu tố mùa vụ của dịp Tết Nguyên đán cùng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao, đến ngày 29/2/2024, tín dụng nền kinh tế giảm 0,72% so với cuối năm 2023. Vì thế, để kích cầu tăng trưởng tín dụng trong các quý tới, NHNN yêu cầu các ngân hàng tiết giảm chi phí để nỗ lực giảm thêm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ khách hàng.

TS. Nguyễn Anh Vũ, Trưởng khoa Tài chính (Trường đại học Ngân hàng TP.HCM) cho rằng, mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm giảm kéo tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) có xu hướng tăng lên trong thời gian gần đây, nên chi phí vốn của ngân hàng khả năng được duy trì ở mức thấp trong một thời gian nữa. “Đây là cơ hội cho ngân hàng giảm lãi suất đầu ra, đẩy mạnh tín dụng ra nền kinh tế, nhất là trong các quý tới”, TS. Vũ nói.

Khách hàng cạn tài sản thế chấp

Cái khó của doanh nghiệp hiện nay là cạn tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến tín dụng chậm. Báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM (HUBA) gửi UBND TP.HCM mới đây cho thấy, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn không thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Theo HUBA, trước tình hình khó khăn về vốn, NHNN đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn; đồng thời tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ 2% lãi suất vay, song tình hình vay vốn của doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. Đáng chú ý, theo khảo sát của HUBA, có tới 41% doanh nghiệp không còn tài sản thế chấp đủ pháp lý để vay vốn. Trong khi đó, việc định giá tài sản đất nông nghiệp rất thấp, tài sản đất thuê hàng năm cũng không thế chấp được, các tài sản khác bị định giá xuống khi lạm phát gia tăng. Vì vậy, HUBA kiến nghị xem xét tăng tỷ lệ thế chấp các tài sản này, thực hiện mở rộng cho vay theo hợp đồng, với các tài sản và quyền tài sản hình thành trong tương lai.

Đồng thời, HUBA kiến nghị chính quyền TP.HCM xem xét đơn giản hóa thủ tục vay vốn kích cầu đầu tư cho doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ, chú trọng hỗ trợ nguồn vốn và chính sách ưu đãi đối với các dự án lớn, hình thành hệ thống các nhà máy chuyên môn hóa, có thể sản xuất được các cụm linh kiện hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu của khách hàng toàn cầu.

Trong khi đó, doanh nghiệp kiến nghị, ngân hàng nên nới điều kiện, tiêu chí cho vay để họ có thể tiếp cận vốn vay. Một doanh nghiệp trong lĩnh vực lữ hành cho biết, họ đang rất cần vốn cho hoạt động sản xuất – kinh doanh, nhưng khó vay vốn ngân hàng, vì báo cáo tài chính không đẹp để đáp ứng điều kiện vay vốn của ngân hàng.

Để dòng vốn tín dụng chảy nhanh hơn, các doanh nghiệp, hiệp hội đề xuất ngân hàng linh động hơn trong việc cho vay, giảm bớt thủ tục, yêu cầu tài sản đảm bảo. Thế nhưng, theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, các tiêu chuẩn để đảm bảo tính an toàn của khoản vay, như yếu tố pháp lý của tài sản đảm bảo, là yêu cầu không thể giản lược.

Đáng chú ý là, tình hình kinh tế khó khăn cả trong và ngoài nước đang gây áp lực không nhỏ đến khả năng thanh toán nợ của các doanh nghiệp. Hệ quả là, nợ xấu đang có xu hướng gia tăng toàn ngành ngân hàng. Nợ xấu tăng đang là mối lo, nhất là khi nợ xấu được dự báo sẽ đạt đỉnh trong năm 2024. Do đó, dù đạt lợi nhuận cao, song ngân hàng cũng phải trích dự phòng lớn, tác động tiêu cực lên kết quả kinh doanh trong năm. Vì thế, hầu hết ngân hàng kiến nghị gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN để khách hàng có thêm thời gian trả nợ.

