Ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giấy thân thiện môi trường

Chiều ngày 9/6 vừa qua, tổ công tác của Vụ Khoa học và Công nghệ đã tiến hành kiểm tra định kỳ đề tài “Nghiên cứu chế tạo chế phẩm sinh học để phân huỷ nhựa cây trong dăm mảnh gỗ keo, bạch đàn làm nguyên liệu sản xuất giấy thân thiện môi trường”. Tham gia tổ công tác có các đại diện của Vụ và các chuyên gia kiểm định độc lập.
Tại buổi kiểm tra, TS. Phan Thị Hồng Thảo, chủ nhiệm đề tài, đã báo cáo tiến độ thực hiện các nội dung công việc mà nhóm đã hoàn thành. Tính đến thời điểm hiện tại nhóm nghiên cứu về cơ bản đã thực hiện xong 8 nội dung công việc chính.
Cụ thể, theo TS. Thảo báo cáo “nhóm nghiên cứu đã tuyển chọn được chủng nấm có khả năng phân huỷ nhựa cây trên nguyên liệu gỗ keo và bạch đàn. Chủng được tuyển chọn là chủng nấm mục trắng PHANEROCHAETE SP. B68. Sản phẩm này đã được gửi đơn đăng ký sáng chế và đang chờ xét duyệt”.
“Đồng thời dựa trên đánh giá tổng quan công nghệ, thiết bị và khả năng phát triển chế phẩm các chủng nấm, nhóm cũng xây dựng thành công quy trình công nghệ và sản xuất được chế phẩm sinh học phân huỷ nhựa cây trong gỗ nguyên liệu quy mô phòng thí nghiệm”, chủ nhiệm đề tài cho biết thêm.
Ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giấy thân thiện môi trường
Quy trình công nghệ tạo chế phẩm sinh học nấm
Ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giấy thân thiện môi trường
Quá trình sản xuất chế phẩm nấm
Theo chủ nhiệm đề tài, chế phẩm có khả năng phân huỷ trên 50% nhựa so với nguyên liệu ban đầu, tương đương giảm trên 30% lượng nhựa so với thành phẩm thông thường và giảm 5% lượng kiềm. “Đây là kết quả rất tích cực bởi theo kế hoạch, nhóm nghiên cứu chỉ đặt mục tiêu giảm từ 10-15% lượng nhựa trong thành phẩm”, chủ nhiệm đề tài nhấn mạnh.
Trên cơ sở đó, quy trình công nghệ và mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học để phân huỷ nhựa trong dăm gỗ keo và gỗ bạch đàn làm nguyên liệu giấy thân thiện môi trường cũng đã được xây dựng với quy mô thử nghiệm (1 tấn) và quy mô công nghiệp.
Ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giấy thân thiện môi trường
Mô hình ứng dụng chế phẩm quy mô 1 tấn/mẻ.
Về số lượng bài báo khoa học, theo báo cáo, đề tài đã được đăng trên các tạp chí và hội nghị khoa học uy tín trong nước, bao gồm Tạp chí Sinh học và Hội nghị Công nghệ sinh học toàn quốc 2018 và 2019.
Về nội dung đào tạo, đề tài giúp đào tạo 02 thạc sỹ, vượt số lượng đề ra là 01 thạc sỹ.
Qua kiểm tra các báo cáo chuyên đề và nghe báo cáo thuyết minh, tổ kiểm tra nhận xét đề tài đã hoàn thành đúng tiến độ được giao với 8/8 nội dung công việc và 38 tiểu nội dung. Chất lượng các báo cáo được đánh giá chung là chi tiết, số liệu và minh chứng tương đối đầy đủ.
Nhận xét về tính ứng dụng của đề tài, tổ kiểm tra cho rằng có tiềm năng tốt và phù hợp với định hướng phát triển sản xuất theo hướng bền vững, thân thiện môi trường của Việt Nam và thế giới. Ngoài ra còn giúp tận dụng tốt nguồn nguyên liệu phong phú, sẵn có là cây keo và bạch đàn. Do đó, tổ thẩm định yêu cầu nhóm nghiên cứu và Viện Công nghệ sinh học tìm phương án để sớm chuyển giao công nghệ, thương mại hoá các sản phẩm, khai thác tối đa các giá trị của nghiên cứu.

