TẬP ĐOÀN ILIM TĂNG NGUỒN CUNG 1,7 TRIỆU TẤN SẢN PHẨM BỘT GIẤY VÀ BÌA SANG TRUNG QUỐC TRONG NĂM 2022

Tập đoàn Ilim tóm lược kết quả hoạt động xuất khẩu của mình tại Trung Quốc vào năm 2022. Hoạt động của Công ty tại quốc gia này đã được trình bày tại cuộc họp kinh doanh với Alexey Dakhnovsky, Đại diện Thương mại của Liên bang Nga tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Dựa trên kết quả của năm ngoái, lượng giao hàng của Ilim đến Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục 1,7 triệu tấn thành phẩm, bao gồm 1,359 triệu tấn bột giấy và 360 nghìn tấn giấy bìa. Nguồn cung bột giấy và bìa tăng lần lượt hơn 10% và 56% so với năm 2021.

“Thị trường Trung Quốc vẫn là điểm đến ưu tiên của Tập đoàn Ilim. Các sản phẩm của chúng tôi vẫn có nhu cầu cao ở Trung Quốc mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang chậm lại”, Alexey Chernyaev, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách bán hàng, quản lý chuỗi cung ứng và đóng gói của Tập đoàn Ilim nhận xét. “Tổng nguồn cung của Ilim cho Trung Quốc năm ngoái đã tăng 266 nghìn tấn với một nửa khối lượng là bìa, bột giấy và bột giấy chưa tẩy trắng được sản xuất tại Nhà máy Koryazhma của chúng tôi được chuyển hướng đến Trung Quốc từ các thị trường khác. Công ty đã nhanh chóng cải tổ chuỗi hậu cần của mình và nhận thấy khách hàng mua thêm khối lượng”.

Hiện tại, sản phẩm của Tập đoàn Ilim được hơn 500 nhà máy tại 20 khu vực của Trung Quốc tiêu thụ. Vào năm 2022, Công ty đã tăng cường dấu ấn của mình ở các khu vực miền trung và tây nam của Trung Quốc, cũng nhờ nguồn cung dọc theo “Con đường Tơ lụa” (xuất khẩu bìa dọc theo tuyến đường này đã tăng gấp ba lần kể từ năm 2020).

Với các dự án đầu tư đang triển khai, Ilim có kế hoạch tăng xuất khẩu sang Trung Quốc lên 2,4 triệu tấn vào năm 2025. Lượng cung sẽ chủ yếu được thúc đẩy bởi các sản phẩm từ nhà máy giấy và bột giấy mới của Tập đoàn Ilim (Nhà máy KLB) ở Ust-Ilimsk. Sản xuất sẽ được đưa ra trong vòng chưa đầy sáu tháng. Nhà máy sẽ sản xuất giấy kraftliner nguyên thuỷ và Ilim đã ký 10 thỏa thuận với các đối tác Trung Quốc về toàn bộ sản lượng của Nhà máy KLB trong ba năm.

Ilim đã có 27 năm kinh nghiệm tại thị trường Trung Quốc. Nguồn cung cấp của Công ty sang Trung Quốc đã tăng gấp 34 lần kể từ năm 1996. Trong toàn bộ thời gian có mặt tại Trung Quốc, Ilim đã cung cấp 26 triệu tấn bột giấy và bìa cho thị trường Trung Quốc. Hiện tại, 44% tất cả các sản phẩm của Ilim, bao gồm bột gỗ mềm và gỗ cứng đã tẩy trắng, bột giấy chưa tẩy trắng và giấy kraft được cung cấp cho Trung Quốc. Công ty là nhà cung cấp bột gỗ mềm tẩy trắng lớn nhất cho Trung Quốc.

Nguồn: Risi

VPPA biên dịch

Hai tháng, 51.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

Thông tin từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 2/2023, cả nước có 8.841 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 65.600 tỷ đồng và số lao động đăng ký gần 51.100 lao động, giảm 18,5% về số doanh nghiệp, giảm 33,8% về vốn đăng ký và giảm 25,6% về số lao động so với tháng 1/2023.

Trong khi đó, nếu so với cùng kỳ năm trước, thì tăng 21,4% về số doanh nghiệp, giảm 23,1% về số vốn đăng ký và giảm 29,6% về số lao động.

Như vậy, vốn đăng ký bình quân của một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 2/2023 đạt 7,4 tỷ đồng, giảm 18,9% so với tháng trước và giảm 36,6% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài số lượng doanh nghiệp thành lập mới, trong tháng, cả nước còn có 3.927 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 73,9% so với tháng trước và giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Tính chung hai tháng đầu năm 2023, cả nước có 19.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký là 164.700 tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 119.600 lao động, giảm 3% về số doanh nghiệp, giảm 40,7% về vốn đăng ký và giảm 20,1% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 2 tháng đầu năm 2023, theo Tổng cục Thống kê, đạt 8,4 tỷ đồng, giảm 38,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Nếu tính cả 358.000 tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 6.605 doanh nghiệp tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2023 là 522.700 tỷ đồng, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, từ đầu năm tới nay, cả nước có 18.200 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 18,6% so với cùng kỳ năm 2022, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong hai tháng đầu năm 2023 lên 37.900 doanh nghiệp, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, bình quân một tháng có gần 19.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.Ở chiều ngược lại, cũng trong tháng 2/2023, có 3.802 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 89,1% so với tháng trước và tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2022; có 2.636 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 61,5% và tăng 37,5%; có 1.167 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 42,7% và giảm 5,4%.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 38.800 doanh nghiệp, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, còn có 9.400 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 5,8%; 3.200 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 1,6%.

Như vậy, tổng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 2 tháng qua là 51.400 doanh nghiệp, tăng 14,5%. Bình quân một tháng có 25.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Việc số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động còn ít hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường một lần nữa cho thấy, tình hình sản xuất – kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn.

Nguồn: Baodautu

Thu hút FDI vào Việt Nam: Khoảng lặng trước cơn sóng lớn?