 

Nguồn: Báo đầu tư

Doanh nghiệp sản xuất sợi “khó chồng khó”

Tăng trưởng 2 con số nhưng không làm mờ đi khó khăn

Theo số từ Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm 2024, cả nước xuất khẩu 282.059 tấn xơ sợi dệt các loại, tương đương hơn 666,75 triệu USD, tăng 26,7% về lượng và tăng 18,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ là thị trường nhập khẩu sợi nhiều nhất của Việt Nam, ngoài ra còn có Indonesia, Bangladesh, Brazil, Campuchia…

Dù xuất khẩu sợi tăng trưởng 2 con số tuy nhiên vẫn không làm doanh nghiệp sản xuất bớt lo lắng. Ông Phạm Văn Tuyên – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dệt 8-3 từng nhận định, thị trường sợi có thể tiếp tục khó khăn đến hết năm do tác động tiêu cực từ các cuộc xung đột, lạm phát. Giá nguyên liệu bông neo ở mức cao dẫn đến sợi bán ra bị lỗ.

Nhận định tương tự, theo đại diện Công ty CP Dệt May Huế, thị trường sợi năm 2024 vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục rõ ràng, phụ thuộc rất lớn vào tình hình giá nguyên liệu đầu vào và đang chịu tác động mạnh từ các nhà đầu cơ.

Mặt khác, xung đột tại khu vực Biển Đỏ khiến giá tàu các tuyến đi châu Âu vẫn tăng, thời gian vận chuyển kéo dài hơn 3-5 tuần so với trước đây làm tăng chi phí, gây khó khăn trong việc lấy booking tàu và ảnh hưởng đến thời gian vận chuyển nguyên liệu sản xuất sợi.

Ông Viên Minh Đạo – Giám đốc Chi nhánh Vinatex Nhà máy Sợi Vinatex Nam Định thông tin thêm, xu hướng tiêu dùng đang thay đổi với sự quan tâm ngày càng cao đối với các sản phẩm dệt may bền vững và công nghệ cao, như sợi tái chế, sợi sinh học, sợi thông minh, sợi kháng khuẩn, kháng cháy… So với những năm trước, nhu cầu tiêu dùng các loại sợi này đã tăng khoảng từ 15% đến 20%. Điều này đặt doanh nghiệp trong nước trước yêu cầu phải chuyển đổi sản xuất, đồng nghĩa phải bỏ vốn đầu tư.

Doanh nghiệp mong được trợ sức

Những khó khăn của ngành sợi ngoài yếu tố thị trường, lạm phát, xung đột, logictics, theo ông Phạm Văn Tuyên lãi suất ngân hàng vẫn giữ ở mức cao dẫn đến doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn cho sản xuất cũng là thách thức lớn.

Từng lên tiếng về vấn đề này, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, diễn ra vừa qua, ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nêu, hiện nay, tất cả các ngân hàng đều cắt giảm hạn mức cho vay với công ty sợi, hoặc yêu cầu có tài sản đảm bảo 100% với khoản vay ngắn hạn năm 2024.

Năm 2023 tính chung giá trị tài sản đảm bảo cho các khoản vay chỉ khoảng 20%, năm nay yêu cầu phải 100% hoặc áp dụng chính sách trả được 10 thì chỉ được vay lại 8 hoặc 9”, Chủ tịch Vinatex cho hay.

Ông cũng đồng thời nhấn mạnh, mỗi năm các doanh nghiệp sợi đang trả ngân hàng khoảng 300 triệu USD. Bên cạnh đó, ngành sợi cũng đang duy trì 150.000 lao động, tiền lương trả cho công nhân khoảng 1 tỷ USD, đặc biệt ngành sợi dùng điện nhiều, 1 năm đang trả khoảng 500 triệu USD tiền điện. “Ngành sợi hiện đang rất lỗ, nếu không có sự hỗ trợ của ngân hàng, chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ, ngành thì chúng ta có thể mất đi ngành sợi”, ông Lê Tiến Trường đặc biệt nhấn mạnh

Khó khăn của ngành sợi hiện nay là tình trạng chung của các doanh nghiệp rất cần được tiếp tục hỗ trợ để vượt qua. Do đó, theo Chủ tịch Vinatex, với doanh nghiệp ngành sợi, ngân hàng không giảm hạn mức tín dụng và cũng không yêu cầu tài sản bảo đảm cố định để duy trì được sản xuất.