Đề xuất tăng thời gian miễn, giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp

Bàn về cách hỗ trợ doanh nghiệp sau dịch tại sự kiện mới đây, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nói không thích cụm từ “giải cứu doanh nghiệp”. Ông đề xuất các giải pháp phải hướng tới việc làm sao để tự doanh nghiệp vượt qua khó khăn và tính toán thời gian hợp lý.

Theo ông, hỗ trợ doanh nghiệp nếu chỉ trong vài tháng là quá ít. “Khi các cấp quản lý quyết định xong, chờ ra văn bản hướng dẫn, đợi đến lúc thực hiện cũng mất vài tháng, đến khi doanh nghiệp thực sự được áp dụng thì còn quá ngắn. Các giải pháp đưa ra điều quan trọng là phải đảm bảo đủ thời hạn tối thiểu để doanh nghiệp xoay sở”, ông Cung nói và cho biết, quan điểm của ông nên nới thời gian hỗ trợ lên 1-3 năm.

Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội bất động sản (VNREA) mới đây cũng đề xuất tăng thời gian hỗ trợ giãn, miễn thuế lên 12 tháng, đồng thời đề xuất giảm tiền thuê đất trong năm 2020 và 2021.

Lập luận được VCCI đưa ra là nhiều doanh nghiệp hiện nay phải dừng sản xuất, giảm lao động nên không phát sinh doanh thu và các loại thuế. Do đó, các chính sách hỗ trợ trong tối đa chỉ 5 tháng chưa đủ hỗ trợ

Đề xuất tăng thời gian miễn, giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp

>>> Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Cải cách thể chế làm “bệ đỡ” cho doanh nghiệp vượt qua đại dịch.

VNREA phân tích, quy trình thủ tục để thực hiện một dự án mất khoảng 5 năm, từ triển khai xây dựng đến lúc đủ điều kiện bán hàng cũng mất gần một năm. Đại dịch làm gián đoạn hoạt động của ngành này, khiến hoạt động nhiều doanh nghiệp bị chững lại, nên 5 tháng gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất là “quá ngắn để doanh nghiệp có thể phục hồi, kinh doanh trở lại”.

Đánh giá về các chính sách hỗ trợ gần đây, ông Nguyễn Đình Cung cho rằng về định hướng chính sách là hợp lý nhưng khâu thực hiện còn tồn tại nhiều vấn đề. Chuyên gia này đếm được dù hàng loạt gói hỗ trợ đã được công bố nhưng đến nay mới chỉ có 1 Nghị định, 2 Thông tư và phần còn lại là dạng đốc thúc. Quy trình ra quyết định trong nhiều lĩnh vực còn chậm, sự hỗ trợ thiếu kịp thời và còn manh mún.

“Đại bộ phận các chính sách hỗ trợ hiện nay vẫn nằm ở khâu chỉ đạo. Nhiều người còn nói vui rằng lên tivi mà hưởng chính sách hỗ trợ của Chính phủ”, ông Cung nhận xét. “Nhiều gói hỗ trợ có thể sẽ không bao giờ được thực hiện với cung cách hô khẩu hiệu. Người ta chỉ để ý mỗi lúc ban hành thứ gì đó thì quyền của tôi là gì, công việc của tôi là gì và thẩm quyền của tôi ra sao. Nếu cứ nói chung chung thì chúng ta sẽ không bao giờ làm được”.

Mức độ hỗ trợ, kể cả gộp tất cả các chính sách đã có, đang hy vọng và còn chờ đợi, cũng được chuyên gia này đánh giá là quá nhỏ so với mức độ thiệt hại của doanh nghiệp và so với mức hỗ trợ của chính phủ các nước khác.