“Khoảng lặng” FDI

Các số liệu thống kê về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài, mà Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố cho thấy, dòng FDI vào Việt Nam vẫn đang trong xu hướng chậm lại.

Cụ thể, tính đến ngày 20/2/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 3,1 tỷ USD, giảm 38% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, vốn thực hiện của dự án FDI ước đạt 2,55 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Có một điểm tích cực, theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, đó là vốn đầu tư mới tăng mạnh cả về số dự án lẫn tổng vốn đăng ký. Theo đó, trong 2 tháng đầu năm, có 261 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký hơn 1,76 tỷ USD, tăng 42,6% về số dự án và tăng gần 2,8 lần về số vốn so với cùng kỳ.

Vốn đăng ký mới tăng không chỉ vì số dự án tăng, mà còn vì số dự án có vốn đăng ký trên 100 triệu USD nhiều hơn cùng kỳ. Cùng kỳ năm ngoái, chỉ có 1 dự án có vốn đăng ký trên 100 triệu USD, trong khi năm nay có tới 4 dự án. Trong đó, đáng chú ý là Dự án Nhà máy công nghệ chính xác Fulian (Singapore) tại Bắc Giang, vốn đăng ký 621 triệu USD, với mục tiêu sản xuất linh kiện điện tử, máy vi tính.

Cùng với đó, góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài cũng được cải thiện hơn. Trong 2 tháng qua, có 440 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (tăng 10% so với cùng kỳ), với tổng giá trị vốn góp gần 797,9 triệu USD (tăng 3,7% so với cùng kỳ).

Bên cạnh các thông tin tích cực, số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết, vốn đầu tư điều chỉnh tiếp tục giảm mạnh so với cùng kỳ và giảm sâu hơn so với tháng 1/2023 do không có nhiều dự án điều chỉnh vốn lớn. Đây là điều rất đáng chú ý, bởi năm ngoái, trong khi đăng ký mới giảm, thì vốn điều chỉnh lại tăng và điều này được lý giải là do các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào môi trường đầu tư, kinh doanh và tiềm năng của thị trường Việt Nam.

Hai tháng đầu năm nay, chỉ có 133 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký tăng thêm gần 535,4 triệu USD, giảm 6,3% về số lượt dự án và giảm tới 85,1% về số vốn so với cùng kỳ.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, không chỉ mức tăng về số lượt dự án điều chỉnh vốn so với cùng kỳ trong tháng 1/2023 không còn được duy trì trong 2 tháng đầu năm, mà vốn đăng ký tăng thêm cũng sụt giảm mạnh.

Hai tháng đầu năm ngoái, với hàng loạt dự án quy mô lớn tăng vốn, trong đó Dự án Samsung Electro-mechanics Việt Nam tại Thái Nguyên, vốn tăng thêm 920 triệu USD; hay Dự án Nhà máy Chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện (Hồng Kông), tăng thêm gần 306 triệu USD tại Bắc Ninh…, vốn FDI tăng thêm đạt 3,6 tỷ USD, gấp 2,2 lần so với năm 2021. Trong khi đó, năm nay, không có dự án lớn nào được “gọi tên”.

Số liệu thống kê của 2 tháng, lại là những tháng Tết, có kỳ nghỉ kéo dài, chưa đủ phản ánh xu hướng chung của cả năm, song cũng phần nào cho thấy, thu hút FDI vào Việt Nam đang ở trong “khoảng lặng”.

Chờ “cơn sóng lớn”

Dù các số liệu thống kê chưa mấy tích cực, song các khẳng định từ các đối tác quốc tế đều cho biết, Việt Nam là một điểm đến an toàn và hấp dẫn. Khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), hay Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đều nhận định rằng, tới đây, các nhà đầu tư Nhật, châu Âu… sẽ tăng đầu tư vào Việt Nam. Và thực tế, vẫn đang có các cam kết quy mô lớn được các “ông lớn” đưa ra.

“Trong các Dự án đầu tư nước ngoài đăng ký mới 2 tháng đầu năm, có thể kể tới Dự án chuyên sản xuất, gia công linh kiện điện tử, linh kiện máy tính, thiết bị thông minh của Compal – một trong những nhà sản xuất của Apple và các tập đoàn công nghệ lớn toàn cầu. Dự án nhận chứng nhận đăng ký đầu tư vào trung tuần tháng 2/2023. Theo kế hoạch, Dự án sẽ được khởi công trong quý I/2023 và đi vào sản xuất trong quý II/2024.”

Mới đây nhất, theo thông tin của tờ Bangkok Post (Thái Lan), Tập đoàn Central Retail Corporation công bố sẽ đầu tư khoảng 50 tỷ Baht (tương đương 1,45 tỷ USD) vào Việt Nam trong giai đoạn 2023-2027 để mở rộng sự hiện diện tại thị trường bán lẻ Việt Nam. Đây được cho là khoản đầu tư lớn nhất mà Central Retail Corporation đổ vào Việt Nam kể từ trước tới nay.

Tập đoàn Piaggio cũng vừa lần thứ 14 tăng vốn đầu tư vào Việt Nam. Với khoản đầu tư mới 75 triệu USD, Piaggio nâng tổng vốn đầu tư tại Vĩnh Phúc lên 165 triệu USD.

Một tên tuổi khác – Goertek đang sẵn sàng các khoản đầu tư mới, sau khi đã dốc khoảng 1 tỷ USD để đầu tư các nhà máy tại Bắc Ninh và Nghệ An. Theo kế hoạch, Goertek sẽ đầu tư thêm khoảng 290 triệu USD cho việc mở rộng nhà máy ở Bắc Ninh trong thời gian tới.

Trong một báo cáo trình Chính phủ cách đây chưa lâu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đầu tư toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn, do các điều kiện tài chính thắt chặt hơn và lo ngại về suy thoái toàn cầu. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, Đông Nam Á được hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc, do căng thẳng thương mại Mỹ – Trung.

“Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng cũng đi kèm với dòng vốn đầu tư, dẫn đến sự gia tăng FDI vào khối các nước ASEAN, khi các doanh nghiệp thành lập nhà máy sản xuất, cơ sở kho bãi, mạng lưới phân phối và các cơ sở khác tại khu vực”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Trong ASEAN, Việt Nam đang có lợi thế. Khảo sát mới đây của EuroCham cho biết, 1/4 các công ty châu Âu được hỏi đã chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam. Trong đó, 2% đã chuyển một phần đáng kể hoạt động vào Việt Nam.

Kết quả khảo sát của Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) với các doanh nghiệp Hoa Kỳ ở Trung Quốc, hay khảo sát của JETRO về xu hướng đầu tư của doanh nghiệp Nhật cho thấy, Việt Nam đang có nhiều cơ hội. Cục Đầu tư nước ngoài cũng đưa ra dự báo, thu hút FDI của Việt Nam trong năm 2023 có thể tăng 30% so với năm ngoái, đạt khoảng 36-38 tỷ USD.

Tuy cơ hội là rất lớn, nhưng cạnh tranh cũng ngày một gay gắt hơn. Vì thế, các đề xuất về việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đã được đưa ra. Một trong những vấn đề được cho là cấp bách là phản ứng chính sách của Việt Nam khi nhiều quốc gia trên toàn cầu sẵn sàng áp thuế tối thiểu toàn cầu từ đầu năm 2024.

Theo ông ông Thomas McClelland, Phó tổng giám đốc phụ trách Dịch vụ Tư vấn thuế, Deloitte Việt Nam, nếu Việt Nam không có những cải cách hợp lý và kịp thời về chính sách ưu đãi thuế, trong trường hợp các đối thủ cạnh tranh cân nhắc các biện pháp và chính sách ưu đãi đầu tư thuận lợi để thích ứng với thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam có thể bị “bỏ lại phía sau” trong thu hút FDI.

Nguồn: Baodautu

Kinh tế Việt Nam 2023: Hứng khởi song nhiều thách thức

Dự báo lãi suất và lạm phát

Chiến sự Ukraine-Nga vẫn tiếp diễn và giá năng lượng tiếp tục không ổn định sẽ tác động đến giá cả trong nước vì các sản phẩm mà Việt Nam nhập khẩu.

“Mức tiêu thụ nội địa chưa chắc tăng đáng kể trong năm nay nên cũng sẽ góp phần làm giảm áp lực lên giá cả”, Tiến sĩ Daniel Borer, Quyền chủ nhiệm chương trình Kinh doanh toàn cầu, Đại học RMIT (Australia), bình luận.

Tuy nhiên, lạm phát trong năm nay có thể vẫn tăng do khả năng tiền đồng sẽ mất giá mạnh hơn khi dòng vốn có thể chảy khỏi Việt Nam, tìm cách hưởng lợi từ việc tăng lãi suất bằng các loại tiền tệ khác như Euro hoặc đô la Mỹ.

“Điều này sẽ khiến hàng hóa nhập khẩu, vốn là một phần trong giỏ hàng tiêu dùng của các hộ gia đình trung bình ở Việt Nam, trở nên đắt đỏ hơn”, Tiến sĩ Borer bổ sung.

Tiến sĩ Hà Thị Cẩm Vân, điều phối viên môn Kinh tế vĩ mô tại Đại học RMIT Việt Nam, chia sẻ rằng xu hướng này có thể được bù trừ do việc tăng lãi suất trong nước đang diễn ra và dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên tới 15% đối với tiền gửi cố định/có kỳ hạn tại các ngân hàng tư nhân.

Tăng lãi suất trong năm nay sẽ tiếp tục gây áp lực lên thị trường bất động sản, khi nhu cầu đang giảm dần do lãi suất thế chấp tăng”, bà Vân nói.

Vì bên bán sẽ chậm điều chỉnh giá xuống do nhu cầu giảm, các nhà đầu tư bất động sản có thể nên đợi đến quý 2 năm 2023 để được lợi với vị thế thương lượng tốt hơn.

Hai chuyên gia kỳ vọng rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì tỉ lệ lạm phát dưới 5% trong năm nay, giúp góp phần vào thành công trong việc bình ổn giá.

Tiến sĩ Daniel Borer (trái) và Tiến sĩ Hà Thị Cẩm Vân (phải).

Tỉ giá hối đoái, thương mại và FDI

Giữ giá cả ổn định cũng sẽ giúp tỉ giá hối đoái bớt mất giá. Một mô hình dự báo đơn giản chỉ ra rằng chênh lệch lạm phát của các loại tiền tệ thể hiện sự thay đổi dự kiến trong tỉ giá hối đoái.

Tiến sĩ Borer chia sẻ rằng trong khi mối quan hệ này đúng trong dài hạn thay vì theo từng năm, lạm phát trung bình của tiền đồng sẽ hạn chế áp lực mất giá của đồng nội tệ.

“Nhìn lại 20 năm qua, hằng năm tiền đồng lạm phát 4,3%, cao hơn so với đô la Mỹ, điều đó có nghĩa tiền đồng sẽ dần mất giá so với đô la Mỹ”, Tiến sĩ Borer phân tích.

Do đó, để tạo ra môi trường thương mại ổn định hơn và giảm bớt sự bấp bênh của thị trường, Tiến sĩ Borer và Tiến sĩ Vân đề xuất nên áp dụng biên độ giảm giá dần 3-4% cho tiền đồng so với đô la Mỹ. Hệ thống này hứa hẹn mang lại sự ổn định và thúc đẩy xuất khẩu cho Việt Nam.

Tiến sĩ Vân giải thích: “Lĩnh vực xuất khẩu cần đến bất kỳ sự hỗ trợ nào mà họ có thể tiếp cận, vì các thị trường xuất khẩu chính, cụ thể là Mỹ với 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và cả EU, vừa bước vào thời kỳ suy thoái. Mặc dù có thể chưa bước vào suy thoái song Trung Quốc, khách hàng xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, cũng không trong trạng thái tốt trong năm 2023”.

“Kim ngạch xuất khẩu đã tăng trưởng mạnh vào năm 2022 (tăng 10,6% so với năm 2021), trong đó hải sản và dệt may đạt mức cao kỷ lục, nhưng nhiều khả năng năm nay sẽ không được như vậy”.