Mặt khác, hiện nay lãi suất giảm nhưng tiếp cận giải ngân rất khó. Theo đó, ông Lê Tiến Trường cho rằng, câu chuyện về có chính sách hỗ trợ như thời kỳ Covid-19 đối với giai đoạn phục hồi này cũng hết sức quan trọng cho các ngành xuất khẩu. “Chính sách liên quan đến tỷ giá, 2 năm vừa qua mức giảm giá của Việt Nam đồng chỉ 5% rất khó khăn cho các ngành xuất khẩu của Việt Nam so với các quốc gia cạnh tranh khác. Chúng tôi cũng không dám nói nên giảm đi bao nhiêu, nhưng có lẽ 5% thì ít và khó cho các ngành xuất khẩu phục hồi“, ông Lê Tiến Trường nói.

 

Hải Linh
Báo Công Thương

Doanh nghiệp kêu trời vì chậm được hoàn thuế VAT

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trương Văn Bắc, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư cao su Việt Nam cho biết, doanh nghiệp của ông đã bị chậm hoàn thuế khoảng 2 năm nay, với số tiền lên tới gần 70 tỷ đồng.

“Số tiền chậm hoàn thuế còn lớn hơn số vốn của Công ty”, ông Bắc nói.

Vì số tiền bị chậm hoàn thuế này, ông Trương Văn Bắc cho hay, công ty ông đã tạm ngừng hoạt động vì không có vốn quay vòng. Trong khi đó, nguồn vốn vay ngân hàng cũng hết sức hạn chế bởi ngân hàng căn cứ vào hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp để cho vay.

Dù khó lòng tồn tại, song doanh nghiệp này cũng không thể giải thể, mà vẫn phải duy trì hoạt động để chờ số tiền hoàn thuế chưa biết khi nào mới được trả này.

“Nếu giải thể thì khó để làm giấy tờ, thủ tục nhận lại hồ sơ hoàn thuế. Nhưng việc duy trì hoạt động như thế này cũng tốn khá nhiều chi phí nhân sự, đóng thuế doanh nghiệp… Những chi phí này tôi phải tự bỏ tiền túi ra trả. Điều này khiến doanh nghiệp và người kinh doanh rơi vào tình trạng sống dở chết dở”, ông Bắc ngao ngán.

Quan trọng hơn, với việc không còn khả năng duy trì kinh doanh, Công ty TNHH Đầu tư cao su Việt Nam rơi vào tình trạng đánh mất khách hàng, đánh mất các thị trường sau hàng chục năm gây dựng, kinh doanh.

Trước đó, vào tháng 5/2023, Công ty nộp hồ sơ đề nghị hoàn thuế của 2 kỳ hoàn thuế tháng 10/2021 (từ tháng 7 – 10/2021 và tháng 11/2021). Dù quy định chậm nhất là 40 ngày phải giải quyết, nhưng đến nay, hồ sơ của Công ty vẫn “bặt vô âm tín”. Chi cục Thuế quận Phú Nhuận nói đã chuyển hồ sơ lên Cục Thuế TP.HCM. Liên lạc với Cục Thuế TP.HCM thì được trả lời là không trực tiếp quản lý hồ sơ của Công ty, mọi thắc mắc liên lạc với Chi cục Thuế quận Phú Nhuận để được giải đáp.

Ông Bắc cho biết thêm, trước đó, doanh nghiệp không thể nộp được hồ sơ đề nghị hoàn thuế vì các cơ quan liên quan không tiếp nhận, chỉ khi có phản ánh từ báo chí thì mới được mở cửa nhận hồ sơ, song tình hình cũng không mấy khả quan.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra với nhiều doanh nghiệp ở các ngành hàng như gỗ, sắn…

Nổi bật có thể kể đến hồ sơ hoàn thuế của Công ty cổ phần Fococev Việt Nam, với số tiền lên tới 355 tỷ đồng. Cụ thể, Công ty Fococev Việt Nam kiến nghị, có 29 hồ sơ cho các kỳ hoàn thuế từ tháng 6/2020 đến tháng 2/2023, với số tiền đề nghị hoàn là khoảng 355 tỷ đồng; có 2 hồ sơ cho kỳ hoàn thuế tháng 5/2023 và tháng 9/2023, với số tiền đề nghị hoàn là khoảng 11 tỷ đồng.

Đến nay, Cục Thuế TP.HCM đã kiểm tra xong, đủ điều kiện hoàn thuế, nhưng vẫn chưa giải quyết hoàn thuế cho Công ty Fococev Việt Nam.