Với nguồn lực hữu hạn, ông Cung cho rằng nên phân định lại, hỗ trợ tập trung vào các ngành chịu tác động trực tiếp từ Covid-19 như hàng không, du lịch và “đã hỗ trợ thì phải ra tấm, ra món” để các ngành đó đủ sức phục hồi. “Việc hỗ trợ dàn trải nhiều ngành nghề như hiện nay thực tế sẽ không tạo ra được hiệu quả”, chuyên gia này nhận xét.

Theo Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đầu năm đã lần đầu tiên giảm trong 5 năm, còn hơn 37.500 doanh nghiệp, giảm 13%. Số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế giảm 20%, số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp cũng giảm 22% do tâm lý e ngại trong đầu tư trước tình hình phức tạp của dịch bệnh.

VCCI trước đó khảo sát cho biết gần 85% doanh nghiệp đã bị mất hoặc thu hẹp thị trường tiêu thụ sản phẩm trong tháng 3-4, gần 60% doanh nghiệp bị thiếu vốn hoặc dòng tiền kinh doanh, 45% doanh nghiệp bị thiếu nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh và phải thu hẹp lực lượng lao động.

Dù các chỉ số kinh tế đã phục hồi trong tháng 5, phần lớn chỉ là tăng từ mức thấp trong tháng 4 – giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội. Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại IHS Markit, đánh giá thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát dịch cho phép nền kinh tế bắt đầu chặng đường hồi phục. Tuy nhiên, con đường sẽ còn dài. “Quá trình tăng trưởng trở lại có thể diễn ra từ từ với sự hỗ rợ ít ỏi từ thị trường nước ngoài, ít nhất là trong tương lai gần, khi đại dịch tiếp tục ảnh hưởng đến nhiều khu vực trên thế giới”, Giám đốc IHS Markit nhận xét.

Theo Vnexpress

Tập đoàn Voith tuyên bố đã mua lại thành công Toscotec

Việc mua lại Toscotec của Tập đoàn Voith phù hợp với các mục tiêu và chiến lược tăng trưởng của công ty. Các sản phẩm và dịch vụ của Toscotec giúp đa dạng hóa danh mục đầu tư và giúp củng cố vị trí nhà cung cấp hàng đầu trong ngành công nghiệp giấy của Voith.

   >>> Valmet cung cấp nồi hơi mới cho Norske Skog ở Áo

Sau khi được mua lại, Toscotec vẫn sẽ tiếp tục cung cấp các mặt hàng sản phẩm như trước và hoạt động dưới thương hiệu Toscotec.

Trong lĩnh vực giấy tissue, Toscotec sẽ được lắp đặt dây chuyền mới từ Voith và xây dựng lại theo tầm nhìn tương lai của tập đoàn.

Tất cả hoạt động kinh doanh và các kênh bán hàng khác của Voith và Toscotec sẽ vẫn không bị ảnh hưởng.

Tập đoàn Voith đã mua lại thành công Toscotec

Tập đoàn Voith đã mua lại thành công Toscotec

Theo Chinapulppaper

 

 

 

 

 

Valmet cung cấp nồi hơi mới cho Norske Skog ở Áo

Công ty Norske Skog, Áo đặt hàng Valmet cung cấp một hệ thống nồi hơi hoàn chỉnh cho Nhà máy giấy Norske Skog Bruck. Giá trị đơn hàng khoảng 40 triệu EUR, được bàn giao vào năm 2022. Theo Valmet, nồi hơi mới sẽ nâng cao tính cạnh tranh về chi phí của nhà máy giấy Norske Skog Bruck và giảm lượng khí thải carbon, tạo nguồn doanh thu mới từ việc đốt các loại phế thải và chuyển hóa chúng thành năng lượng mới.