FDI cũng tăng trong năm 2022 với vốn thực hiện đạt gần 22,4 tỷ USD, mức cao nhất trong năm năm qua. Các nước đầu tư chính là Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản – những đối tác trong khu vực đang tận dụng lợi thế nhân công giá rẻ của Việt Nam.

Tiến sĩ Borer nhấn mạnh rằng, mặc dù điều này hấp dẫn trong ngắn hạn và trung hạn, một nền kinh tế đang phát triển cuối cùng sẽ chuyển thành GDP bình quân đầu người cao hơn, kéo theo chi phí lao động cao hơn.

“Điều này là cần kíp và phản ánh rằng của cải của người dân đang tăng. Do đó, đã đến lúc Việt Nam cần nghiêm túc xác định và xây dựng thế mạnh ở các khía cạnh khác ngoài việc mức lương thấp”.

Xây dựng môi trường kinh tế đáng tin cậy, an toàn, “xanh” và ổn định sẽ là chìa khóa cho sự tăng trưởng bền vững trong tương lai, thu hút FDI bất chấp việc mức lương trong nước tăng lên.

Để đạt được mục tiêu này, Tiến sĩ Vân gợi ý, cần tập trung vào: (1) chống tham nhũng ở tất cả các cấp, (2) tăng tính minh bạch của các quyết định chính sách, (3) tăng cường các nỗ lực về môi trường.

“Tham nhũng làm giảm động lực đầu tư FDI vì nhà đầu tư không chắc chắn về chi phí đầu tư trong tương lai cũng như các quy định luật pháp và tài sản”, Tiến sĩ Vân nói.

Ở khu vực châu Á, các quốc gia/vùng lãnh thổ ít tham nhũng nhất là Singapore, Hồng Kông, Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc. Đây cũng là những quốc gia giàu có nhất trong khu vực.

“Thông điệp ở đây rất rõ ràng – cần phải loại bỏ tham nhũng hoàn toàn”, Tiến sĩ Vân bổ sung.

Thêm vào đó, tăng cường tính minh bạch, chẳng hạn như đã đề cập trước đó với tỉ lệ mất giá tiền tệ được quy định rõ, sẽ giúp Việt Nam trở thành một đối tác thương mại đáng tin cậy hơn.

Môi trường kinh tế đáng tin cậy, an toàn, “xanh” và ổn định là chìa khóa cho tăng trưởng bền vững trong tương lai (Ảnh: Pexel).

Môi trường kinh tế đáng tin cậy, an toàn, “xanh” và ổn định là chìa khóa cho tăng trưởng bền vững trong tương lai (Ảnh: Pexel).

Cuối cùng, theo Tiến sĩ Borer, người tiêu dùng nước ngoài đang trở nên nhạy cảm hơn và thắc mắc về mức độ thân thiện hoặc không thân thiện với môi trường của các sản phẩm họ mua. Với 53% năng lượng đến từ các nhà máy điện than, Việt Nam vẫn còn một chặng đường dài trên hành trình trở nên thân thiện với môi trường. Trong tương lai gần, những khía cạnh như vậy sẽ cản trở FDI.

Tiến sĩ Borer cũng chia sẻ: “Bất kỳ phương án nào để giảm tiêu thụ năng lượng cũng như làm cho năng lượng xanh hơn đều cần được khai phá. Một nội dung quan trọng cần đưa vào chương trình hành động là xây dựng hệ thống giao thông công cộng tốc độ cao (MRT) để giảm việc sử dụng phương tiện cá nhân tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội”.

Hơn nữa, cần quan tâm xây dựng hệ thống tàu chở hàng quốc gia để giảm phụ thuộc vào xe tải, giúp giảm tắc nghẽn giao thông cũng như giúp sản phẩm từ Việt Nam thân thiện hơn với môi trường.

“Ngay cả những khuyến nghị về chính sách như thay đổi múi giờ thành GMT+8, dù có vẻ thái quá, cũng sẽ giúp giảm mức sử dụng năng lượng và giúp Việt Nam xích lại gần hơn với các đối tác thương mại chính trong khu vực”, Tiến sĩ Borer nói.

Nguồn: diendandoanhnghiep.vn

Khó khăn về đơn hàng, xuất nhập khẩu giảm mạnh

Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, trong tháng Hai, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 49,46 tỷ USD, tăng 6,1% so với tháng trước và tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, nếu tính chung hai tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 96,06 tỷ USD, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu giảm 10,4%; nhập khẩu giảm 16%.

Đây là thông tin rất đáng chú ý. Bởi hai tháng đầu năm ngoái, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 110,7 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 55,2 tỷ USD, tăng 13%; nhập khẩu đạt 55,5 tỷ USD, tăng 17%.

Kinh tế toàn cầu gặp khó khăn, nhu cầu tiêu dùng giảm, dẫn tới đơn hàng giảm chính là nguyên nhân khiến xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam gặp khó. Điều này đã được dự báo trước từ cuối năm 2022, khi đơn hàng xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, đặc biệt là dệt may, da giày, thủy sản… giảm mạnh.

Quay trở lại với diễn biến xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, Tổng cục Thống kê cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 2/2023 ước đạt 25,88 tỷ USD, tăng 9,8% so với tháng trước và tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, tính chung hai tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 49,44 tỷ USD, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 11,52 tỷ USD, giảm 21,1%, chiếm 23,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 37,92 tỷ USD, giảm 6,6%, chiếm 76,7%.

Trong hai tháng đầu năm 2023, theo Tổng cục Thống kê, có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 69,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 3 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 45,9%).

Ba mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD bao gồm điện thoại và linh kiện (ước đạt 9,4 tỷ USD, tăng 7,6%); điện tử, máy tính và linh kiện (6,87 tỷ USD, giảm 13,9%); và máy mọc thiếu bị, dụng cụ phụ tùng khác (6,4 tỷ USD, giảm 1,6%).

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, Tổng cục Thống kê cho biết, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 2/2023 ước đạt 23,58 tỷ USD, tăng 2,3% so với tháng trước và giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung hai tháng đầu năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 46,62 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng tư liệu sản xuất vẫn chiếm 93,6% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.