Lý giải tình trạng chậm hoàn thuế hiện nay, nhiều doanh nghiệp cho biết, mình hoàn toàn bị “vạ lây” từ các doanh nghiệp đã đóng cửa, hoặc nghiêm trọng hơn là đã bỏ trốn.

Bà Trần Lệ Thu, đại diện Công ty TNHH TM Hòa Thuận chia sẻ, khi làm thủ tục hoàn thuế VAT, doanh nghiệp có thể bị yêu cầu xác minh những hóa đơn từ nhiều năm trước, trong đó có những hóa đơn rất nhỏ, chi tiêu cho những hoạt động bên lề của doanh nghiệp.

Nếu khi xác minh, doanh nghiệp cung cấp hóa đơn không còn tồn tại, thì doanh nghiệp từng nhận hóa đơn của các doanh nghiệp này sẽ bị xử phạt vì “khai sai”.

“Điều này là rất vô lý, bởi chúng tôi không thể nắm được hoạt động của doanh nghiệp khác, không thể “tiên tri” nếu họ ngừng hoạt động hay bỏ trốn sau khi cung cấp hóa đơn. Trách nhiệm điều tra và nắm bắt tình trạng hoạt động hay không hoạt động là của cơ quan thuế chứ không ở phía doanh nghiệp”, bà Thu nói.

Với trường hợp này, dù doanh nghiệp không có lỗi, song dù có kê khai hay không kê khai hóa đơn đó thì vẫn phải chịu thiệt.

“Có những hóa đơn từ các doanh nghiệp không còn hoạt động mà chúng tôi tìm hiểu được thì đã loại ra khỏi hồ sơ hoàn thuế, chấp nhận mất 10% thuế và phát sinh thêm thuế thu nhập doanh nghiệp để xử lý hồ sơ nhanh hơn”, đại diện Công ty TNHH Kỹ thuật số Việt chia sẻ khi làm hồ sơ hoàn thuế với số tiền khoảng 900 triệu đồng.

Ông Trương Văn Bắc cung cấp thêm thông tin là, hiện chỉ các doanh nghiệp tập trung ở các ngành như cao su, sắn, gỗ… tại TP.HCM mới xảy ra tình trạng chậm hoàn thuế, trong khi doanh nghiệp ở các địa phương khác không gặp tình trạng này.

 

Nguồn: Báo đầu tư

Bản tin tổng hợp PPIA từ 17/3- 23/3/2024

Giá OCC của Mỹ, Châu Âu nhập khẩu giảm 5 -15 USD/tấn sau khi phục hồi ở Đông Nam Á, Đài Loan

Việc các công ty gốc Trung Quốc ở các nước Đông Nam Á tăng cường mua OCC sau Tết khiến giá OCC của Mỹ tăng vọt trong hai tuần từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 3, với giá DS OCC 12 tăng 10 USD/tấn và đạt 230 USD -235/tấn hai tuần trước, đạt mức cao gần đây.

Nhu cầu trì trệ về vật liệu đóng gói trên thị trường giấy bìa Trung Quốc do dư thừa công suất và suy thoái kinh tế khiến giá thành phẩm và OCC thu gom trong nước giảm, làm giảm nhu cầu mua DS OCC đắt tiền của Mỹ và chế biến thành bột giấy tái chế tại cơ sở của Trung Quốc ở Đông Nam Á.

Hầu hết các nhà máy bột giấy tái chế ở Đông Nam Á đã ngừng mua DS OCC của Mỹ khi giá tăng lên 228-232 USD/tấn và chỉ một trong số họ trả mức 235 USD/tấn để có được khối lượng vào đầu tháng 3.

Các nhà máy bột giấy tái chế sau đó đã giảm sản lượng để đối phó với giá OCC cao của Hoa Kỳ.

Giá OCC của Mỹ, Châu Âu giảm: Giá DS OCC của Mỹ là 220-225 USD/tấn tại Đông Nam và Đài Loan trong tuần này, giảm 10 USD/tấn so với hai tuần trước.

Giá US OCC 11 sụt giảm lớn hơn, giảm 10-15 USD/tấn xuống còn 210-220 USD/tấn.

Tương tự, giá OCC 95/5 châu Âu đã giảm 5 USD/tấn xuống còn 160-165 USD/tấn trong khu vực.