   >>> Đánh giá thị trường gỗ và bột giấy toàn cầu QI/2020

Sau khi tham khảo các công trình đã vận hành thành công và hiệu quả trước đó do Valmet cung cấp và lắp đặt, Norske Skog Bruck đã chọn Valmet làm nhà cung cấp hệ thống nồi hơi cho nhà máy. Dự án này là một bước tiếp theo trong chương trình phát triển bền vững và bảo vệ môi trường của Norske Skog.

Valmet sẽ cung cấp một nhà máy nồi hơi với yêu cầu kỹ thuật cao, trong đó tất cả các phần công nghệ tiên tiến được tích hợp với nhau để phục vụ các mục tiêu của Norske Skog. Các giải pháp của Valmet Industrial Internet (VII) sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện và nâng cao hiệu suất của lò hơi.

Với công suất 56 MW (megawatt), nồi hơi mới sẽ chủ yếu sử dụng các chất thải rắn trong quá trình sản xuất làm nhiên liệu thứ cấp. Nồi hơi mới sẽ thay thế một phần việc sản xuất hơi của các lò hơi đốt khí đốt tự nhiên hiện có và cung cấp nhiệt cho nhà máy giấy và mạng hệ thống sưởi ấm địa phương./.

Theo Pulpaper news

 

 

 

 

 

 

Đánh giá thị trường gỗ và bột giấy toàn cầu QI/2020

Thị trường gỗ xẻ ván (timber) toàn cầu

Mặc dù thương mại trì trệ và nhu cầu tiêu thụ giảm trong khoảng thời gian dịch COVID-19 bùng phát nhưng giá gỗ xẻ (lumber) toàn cầu vẫn khá ổn định.

Sau khoảng 2 năm chỉ số giá gỗ xẻ toàn cầu (GSPI)  liên tục sụt giảm thì số liệu thực tế trong quý I/2020 vẫn không mấy thay đổi so với quý IV/2019.

Trong hai thập kỷ qua, giá gỗ xẻ tại Châu Âu đã giảm đáng kể ở Trung Âu, đặc biệt vào năm 2019 và tăng mạnh nhất ở Đông Âu, mặc dù giá này vẫn ở mức thấp.

Thị trường bột gỗ toàn cầu

Trong quý I/2020, chi phí xơ sợi giảm tại nhiều quốc gia sản xuất bột gỗ cứng trên toàn thế giới, đặc biệt tại Mỹ, Nga và Mỹ Latinh.

Chỉ số giá xơ sợi gỗ cứng (HFPI) đã giảm 4,2% trong quý I/2020. Đây là lần giảm điểm thứ tư từ quý IV/2019, giảm 9,2% so với quý I/2019 và là mức giá thấp nhất trong bốn năm trở lại đây.

Chỉ số giá xơ sợi gỗ mềm (SFPI) cũng tụt giảm.

   >>> Giá giấy thu hồi Mỹ xuất khẩu giảm mạnh sau 4 tháng tăng liên tục

Thị trường bột giấy toàn cầu

Từ cuối năm 2018 đến cuối năm 2019, giá bột giấy giảm gần 30% ở Châu Âu và khoảng 20% ​​ở Bắc Mỹ và dường như đã chạm đáy. Kể từ đầu năm 2020, giá bột giấy đã lại tăng nhẹ trở lại.

Hiện nay, tại thị trường Mỹ và Châu Âu, giá bột gỗ mềm cao hơn bột gỗ cứng khoảng 160 USD/tấn, đạt mức chênh cao nhất trong một năm trở lại đây và cao hơn so với mức chênh 106 USD/tấn trung bình trong vòng 10 năm trở lại đây.

Thị trường gỗ xẻ (lumber) toàn cầu

Tính đến năm 2019, giá nhập khẩu gỗ xẻ từ cây gỗ mềm sang Mỹ đã giảm năm thứ ba liên tiếp. Tuy nhiên, trong quý I/2020, khối lượng nhập khẩu đã tăng lên và bất ngờ tăng vọt trong tháng 3/2020 dù dịch bệnh COVID vẫn đang bùng phát.