Về thị trường, theo Tổng cục Thống kê, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 13,1 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 14,6 tỷ USD.

Với kết quả như trên, cán cân thương mại hàng hóa tháng Hai ước tính xuất siêu 2,3 tỷ USD. Tính chung hai tháng đầu năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 2,82 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 0,3 tỷ USD).

Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 3,69 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 6,51 tỷ USD.

Trong hai tháng đầu năm 2023, xuất siêu sang EU ước đạt 4,8 tỷ USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 6,4 tỷ USD, giảm 39,8%; nhập siêu từ Hàn Quốc 4,7 tỷ USD, giảm 27,2%; nhập siêu từ ASEAN 1,5 tỷ USD, giảm 23,9%; nhập siêu từ Nhật Bản 237,2 triệu USD, tăng 4,5%.

Nguồn: Báo đầu tư

Lãi suất ngân hàng hôm nay 28/2: Tiếp tục hạ nhiệt, cao nhất 9,5%/năm

Kể từ giữa tháng 2 đến nay các ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất tiết kiệm. Techcombank giảm mạnh lãi suất kể từ ngày 18/2. Lãi suất cao nhất giảm từ 9,2% xuống còn 8,7% (tương đương mức giảm 0,5%) ở kỳ hạn 24 tháng.

GPBank giảm lãi suất tiết kiệm từ ngày 14/2/2023. Ở kỳ hạn 12 tháng, lãi suất giảm từ 9,5% xuống 9,1%. Ở kỳ hạn 6 tháng, lãi suất giảm từ 9,3% xuống 8,9%.

Từ ngày 14/2, Sacombank giảm mạnh lãi suất huy động ở các kỳ hạn dài. Cụ thể, ở kỳ hạn 24 tháng, lãi suất giảm từ 9,25% xuống 8,8%. Ở kỳ hạn 12 tháng, giảm từ 8,9% xuống 8,6%. Ở kỳ hạn 6 tháng, giảm từ 8,5% xuống 8,2%.

Lãi xuất/năm của từng chu kỳ huy động của các ngân hàng

Đến cuối tháng 2, với kỳ hạn 12 tháng, có 7 ngân hàng áp dụng lãi suất 9,5%, gồm Bảo Việt Bank, Đông Á Bank, Kiên Long Bank, Nam Á Bank, PVCombank, SCB, Việt Á Bank. Đây cũng là mức lãi suất cao nhất ghi nhận được tới thời điểm hiện tại.

Xếp sau nhóm 9,5%/năm, các ngân hàng NCB, Bắc Á Bank, MSB, Saigonbank trả lãi 9,4 – 9,45%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.

Ngoài ra, còn có nhiều ngân hàng khác niêm yết lãi suất từ 9%/năm trở lên cho kỳ hạn 12 tháng: là PVComBank, OCB, VPBank, VietBank, HDBank, ABBank, GPBank, OceanBank, VietcapitalBank, LienVietPostBank.

Với kỳ hạn 6 tháng, mức lãi cao nhất thị trường ghi nhận tại SCB và PVCombank là 9,5%/năm. Top 10 nhà băng trả lãi cao nhất đều trên mức 9%/năm.

Tại kỳ hạn 3 tháng, nhiều ngân hàng trả lãi 6%/năm, duy trì ổn định suốt thời gian qua.

4 ngân hàng TMCP Nhà nước niêm yết lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng thấp nhất ở mức 7,4%/năm đối với hình thức gửi tiền tại quầy và trên 8% đối với hình thức gửi tiền online. Trong đó, Agribank và Vietcombank đang là hai ngân hàng duy trì lãi suất huy động mức thấp nhất thị trường.

Bên cạnh việc giảm lãi suất huy động, một số ngân hàng thương mại cũng đang rục rịch giảm lãi suất cho vay. Tuần trước, các ngân hàng MB, Sacombank, Techcombank, SeABank…đã thông báo dành các gói tín dụng ưu đãi cho nhóm khách hàng thuộc lĩnh vực ưu tiên.

Đáng chú ý, Agribank thông báo giảm lãi suất cho vay bất động sản, mức giảm tối đa 3%/năm so với lãi suất cho vay đang áp dụng, lãi suất được giảm không thấp hơn mức cho vay ngắn hạn 12 tháng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường theo quy định của Agribank trong từng thời kỳ.

Nguồn: Cafef

Kinh tế Trung Quốc hướng nội, Việt Nam ứng phó ra sao?

Các giải pháp phục hồi kinh tế Trung Quốc hiện nay được định hình từ cương lĩnh Đại hội lần thứ 20 Đảng Cộng sản nước này. Theo đó, Trung Quốc chủ yếu định hướng tăng trưởng kinh tế dựa vào một số trụ cột kinh tế trong nước.

Tận dụng nội lực

Nhiều thập niên trước, những đợt bùng nổ kinh tế ở Trung Quốc đều được hỗ trợ tối đa bởi nguồn lực công. Giai đoạn 2008 – 2018, các ngân hàng Trung Quốc nhận lệnh bơm tối đa vốn ra thị trường. Nhưng thời kỳ đầu tư, xây dựng cơ bản, cho vay ồ ạt đã khép lại sau khi những doanh nghiệp khổng lồ ngập trong nợ nần.

Từ khi nới lỏng biện pháp chống dịch, các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh muốn tận dụng nhu cầu tiêu dùng nội địa để tái khởi động guồng máy kinh tế hơn là biện pháp đầu tư xây dựng cơ bản, triển khai dự án bên ngoài lãnh thổ.

Dữ liệu chính thức, gồm khảo sát kinh doanh và doanh số bán hàng cho thấy mức tăng trưởng mạnh nhất ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đến từ các ngành dịch vụ, như nhà hàng, quán bar và du lịch. Nghĩa động lực tăng trưởng kinh tế Trung Quốc không còn đến từ nhiều trụ cột lớn như những năm trước.