Tuy nhiên, giá OCC của Nhật Bản không thay đổi, đứng ở mức 175-180 USD/tấn do nguồn cung hạn chế.

Giá bìa tái chế, giấy cao cấp tăng trong Quý 1 ở Đông Nam Á

Giá giấy thu hồi (RCP) và bột từ gỗ trên thị trường cao buộc các nhà cung cấp giấy bìa tái chế và giấy cao cấp tăng giá ở Đông Nam Á trong quý đầu tiên của năm 2024, nhưng đà tăng đã chững lại trong tháng này, do nhu cầu giấy bìa tái chế từ Trung Quốc thấp trong khi nguồn cung giấy và bìa làm từ sợi nguyên chất (P&B) rất lớn.

Giá bìa tái chế tăng: Giá các loại bìa tái chế làm bao bì chính nhập khẩu từ Đông Nam Á vào thị trường Trung Quốc đã tăng 10-20 USD/tấn trong quý cuối cùng của năm 2023.

Trong khi thị trường bao bì tái chế ở Đông Nam Á nhìn chung đang gặp khó khăn do dư thừa công suất, sự cải thiện nhẹ gần đây về chỉ số sản xuất của một số nền kinh tế chủ chốt trong khu vực như Indonesia, Việt Nam và Malaysia, cùng với ngành du lịch hồi sinh đã hỗ trợ nhu cầu địa phương về vật liệu đóng gói. .

Theo dữ liệu từ Hải quan Trung Quốc, nước này đã nhập khẩu khoảng 521.000 tấn giấy làm lớp sóng (medium) trong hai tháng đầu năm 2024, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng lượng giấy lớp mặt nhập khẩu trong cùng kỳ là gần 697.000 tấn, tăng 55,8%. Hơn 50% giấy làm lớp sóng nhập khẩu và hơn 70% lượng giấy giấy lớp mặt nhập khẩu là từ các nước Đông Nam Á.

Khối lượng đơn đặt hàng mới về giấy làm thùng sóng tái chế từ Trung Quốc đã giảm mạnh trong tháng 2 do hoạt động kinh doanh ở đó chậm lại trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài. Người mua Trung Quốc tiếp tục tỏ ra ít quan tâm đến việc mua giấy làm thùng sóng tái chế nhập khẩu trong tháng 3 do giá cả và nhu cầu trên thị trường giấy bìa nội địa Trung Quốc giảm.

Một số nhà máy ở Đông Nam Á đã giảm giá chào bán testliner và giấy làm lớp sóng (medium) cho khách hàng Trung Quốc ở mức 10-15 USD/tấn trong tháng 3 nhưng khó có thể thu hút thêm đơn đặt hàng.

“Chúng tôi đã hạ giá niêm yết cho testliner từ 380-390 USD [mỗi tấn] CIF Trung Quốc vào tháng trước xuống còn 370 USD [mỗi tấn trong tháng 3] nhưng hầu hết khách hàng Trung Quốc gặp chúng tôi lại chào bán với giá 355 USD [mỗi tấn],” một nhà sản xuất giấy bìa tái chế ở Việt Nam cho biết.

Bất chấp sự sụt giảm giá đối với hàng xuất khẩu sang Trung Quốc, giá thương mại nội vùng ở Đông Nam Á hầu như không thay đổi trong tháng 3 so với mức tháng 2. Tuy nhiên, tình trạng trì trệ đang diễn ra ở Trung Quốc đã cản trở các nhà máy sản xuất giấy ở Đông Nam Á theo đuổi việc tăng giá thêm trong bối cảnh chi phí RCP cao, điều này có thể sớm buộc một số nhà máy phải cắt giảm sản xuất.

Giá giấy làm lớp sóng tái chế CIF Đông Nam Á đã tăng từ 340-400 USD/tấn vào tháng 12 năm 2023 lên 340-410 USD/tấn vào tháng 1. Mức giá này tiếp tục tăng lên tới 350-420 USD/tấn trong tháng 2 và không thay đổi trong tháng 3.

Giá testliner nhập khẩu đã tăng từ 360-410 USD/tấn trong tháng 12 lên 360-420 USD/tấn trong tháng 1. Giá tăng thêm 10 USD/tấn lên 370-430 USD/tấn trong tháng 2 và gần như ổn định kể từ đó.