Nhập khẩu gỗ xẻ từ cây gỗ mềm sang Trung Quốc giảm mạnh trong quý I/2020, thấp hơn 14% so với quý trước và thấp hơn 37% so với mức nhập cao kỷ lục trong quý II/2019.

Sau một năm thị trường ảm đạm, thậm chí gỗ xẻ buộc phải bán với giá rất thấp và không có lãi thì đến quý I/2020, lợi nhuận của các nhà sản xuất gỗ xẻ trên toàn thế giới nhìn chung đã được cải thiện.

Trong năm 2019 và đầu 2020, giá xuất khẩu gỗ tròn giảm tại các nước Bắc Âu.

Thị trường sinh khối toàn cầu

Giá nội địa cho viên nén gỗ (wood pellets) tại ba thị trường lớn ở Châu Âu (Áo, Đức và Thụy Điển) đã tăng khá tốt trong những tháng đầu năm 2020 và chỉ thấp hơn một chút so với cùng kỳ năm 2019./.

Theo PaperAge

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Giấy in Copy Paper Hồng Hà: Sản phẩm mới theo hướng tiêu dùng xanh

VPP Hồng Hà cho biết, Giấy in Copy Paper Hồng Hà được sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại, nguồn nguyên liệu giấy cao cấp nhập khẩu từ Indonesia, không sử dụng chất tẩy trắng gốc Clo, an toàn sức khỏe. Sản phẩm tiện dụng và phù hợp nhiều loại máy in, photocopy, fax… đáp ứng nhu cầu in ấn hàng ngày của người tiêu dùng.

   >>> Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam cho vay dự án bảo vệ môi trường

Cũng theo Công ty CP Văn phòng phẩm Hồng Hà, bộ sản phẩm Giấy in Copy Paper sẽ có 2 định lượng thông dụng là 70g/m2 & 80g/m2. Sản phẩm có độ trắng 95%, khả năng bắt mực tốt, chất lượng hình ảnh in đẹp, khổ giấy kích thước chuẩn theo quy định, đảm bảo không bị kẹt giấy khi in. Bề mặt giấy láng mịn đáp ứng được nhu cầu in 2 mặt mà không bị nhăn, lem mực. Giấy không bụi, giúp đảm bảo sức khỏe người sử dụng và kéo dài tuổi thọ của máy.

Với bề dày truyền thống hơn 60 năm xây dựng và phát triển trong lĩnh vực văn phòng phẩm, VPP Hồng Hà đã và đang là một trong những thương hiệu được người tiêu dùng Việt yêu mến và tin tưởng.

Việc cho ra mắt sản phẩm mới Giấy in Copy Paper được xem là một bước tiến mang tính chiến lược trong định hướng mở rộng, phát triển ngành hàng văn phòng phẩm phục vụ người tiêu dùng Việt của Công ty CP Văn phòng phẩm Hồng Hà.

Theo Công Thương

 

Giá giấy thu hồi Mỹ xuất khẩu giảm mạnh sau 4 tháng tăng liên tục

Đợt tăng giá kéo dài bốn tháng đối với giấy thu hồi tại Mỹ đã kết thúc vào đầu tháng 6, tình trạng tồn kho tăng cao, mức dự trữ của các nhà máy đang rất lớn. Hơn nữa do ảnh hưởng của tác động kép dịch COVID-19 và biểu tình trên khắp nước Mỹ nhiều nhà máy đã phải ngừng hoạt động.

Trong khi đó nhu cầu xuất khẩu giấy thu hồi của Mỹ trong tháng 6 cũng sụt giảm mạnh. Sau khi tăng tới 90 USD/tấn từ tháng 2/2020, giá OCC đã giảm mạnh khoảng 30-35 USD/tấn, FOB. Giá SOP cũng giảm, trong hai tháng 4-5/2020 giá nội địa tăng 100 USD/tấn, giá xuất khẩu tăng 55 USD/tấn. Nhưng sang tháng 6 giá SOP xuất khẩu đã giảm xuống còn 148 USD/tấn từ mức 170 USD/tấn trong tháng 5.