Trung Quốc đang thắt chặt chính sách tiền tệ, về mặt kỹ thuật là không bơm thêm vốn một cách dễ dãi ra thị trường, thay vào đó kích thích để người dân chi tiêu khoản “đóng băng” sau 3 năm bị phong tỏa bởi đại dịch. Chi tiêu nội địa tăng giúp doanh nghiệp trong nước mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời làm cạn khối lượng tiền mặt trong dân chúng- để tránh lạm phát.

Trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường đưa cả khâu sản xuất và tiêu thụ dựa nhiều hơn vào trong nước, giảm sự phụ thuộc vào bên ngoài, thì các quốc gia có quan hệ thương mại sâu rộng với quốc gia này sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức. Điều này cũng sẽ làm giảm động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Các nhà kinh tế tại Goldman Sachs cho rằng, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ đóng góp thêm 1 điểm phần trăm vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay, chủ yếu thông qua nhu cầu năng lượng cao hơn, nhập khẩu cao hơn và du lịch quốc tế trở lại.

Nhưng, Trung Quốc hiện nay đầy ắp dầu mỏ và khí đốt, nên nhu cầu nhập khẩu không còn cao như trước, thậm chí Trung Quốc nới hạn ngạch xuất sang châu Âu. Ngoài ra, việc tăng cường chủ nghĩa bảo hộ, bảo trợ doanh nghiệp nội địa có thể dẫn đến việc khép bớt những con đường thông quan hàng hóa trên bộ và trên biển.

Ông Robin Xing, Chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Morgan Stanley, đã chỉ ra rằng, trong những năm trước, các cuộc gặp trực tiếp đặc biệt quan trọng đối với hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc, nhưng những tương tác như vậy không dễ dàng được thực hiện trong thời gian tới.

Đối sách của Việt Nam

Trong một số năm trở lại đây, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu cảm nhận “cơn gió lạ” khi hợp tác kinh doanh với đối tác Trung Quốc. Đầu tiên là hàng rào kỹ thuật được nâng cao hơn; hiện tượng đóng biên bất thình lình bảo vệ ngành nông sản trong nước lúc vào vụ,…

“Khủng hoảng thừa” nông sản là bài học xương máu để các nhà hoạch định chính sách Việt Nam tận thấy nhu cầu cấp bách chế biến sâu, mở rộng đối tác đầu tư, thương mại sang phía Tây bán cầu. Một trong những thành tựu nổi bật nhất là biến Hoa Kỳ thành thị trường xuất khẩu lớn nhất, tổng kim ngạch 109,1 tỷ USD năm 2022. Hàng loạt mặt hàng nông sản “đánh chiếm” thị trường ngoài Trung Quốc.

Giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Diễn tiến này phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế Việt Nam. Đây là điều chưa từng có khi buôn bán tiểu ngạch với thương lái Trung Quốc.

Sự biến động chính sách kinh tế Trung Quốc cũng đặt ra đòi hỏi buộc Việt Nam tự hình thành chuỗi cung ứng cho riêng mình – chuỗi cung ứng ngắn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước tham gia cung ứng, thay vì chờ đợi mọi thứ nguyên vật liệu ở bên kia biên giới.

Tuy nhiên trong ngắn hạn, việc Trung Quốc chuyển đổi động lực tăng trưởng ít nhiều có tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam, nhất là hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc. Ngoài ra, tình trạng thâm hụt thương mại của Việt Nam có thể sẽ ngày càng lớn do đồng Nhân dân tệ giảm giá, tăng áp lực cạnh tranh cho những doanh nghiệp nội địa.

Các chuyên gia cho rằng, các cơ quan chức năng Việt Nam cần nâng cao cảnh giác, tăng cường giám sát việc gian lận xuất xứ hàng hóa, trung chuyển hàng hóa bất hợp pháp, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, dẫn đến nguy cơ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị các nước điều tra, áp thuế chống bán phá giá.

Nguồn: Diendandoanhnghiep

Thảm cảnh vắng hoe tại các cảng biển Trung Quốc: Hàng chục nghìn tài xế container thất nghiệp, chủ nhà máy than trời vì không có đơn hàng nước ngoài nào

Theo tờ SCMP, dù Tết Nguyên Đán đã kết thúc từ lâu nhưng các tài xế lái xe tải chở hàng tại Thâm Quyến vẫn chưa có việc làm trở lại. Trên quãng đường cao tốc đến Cảng quốc tế Yantian International Container Terminal, rất nhiều xe tải không có container nằm chờ bên vệ đường vì không có việc. Dòng xe xếp hàng chờ này kéo dài đến cả cây số.

“Đây mới chỉ là một phần nhỏ của cánh xe tải chở hàng thôi, số còn lại phải qua đỗ ở Dongguan hết rồi”, tài xế tên Huang nói về việc các đồng nghiệp đã phải lái xe về Dongguan-tỉnh Guangdong cách 1 tiếng lái xe để đỗ.

Trả lời SCMP, tài xế Huang cho biết mình là người may mắn khi mới dỡ container tại cảng vào cuối tuần trước, nghĩa là ít nhất còn có việc làm. Theo Huang, cảng Yantian có hơn 15.000 tài xế lái xe tải nhưng hiện nay chỉ có khoảng 2.000 người là có việc để làm.

“Thị trường xuất khẩu năm nay là tệ nhất từ trước đến nay. Rất nhiều chủ nhà máy nói rằng thiết bị điện tử, sản phẩm của họ không thể xuất khẩu được do không có đơn hàng từ nước ngoài, trong khi nhiều nhà máy đang dịch chuyển sang Đông Nam Á”, anh Huang ngậm ngùi.

Thảm cảnh vắng hoe tại các cảng biển Trung Quốc: Hàng chục nghìn tài xế container thất nghiệp, chủ nhà máy than trời vì không có đơn hàng nước ngoài nào - Ảnh 2.

Xe tải chở container xếp hàng dài chờ đợi vì không có đơn hàng

Với việc Trung Quốc đang cố gắng hồi phục lại nền kinh tế sau 3 năm liên tiếp cách ly vì dịch Covid-19 là một tin tốt với ngành xuất khẩu. Thế nhưng nhu cầu giảm, xung đột thương mại đã khiến chuỗi cung ứng của ngành này tại Trung Quốc vấp phải khó khăn.