Giá giấy mặt kraft nhập khẩu dao động trong khoảng 450-560 USD/tấn vào tháng 12 năm ngoái, hiện có giá 460-560 USD/tấn trong tháng 3.

Đối với bìa cứng tái chế, giá duplex tráng phấn lưng xám nhập khẩu ở Đông Nam Á đã tăng 20-30 USD/tấn trong hai tháng đầu năm nay, tăng từ 470-540 USD/tấn vào tháng 12 năm 2023 lên 490-570 USD/tấn vào năm 2023. Tháng 2 năm 2024, khi cả nhà sản xuất trong nước và Hàn Quốc đều yêu cầu tăng giá để cân bằng chi phí đầu vào ngày càng tăng, đặc biệt là chi phí RCP. Những nỗ lực tăng giá đã gặp trở ngại trong tháng 3 và giảm xuống còn 470-560 USD/tấn do tác động dây chuyền từ sự tràn vào của bìa tráng phấn màu ngà từ sợi nguyên chất giá rẻ.

Các công ty giấy hàng đầu ở Trung Quốc đã nhanh chóng mở rộng công suất sản xuất bìa cứng từ bột nguyên chất trong những năm gần đây và cần tăng cường xuất khẩu sản phẩm của họ, chủ yếu là bìa tráng phấn màu ngà sang thị trường nước ngoài để giảm bớt vấn đề dư cung trong nước. Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, từ lâu đã là điểm đến quan trọng cho hàng xuất khẩu của Trung Quốc.

Trong khi khối lượng bìa tráng phấn màu ngà từ Trung Quốc vẫn ở mức cao, nguồn cung ở Đông Nam Á đã tăng vọt sau khi APRIL khởi động một máy xeo bìa cứng từ bột nguyên chất mới có công suất 1,2 triệu tấn/năm tại khu liên hợp giấy và bột giấy ở Pangkalan Kerinci, tỉnh Riau, Indonesia giữa tháng 1, dẫn đến cạnh tranh về giá gay gắt hơn.

Các nhà cung cấp cho biết bìa tráng phấn màu ngà cấp thấp nhập khẩu từ Indonesia và Trung Quốc được chào ở mức 540-560 USD/tấn tại Việt Nam trong tháng 3, điều này gây áp lực giảm giá đối với duplex tráng phấn lưng xám từ sợi tái chế vì hai loại này có thể thay thế cho nhau.

Giá giấy cao cấp tăng nhẹ: Sau đợt tăng giá trong quý cuối cùng của năm 2023, các nhà sản xuất giấy cao cấp hàng đầu ở Đông Nam Á đã công bố nhiều mức tăng giá hơn trong quý đầu tiên năm nay. Mức tăng đề xuất đối với giấy cao cấp tráng phấn (CFP) được đặt ở mức 5-8% cho các đơn đặt hàng từ tháng 2 trở đi trong khi mức tăng đối với giấy cao cấp không tráng phấn (UFP) là 30 USD/tấn cho các đơn đặt hàng tháng 2, tiếp theo là mức tăng khác là 30 USD/tấn cho tháng 3.

Cùng thời gian đó, các nhà sản xuất giấy cao cấp hàng đầu ở Trung Quốc cũng đưa ra kế hoạch tăng giá tương tự cho thị trường nội địa.

Tuy nhiên, thị trường giấy cao cấp của Trung Quốc không thay đổi trong tháng 2 do hoạt động kinh doanh chậm lại trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán, sau khi giá CFP giảm hơn 200 RMB/tấn (27,55 USD/tấn) và giá UFP giảm 100-200 RMB/tấn vào tháng Giêng. Sự tăng giá chỉ trở nên rõ ràng vào tháng 3 khi thị trường Trung Quốc bước vào mùa cao điểm truyền thống đối với giấy in và viết, và mức tăng khoảng 100-150 RMB/tấn tính đến thứ Tư ngày 20 tháng 3.

Các nguồn tin cho biết những động thái chậm chạp ở thị trường nội địa Trung Quốc đã khiến xuất khẩu trở thành một hoạt động kinh doanh tương đối sinh lợi hơn cho các nhà sản xuất giấy cao cấp của Trung Quốc, khiến họ phải tìm kiếm thêm đơn đặt hàng ở nước ngoài thay vì nhấn mạnh vào việc tăng giá.