   >>> Giá OCC của Mỹ, Châu Âu nhập khẩu giảm tại Đông Nam Á và Đài Loan

Giá xuất khẩu sang châu Á, nhất là hai thị trường tiêu thụ lớn Trung Quốc và Ấn Độ. Giá tại Ấn Độ đã giảm đáng kể trong tháng 6, giảm tới 60 USD/tấn, CFR, đối với OCC(11)  và 55 USD/tấn đối với DSOCC. Giá xuất khẩu đến Trung Quốc giảm 35 USD/tấn đối với DSOCC và 23 USD/tấn với DLK, FOB.

Nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn chưa mở cửa trở lại, các nhà máy đóng cửa đã ảnh hưởng rất lớn đến tiêu thụ giấy bao gói tại Ấn Độ. Các nhà phân tích thị trường dự báo tình trạng trì trệ này sẽ còn kéo dài đến hết tháng 8/2020. Trong Quý I/2020, xuất khẩu của OCC của Mỹ sang Ấn Độ đã giảm 27% so với cũng kỳ năm ngoái, đạt 291.301 tấn.

Hết tháng 4/2020, Trung Quốc đã cấp 4,51 triệu tấn giấy phép nhập khẩu, giảm 43% so với gần 8 triệu tấn được phê duyệt cùng thời điểm năm 2019. Năm 2020, Trung Quốc dự kiến sẽ nhập khẩu khoảng 7 triệu tấn và phần lớn số hạn ngạch này đã được sử dụng. Khoảng thời gian còn lại của năm vẫn còn dài, nhiều nhà máy Trung Quốc đã  không vội mua và sử dụng hết giấy phép nhập khẩu còn lại cho năm 2020. Điều này cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến giá giấy thu hồi xuất khẩu của Mỹ giảm trong thời gian qua./.

Theo PPI Pulp & Paper Week

Quốc hội chính thức tán thành thông qua Hiệp định EVFTA, EVIPA

Sáng ngày 8/6, các đại biểu Quốc hội đã chính thức nhấn nút biểu quyết thông qua Hiệp định Thương mại Tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) cùng Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA).

Theo đó, có 457/457 Đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết và đã tán thành, với tỷ lệ đạt 100%, Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).

Với Hiệp định EVIPA, có tổng số 462 Đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết (đạt 95,6%), trong đó bấm nút tán thành là 461 (chiếm 95,4%), không tán thành 0 và không biểu quyết là 1 ý kiến (0,21%).

Xét về tổng thể, EVFTA sẽ góp phần giúp đa dạng hóa thị trường để không bị phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường nào, từ đó giúp bảo đảm an ninh kinh tế của Việt Nam. EVFTA được dự đoán sẽ mang lại tác động tích cực cho cả hai bên, gần 100% giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn.

Trong số các Hiệp định thương mại được ký kết, đây là mức cam kết cao nhất mà đối tác dành cho Việt Nam. Do vậy, EVFTA được nhiều chuyên gia đánh giá sẽ tạo ra cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và các mặt hàng xuất khẩu.

Với việc EVFTA được phê chuẩn, Việt Nam sẽ là điểm đến của nhiều nhà đầu tư từ EU và trên toàn thế giới. Hơn nữa, khi dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng lên, số lượng đơn thư khiếu nại thương mại cũng sẽ tăng theo.

Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV bao gồm nội dung biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn 2 Hiệp định giữa Việt Nam và EU
Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV bao gồm nội dung biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn 2 Hiệp định giữa Việt Nam và EU (Nguồn: Tạp chí Công Thương)

>>> EVFTA sắp có hiệu lực, hàng loạt ngành hàng sẽ có nhiều cơ hội mới

Phía Bộ Công Thương cho biết Ngân hàng Thế giới ước tính rằng chỉ riêng việc tận dụng các ưu đãi thuế quan thực thi theo Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có thể giúp GDP của Việt Nam tăng 2,4% và xuất khẩu tăng 12% vào năm 2030 đồng thời có thêm từ 100.000-800.000 người thoát nghèo.