Đối với các tài xế lái xe tải ở Yantian, tình hình hiện nay hoàn toàn trái ngược với 2 năm trước. Vào năm 2021, việc một container trống là điều rất hiếm khi xảy ra do giao thương đông đúc và luôn có các đơn hàng cần xuất khẩu. Thế nhưng giờ đây các tài xế chỉ đơn giản ngồi tụ tập với nhau tại cảng để trò chuyện giết thời gian.

“Những năm trước thì việc tìm một container trống là điều rất khó, nhưng giờ đây số container trống đã xếp thành dãy cao 7 tầng. Chúng được tích lại tại đây kể từ nửa cuối năm 2022. Thậm chí giờ đây không còn chỗ cho container trống nữa vì 7 tầng đã là giới hạn của cảng”, một tài xế tên Xu nói với SCMP.

Vào tháng 11/2022, các quan chức của cảng Yantian cho biết lượng container trống của họ đã lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2020 và chẳng mấy chốc sẽ đạt mức kỷ lục trong suốt 29 năm hoạt động của cảng này.

Nhiều container trống có nghĩa là không có hàng xuất khẩu và cũng chẳng có việc cho cánh tài xế hay chuỗi cung ứng tại cảng Yantian.

“Chúng tôi chẳng có việc làm. Một số bãi chưa container thậm chí đã phải đóng cửa”, một quản lý xin được giấu tên của một bãi chứa container gần cảng Yantian thừa nhận.

CEO Christian Roeloffs của Container xChange, nền tảng trực tuyến hàng đầu về logistic container nhận định số container trống là thước đo quan trọng với tình hình kinh tế thương mại và rõ ràng thế giới đang ở giai đoạn không được sáng sủa cho lắm.

“Việc số container trống ngày càng tăng, giá thuê container liên tục giảm ở nhiều nơi trên thế giới cho thấy nhu cầu nhập khẩu giảm, tăng trưởng kinh tế giảm tốc”, ông Roeloffs nhận định.

Hiện giá thuê container tại hàng loạt các cảng biển Châu Á như Ningbo, Shanghai hay Singapore đã giảm mạnh trong năm vừa qua khiến nhiều chuyên gia lo lắng cho tương lai.

Báo cáo của hãng tư vấn Drewry cho thấy giá một container 12m vào tháng 12/2022 thấp hơn tới 45% so với cùng kỳ năm 2021. Ước tính cho thấy mức giá này sẽ còn tiếp tục đi xuống trong 6-9 tháng đầu năm 2023 trước khi có thể hồi phục.

Trong khi đó, chỉ số Freightos Baltic Index thì cho thấy mức giá vận tải một container 12m từ Châu Á đến bờ Tây Mỹ vào tuần qua là khoảng 1.295 USD, thấp hơn 92% so với cùng kỳ năm trước. Nếu vận tải container này qua bờ đông nước Mỹ thì giá cũng giảm 86% so với cùng kỳ năm trước, còn đến Bắc Âu thì giảm 80%.

Báo cáo mới nhất của Hiệp hội bán lẻ liên bang Mỹ (NRF) ước tính nhập khẩu bằng đường biển của nền kinh tế này trong tháng 2/2023 sẽ giảm 12% so với tháng 1 và thấp hơn 26% so với cùng kỳ năm trước.

“Việc vẫn còn nhiều hàng tồn kho, lạm phát chưa thực sự giảm hoàn toàn, tâm lý tích trữ của người dân vẫn còn cao đều đang ảnh hưởng đến thị trường xuất nhập khẩu”, báo cáo của Freightos nêu rõ.

Tháng 12/2022, Trung Quốc ghi nhận mức xuất khẩu giảm mạnh nhất, 9,9% so với cùng kỳ năm trước, kể từ khi đại dịch bùng phát tại Vũ Hán vào năm 2020. Đồng thời đây cũng là tháng suy giảm xuất khẩu thứ 3 liên tiếp.

Nguồn: SCMP

Lãi suất ngày 24/2: Thêm một ngân hàng giảm mạnh lãi suất tiền gửi từ hôm nay, đã có 2 nhà băng giảm lãi suất cho vay tới 3%

Trong tuần qua, hàng loạt ngân hàng đã thay đổi biểu lãi suất huy động. Chẳng hạn, Techcombank thay đổi từ ngày 18/2. DongABank và OCB áp dụng lãi suất mới từ ngày 20/2. VietCapitalBank áp dụng từ ngày 21/2, LienVietPostBank từ ngày 22/2. Mức điều chỉnh phổ biến 0,3-0,5 điểm %, và thậm chí lên gần 1%/năm.

Chẳng hạn, lãi suất cao nhất của Techcombank giảm từ 9%/năm xuốn 8,7%/năm. DongABank giảm từ 10,35% xuống 9,44%/năm,…

Đáng chú ý, cũng từ hôm nay (24/2), Saigonbank áp dụng biểu lãi suất mới và giảm mạnh ở hàng loạt kỳ hạn khoảng 0,3-0,6%/năm. Theo đó, lãi suất cao nhất tại nhà băng này là 9,1%/năm áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng. Trong khi đó, lãi suất kỳ hạn 6 tháng đã giảm xuống 8,9%/năm, kỳ hạn 12 tháng là 9%/năm, kỳ hạn từ 18 tháng còn 8,7%/năm

Lãi suất gửi tiết kiệm online tại Saigonbank từ ngày 24/2 điều chỉnh ở loạt kỳ hạn từ 6 tháng

Nhìn chung đa phần các ngân hàng đã giảm xuống dưới 9,5%/năm. Hiện những ngân hàng có lãi suất cao nhất là Kienlongbank, SCB, BacABank, PVCombank, DongABank, VPBank,…

Tại nhóm ngân hàng tư nhân lớn, Techcombank và MB đều đang niêm yết lãi suất cao nhất là 8,7%/năm. Sacombank giảm mạnh từ ngày 14/2 xuống còn 8,85%/năm.