Kết quả là, giá giấy cao cấp nhập khẩu ở Đông Nam Á chỉ tăng nhẹ ở mức thấp nhất trong quý đầu tiên của năm nay. Giá nhập khẩu CFP tăng từ 700-830 USD/tấn vào tháng 12 năm 2023 lên 720-830 USD/tấn trong tháng 3, trong khi giá nhập khẩu UFP tăng từ 770-860 USD/tấn trong tháng 12 lên 790-860 USD/tấn trong tháng 3.

Các nhà sản xuất UFP Đông Nam Á đã tiếp tục xuất khẩu sang châu Âu trong quý đầu tiên của năm nay bất chấp giá cước vận tải đường biển tăng vọt do cuộc khủng hoảng vận tải ở Biển Đỏ. Một nhà cung cấp UFP hàng đầu ở Indonesia cho biết cho đến nay, chi phí vận chuyển của họ sang châu Âu tăng vọt đã được kiềm chế ở mức có thể quản lý được.

Hokuetsu của Nhật Bản bán 90% cổ phần Ánh Sao Giang Môn cho chi nhánh Taison Group

Công ty giấy Nhật Bản Hokuetsu Corporation đã bán 90% cổ phần của công ty con gián tiếp thuộc sở hữu hoàn toàn của mình, Giấy Ánh Sao Giang Môn, cho Taison (Hong Kong) International Holdings, một chi nhánh của Tập đoàn Taison của Trung Quốc.

Thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần được ký vào thứ Sáu ngày 15 tháng 3 và giá trị của nó không được tiết lộ. Giao dịch sẽ được hoàn tất trước ngày 31 tháng 3.

Sau giao dịch, Taison (Hồng Kông) sẽ nắm giữ 934.500.000 cổ phiếu, tương đương 90% cổ phần của Ánh Sao Giang Môn, trong khi Hokuetsu sẽ giữ 10% còn lại.

Ánh Sao Giang Môn vận hành máy xeo (BM) bìa cứng tái chế công suất 300.000 tấn/năm tại nhà máy duy nhất của mình ở Tân Hội, thành phố Giang Môn, tỉnh Quảng Đông phía nam Trung Quốc.

BM, được đưa vào hoạt động vào năm 2014, có chiều rộng lưới 4,9 mét và tốc độ thiết kế 650 mét/phút. Sản phẩm chính của nó là duplex tráng phấn lưng xám với định lượng 230-500 g/m2.

Tập đoàn Hokuetsu cho biết trong một tuyên bố vào ngày 15 tháng 3 rằng, như một phần trong kế hoạch chuyển đổi danh mục đầu tư kinh doanh nhằm thúc đẩy tăng trưởng liên tục, họ đã quyết định thoái vốn phần lớn cổ phần tại Ánh Sao Giang Môn vì công ty con gián tiếp hoạt động kém hiệu quả do các hoạt động kinh tế ở nước này phục hồi chậm kể từ đại dịch Covid-19.

Jani Sales của Ấn Độ mở rộng năng lực sản xuất giấy tissue

Jani Sales của Ấn Độ đang mở rộng công suất tổng thể của nhà máy Sarigam tại Valsad ở bang Gujarat lên 57.000 tấn/năm bằng cách bổ sung PM 2 sản xuất 21.000 tấn/năm giấy tissue từ bột nguyên trong quý 3 năm 2024. Sản phẩm của PM 2 gồm khăn lau mặt, khăn giấy, giấy vệ sinh và khăn lau bếp. Các sản phẩm này có định lượng trong khoảng 11,5g/m2 đến 42 g/m2 và dành cho cả xuất khẩu và bán trong nước. PM 2 sẽ do Công ty chế tạo máy xeo giấy tissue Baosua (Quảng Đông, Trung Quốc) cung cấp.

Cường Vệ Sơn Tây khởi động máy sản xuất bìa làm lõi 80.000 tấn/năm tại Trung Quốc

Công ty giấy Cường Vệ Sơn Tây của Trung Quốc vừa khởi động máy xeo giấy làm lõi mới có công suất 80.000 tấn/năm tại nhà máy ở thành phố Tấn Trung, tỉnh Sơn Tây.

PM 9 bắt đầu được đưa vào sản xuất vào ngày 16 tháng 3. Công ty chế tạo máy xeo Trung Quốc cung cấp máy xeo này. Máy có chiều rộng cắt 3,2 mét và tốc độ thiết kế 150 mét/phút.