Cùng với Hiệp định EVFTA, Hiệp định EVIPA sẽ tiếp tục khẳng định vai trò và vị thế địa-chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á-Thái Bình Dương; góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong khối ASEAN, khu vực cũng như trên trường quốc tế.

Việc thực hiện cam kết theo Hiệp định EVIPA sẽ là động lực thúc đẩy Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, bình đẳng, an toàn, minh bạch, thân thiện hơn đối với nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế.

Hiệp định EVIPA sẽ thay thế 21 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương hiện hành giữa Việt Nam và các nước thành viên EU. Hiệp định gồm 4 Chương, 92 Điều và 13 Phụ lục.

Việc thực thi hiệp định góp phần tăng cường sự gắn kết về kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU đồng thời củng cố và làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa hai bên.

Việc Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Hiệp định EVIPA đồng thời với Hiệp định EVFTA tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV sẽ tăng sự tin cậy, tạo tiền đề quan trọng để các nước thành viên EU sớm hoàn thành thủ tục pháp lý nội bộ để Hiệp định EVIPA có hiệu lực.

Bên cạnh những cơ hội, Hiệp định EVIPA cũng có một số thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam trước áp lực cạnh tranh của nhà đầu tư nước ngoài; hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật; nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ công chức, thẩm phán, luật sư, trọng tài viên quốc tế, doanh nghiệp để đáp ứng xử lý các tranh chấp đầu tư theo hiệp định.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng chính thức bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Cụ thể, tổng số Đại biểu Quốc hội tham gia là 460 đại biểu (chiếm 95,2%), tán thành là 458 đại biểu (94,8%), không tán thành là 1 (chiếm 0,21%), không biểu quyết là 1 (tỷ lệ 0,21%)./.

Theo Vietnamplus

Phân loại tại nguồn: Yêu cầu cấp bách quản lý chất thải rắn

Theo thống kê của Tổng cục Môi trường, trung bình mỗi năm, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt cả nước là 25 triệu tấn. Trong đó, chỉ có 30% được xử lý đốt hoặc sản xuất phân hữu cơ, hơn 70% chôn lấp trực tiếp. Trong đó, Hà Nội mỗi ngày phát sinh 6.000 tấn rác, tỷ lệ chôn lấp tới 90% còn TP HCM tỷ lệ chôn lấp cũng lên tới 69%. Tỷ lệ chôn lấp trực tiếp gây ra nhiều vấn đề môi trường và xã hội phức tạp. Việt Nam cũng chưa phân loại được rác tại nguồn nhằm thúc đẩy quá trình tái chế, tái sử dụng.

Công tác quản lý về chất thải rắn sinh hoạt còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, đặc biệt là vấn đề chất thải rắn sinh hoạt.  Mặt khác, chất thải hầu hết chưa được phân loại tại nguồn; chưa có các cơ chế chính sách thúc đẩy các hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, dẫn đến khối lượng phát sinh ngày một nhiều. Cùng với đó, luật hiện hành chưa quy định theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền dẫn đến không khuyến khích việc giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải phát sinh, đồng thời không khuyến khích việc phân loại chất thải tại nguồn.

  >>>Thu hẹp đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường

Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) quy định theo hướng ai xả nhiều chất thải rắn sinh hoạt hơn sẽ phải trả nhiều tiền hơn thay vì tính phí theo đầu người bình quân như hiện nay. Cùng với đó người không thực hiện phân loại rác sinh hoạt sẽ phải trả chi phí cao hơn so người thực hiện phân loại.

Cụ thể, dự thảo đưa ra quy định về kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) được tính dựa trên khối lượng phát sinh (khoản 6 Điều 79). Bên cạnh đó, luật cũng đưa ra quy định khuyến khích phân loại CTRSH tại nguồn thành 5 loại là chất thải rắn có khả năng tái chế; chất thải thực phẩm, chất thải hữu cơ dễ phân hủy; chất thải nguy hại; chất thải cồng kềnh; và chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác (khoản 1 Điều 79).