Tại nhóm Big 4, lãi suất gửi tại quầy được niêm yết cao nhất là 7,4%/năm, áp dụng cho một số kỳ hạn dài. Trong khi đó, khi gửi online, lãi suất có thể lên 8,2%/năm.

Ngân hàng nào giảm lãi suất cho vay tới 3%/năm?

Lãi suất cho vay cũng đang giảm mạnh thời gian gần đây. Ngày hôm qua (23/2), ACB đã công bố triển khai gói cho vay ưu đãi với mức giảm lãi vay tối đa 3%. Theo đó, từ ngày 23/2/2023, ACB chính thức triển khai gói ưu đãi lãi suất vay có quy mô lên đến 20.000 tỷ đồng cho khách hàng doanh nghiệp (KHDN), khách hàng cá nhân (KHCN) và có mức ưu đãi giảm tối đa 3% lãi vay so với biểu lãi suất. Bên cạnh đó ACB còn giảm tối đa 2% cho khách hàng vay hiện hữu đến kỳ thay đổi lãi suất có giao dịch chính tại ACB.

Ngoài ACB, Agribank cũng giảm 3% lãi suất cho vay. Ngân hàng cho biết những khách hàng có dư nợ vay kinh doanh bất động sản tại thời điểm 31/01/2023 gặp khó khăn do ảnh hưởng của Covid 19 hoặc do ảnh hưởng bởi kinh tế vĩ mô sẽ được Agribank xem xét giảm lãi suất tối đa 3%/năm. Thời gian thực hiện điều chỉnh lãi suất tối đa đến 31/12/2023 và thời gian áp dụng lãi suất điều chỉnh kéo dài từ 31/01/2023 đến hết ngày 31/12/2024.

Đa số ngân hàng khác áp dụng mức giảm 1-2% như Techcombank, SeABank, MB,…. Techcombank đang có gói tín dụng 30.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất 2%, áp dụng cho toàn bộ các doanh nghiệp, đặc biệt chú trọng lĩnh vực sản xuất, thương mại có hoạt động xuất nhập khẩu.

Ngân hàng SeABank vừa qua cũng tung gói ưu đãi 3.000 tỷ đồng, giảm lãi suất cho vay tối đa 1%/năm cho các khoản vay ngắn hạn phục vụ mục đích kinh doanh.

MB thì cho biết bắt đầu từ ngày 10/2 đã áp dụng giảm 1% lãi suất vay dành cho khách hàng doanh nghiệp có doanh thu dưới 100 tỉ. Khách hàng có thể thực hiện đăng ký vay vốn bằng tính năng Giải ngân online ngay trên nền tảng BIZ MBBank để được hưởng lãi suất ưu đãi.

Ngoài ra, VietinBank, Sacombank công bố các gói cho vay với lãi suất ưu đãi từ 7 – 7,5%/năm. Trong đó, VietinBank cho biết các khoản vay có kỳ hạn đến 6 tháng bằng VND, phát sinh mới trong khoảng thời gian từ nay đến hết 30/6/2023 sẽ được VietinBank ưu đãi lãi suất chỉ từ 7%/năm. Gói ưu đãi áp dụng cho các DN SME lần đầu vay vốn tại VietinBank hoặc chưa giải ngân khoản vay trong vòng 6 tháng qua. Gói lãi suất ưu đãi này có quy mô 10.000 tỷ đồng.

Theo Saocombank, đối với khách hàng cá nhân vay vốn với mục đích sản xuất kinh doanh ngắn hạn (bao gồm cả sản xuất nông nghiệp) hoặc tiêu dùng phục vụ đời sống, Sacombank áp dụng mức lãi suất tối thiểu chỉ từ 8,99%/năm. Đồng thời, Sacombank áp dụng mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 7,5%/năm đối với khách hàng doanh nghiệp có nhu cầu vốn để thanh toán hàng nhập khẩu, làm hàng xuất khẩu.

Nguồn: Cafef

Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành mở rộng Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam nhiệm kỳ VI (2018-2023)

Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành (BCH) mở rộng Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) nhiệm kỳ VI (2018-2023) vừa diễn ra tại văn phòng VPPA với sự tham gia đầy đủ của các thành viên BCH Hiệp hội.

Tại hội nghị, sau khi Lãnh đạo Hiệp hội phát biểu khai mạc và thông qua nội dung chương trình làm việc, BCH đã được nghe báo cáo về công tác chuẩn bị cho Đại hội Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam nhiệm kỳ VII (2023-2028) do ông Đặng Văn Sơn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VPPA trình bày.

Theo đó, Đại hội Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam sẽ diễn ra vào ngày 17/3 tại thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Dự kiến BCH khoá mới sẽ có 25 thành viên, tăng 2 thành viên so với BCH khoá VI nhằm đáp ứng sự phát triển ngày càng lớn mạnh của Hiệp hội trong thời gian tới. Dự thảo về định hướng phát triển của ngành giấy theo hướng phát triển xanh, bền vững và kinh tế tuần hoàn cũng được BCH Hiệp hội nhiệm kỳ VI đề xuất.

Dưới sự chủ trì của ông Hoàng Trung Sơn, Phó Chủ tịch VPPA, hội nghị đã thảo luận chi tiết về từng nội dung chương trình làm việc dự kiến của Đại hội. Một trong những nội dung quan trọng được hội nghị dành nhiều thời gian để bàn luận đó là công tác giới thiệu nhân sự để bầu BCH khoá mới; định hướng nội dung các tham thuận chính là những vấn đề thời sự của ngành; dự thảo định hướng, nhiệm vụ phát triển của ngành giấy Việt Nam trong giai đoạn tới nhằm đáp ứng nhu cầu hội nhập và phát triển của nền kinh tế.

Cũng tại Hội nghị, các thành viên BCH đã có nhiều trao đổi về công tác tổ chức, hậu cầu và truyền thông đảm bảo Đại hội Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam khoá VII được tổ chức một cách chu đáo và diễn ra thành công tốt đẹp.

Nguồn: VPPA