Nhà máy Tấn Trungcó năm máy xeo bìa tái chế khác với tổng công suất khoảng 1,15 triệu tấn/năm.

Suzano tăng giá BEK cho Châu Á, Châu Âu và Bắc Mỹ, có hiệu lực từ tháng 4

Suzano của Brazil, nhà sản xuất bột giấy từ gỗ bạch đàn tẩy trắng (BEK) lớn nhất thế giới, đã thông báo cho thị trường về việc tăng giá BEK 30 USD/tấn cho khách hàng ở châu Á, tăng 80 USD/tấn cho khách hàng ở châu Âu và tăng 100 USD/tấn cho khách hàng ở Bắc Mỹ. Việc điều chỉnh giá sẽ có hiệu lực từ tháng 4.

Giá NBSK CIF Trung Quốc

Ngày 22 tháng 3 năm 2024, Giá BSK tương lai và giá bán lại ở Trung Quốc tăng vọt do lo ngại sâu sắc hơn về sự gián đoạn nguồn cung do các cuộc đình công ngày càng tồi tệ trong ngành vận tải ở Phần Lan đã đẩy giá nhập khẩu BSK vào thị trường Trung Quốc tăng cao.

Các nhà cung cấp toàn cầu đến tham dự Tuần lễ bột giấy Thượng Hải ở Trung Quốc đã cảm nhận được bầu không khí sôi động tại hội nghị và đang không ngừng tìm cách tăng giá nhập khẩu NBSK.

Các nhà đầu tư bột giấy tương lai đã chớp lấy cơ hội kinh doanh chênh lệch giá có sẵn trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải và đặc biệt là NBSK của Canada.

Theo các nguồn tin, NBSK của Canada đã đạt mức giá 760-780 USD/tấn, tăng 20 USD/tấn.

NBSK Bắc Âu đã chứng kiến mức tăng vọt từ 10-40 USD/tấn lên 740-760 USD/tấn.

Giá trung bình của NBSK đã tăng 22 USD/tấn lên 760 USD/tấn.

BỘT NHẬP KHẨU VÀO TRUNG QUỐC

Thực giá, USD/tấn CIF tại các cảng chính.                                                   

Giá hiện hành So với tuần trước
22/03/2024 15/03/2024 08/03/2024 (%)
HÀNG TUẦN
Bột kraft gỗ mềm tẩy trắng (BSK)
  NBSK – Bột kraft gỗ mềm tẩy trắng phương Bắc 760 738 730 2,98%
HAI TUẦN/LẦN
Bột kraft gỗ mềm tẩy trắng
  Gỗ thông Radiata (Chile) 727,5 727,5 727,5 0,00%
  BSK Nga* 665 665 665 0,00%
Bột kraft gỗ cứng tẩy trắng (BHK)
  Gỗ bạch đàn 655 655 655 0,00%
  BHK Nga* 620 620 620 0,00%
Bột kraft gỗ mềm không tẩy (USK)
  Chile và Bắc Mỹ 645 645 645 0,00%
  Nga 590 590 605 0,00%
Bột hoá nhiệt cơ tẩy trắng (BCTMP)
  Gỗ cứng (độ trắng 80%) 505 505 505 0,00%
  Gỗ mềm (độ trắng 75%) 490 490 515 0,00%
HÀNG THÁNG
Bột làm bỉm (Kraft phương bắc Mỹ) 900 900 900 0,00%
GHI CHÚ: *  BSK Nga và BHK Nga là giá CIF tới các cảng chính của Trung Quốc.

THÙNG SÓNG CŨ (OCC) NHẬP KHẨU VÀO ĐÔNG NAM Á

Giá USD/tấn CIF tại các cảng chính Đông Nam Á (trừ Indonesia) và Đài Loan

22/03/2024 08/03/2024 23/02/2024 So với 2 tuần trước
OCC (11) từ Mỹ 215 227,5 217,5 -5,49%
OCC (90/10) từ Châu Âu 157,5 162,5 147,5 -3,08%
OCC (95/5) từ Châu Âu 162,5 167,5 152,5 -2,99%
OCC Nhật Bản 177,5 177,5 172,5 0,00%

Nguồn Risi

Biên dịch và tổng hợp VPPA