Dự thảo Luật cũng đã quy định nguyên tắc về việc thu kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý đối với từng loại chất thải sau khi đã được phân loại. Những tổ chức, cá nhân không thực hiện phân loại sẽ phải trả chi phí cao hơn so với những tổ chức, cá nhân thực hiện việc phân loại theo quy định./.

 

Theo VPPA

Thu hẹp đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường

Theo Tờ trình về dự án Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trình bày tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, dự thảo Luật đã cải cách mạnh mẽ, cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính từ 20-75 ngày. Góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp thông qua các quy định: Thu hẹp khoảng 20% đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường

Về đánh giá tác động môi trường (ĐTM), Luật bảo vệ môi trường 2014 quy định đánh giá tác động môi trường như một công cụ quản lý môi trường cho suốt vòng đời dự án. Tuy nhiên, do chỉ là công cụ có tính dự báo nên quy định này đã bộc lộ nhiều bất cập bởi thực tế khi triển khai dự án có nhiều thay đổi. Tiếp thu kinh nghiệm của các nước trên thế giới, để khắc phục vướng mắc, bất cập nêu trên, dự thảo Luật đã xác lập đúng vai trò của công cụ đánh giá tác động môi trường trong giai đoạn thực hiện dự án. Việc quản lý dự án, cơ sở khi đi vào vận hành được thay thế bằng công cụ giấy phép môi trường, đăng ký môi trường.

Trên cơ sở đó, dự thảo Luật đã quy định rõ dự án đầu tư chỉ phải thực hiện các thủ tục hành chính về môi trường theo một trong bốn trường hợp sau: Chỉ phải thực hiện đánh giá tác động môi trường và không phải có giấy phép môi trường; phải thực hiện đánh giá tác động môi trường và phải có giấy phép môi trường; không phải thực hiện đánh giá tác động môi trường nhưng phải có giấy phép môi trường; không phải thực hiện đánh giá tác động môi trường và giấy phép môi trường

   >>> Thống kê bột giấy toàn cầu tháng 4/2020

Vì vậy dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung sau: Thu hẹp đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường chỉ bao gồm những dự án đầu tư sử dụng diện tích đất, mặt nước lớn và có ảnh hưởng xấu đến môi trường, cảnh quan thiên nhiên quan trọng, hệ sinh thái, đa dạng sinh học và những dự án có phát sinh chất thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Giao Chính phủ quy định những trường hợp được miễn đánh giá tác động môi trường để ứng phó trong tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa.

Luật bảo vệ môi trường

Bổ sung quy định về lộ trình phù hợp yêu cầu các tổ chức thực hiện đánh giá tác động môi trường phải đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, cán bộ chuyên môn, chứng chỉ hành nghề nhằm nâng cao chất lượng báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Sửa đổi quy định về thẩm quyền thẩm định đánh giá tác động môi trường của các Bộ, cơ quan ngang bộ, theo đó dự thảo Luật quy định giao các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định của pháp luật về xây dựng (Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của mình, trừ đối tượng thuộc thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Dự thảo luật cũng không quy định về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và thay vào đó, quy định việc phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường để làm căn cứ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc ban hành văn bản thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ sở của dự án, quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, cấp giấy phép khai thác khoáng sản, cấp giấy phép môi trường, cấp giấy phép nhận chìm ở biển…

Chủ dự án phải có trách nhiệm tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc dự án đầu tư theo đúng quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Việc thay đổi này nhằm nâng cao trách nhiệm của chủ dự án trong việc thực hiện các quy định về đánh giá tác động môi trường, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Dự thảo luật cũng bãi bỏ thủ tục về xác nhận kế hoạch BVMT, thay vào đó là quản lý bằng công cụ giấy phép môi trường hoặc đăng ký môi trường./.

Theo Người Lao Động